Hoàng Quýnh: Một chân dung quyền lực triều Minh Mệnh

Trong sự vận hành của bất cứ hệ thống chính trị nào cũng có những gương mặt "dưới một người, trên muôn người’’, tuy phẩm hàm của họ không cao và tên tuổi của họ không phải lúc nào cũng được biết đến. Nhiều người trong số này đã bị lịch sử bỏ qua, khắc họa một cách mờ nhạt. Mặc dù vậy, họ là những người thân cận của quyền lực trung tâm, ảnh hưởng tới các quyết sách vĩ mô. Những người này thậm chí có khả năng tác động tới hệ thống các quan chức cao cấp hơn mình bởi vì họ có được niềm tin của các vị quân vương, các thủ tướng, và nguyên thủ. Hoàng Quýnh, một quan chức thời Minh Mệnh chưa bao giờ vượt quá phẩm hàm tòng nhị phẩm (2B, Hàm Thứ trưởng) là một trong những người như vậy.


Bộ Công, trong bộ tranh “Triều đình Huế” (la Cour de Hué) do Nguyễn Văn Nhân thực hiện năm Ất Mùi – 1895, dưới triều Thành Thái. Nguồn: baothuathienhue.vn

Khi những người Pháp ở Huế nói rằng Minh Mệnh, nhà vua mới lên ngôi, quay lưng lại với nhiều cựu thần, và đưa vào mạng lưới của mình những người trẻ tuổi thân tín, một trong số những nhân vật hàng đầu này là Hoàng Quýnh. Ông góp mặt trong sự thành lập Văn Thư phòng (Văn phòng hoàng cung của nhà vua) ngay sau khi Minh Mệnh lên ngôi, và sẽ phụng sự nhà vua mới cho tới khi mất (1840, mất trước Minh Mệnh 8 tháng).

 

Cánh tay đắc lực của Minh Mệnh

 

Chúng ta biết gì về nhân vật này? Đại Nam Thực lụcĐại Nam Liệt truyện mô tả ông như một người cứng rắn, ngay thẳng, hiểu được ý tứ của Minh Mệnh, vì thế được nhà vua yêu mến:

“Quýnh vốn là người ngay thẳng, gặp việc dám nói, vua cũng dung nạp”.

“Quýnh là người ngay thẳng, gặp việc dám nói, thật là tiếng sang sảng ở trong sắt [cứng cáp, ngay thẳng, không a dua]. Lúc trước, bị trích đi sang Quảng Đông, cùng với người Việt Đông là Mạc Trì, Lưu Văn Lan, Tiền Đường là Liên Tiên, người bản quốc là Lý Văn Phức kết làm hội Quần anh, văn thơ đi lại… Hai lần vào làm việc ở [Nội] Các, ứng chế phần nhiều xứng ý vua… Tài làm văn tinh nhanh. Vua thương yêu lắm. Kịp khi chết, thưởng trả lại hàm Bố chính, cấp cho 200 quan tiền. Con là Gia Kỵ lấy Mỹ Điền công chúa”.

Chúng ta biết rằng ông được nhà vua phái đi trong nhiều sứ mệnh, giao cho những công việc quan trọng, tin cẩn, và chia sẻ với ông nhiều điều ‘thầm kín’. Chúng ta cũng biết rằng tính cách của ông cũng tạo ra nhiều “scandal” chính trị. Dưới bàn tay của ông, nhiều quan chức đã bị lao đao, giáng, cách chức, trong đó có Nguyễn Công Trứ bị giáng làm tri huyện năm 1831.

Mùa thu năm 1825, Tham tri Hình Bộ Nguyễn Hữu Nghi và Hoàng Quýnh được cử giám sát việc thi cử ở trường Nghệ An. Khi phát hiện quan đốc học Nghệ An nộp quyển thi phần nhiều có tỳ vết sót mất, lại cho riêng học trò thi ăn mặc giả làm người hầu đi lẫn vào, hai người này tức thì đuổi ra, sai người mang bài “phụng chỉ” gọi là vương mệnh bài. Họ lại triệu Phan Bảo Đĩnh là Tư nghiệp hưu trí làm thay công việc ấy. Tới kỳ đệ nhất, học trò hơn một trăm người mất quyển kêu van ở ngoài cửa trường, Quýnh cho đến sớm mai tục thi rồi làm sớ tâu lên. Vua bảo bộ Lại rằng: “Theo lời tâu của bọn Quýnh, dẫu việc bởi quyền biến mà làm, nhưng phần nhiều không hợp, như bài phụng chỉ lại gọi là bài vương mệnh, và tự tiện cho học trò tục thi, cử động sao lại khinh suất như thế!”

