Hà Nội bị ô nhiễm nhiều hơn về mùa đông

Hà Nội bước vào mùa khô từ tháng mười hàng năm khi không khí lạnh từ phương Bắc kéo về qua lục địa Trung Hoa mang lại cho miền Bắc một thời tiết khô hanh. Độ ẩm không khí xuống đến mức thấp nhất, trời nắng suốt ngày, gió nhẹ. Thời tiết hanh khô và chênh lệch nhiệt độ quá lớn trong một ngày khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Nhưng yếu tố không kém phần quan trọng là ô nhiễm không khí gia tăng mạnh trong điều kiện thời tiết bất lợi này. Bằng mắt thường cũng có thể thấy các trục giao thông chìm ngập trong khói bụi, nhất là về ban đêm.

Nghịch nhiệt làm gia tăng ô nhiễm

 

Đồ thị dưới đây minh hoạ diễn biến hàm lượng bụi khí PM10 có kích thước hạt bé hơn 10 micron do thiết bị quan trắc chất lượng không khí tự động của Trung tâm Khí tượng Thủy văn ghi từng giờ tại trạm khí tượng Láng, Hà Nội trong những ngày cuối tháng 11 vừa qua.
Gió mùa Đông Bắc bắt đầu tràn qua Hà Nội từ ngày 15/11. Cho đến ngày 20/11, chất lượng không khí Hà Nội không tồi lắm nhờ có gió mạnh làm phát tán nhanh các chất ô nhiễm. Nhưng từ ngày 20 trở đi, khi chế độ xoáy nghịch hoàn toàn ngự trị trên một vùng rộng lớn bao trùm miền Bắc nước ta, độ ẩm không khí bắt đầu xuống thấp và gió yếu dần, hạn chế khả năng phát tán của khí quyển, làm tăng mức ô nhiễm, đặc biệt sau lúc chập tối (18:00 giờ) và kéo dài cho đến gần sáng hôm sau. Từ gần trưa đến chiều mức ô nhiễm giảm bớt, sau đó lại tăng lên.
Các nguồn phát ô nhiễm thường hoạt động vào ban ngày nên thông thường ô nhiễm không khí ban ngày cao hơn ban đêm. Nhưng với thời tiết khô hanh nửa đầu mùa đông, hàm lượng các chất ô nhiễm về ban đêm có thể cao hơn ban ngày đến 2-3 lần. Đây là điều mà ít người ngờ tới. Sở dĩ như vậy là vì có hiện tượng nghịch nhiệt do bức xạ về ban đêm. Nói nghịch nhiệt vì trong lớp không khí vài trăm mét gần mặt đất nhiệt độ không khí tăng theo độ cao, khác với diễn biến thông thường theo đó càng lên cao nhiệt độ càng giảm. Trời nắng suốt ngày đốt nóng mặt đất, tối đến mặt đất vẫn còn ấm phát ra bức xạ hồng ngoại. Hơi nước và khí CO2 hấp thụ chúng làm cho lớp không khí sát mặt đất ấm lên và nhiệt độ không khí tăng theo độ cao cho đến vài trăm mét. Càng về khuya lớp nghịch nhiệt dày vài trăm mét này càng dâng lên cao làm cho hàm lượng bụi giảm bớt, nhưng sau đó sương mù thường xuất hiện trước khi mặt trời mọc lại làm gia tăng ô nhiễm vào những giờ cao điểm buổi sáng.
Nghịch nhiệt bắt đầu xảy ra đúng vào giờ cao điểm buổi chiều làm ô nhiễm không khí trầm trọng thêm. Khí độc cùng bụi bặm do xe cộ thải ra và tung lên từ mặt đường khô khốc, từ các bếp đun nấu dùng than chất lượng thấp và chứa nhiều lưu huỳnh, không phát tán lên cao mà cứ tích tụ lại ở lớp sát mặt đất ngày càng đậm đặc. Chẳng may bị kẹt xe hàng giờ vào lúc đầu hôm, bạn có thể hít thở một lượng chất ô nhiễm tương đương với cả một ngày bình thường. Không chỉ có bụi, những khí độc không cho phép vượt quá mức quy định như SO2, NOx, CO  đều gia tăng trong mùa khô, nhất là về ban đêm.
Dấu hiệu có nghịch nhiệt do bức xạ về ban đêm rất dễ nhận ra. Đó là trời nắng suốt ngày, độ ẩm không khí dưới 60-65% và lặn gió vào chập tối. Vào những ngày này, hạn chế ra ngoài đường về ban đêm là cách đề phòng an toàn nhất cho những ai mắc các chứng bệnh nhạy cảm với ô nhiễm không khí như bệnh hô hấp và tim mạch.
Hàng năm ở Hà nội vào nửa đầu mùa đông những đợt nghịch nhiệt về ban đêm thường xảy ra vài ngày sau khi gió mùa đông bắc tràn về và kéo dài có khi suốt mười ngày cho đến khi hướng gió thịnh hành chuyển sang đông nam, để sau đó lại bắt đầu đợt gió mùa đông bắc mới.
Trong nửa sau mùa đông, không khí lạnh thường tràn về qua ngả vịnh Bắc bộ hình thành một kiểu thời tiết ẩm lạnh. Trong thời gian này thường thấy những ngày mù do có lớp nghịch nhiệt lơ lửng suốt ngày đêm ở độ cao vài trăm mét trong chế độ xoáy nghịch cản trở sự phát tán các chất ô nhiễm cả ban ngày lẫn ban đêm. Bụi không phải do xe cộ tốc lên (vì mặt đường bị ẩm ướt) mà từ các nguồn khí thải và do quá trình chuyển hoá từ dạng khí sang những hạt bụi có kích thước rất bé.

