Hành trình đến một giống lúa có gạo ngon thơm

Ngay sau khi rời Viện Lúa Quốc Tế (IRRI) tại Philippines vào tháng 6/1971 để gia nhập vào đội ngũ Trường Cao đẳng Nông nghiệp Cần Thơ, tôi đã có ước mơ đầu tiên là tìm được trong số hàng trăm giống lúa cổ truyền của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) một giống lúa ngon cơm nhất để phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân

Hồ Quang Cua, Nguyễn Thu Hương và Đặng Thị Cúc đang chọn giống lúa ST trên trại giống lúa HQCua ngày 23/1/2003. Ảnh: Võ Tòng Xuân.

Và trên 40 năm nghiên cứu, ước mơ đó đã thành hiện thực, bù lại những ngày phải ăn gạo năng suất cao nhưng không ngon cơm của Viện IRRI.

Tôi phụ trách Ban Sinh Nông, dạy môn “Cây Lúa” và quản lý nông trại vỏn vẹn 3.000 m2 cho sinh viên thực tập nghiên cứu ứng dụng các mặt về trồng lúa và thực hành các thao tác của nghề trồng lúa. Tất cả sinh viên đều rất thích môn học này có lẽ vì đây là cây trồng chính của ĐBSCL và vì có người thầy trẻ từ Viện IRRI về dạy. Trong số những sinh viên nông nghiệp khóa I của trường, có em Nguyễn Thành Nghiệp biểu lộ một đam mê đậm đà nhất với cây lúa. Nghiệp đến từ Chợ Đào thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, xuất xứ của giống lúa Nàng Thơm nổi tiếng ngon nhất của ĐBSCL từ xưa. Nghiệp cho biết lúa Nàng Thơm chỉ thơm khi được trồng trên diện tích chỉ rộng khoảng 500 hecta nơi giao thoa giữa dòng nước ngọt của sông Rạch Đào (từ sông Vàm Cỏ Đông) và dòng nước mặn của rạch Nha Ràm (từ sông Rạch Cát). Năng suất giống lúa mùa này chỉ đạt từ 1,5 đến 2,5 tấn/ha, và gạo chỉ thơm khi được trồng tại chợ Đào mà thôi (do dó gạo Nàng Thơm được bán đầy dẫy các nơi phần lớn là gạo giả cả). Thế là hành trình tìm gạo ngon Việt Nam của tôi đã bắt đầu từ việc nghiên cứu làm thế nào để lúa Nàng Thơm Chợ Đào có thể trồng khắp nơi mà vẫn thơm.

Xây dựng ngân hàng giống lúa ĐBSCL của ĐH Cần Thơ

Giả thuyết của tôi là có thể một chất vi lượng nào đó đã được cây hấp thụ để hình thành một enzyme tạo nên mùi thơm. Tôi đã sử dụng một số nguyên tố vi lượng như kẽm, seleni, lantan, bor, silic, sắt, đồng, magiê, mangan không thành công. Sau ba năm nghiên cứu không thanh công, tôi tạm dừng theo hướng này. Song song đó, tôi giao công việc làm ở nhà cho tất cả sinh viên trong thời gian nghỉ Tết âm lịch: “Sưu tập hạt giống lúa mùa của địa phương em cư trú.” Việc này rất cần thiết trước khi cả ĐBSCL bỏ hết lúa mùa để chuyển sang lúa cao sản ngắn ngày theo chỉ đạo của Nhà nước. Từ sưu tập do sinh viên thực hiện, nhập với một số giống lúa mùa của đoàn chuyên gia nông nghiệp Đài Loan lúc trước 1975, tôi lập nên một ngân hàng giống lúa của ĐBSCL từ năm 1977 để lưu trữ và bảo quản hơn 1.000 giống lúa mùa gồm lúa nổi, lúa mùa sớm, lúa mùa trung, và lúa mùa muộn, trong một tủ lạnh 12 m3 duy trì ở 50C do Hội Các nhà khoa học Mỹ hợp tác với Việt Nam lúc bấy giờ viện trợ.

Lai tạo giống lúa thơm không quang kỳ

Những bông lúa được chọn từ các dòng đang phân ly, phơi trong vườn nhà Hồ Quang Cua. Ảnh: Võ Tòng Xuân.

