GS Phùng Hồ Hải: Trở về để thấy mình tự do và có ích

Dù có nhiều cơ hội được làm việc ở các nước có môi trường nghiên cứu khoa học tiên tiến, hiện đại nhưng Phùng Hồ Hải vẫn chọn con đường trở về Việt Nam. Anh nói, trở về Việt Nam để được thấy tự tin hơn, có ích hơn, và tự do hơn...

Cậu học trò chuyên toán yêu sách

Con đường theo đuổi toán học của GS Phùng Hồ Hải được bắt đầu từ một kỳ thi học sinh giỏi cấp quận năm lớp 4. Tự nhận mình vốn học hành không xuất sắc gì lắm nên Phùng Hồ Hải ngạc nhiên khi được cô giáo chủ nhiệm cử đi thi cùng với một bạn học giỏi nhất lớp. “Cô giáo chủ nhiệm đã mất cách đây mấy năm. Có thể cô cũng không biết rằng quyết định của cô tạo ra bước ngoặt – một bước ngoặt có lẽ là lớn nhất đời tôi. Đến giờ tôi vẫn biết ơn cô vì điều này”, Phùng Hồ Hải tâm sự.
 
Kỳ thi học sinh giỏi quận năm đó Phùng Hồ Hải có giải, được Trường Trưng Nhị (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) gửi giấy mời học bồi dưỡng 2 tháng. Hai tháng làm quen với toán, anh tự thấy đó là hai tháng đẹp nhất tuổi thơ anh, bởi được học với thầy Hậu, thầy Ánh – những nhà giáo biết gieo rắc vào tâm hồn trẻ thơ của anh tình yêu toán. Thế rồi anh đỗ được vào chuyên toán, dù chỉ là đỗ lớp B. “Nhớ ngày đầu tháng 9, vào lớp mà không tin là mình được vào lớp. Nhớ bài kiểm tra đầu tiên, được 9 điểm mà không tin là mình được 9. Thế mà đã 30 năm. Thêm 30 năm nữa thì xuôi tay được. Nếu được chọn lại, vẫn không chọn khác”, Phùng Hồ Hải hồi tưởng.

Nhưng đam mê đầu tiên trong cuộc đời Phùng Hồ Hải là sách. Anh mê sách trước khi mê toán, mê ngay từ khi biết đọc chữ. Kỷ niệm đầu tiên in sâu trong tâm trí tuổi thơ anh liên quan tới sách. “Tôi vẫn nhớ buổi chiều đó, tôi đứng bên gốc cây xà cừ trước dãy nhà 73 khu Bách khoa đọc quyển truyện tranh Bà Triệu. Nhớ cảm giác bần thần khi giở tới trang cuối có hình vẽ con voi một ngà của Bà Triệu lầm lũi đi vào rừng núi. Tôi ám ảnh bởi câu nói của bà: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông”. Có lẽ câu chuyện đó mang đến cho tôi bài học đầu tiên về việc chấp nhận thất bại”, Phùng Hồ Hải kể. Dẫu sau này bị tình yêu với toán chi phối, Phùng Hồ Hải vẫn mơ ước điều còn lại gắn bó với cuộc đời mình là sách. Chẳng hạn như sau này khi đã già không còn làm toán được nữa thì về quê mở một thư viện cho trẻ con xung quanh đến đọc.

Anh đặc biệt mê đọc sách lịch sử. Nếu như tình yêu với toán mà Phùng Hồ Hải có được là nhờ sự vun đắp của những người thầy thì tình yêu đối với kiến thức lịch sử của anh là cái tự nhiên mà có. Thậm chí giấc mơ đầu tiên của cậu bé Phùng Hồ Hải là sau này đi học “trường sử”, mặc dù bố mẹ anh đều là những nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Dạo đó, nhà anh ở khu KTX Mễ Trì, xung quanh có rất nhiều giảng viên khoa Sử Trường ĐH tổng hợp, nay là ĐH Quốc gia Hà Nội nên khi nghe anh nói vậy mọi người đều cười. “Lòng yêu nước của tôi được tạo nên bởi những câu chuyện trong cuốn Nghìn xưa văn hiến tập II, tập III và nhiều quyển truyện dã sử khác”, Phùng Hồ Hải cho biết.

Trở về để thấy mình tự do và có ích

Năm 1986, Phùng Hồ Hải là thành viên trong đội tuyển thi Olympic toán quốc tế của Việt Nam tại Ba Lan và anh đoạt huy chương đồng. Trong số 6 thành viên đội tuyển năm đó, chỉ duy nhất anh là người tiếp tục theo đuổi toán đến nay. Anh học toán ở ĐH tổng hợp Lomonosov (Nga) rồi làm nghiên cứu sinh ở ĐH tổng hợp Munich (Đức), bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1996 và sau đó thì trở về Việt Nam làm việc cho đến nay.

Thật ra năm 2003, Phùng Hồ Hải đã cùng gia đình sang sinh sống ở thành phố Essen của Đức. Sau khi được nhận giải thưởng Baedeker dành cho luận án tiến sĩ khoa học xuất sắc nhất của Trường ĐH Duisburg – Essen (Đức) năm 2005, anh được giữ lại giảng dạy tại trường. Sau đó anh tiếp tục đạt được một số thành tích khác như đạt giải thưởng Von Kaven của Quỹ DFG Đức năm 2006, học bổng Heisenberg (từ 2005 – 2010), vì thế nếu tiếp tục ở lại Đức, Phùng Hồ Hải sẽ có cơ hội được phong giáo sư. Bởi lẽ học bổng này là dành cho nhưng người đã đáp ứng các tiêu chí để trở thành giáo sư của Đức.

Nhưng sau 5 năm làm việc ở Đức, anh vẫn quyết định về Việt Nam để trở thành một cán bộ nghiên cứu và giảng dạy của Viện Toán. Phùng Hồ Hải chia sẻ: “Ở nước ngoài nỗi buồn nặng nề hơn nhiều so với khi ở Việt Nam. Có lẽ đó cũng là cảm giác chung của nhiều người xa xứ. Vì thế  mà tôi về để được thấy mình sống thoải mái hơn, tự tin hơn, và có ích hơn. Đặc biệt, tôi được sống trong cảm giác thấy mình rất tự do, tự do theo cái nghĩa tự mình làm chủ chính cuộc đời mình”. Theo Phùng Hồ Hải, nếu ở Đức anh sẽ không hết được mặc cảm của một người làm thuê xứ người, còn về Việt Nam anh cảm nhận rất rõ ý nghĩa của cuộc sống khi nhận thấy những gì anh đang làm chính là góp từng viên gạch xây ngôi nhà chung cho ngành toán trong nước. Đến giờ Phùng Hồ Hải vẫn thấy sự lựa chọn đó là đúng đắn, dẫu đời sống xã hội có nhiều điều làm anh thất vọng.

Phùng Hồ Hải được bổ nhiệm Phó viện trưởng Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam vào tháng 7 năm ngoái. Cũng năm ngoái (cuối năm), Phùng Hồ Hải được nhà nước công nhận chức danh Giáo sư diện đặc cách. 

Tác giả