HÒA LẠC SẼ LÀ MỘT THÀNH PHỐ KHOA HỌC
Được thành lập cách đây gần 10 năm, Chính phủ đặt kỳ vọng Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc sẽ trở thành "yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là cầu nối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ cao mới; là điểm thử nghiệm, thí điểm rút kinh nghiệm cho việc đẩy mạnh phát triển các Khu công nghệ cao trong cả nước". Nhưng việc triển khai xây dựng khu CNC này dường như đình trệ cho đến cuối năm 2006. Trong cuộc trao đổi với Tia Sáng, ông Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết:
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Bộ trưởng KH&CN Hoàng Văn Phong về kế hoạch phát triển Khu CNC Hòa lạc |
Việc quảng bá hình ảnh Khu CNC này cũng không thích hợp: nó từng được tuyên truyền với những thuận lợi hết mức về ưu đãi, về cơ sở hạ tầng… Nhưng khi nhà đầu tư đến thì đâu có như vậy… Có thể nói không ngoa, chỉ là một khu đất hoang sơ.
Nhưng đến nay, thì tình hình Khu CNC Hòa Lạc đã khác: tiến độ giải phóng mặt bằng được đẩy nhanh, nhiều tập đoàn, nhiều công ty công nghệ cao lớn đã cam kết đầu tư… Nguyên nhân có nhiều. Nhưng theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất là sự vào cuộc quyết liệt của Thủ tướng chính phủ và sự chỉ đạo sát sao hơn của lãnh đạo Bộ KH&CN trong tất cả các khâu mà điển hình là việc giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư.
Ông có thể cho biết cụ thể việc “vào cuộc” của Chính phủ trong kêu gọi đầu tư?
Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 11/2006, Chính phủ hai nước đã xem Khu CNC Hòa Lạc là 1 trong 3 dự án ưu tiên hợp tác. Phía Nhật cam kết sẽ tăng cường vốn ODA để phát triển cơ sở hạ tầng cho khu CNC này. Cũng thời gian đó, tập đoàn Mitsui và hai công ty thuộc tập đoàn này (ngân hàng Sumitomo Mitsui và công ty bảo hiểm Mitsui – Sumitomo) đã ký một biên bản ghi nhớ về xúc tiến đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc với Bộ KH&CN.
Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, về phía Ban Quản lý đã có những biện pháp gì?
Bắt đầu từ việc Ban Quản lý xác định nguyên nhân quan trọng nhất gây chậm trễ là chưa có quy hoạch chuẩn xác. Ở đây, “quy hoạch chuẩn xác” có nghĩa là hình dung được khu CNC Hòa Lạc trong tương lai sẽ hoạt động như thế nào. KHCN thế giới thay đổi chóng mặt, trước kia khu CNC có cáp quang đã là “ghê gớm” rồi, nhưng nay công nghệ Wimax đã thay thế. Tháng 4 vừa rồi, việc điều chỉnh quy hoạch bắt đầu triển khai theo hiệp định đã ký giữa Bộ KH&CN với JICA (Nhật Bản). Theo kế hoạch, đến quý IV này, đồ án Quy hoạch sẽ được báo cáo và trình Thủ tướng phê duyệt.
Thay đổi căn bản trong bộ máy quản lý, điều hành Khu CNC Hòa Lạc với phần đông là những người làm quản lý ở tuổi dưới 40, thậm chí dưới 30. Số phòng ban cũng được tinh giản và Ban Quản lý hoạt động theo cơ chế khoán kinh phí
Vấn đề “khúc mắc” nhất là giải phóng mặt bằng (gần 10 năm mới giải phóng được 200 ha) đã được chuyển giao từ Ban Quản lý về UBND tỉnh Hà Tây nên chỉ 6 tháng vừa qua cũng đã giải phóng thêm được 200 ha. Dự tính năm trong năm 2007 này sẽ giải phóng tổng cộng 400 ha.
Cách thức tuyên truyền về Hòa Lạc cũng phải thay đổi. Vừa rồi trả lời phỏng vấn Hãng tin kinh tế Bloomberg, tôi cũng thẳng thắn thừa nhận những yếu kém về hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc, đồng thời nhấn mạnh thông điệp: Khu CNC Hòa Lạc nhất định sẽ thay đổi, đặc biệt là khi nó được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo.
