Hạn chế khai thác nhiên liệu hóa thạch để mức nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C

Một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Đại học College London (UCL) cho thấy đến năm 2050, để hạn chế mức nhiệt nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C, chúng ta phải để lại dưới lòng đất gần 60% trữ lượng dầu mỏ, khí methane và gần 90% lượng than đá.

Các nhà khoa học đã công bố kết quả này trên tạp chí Nature, dựa trên xác suất đạt được mục tiêu hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 1,50C trong thế kỷ này là 50%. Như vậy, muốn tăng khả năng đạt được mục tiêu này, chúng ta sẽ cần cắt giảm sản lượng khai thác nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn và nhanh hơn. 

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô hình hệ thống năng lượng toàn cầu để đánh giá lượng nhiên liệu hóa thạch cần cắt giảm trong khu vực và toàn cầu. Theo đó, trữ lượng dầu mỏ chưa khai thác ước tính dựa trên tỉ lệ phần trăm của cơ sở dự trữ năm 2018. Để đạt mục tiêu khí hậu, chúng ta cần để lại dưới lòng đất 58% lượng dầu mỏ, 59% khí methane và 89% than vào năm 2050.

Dan Welsby  ở Viện Tài nguyên Bền vững UCL, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, “năm 2015, 196 bên đã ký Thỏa thuận Khí hậu Paris, nhằm mục đích giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng trung bình dưới mức 20C, với mục tiêu mong muốn là 1,50C. Kể từ đó, Báo cáo đặc biệt của IPCC về 1,5oC, các Báo cáo khoảng cách sản lượng và Báo cáo IEA Net Zero đã liên tục chỉ ra, phải nhanh chóng cắt giảm mạnh sản lượng nhiên liệu hóa thạch để tiến tới mức phát thải ròng bằng không. Và quỹ đạo khai thác nhiên liệu hóa thạch hiện tại cũng như dự kiến trong tương lai đang đưa chúng ta đi sai hướng”. 

“Bài báo mới của chúng tôi cho thấy sản lượng dầu và khí methane hóa thạch toàn cầu đã đạt đỉnh. Nó cho thấy rủi ro chuyển đổi đáng kể đối với các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn. Chẳng hạn như sản lượng dầu ở Trung Đông sẽ giảm một nửa trong giai đoạn 2020-2050, cho thấy việc đa dạng hóa nền kinh tế, thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn thu từ hydrocarbon là rất quan trọng”, ông nói. 

Nghiên cứu này dựa trên nghiên cứu trước đó vào năm 2015, phát hiện để hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 20C thì nên ngừng khai thác 1/3 trữ lượng dầu, gần 1/2 trữ lượng khí methane (49%) và hơn 80% trữ lượng than.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng Mô hình đánh giá tích hợp TIMES tại UCL (TIAM-UCL), vốn có khả năng nắm bắt các nguồn năng lượng chính – dầu, khí methane hóa thạch, than đá, hạt nhân, sinh khối và năng lượng tái tạo – từ sản xuất đến chuyển đổi (ví dụ sản xuất điện, hydro và nhiên liệu sinh học hoặc lọc dầu), và phân phối để đáp ứng một loạt nhu cầu ở mỗi lĩnh vực sử dụng cuối cùng.

Các quốc gia trên thế giới được thể hiện dưới dạng 16 vùng, cho phép mô tả chi tiết các ngành năng lượng trong các lĩnh vực. Mô hình đã đánh giá các kịch bản khác nhau bao gồm giảm nhu cầu trong các lĩnh vực sử dụng nhiều carbon chính (hàng không và hóa chất) và tính bất định xoay quanh lợi ích và việc triển khai các công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon chính (CCUS) và các công nghệ phát thải âm (NET).

Do đó, Trung Đông phải để lại khoảng 60% trữ lượng dầu và khí trong lòng đất, do cơ sở dự trữ lớn dẫn đến khối lượng dầu khí khổng lồ nơi đây. Ngoài ra, một số khu vực có nhiều dầu mỏ nhưng chi phí khai thác tương đối cao, thì tỉ lệ trữ lượng cần để lại cũng cao, bao gồm 83% dầu cát ở Canada, và 73% dầu siêu nặng ở Trung và Nam Mỹ. Sự khác biệt về tỉ lệ cắt giảm giữa khác khu vực phụ thuộc vào chi phí khai thác, cường độ sản xuất carbon và chi phí của các công nghệ thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.

Ông Welsby cho biết thêm, “Ước tính về trữ lượng cần để lại trong lòng đất và tỉ lệ giảm sản xuất có thể vẫn thấp hơn thực tế do chúng tôi sử dụng ngân sách carbon tương ứng với xác suất 50% đạt mục tiêu 1,50C và việc triển khai các công nghệ phát thải âm vẫn còn nhiều bất định. Tuy nhiên, nếu có ý chí chính trị để thực hiện các cam kết đã đưa ra ở Paris, việc cắt giảm nhiên liệu hóa thạch theo đề xuất trong nghiên cứu là hoàn toàn khả thi”.

Thanh An dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2021-09-limiting-fossil-fuel-global.html

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)