Hành trình của tôi tiếp tục với những giống lúa địa phương thơm, ngon cơm, như các giống Tàu Hương, Nàng Thơm, Châu Hạng Võ, Nanh Chồn, Huyết Rồng, lấy từ ngân hàng giống lúa của mình, phối hợp với vài gene lúa không quang kỳ, ngắn ngày và kháng rầy nâu nhập từ Viện IRRI. Công tác lai tạo bắt đầu từ 1980 tại Trung tâm NC&PT Lúa ĐBSCL của ĐH Cần Thơ. Đồng thời Viện Lúa Ô Môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng bắt đầu lai tạo giống lúa mới. Qua thời gian, ĐH Cần Thơ cho ra đời 2 giống ngon thơm và ngắn ngày là MTL233 và MTL250, trong khi Viện Lúa Ô Môn cho ra hàng loạt nhiều giống OM trong đó chiếm lĩnh diện tích gieo trồng là giống OM5451 và OM6976. Bên cạnh các giống ngon cơm và hơi thơm này còn có giống Jasmine 85, Đài Thơm 8 và Nàng Hoa 9 cũng được nổi tiếng gạo ngon và hơi thơm. Giống Jasmine 85 một giống lúa thơm do nhà lai giống Henk Beachell của IRRI chọn đưa sang Hoa Kỳ, rồi một số việt kiều mang về Việt Nam; giống Đài Thơm 8 do Công ty Giống cây trồng Miền Nam lai tạo, và giống Nàng Hoa 9 do kỹ sư Lê Hùng Lân (Công ty hạt giống Hoa Tiên TP.HCM) lai tạo và chọn ra.

Tôi để ý thấy giống lúa ngon nhất của Thái Lan là giống Hom Mali, trồng ở vùng Đông Bắc Thái Lan là vùng đất nhiễm mặn do quặng muối nằm sâu dưới đất mặt; giống Nàng Thơm Chợ Đào của Việt Nam cũng là giống trồng ở vùng nước lợ Chợ Đào, thì nếu có giống ngon thơm mới của Việt Nam thì hành trình tìm giống lúa thơm ngon phải hướng về vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu… Sau khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo trở lại vào cuối năm 1989 với loại lúa năng suất cao nhất nhưng chất lượng gạo rất tầm thường phù hợp túi tiền của dân thu nhập thấp, giá rất rẻ. Tôi thấy triển vọng này không cho nông dân trồng lúa cơ hội làm giàu được, nên phải tính phương án bỏ bớt hằng năm một, hai vụ lúa rẻ tiền để thay thế bằng cây hoặc con gì luân canh hoặc song canh với lúa. Như thế, tôi đã đổi tên Trung tâm NCPT Lúa của tôi thành Trung tâm NCPT Hệ thống Canh tác từ năm 1991. Hàng loạt hệ thống canh tác đã được nghiên cứu –điển hình nhất là hệ thống lúa-tôm—nhưng không được nhà nước chính thức công nhận nên nông dân chưa được đầu tư, phải sản xuất tự phát. Song song với chương trinh nghiên cứu hệ thống canh tác, tôi đã bàn và đưa cho Kỹ sư Hồ Quang Cua ít giống lúa thơm lấy từ ngân hàng giống lúa của Viện IRRI. Anh Cua, từ khi còn ngồi trong lớp tại ĐH Cần Thơ cũng đã đam mê với cây lúa, lần này anh quyết tâm với cây lúa thơm ngon của vùng nhiễm mặn ĐBSCL.

Kiên trì thực hiện ước mơ giống lúa ngon thơm cao sản ngắn ngày

Hạt gạo thành phẩm. Ảnh: Võ Tòng Xuân.

 