Tố cáo của các quan lại sau đó cho thấy câu chuyện không đơn giản như thế. Khi Quýnh tới Nghệ An, một viên Phó vệ úy, vì chỉ dẫn nhầm nhà công quán (dành cho quan lại đi việc công) mà bị ông đánh mắng, làm nhục. Không dừng lại ở đó, hai viên chức này còn cho tập hợp “Đốc học và các phủ huyện thuộc trấn ở công quán, sai cử những học trò họ biết, ghi lấy họ tên, và khi điểm duyệt nhận những mảnh giấy ghi tên, đưa biên hiệu vào nội trường, phê lấy đỗ những người hỏng. (Kỳ đệ nhất đã hỏng mà lại lấy đỗ là 36 người, nhân đó, mà đỗ sinh đồ 6 người. Kỳ đệ nhị, đã hỏng mà lại lấy đỗ là 21 người, nhân đó mà lấy đỗ hương cống 10 người). Lại ngày ra trường hát xướng uống rượu lan man, họp các hương cống mới đỗ đánh bạc chơi bời”.

Minh Mệnh giao đình thần nghị xử. Các quan văn yêu cầu cách chức, quan võ yêu cầu án chém. Cuối cùng, nhà vua kết luận, “Nguyễn Hữu Nghi và Hoàng Quýnh quen tính làm càn, việc sai trái, đành là có tội; nhưng việc ăn hối lộ không có một chút hình ảnh gì, nếu ghép vào cực hình thì giống như quá nặng. Vũ Xuân Cẩn hặc tâu như thế thực có lòng báo oán, nếu lấy cớ đã phát giác mà tha tội thì là nhân việc công báo thù riêng, chẳng là làm cho những kẻ bất tiếu bắt chước hay sao? Vậy Nguyễn Hữu Nghi đổi giáng Chánh bát phẩm thư lại, Hoàng Quýnh thì sớm tối hầu hạ bên cạnh, trẫm đã từng nghé vào tai bảo trước mặt, dạy dỗ rõ ràng, nay lại cuồng bậy như thế thì cách chức, đều phát vãng đi Quảng Bình cho gắng sức chuộc tội”.


Lễ phục mạng, tranh Nguyễn Văn Nhân. Nguồn: baothuathienhue.vn

Đây chỉ là một trong các trường hợp nhà vua nổi tiếng khắt khe bậc nhất trong lịch sử Việt Nam can thiệp vào hệ thống luật pháp để giải cứu một trong những viên chức thân tín nhất của mình. Để có lí do đưa Quýnh trở lại Huế, mấy tháng sau khi triều đình nhận được tấu xin tha giảm thuế cho dân xiêu giạt ở dinh Quảng Bình, nhà vua “xem sớ, cho lời lẽ hợp lý, khen ngợi mãi”. Ông hỏi Nguyễn Đăng Tuân: “Ngươi có biết bản sớ này ai làm không?” Tuân thưa: “Không biết”. Vua nói: “Hẳn là Nguyễn Hữu Nghi và Hoàng Quýnh làm, không phải là liêu thuộc xứ ấy làm được đâu. Trẫm vốn biết bọn ấy đều có tài, nhưng khi cùng quẫn bó buộc mới chịu cố gắng hăng hái, hễ hơi đắc chí thì lại làm bừa nên mắc lỗi, rất là tiếc cho họ”.

Bốn tháng sau câu nói này, Hoàng Quýnh trở lại với hàm Lang trung ở Công bộ (Hàm Vụ trưởng, 4A). Bốn tháng sau nữa, Quýnh được đưa lên hàm 3A (Thiêm sự Hình bộ) và được phái ra Bắc trong một sứ mệnh đặc biệt nhằm ổn định tình hình bạo lực xã hội sau cái chết của Lê Chất, đặc biệt là sự lũng đoạn của Hình tào (Xem Tia Sáng, số 1 tháng 1/2019, bài “Chơi với vua như đùa với hổ”)1. Bảy tháng sau (1827), ông được đưa xuống Nam Định, một trong những trung tâm của cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành. Từ 1827 đến 1829, Quýnh sẽ lần lượt được chuyển qua phụ trách Ninh Bình, Nam Định, rồi đê điều… Tuy nhiên khác với Nguyễn Công Trứ, một quan chức ‘cắm chốt’ ở bên ngoài, Hoàng Quýnh được gọi về Kinh liên tục để thông báo tình hình. Cũng trong năm 1829, Minh Mệnh can thiệp một lần nữa để Quýnh không bị giáng, và cuối cùng đưa ông trở lại Văn Thư phòng nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của Nội các trong năm sau đó.

