GS Cao Chi, người tôn vinh cái đẹp trong vật lý hiện đại
Là người có cơ may được gần gũi và có nhiều dịp trao đổi với anh Cao Chi trong những năm gần đây, tôi thấy ở anh là một người đa tài và uyên bác trong nhiều lĩnh vực, và có thể nói không ngoa rằng, GS Cao Chi – nhà khoa học - nhà sư phạm và người nghệ sĩ. 
Tôi không phải là sinh viên của anh Cao Chi, nhưng có nhiều lần được tham dự các xêmina của anh. Với một giọng Huế dễ thương, với cách trình bày bảng rất nghệ thuật, chữ anh vốn bay bướm, nhưng khi nào dùng chữ to, khi nào dùng chữ nhỏ và viết vào chỗ nào trên bảng anh đều có dụng công cả, tuy nhiên, điều thực sự đặc biệt trong các bài giảng của anh, đó là sự hiểu biết rất sâu sắc những vấn đề mà anh trình bày lại kèm theo những ví dụ rất dí dỏm làm cho người nghe dễ tiếp thu những vấn đề hết sức trừu tượng và phức tạp vốn là những chủ đề anh thường đề cập trong các xêmina. Mấy năm sau khi về nước, tại một xêmina có một loạt bài giảng của GS Cao Chi. Những phương trình tính toán trong các bài giảng đó, sau hơn 30 năm tôi còn chỉ nhớ mang máng, nhưng có một ví dụ mà GS Cao Chi đưa ra về sự phá vỡ đối xứng tự phát thì tôi còn nhớ mãi. Đó là ví dụ có tên là tình huống con lừa Buridan (J. Buridan là một triết gia Pháp, thế kỷ XIV): hai bó cỏ non giống nhau được đặt hoàn toàn đối xứng ở hai bên mõm của một con lừa đói. Song dẫu rằng ta có thể chọn được hai bó cỏ lý tưởng hoàn toàn giống nhau đi nữa thì chú lừa sớm muộn cũng sẽ chén một trong hai bó cỏ đó, nghĩa là con lừa vẫn tự phát phá vỡ đối xứng. Điều thú vị là phá vỡ đối xứng kiểu này lại rất thường xảy ra trong tự nhiên, trong cuộc sống và cả trong … nghệ thuật nữa. Có thể nói rằng, trong số những chuyên gia vật lý hàng đầu của Việt Nam, anh Cao Chi là người có vốn văn hóa chung rộng lớn và phong phú nhất. Và chính cái vốn văn hóa vững vàng đó cộng với vốn kiến thức giàu có và sâu sắc cùng với tài năng sư phạm đã làm nên sự hấp dẫn đặc biệt trong các bài giảng của GS Cao Chi.
Anh Cao Chi sinh năm 1931 ở Kontum, nhưng phần lớn tuổi niên thiếu sống ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định) và Sông Cầu (Phú Yên) xinh đẹp. Anh nổi tiếng học giỏi ở trường Võ Tánh (Bình Định) và trường Lương Văn Chánh (Phú Yên) thời đó. Nhà vật lý Thái Quảng, thủ trưởng cũ của tôi ở ĐH Kỹ thuật Quân sự, trong một lần tâm sự với tôi có kể rằng, thuở nhỏ anh trọ học nhà anh Cao Chi ở gần trường Lương Văn Chánh, và vào thời đó anh Cao Chi đã nổi tiếng là thần đồng Phú Yên. Trước anh, học ở trường Võ Tánh Quy Nhơn có nhà thơ Xuân Diệu và nhóm Bàn Thành Tứ Hữu (Bốn người bạn thơ đất Bình Định) gồm Chế Lan Viên, Yến Lan, Hàn Mặc Tử và Quách Tấn, những nhà thơ trẻ này đã cực kỳ nổi tiếng ở thời đó (và cả sau này nữa) trên thi đàn Việt Nam. Sống trong một vùng đất thơ mộng và đậm đặc không khí văn chương như thế, một tâm hồn lãng mạn và nhạy cảm như anh Cao Chi làm sao có thể không hấp thu. Chỉ cần đọc các bài viết của anh, dù là những bài nói về những thứ khoa học cao siêu và trừu tượng, ta vẫn thấy phảng phất đâu đó chất văn chương kín đáo, mà đặc biệt là những bài anh viết về đối xứng thì cái vốn văn thơ, nhạc họa mà anh đã hấp thu từ thuở hoa niên đã được bộc lộ một cách hết sức tinh tế.
Để kết thúc phần giới thiệu này tôi xin trích dưới đây lời đánh giá vô cùng xác đáng của GS Tạ Quang Bửu sau khi đọc bài báo “Đối xứng, sự phá vỡ đối xứng và nguyên lý của cái đẹp”, một bài viết rất tài hoa của anh đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật (số 5, 1984): “Bạn Cao Chi là một chuyên gia về lý thuyết trường lượng tử và là một nhà toán học sâu sắc, và cái gì bạn ấy viết cũng đều đã được suy tính kỹ, những bài viết của bạn ấy dù là về các vấn đề chuyên môn cũng đẹp về nhiều mặt: ý tứ, lời văn, tình nghĩa và trách nhiệm tương hỗ giữa người viết và người đọc…”. Thiết nghĩ khỏi cần phải nói gì hơn!
Vật lý hiện đại – những vấn đề thời sự |