Như ông vừa kể, nhiều nhà đầu tư từng thất vọng vì cơ sở hạ tầng của Hòa Lạc? Hạ tầng của Khu CNC Hòa Lạc của bản quy hoạch “mới” như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Nhà đầu tư HMI (Hàn Quốc) ký cam kết đầu tư với Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc |
Tôi cho rằng điểm then chốt trong hạ tầng của một khu CNC là “kết nối: kết nối về đường, viễn thông, điện… Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã để xuất vị trí cầu vượt và đường rẽ từ đường cao tốc Láng – Hòa Lạc vào khu CNC để bảo đảm giao thông thuận tiện cho Khu CNC. Ngoài ra, hệ thống đường nối khu CNC với cảng Hải Phòng, sân bay Nội Bài cũng đang tiến triển tốt. Đến nay các dịch vụ viễn thông cơ bản do Tập đoàn bưu chính viễn thông và Tổng công ty Viễn thông quân đội cung cấp đã đáp ứng được nhu cầu trước mắt. Ban Quản lý cũng đã thỏa thuận với Tập đoàn Điện lực bảo đảm cung cấp điện cho Khu CNC; Công ty Điện lực I đang lập dự án xây dựng đường dây 22kv cung cấp điện độc lập thứ hai cho Khu CNC. Thử tưởng tượng khi đã đi vào hoạt động, nếu điện hay kết nối viễn thông bị “đứt” chỉ trong một ngày thôi, thì nhà đầu tư sẽ mất cả triệu “đô”. Vì thế chúng tôi phải bảo đảm “kết nối” không bao giờ bị ngắt quãng.
Một số điều kiện cơ sở hạ tầng khác cũng rất quan trọng. Chúng tôi dự tính trong tương lai, Khu CNC Hòa Lạc mỗi ngày sẽ cần tới 60.000m3 nước sạch, trong khi hiện thành phố Buôn Mê Thuột cũng chỉ cần khoảng 50.000m3 nước/ngày.
Từng được kỳ vọng là Khu CNC số một của Việt Nam, nhưng giờ nhà đầu tư “nổi tiếng” là Intel đã chọn Khu CNC TP. HCM. Theo Thứ trưởng, trong tương lai Khu CNC Hòa Lạc có lấy lại “vị trí số một” như kỳ vọng? Khi ấy, lợi thế cạnh tranh của Hòa Lạc sẽ là gì?
Chúng tôi không chỉ cạnh tranh với khu CNC trong nước mà phải tính đến cạnh tranh với các khu CNC nước ngoài. Hàn Quốc có Techno Park, Đài Loan có Tân Trúc, Trung Quốc có Quan Trung Thôn, Đại Liên… So với những khu CNC đó, mô hình của Khu CNC Hòa Lạc có khác. Thực tế, đây sẽ là một thành phố khoa học với trung tâm nghiên cứu, đào tạo, R&D, khu công nghiệp…
So với Khu CNC Tp HCM, Khu CNC Hòa Lạc vừa xa cảng biển, vừa xa sân bay hơn. Trong khi đó, mọi ưu đãi về chính sách thì Khu CNC Hòa Lạc có gì thì Khu CNC TP HCM có cái đấy. Chúng tôi cũng không thể cạnh tranh về giá được, vì giá “trần” lẫn giá “sàn” đều do Nhà nước quy định rồi. Vì thế chúng tôi xác định: cạnh tranh bằng tổ chức tốt, bằng sự thân thiện với nhà đầu tư và thủ tục đơn giản. Đúng là các ưu thế về địa lý cần thiết thật, nhưng thử đặt mình vào vị trí nhà đầu tư, nếu có đạt được lợi nhuận hàng chục triệu USD/năm thì chi phí vận chuyển chiếm tỷ trọng không lớn, nhất là với sản phẩm công nghệ cao. Vừa rồi tôi có tiếp xúc với một nhà đầu tư trong Nam, sau khi làm việc với Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc, ông này đã bay ngược ra Bắc để đầu tư.