Sử nhà Nguyễn là Đại Nam Thực lục không che giấu mối quan hệ ‘tâm đắc’ giữa Hoàng Quýnh và Minh Mệnh. Phần lớn các lời bàn của Quýnh đều được nhà vua tin và thực hành. Quýnh theo hầu Minh Mệnh từ khi ông còn là hoàng tử (từ năm 1815), trở thành nòng cốt của Văn Thư phòng nhà vua. Khi Minh Mệnh ra Bắc nhận sắc phong, Quýnh được cử đi xem xét dân tình ở Nghệ An. Ông nhiều lần chia sẻ với Quýnh để thăm dò tình hình quan lại, dân chúng, hay các mối quan tâm nhạy cảm về hành chính.Vua từng hỏi Hoàng Quýnh về việc dân. Quýnh đáp: “Từ khi Hoàng thượng lên ngôi đến nay, cho miễn giảm [thuế], ban ơn cấp tuất, lòng người không ai không cảm tin. Nhưng gần đây, công việc dựng Tôn Miếu, sửa miếu thành hoàng, xây nhà Quốc học, tuy là những việc không thể chậm được, nhưng khi có việc thì nha lại nhân đấy sinh tệ, cho nên trên có lòng thương mà ơn không thấm tới dưới là vì thế”. Lại nói: “Thánh thượng thông minh soi thấu nỗi khổ của dân, tuy đế vương xưa cũng không hơn. Nhưng cửa vua xa xôi vạn dặm, nỗi u ẩn chưa chắc đã thấu hết được. Muốn yêu dân thì cần biết người, khi chọn người, xin nên lưu ý”.Vua lại hỏi: “Triều thần cho trẫm là thế nào?” Đáp: “Trước kia lời chương tấu có chỗ thô lậu, đều uốn nắn từng ly từng tý, người ta lấy làm khó khăn. Nay đã dần quen rồi”. Vua nói: “Có phải trẫm hiếu dị đâu, muốn cho được ổn nhã mà thôi”. Nhân dụ Quýnh rằng: “Ngươi là cựu thần ở Tiềm để [phủ hoàng tử], trẫm đã biết tài. Nhưng tuổi trẻ mới tiến, phàm việc càng nên siêng năng cẩn thận, để hưởng ơn lâu dài. Đối với người xa trẫm còn muốn đào tạo, huống chi bọn ngươi”.

Năm 1825 chẳng hạn, trước khi Minh Mệnh ra lệnh thả cung nữ vì lo lắng cho tình trạng hạn hán, ông đã chia sẻ với Hoàng Quýnh: “Hai ba năm nay đại hạn luôn, trẫm nghĩ chưa rõ vì cớ gì. Hay vì con gái bị giam hãm trong cung nhiều, nên khí âm uất tắc mà đến thế chăng? Nay đàn bà con gái trong cung cũng không nhiều lắm, song tạm lựa cho ra 100 người, may ra tai biến bớt chăng?” Có hai lần, nhà vua chia sẻ với Hoàng Quýnh về việc dạy dỗ các hoàng tử (vấn đề mà ông cho rất riêng tư, có tính gia đình, hầu như không chia sẻ với quan chức nào khác). Quýnh cũng thường xuyên được giao đứng đầu các cuộc thanh tra Vũ Khố (nhà kho của hoàng cung và quân đội), nơi mà Minh Mệnh cực kỳ bất an đối với tệ tham nhũng và bòn rút của cải nhà nước.

 

Thực hành quyền lực chính trị

 

Bên cạnh vai trò nòng cốt ở Nội các (cùng với Hà Tông Quyền, Trương Đăng Quế, Thân Văn Quyền, Nguyễn Tri Phương), Hoàng Quýnh là phái viên hàng đầu của Minh Mệnh trong những năm 1833-1840. Trong giai đoạn này, bạo loạn nổ ra ở cả Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Nhà Nguyễn phải tiến hành một cuộc chiến tranh chống Siam (Xiêm) xâm lược, và từ năm 1834, Minh Mệnh đẩy mạnh cuộc can thiệp vào Cambodia. Ở tất cả những điểm nóng này, Quýnh đều được phái đi giám sát, thu thập tin tức. Năm 1834, ông được đưa lên Thái Nguyên với tư cách Hàn lâm viện Thừa chỉ, giám sát đạo ngự sử tham gia vào cuộc bình định Nông Văn Vân.