Ô nhiễm nhiều hơn vào mùa đông
Những diễn biến thời tiết trên đây làm cho mức ô nhiễm không khí ở Hà Nội về mùa đông cao hơn mùa hè. Cao nhất vào giai đoạn các tháng 12 – 01, gấp 4-5 lần so với giai đoạn các tháng 07 – 08, lúc này mưa nhiều và trời nóng làm cho các chất ô nhiễm dễ tiêu tan và phát tán lên cao. Sự tương phản giữa hai mùa còn do khối không khí lạnh đi qua Trung Quốc mang thêm chất ô nhiễm vào miền Bắc nước ta.
Những hiện tượng trên đã được một nhóm thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt nam nghiên cứu chi tiết từ năm 1998 dùng các thiết bị tách bụi khí ra hai loại có kích thước dưới 10 micron (PM10) và dưới 2,5 micron (PM2,5), sau đó thành phần hóa học của chúng được xác định bằng các kỹ thuật phân tích hiện đại. Nhóm này đã công bố nhiều công trình liên quan đến tác động của chế độ gió mùa Đông Nam Á đối với chất lượng không khí trên các tạp chí quốc tế. Gần đây, một thiết bị quan trắc tự động tại trạm Láng của Trung tâm Khí tượng Thủy văn có khả năng ghi lại diễn biến hàng giờ của 08 chất khí và bụi khí giúp mô tả chi tiết và đầy đủ hơn hiệu ứng gió mùa nói trên.
Mỗi ngày một người bình thường phải hít vào phổi 20 m3 không khí. Thế mà về mùa đông, trung bình một mét khối không khí Hà Nội chứa 45 mg (microgram) SO2, 40 mg NO2, 31 mg O3, 1850 mg CO, 180 mg các chất khí hữu cơ độc hại, 135 mg PM10 và 65 mg PM2,5. Tất cả đều do con người và xe cộ thải ra. Không khí Hà Nội bị ô nhiễm, nặng nhất là bụi do xe cộ tốc lên từ đường sá không được giữ sạch sẽ. Cần phải cắt giảm ít nhất là 85 mg PM10 trong một mét khối không khí về mùa đông để đưa chất lượng không khí ở Hà Nội phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành ở nhiều nước. Một nhóm nghiên cứu quốc tế về tác hại của PM10 đến sức khoẻ người dân Bangkok đã đi đến kết luận rằng cứ giảm được 10 mg PM10 trong một mét khối không khí thì con số tử vong sẽ rút bớt 1-2% về bệnh tim mạch và 3-6% về bệnh đường hô hấp.   
Tờ Time số tháng 12/2004 bàn về ô nhiễm không khí ở châu Á, có trích dẫn một khoa học gia Ấn Độ tính toán rằng người dân thành phố Mumbai hàng ngày hít vào phổi một lượng khí bụi độc hại tương đương với hút hai bao thuốc lá. Người dân Hà Nội cũng được “hút thuốc lá miễn phí” không kém, nhất là về mùa đông.

Giảm bớt bụi bặm và khí thải độc hại phải được xem là một nhiệm vụ ưu tiên của chính quyền và người dân Hà Nội. Đưa thêm một chỉ tiêu chất lượng không khí vào các nghị quyết của thành phố để phấn đấu sẽ là món quà hết sức thiết thực cho người dân thủ đô nhân dịp 1.000 năm Thăng Long lịch sử.

Phạm Duy Hiển 

Nguồn tin: Tia Sáng
   

Tác giả