Với lòng đam mê vô biên, với kiến thức và kỹ năng về cây lúa đã được trang bị trong quá trình đào tạo tại ĐH Cần Thơ, anh Cua đã thuyết phục bà xã Trịnh Kim Tuyến của minh đồng lòng bỏ tiền nhà ra để thực hiện ước mơ này. Anh mua đất ruộng để làm nhà kính lai tạo giống, ruộng cấy dòng phân ly, ruộng nhân hạt giống của nhà lai tạo giống. Xây dựng nhóm cơ hữu gồm kỹ sư Hồ Quang Cua (chọn giống), TS Trần Tấn Phương (lai tạo) và ThS Nguyễn Thu Hương (phân biệt mùi thơm giống) làm việc xuyên suốt cả năm với nhóm công nhân ít nhất 5 người thường trực: từ xử lý hạt giống từng thế hệ, làm nương mạ khô, phân lô cấy hàng nghìn giống đang phân ly, thu cây mới chọn, xử lý hạt giống… cho đến khi trồng so sánh giống đã chọn thuần. Trong suốt hơn 25 năm, nhiều giống lúa ST đã được nhóm Hồ Quang Cua cho ra đời từ ST3, ST5… ST20… Đến năm 2015 tỉnh Sóc Trăng tranh thủ được một nguồn vốn viện trợ của Chính Phủ Canada cho thực hiện đề án “Xây dựng thương hiệu gạo Sóc Trăng.” Tỉnh đã nhờ tôi làm tư vấn kỹ thuật của đề án, đúng vào thời điểm Nhóm Hồ Quang Cua đã chọn được giống ST24. Những bước kế tiếp để xác định ST24 là giống xuất sắc nhất từ trước đến giờ, đạt được tất cả tiêu chuẩn của đề án đặt ra, đã được thực hiện gấp rút. Chúng tôi sang Campuchia tham khảo cách các chuyên gia Úc và Pháp với kinh phí của Ngân hàng Thế giới tài trợ đã giúp Bộ Nông nghiệp Campuchia và các doanh nghiệp tư nhân Campuchia xây dựng thương hiệu gạo ngon từ khâu tuyển chọn, lấy giống tốt nhất trong số những giống lúa cổ truyền, rồi nhân giống để chuyển giao cho nông dân trong hệ thống hợp tác xã nông nghiệp Campuchia, tân trang hoặc xây dựng mới một số nhà máy xay xát lúa gạo, đóng gói bao bì đưa đi triển lãm tại hội nghị quốc tế về lương thực – thực phẩm ThaiFex tại Thái Lan. Đề án của Sóc Trăng cũng được Canada tài trợ kinh phí tham gia hội chợ ThaiFex vào tháng 5/2016 để học tập kinh nghiệm giới thiệu gạo ngon đến khách hàng lớn (chuối siêu thị, chuỗi nhà hàng khách sạn).

GS. Võ Tòng Xuân và kỹ sư Hồ Quang Cua trong Đoàn Sóc Trăng tham dự học kinh nghiệm marketing thương hiệu gạo tại Hội Chợ ThaiFex, Bangkok, Thái Lan.

Trở lại trong nước, nhóm Hồ Quang Cua tổ chức hội thi gạo ngon, lần nào ST24 vẫn là giống được chọn là ngon và thơm nhất. Tự tin vào giống lúa ST24 của mình nhóm Hồ Quang Cua được Đề án Canada cho kinh phí tham dự Hội nghị Quốc tế về Thương mại Gạo lần thứ 9 tại Ma Cao do The Rice Traders tổ chức năm 2017. Cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2017 này đã chọn ST24 vào TOP 3 Giống lúa ngon nhất. Sang đến năm 2018, anh Cua dùng tiền nhà đăng ký tham dự Hội nghị quốc tế về lúa gạo lần thứ 10 tại Hà Nội với giống ST24 lần nữa. Rất tiếc lần này tôi bận họp hội nghị quốc tế khác nên không đi với anh Cua. Và rất tiếc giống ST24 không được chọn. Hội nghị chỉ chọn giống lúa Malys Angkor của Campuchia là gạo ngon nhất thế giới năm 2018.

Với sự kiên trì bền bỉ, vững tin vào gạo ST24 của minh nổi trội hơn giống của Campuchia và Thái Lan, Hồ Quang Cua lại tiếp tục dùng tiền nhà đăng ký cho Đoàn ST sang Manila tham dự với 2 giống ST24 và ST25. Tại hội nghị, đoàn Sóc Trăng may mắn được bới Bộ trưởng William Dar của Bộ Nông nghiệp Philippines đón tiếp niềm nở, người bạn rất thân quen của tôi khi anh ấy phụ trách nhóm nghiên cứu hệ thống canh tác Philippines, và gặp ông Bob Ziegler, cựu Tổng giám đốc vủa Viện IRRI, cũng là bạn thân của tôi. Lần này, đúng như mong đợi của chúng tôi, gạo ST24-25 của Việt Nam được chọn vinh danh gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Trước đó không lâu, tại cuộc thi gạo ngon tại TP Hồ Chí Minh, gạo ST24 của đứng vị trí số 1 so với các giống ngon thơm khác của các cơ quan lai tạo giống lúa Việt Nam.

Cuộc hành trình đến giống lúa có gạo ngon nhất thế giới do nhóm Hồ Quang Cua lai tạo đã được công nhận trong và ngoài nước. Nhưng không vì thế mà ta lơ là với công tác chọn tạo giống lúa mới. Với giống ST24-25 này các nhà khoa học của Bộ Nông nghiệp cần có kinh phí và trang thiết bị để nghiên cứu trình tự bộ gene (genome) của giống để có căn cứ khoa học cải tiến một số gene nhược điểm trong genome, như các gene làm ổn định mùi thơm, gene kháng bệnh đạo ôn, gene kháng rầy nâu, v.v.

Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/hanh-trinh-den-mot-giong-lua-co-gao-ngon-thom/20200113094034761p1c160.htm

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)