Tuy nhiên không thể so sánh “tầm” của Hòa Lạc với các khu CNC khác, vì kết cấu của nó khác.
Vài năm tới, khi hoàn thành cơ sở hạ tầng, ông hình dung diện mạo của Khu CNC Hòa Lạc sẽ ra sao?
Thời gian gần đây liên tiếp có các nhà đầu tư đến Khu CNC Hòa Lạc. Ước tính tổng cộng có khoảng 200 nhà đầu tư đã đến đây từ đầu năm đến nay. Từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 3-5 nhà đầu tư xây nhà máy. Các dự án khác là Tổ hợp Công nghệ bao gồm trung tâm nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực CNTT của Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hà Nội Telecom), Phòng Thí nghiệm quốc gia, Bể thử mô hình tàu thủy quy mô lớn của Vinashin… Từ cuối quý IV năm nay và đầu quý I năm sau sẽ có một loạt dự án của trong và nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, trước hết là CNTT, bưu chính-viễn thông, điện tử-cơ điện tử, robot, tự động hóa, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học, công nghệ nano với suất đầu tư khoảng 150 – 120 triệu đồng/ha (tương lai lâu dài, chúng tôi phấn đấu suất đầu tư khoảng 10 triệu USD/ha). Các khu chức năng bao gồm khu công nghiệp CNC, khu dịch vụ, khu phần mềm, khu R&D, khu đào tạo… sẽ được quy hoạch để có thể tiếp nhận các nhà đầu tư.
Đến tháng 9 này, nếu quay lại Khu CNC Hòa Lạc, bảo đảm các nhà đầu tư sẽ thấy diện mạo Khu CNC này khác hẳn.
Tôi được biết khu CNC Tân Trúc của Đài Loan có tổng vốn đầu tư 35 tỷ USD, vậy mà năm 2005 họ làm ra 30,7 tỷ USD và thu hút 113.000 lao động, tương đương một nửa GDP của Việt Nam. Khu CNC Quan Trung Thôn ở Trung Quốc sử dụng 450.000 lao động, làm ra 49 tỷ USD mỗi năm. Như vậy, CNC tạo ra nguồn thu khổng lồ. Trong lúc đó, Đồng Nai có hàng loạt khu công nghiệp rộng hàng nghìn ha, hầu hết gần lấp đầy và cũng đã sử dụng hơn 300.000 lao động nhưng cũng chỉ tạo ra gần 5 tỷ USD mỗi năm.
So sánh như vậy sẽ thấy được vấn đề hiệu quả của khu CNC lớn đến chừng nào. Vì vậy, với một ước muốn rất lớn sớm xây dựng Khu CNC Hòa Lạc trở thành “điểm thử nghiệm, thí điểm rút kinh nghiệm cho việc đẩy mạnh phát triển các Khu công nghệ cao trong cả nước” như kỳ vọng của Chính phủ.
Xin cám ơn Thứ trưởng.
PV thực hiện
Các dự án đã chuẩn bị đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc:
-Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel): Xây dựng Trung tâm dữ liệu dự phòng và phát triển CNTT, vốn đầu tư 50 triệu USD.
-Công ty cổ phần phát triển đầu tư công nghệ FPT: Xây dựng Trung tâm phần mềm FPT, vốn đầu tư: 70 triệu USD.
-Công ty Thuận Phát: Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bo mạch điện tử và điện thoại di động, vốn đầu tư: 70 triệu USD.
-Công ty cổ phần tin học và tư vấn xây dựng (CIC): Xây dựng nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng và thiết bị điện tử, vốn đầu tư: 27 triệu USD.
-Trung tâm Laser – Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ KH&CN: Xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị y tế kỹ thuật số, vốn đầu tư: 3 triệu USD.
-Công ty TNHH Điện tử Noble: Sản xuất linh kiện điện tử và Robot công nghiệp, vốn đầu tư: 10 triệu USD.
-Tập đoàn V – Cap Hoa Kỳ: Xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử, vốn đầu tư: 225 triệu USD.
-Tập đoàn Samsung: Xây dựng nhà máy sản xuất máy in và các thiết bị điện tử với số vốn 50 triệu USD
…
(Nguồn: Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc)