Hiệp hội hạt nhân Pháp: Năng lượng hạt nhân – điều kiện tiên quyết để khôi phục kinh tế

Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Hạt nhân Pháp (SFEN), cam kết xây dựng sáu lò phản ứng áp lực (EPR) ở Pháp được kì vọng sẽ trở thành một “cú hích” hiệu quả cho nền kinh tế đất nước trong thời kì khôi phục sau đại dịch COVID-19. Năng lượng hạt nhân đạt đủ ba tiêu chí được đưa ra trong phiên thảo luận về khoản đầu tư dùng trong phục hồi các ngành công nghiệp “Phát thải ít carbon, linh hoạt và hiệu quả”.

Trong những bài viết của mình, SFEN nhấn mạnh Pháp hiện có 57 lò phản ứng cung cấp nguồn điện phát thải ít carbon cho khoảng ba phần tư dân số của quốc gia sử dụng thường nhật và hơn 250 người dùng trong công nghiệp tại 530 địa điểm. Với khả năng “bình ổn giá điện”, năng lượng hạt nhân đang góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho các ngành công nghiệp tại Pháp.

Đầu tư để phát triển

SFEN cho biết, Chương trình bảo trì và đầu tư của Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) gọi tắt là Grand Carénage đã rót 4 tỷ EUR (tương đương 4,3 tỷ USD) mỗi năm nhằm mục đích mở rộng hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân, tuy nhiên hiện nay việc xây dựng các lò phản ứng mới để hỗ trợ khôi phục kinh tế sau đại dịch là mục tiêu đang được ưu tiên hơn cả.

Tháng 1 năm 2020, Bộ Môi Trường Pháp đã “mở cửa” tiếp nhận ý kiến đóng góp từ cộng đồng đối với việc điều chỉnh chiến lược quản lý quá trình chuyển đổi năng lượng được biết đến là “Chương trình năng lượng hàng năm Pluri” giai đoạn 2019-2028.

SFEN tiết lộ: “Việc triển khai xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới sẽ là một giải pháp hiệu quả trong chiến lược phục hồi kinh tế – xã hội từ năm 2021. Ngành công nghiệp hạt nhân đã sẵn sàng trở thành một phần trong chiến lược đó”.

Một so sánh gần đây của Deloitte đề cập đến việc mỗi euro đầu tư vào năng lượng hạt nhân có thể tạo ra 2,5 euro đóng góp vào phần còn lại của nền kinh tế. Nghiên cứu tương tự của SFEN ước tính đến năm 2030, mỗi terawatt điện được sinh ra từ năng lượng hạt nhân sẽ đóng góp 360 triệu EUR vào tổng GDP quốc gia, gấp hơn ba lần so với đóng góp của năng lượng gió. Ngành năng lượng hạt nhân của Pháp đang là đối thủ đáng gờm đối với một số ngành công nghiệp ở châu Âu. Năm ngoái, giá điện dân dụng ở Đức cao hơn 70% so với Pháp do ảnh hưởng từ việc cắt giảm sản lượng điện hạt nhân ở quốc gia này.

Kế hoạch xây dựng ít nhất 6 lò phản ứng áp lực EPR tại ba khu vực dự kiến sẽ tăng năng suất của các nhà máy điện hạt nhân lên 10 gigawatt điện (GWe), tương đương 15% mức điện năng hiện nay. Một số khu vực như Normandy, Hauts de France và Auvergne Rhône-Alpes tình nguyện tham gia dự án này. Tổng mức đầu tư hàng năm vào năng lượng hạt nhân lên tới 2 tỷ EUR, trong khi ngành năng lượng tái tạo cần tới mức hỗ trợ ước tính trị giá hơn 5 tỷ EUR mỗi năm.

Hiệp hội Hạt nhân cho biết: “Triển vọng của chương trình xây dựng trong hơn 20 năm là thiết lập khung thỏa thuận với một số nhà sản xuất nhằm đưa ra những định hướng cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân đầu tư vào máy móc công nghệ và đào tạo các kĩ năng cần thiết từ năm 2021”.

Là ngành công nghiệp lớn thứ ba của Pháp, ngành công nghiệp hạt nhân tạo ra hơn 220.000 việc làm một cách trực tiếp hay gián tiếp và hơn 80% các công ty tham gia xây dựng lò phản ứng EPR đến từ Pháp. Đây là một tỉ lệ việc làm được SFEN đánh giá rất “khả quan” so với các ngành năng lượng khác, chẳng hạn, đối với năng lượng mặt trời và năng lượng gió, Pháp vẫn luôn phải phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.

Mỗi dự án EPR tạo ra 8350 việc làm trong giai đoạn xây dựng và duy trì 1600 nhân sự trong suốt quá trình vận hành kéo dài 60 năm của một tổ máy. Do đó, đầu tư vào lĩnh vực điện hạt nhân có tác động tích cực đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ bao gồm cả các công ty hoạt động trong các ngành công nghiệp khác, tạo ra tổng doanh thu lên tới khoảng 47,5 tỷ EUR.

Dự án xây dựng lò phản ứng mới vào những năm tới nhằm múc đích củng cố sức mạnh và tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp hạt nhân. Sự giảm sút lao động trong lĩnh vực hạt nhân trên toàn châu Âu trong hai thập kỷ qua bắt nguồn từ việc “vắng bóng” các dự án mới, đồng nghĩa với việc Pháp phải “tái cấu trúc lại toàn bộ ngành công nghiệp” nhằm xây dựng tổ máy 3 Flanville tại Pháp và tổ máy 3 Olkiluoto ở Phần Lan. Tuy nhiên, nhờ những dự án này, EDF và Framatome đã phê chuẩn cho hơn 600 nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ ở cấp độ hạt nhân (nuclear-grade level).

SFEN tự tin với thiết kế lò phản ứng thế hệ 3 của Pháp đã được chứng minh bởi hai lò phản ứng EPR đang hoạt động thương mại tại Taishan, Trung Quốc và lò phản ứng Flamanville-3 vừa hoàn tất các thử nghiệm nóng chảy. Hiện EDF đang tiếp tục cải tiến thiết kế đơn giản và tối ưu hóa lò phản ứng EPR2 được đánh giá bởi cơ quan an toàn hạt nhân Pháp (Autorité de sûreté nucléaire).

Phát thải ít carbon

Đổi mới các nhà máy điện hạt nhân là yêu cầu bức thiết để đạt được các mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050 của Pháp nói riêng và của toàn châu Âu nói chung.

Tháng trước, Ủy ban Khí hậu cấp cao (le Haut conseil pour le climat) đã đưa ra kết luận: “Đối phó với khủng hoảng kinh tế, xã hội, tài chính đang đến gần và khôi phục lại toàn bộ nền kinh tế cần phải kết hợp các biện pháp giải quyết vấn đề khí hậu”. Các dự án đầu tư ưu tiên hướng tới xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững và ủng hộ giảm thiểu carbon.

Theo Hiệp hội Hạt nhân, ngành sản xuất điện của Pháp được biết đến là ngành công nghiệp phát thải ít carbon: Lượng khí thải CO2 trung bình ở quốc gia này luôn dưới 50g/kWh, thấp hơn các nước láng giềng như Đức với khoảng 400g/kWh và Italia ở mức 260g/kWh. Những con số ấn tượng này đạt được nhờ vào việc kết hợp hiệu quả giữa sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời và điện gió từ các nhà máy điện hạt nhân.

Năng lượng hạt nhân là một trong những công nghệ giúp giảm lượng khí thải. Trong khoảng thời gian từ 1980 đến 1985, nhờ vào chương trình năng lượng hạt nhân, Pháp đã giảm 20% lượng khí thải CO2 mặc dù tăng trưởng GDP chỉ duy trì ở mức 8%. Trong suốt 10 năm vận hành nhà máy điện Fessenheim, quốc gia này lại một lần nữa thành công trong việc giảm tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện từ 55% xuống còn 10%. Theo SFEN, để nguồn điện carbon thấp đóng vai trò khử cacbon theo thời gian, Pháp cần ngay lập tức triển khai các chương trình hạt nhân mới. Do tốc độ phát triển nhanh chóng vào thập niên 1980 nên đến năm 2050, phần lớn các lò phản ứng hạt nhân hiện tại đều đạt tuổi thọ 60 năm. Tuổi thọ cao đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ xảy ra hiện tượng ‘cliff-edge effect’ làm giảm độ an toàn các nhà máy này.

SFEN cho biết thêm: “Ngay cả khi đã đạt được những tiến bộ về kinh tế – kỹ thuật vào năm 2030-2050, thì hiện tại chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát được tính khả thi, chi phí hay những rào cản của việc hệ thống kết hợp giữa các dạng như năng lượng tái tạo (không liên tục), lưu trữ khí sinh học và nhiên liệu hóa thạch cùng với việc thu giữ carbon. Cho đến nay, các tổ chức quốc tế lớn tin rằng các công nghệ phát thải carbon thấp như năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân cần phải được thực hiện đồng thời với mục tiêu ngành điện không phát thải vào năm 2050. Tuy nhiên, những khó khăn đưa ra dường như không thể cản bước Pháp, nơi được coi là tham chiếu của cả thế giới về việc sử dụng và kiểm soát công nghiệp công nghệ hạt nhân”.

Việc trì hoãn các dự án khởi công xây dựng hạt nhân mới có thể khiến Pháp phải khẩn trương xây dựng các nhà máy điện chạy bằng khí đốt thải ra lượng lớn khí nhà kính; tương tự như những gì đã xảy ra ở Nhật Bản sau ​​quá trình tái khởi động chậm chễ các nhà máy điện hạt nhân, hay trường hợp của New Jersey và New York. Theo kế hoạch giảm thiểu cacbon EUCO30 của Ủy ban châu Âu, EU cần đáp ứng 110 GWe năng lượng hạt nhân vào năm 2050 để đạt được các mục tiêu khí hậu.

Tính bền vững

Việc đổi mới tổ hợp các nhà máy điện hạt nhân là yêu cầu bức thiết nhằm duy trì tính bền vững của hệ thống điện trên toàn đất nước trước những “cú sốc” bất ngờ trong tương lai. Tính bền vững bao gồm cả sự chuẩn bị để đối phó với những tình huống không thể lường trước như đại dịch toàn cầu và thay đổi linh hoạt để thích nghi với từng hoàn cảnh.

Cá nhà máy hạt nhân của đất nước đã hỗ trợ ngành y tế trong việc cung cấp nguồn điện liên tục. Hiệp hội SFEN cho biết thêm: “Trong suốt thời gian qua, các nhà máy điện hạt nhân Pháp liên tục điều chỉnh sản lượng theo sự thay đổi nhu cầu và nguồn cung từ năng lượng tái tạo nhằm mục đích ứng phó với những biến đổi của năng lượng điện mặt trời và năng lượng điện gió từ các nước láng giềng”.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhấn mạnh thực tế năng lượng hạt nhân là một trong những nguồn năng lượng linh hoạt, đặc biệt phù hợp để kết hợp với các dạng năng lượng tái tạo khác trong lĩnh vực cung cấp điện ở Châu Âu.

Hiệu quả

Năng lượng hạt nhân là “trụ cột chính của ngành năng lượng” giúp Pháp tự phòng vệ trước những ảnh hưởng từ thị trường năng lượng thế giới như “cú sốc thiếu hụt dầu mỏ” và “cú sốc chống lại sự phát triển của khí đốt”. Vào năm 1970, hai phần ba sản lượng điện năng của Pháp sinh ra từ nhiên liệu hóa thạch (than, dầu và khí đốt), nhưng nhờ năng lượng hạt nhân, ngày nay, tỷ lệ này chỉ còn ở mức 7%.

Chi phí sản xuất điện hạt nhân rất dễ kiểm soát bởi uranium chỉ chiếm 5% tổng chi phí sản xuất. Ngoài ra, thị trường uranium khác với thị trường của các loại nhiên liệu khác do rủi ro địa chính trị của nguồn nguyên liệu này luôn ở mức thấp hơn 40% trữ lượng uranium hiện nay nằm ở các nước thuộc khối OECD (Organization for Economic Cooperation and Development) và phần lớn uranium dùng trong thương mại thường được trao đổi thông qua kí kết các loại hợp đồng dài hạn.

Bản thân Pháp sở hữu chuỗi cung ứng uranium lớn mạnh, khối lượng uranium do EDF nắm giữ có khả năng duy trì sản xuất trong vòng hai năm, đối lập với trữ lượng nhiên liệu hóa thạch hàng năm chỉ đủ tiêu thụ trong vòng chưa tới 6 tháng. Quốc gia này hiện cũng đang giảm nhu cầu sử dụng uranium tự nhiên bằng cách tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng (10% sản lượng điện hạt nhân của Pháp được sản xuất theo cách này). Cuối cùng, Pháp đang sở hữu kho dữ trữ uranium độ giàu thấp có thể thay thế uranium tự nhiên bất cứ lúc nào thông qua quá trình làm giàu và chuyển đổi.

Tập đoàn EDF, là công ty hàng đầu trên thế giới về quản lý các nhà máy điện hạt nhân, luôn chiếm được lòng tin những quốc gia như Trung Quốc, Nam Phi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, v.v. nhờ kinh nghiệm trong vận hành và hệ thống an toàn. Các công ty khác như Orano và Framatome cũng đang dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực chu trình nhiên liệu và sản xuất hệ thống, linh kiện điều khiển. Thống kê cho thấy hơn 50% các công ty của Pháp trong ngành hạt nhân đều xuất khẩu sản phẩm với tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt khoảng 5 tỷ EUR hàng hóa và dịch vụ mỗi năm.

Hiện nay, Pháp vẫn chưa thể xây dựng các lò phản ứng thế hệ 3 tiếp theo do thiếu hụt những dự án đầu tư cho công nghiệp, trái ngược với các quốc gia khác như tập đoàn Rosatom của Nga liên tục ký được các hợp đồng xây dựng các lò phản ứng mới trong suốt 14 năm qua và đang có khoảng 30 dự án được tiến hành.

Trần Thiện Phương Anh/VINATOM dịch

Nguồnhttps://www.world-nuclear-news.org

Tác giả