Tới khi Nam Kỳ được bình định sau sự biến Lê Văn Khôi, Quýnh được cử làm Bố chính Gia Định (Giám đốc sở tài chính, 3A, 1836). Minh Mệnh sau đó ra lệnh cho ông theo đường trạm đến Trấn Tây [Cambodia] xem xét tình hình, lại theo đường trạm về Kinh vào yết kiến. Trong cuộc thảo luận được Thực lục chép lại này, Quýnh đã bàn luận về những vấn đề quân sự ở Nam Kỳ và Trấn Tây. Vua hỏi ý kiến Hoàng Quýnh có nên rút quân Kinh khỏi Gia Định (sau sự biến của Lê Văn Khôi). Quýnh đồng thời đề xuất hai vấn đề quân sự, hành chính Nam kỳ, được nhà vua chấp thuận. Sau đó, Quýnh được rút về Nội các.

Sự tự tin nhận được từ sự ưu ái của Minh Mệnh đã làm cho Quýnh là một quan chức năng nổ, xông xáo nổi bật trong hệ thống quan liêu. Vị trí chủ yếu của Hoàng Quýnh chủ yếu tại Văn Thư phòng và Nội các, tuy nhiên các sứ mệnh được sai phái của ông thì trải dài từ Thái Nguyên, Nam Định cho tới Cambodia. Sự tự tin này cũng tạo ra cho ông nhiều quyền lực và biến ông trở thành ‘khắc tinh’ của nhiều quan chức. Dưới bàn tay của Hoàng Quýnh, nhiều người đã ‘ngã ngựa’, bị giáng, phạt, cách chức, kể cả những người có hàm cao như Nguyễn Công Trứ.

Danh sách các ‘nạn nhân’của Hoàng Quýnh:

Năm

Quan/viên chức

Nội dung

Ghi chú

1821

Nguyễn Xuân Hải

Bỏ tên trong sổ hương cống vì mạo quê quán.

 

1831

Nguyễn Công Trứ

Từ thự Hữu tham tri Hình bộ (2B) xuống tri huyện (6A).

 

1831

Nguyễn Nhược Sơn

Từ thự Hiệp trấn Nam Định (3A) xuống tri huyện (6A).

 

1835

Hồ Hựu

Kinh Doãn (3A), bị cách lưu.

 

1835

Lê Văn Duyệt

Hà Quyền, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Quýnh luận tội Lê Văn Duyệt: 6 điều phản nghịch, 7 điều đáng chém.

 

1838

Trần Hiển Doãn

Bố chính Quảng Trị (3A) phải miễn chức.

 

Hoàng Quýnh vì thế rất tự tin trong thực hành chính trị, là một trong số ít các quan chức dám nói thẳng các vấn đề trước Minh Mệnh một cách không e dè. Năm 1830, ông đem việc thành thần Gia Định tư rằng vật giá đắt vọt lên, nhà nước mua không đủ vật liệu đề đạt lên Minh Mệnh: “Thần trước hiệu lực ở Quảng Bình, tự mình thấy rõ tệ ấy. Tức như da trâu và lưới rách, để đấy là đồ bỏ đi, bán cho quan thì được giá tốt, thế mà trong dân đến nỗi có kẻ giết trâu xé lưới để cầu khỏi việc đòi bắt. Phàm triều đình lập pháp là vốn muốn nhân việc gia ân để giúp dân, mà một khi quan lại không thể đức ý ấy thì da trâu lưới rách còn sinh ra tệ, huống là có món lại quá thế nữa”. Minh Mệnh phải xoa dịu bằng cách nói rằng đó là các vật nhà nước cần dùng, lỗi là do quan chức bên dưới ép giá dân chúng mà thôi.


Voi chiến trong Hoàng thành Huế. Loạt tranh cổ về xứ Huế do họa sĩ kiêm nhà du hành người Pháp François de Marliave (1874 – 1953) thực hiện. Nguồn: svhtt.thuathienhue.gov.vn

Tới năm 1836, Hoàng Quýnh thấy Minh Mệnh ra chiếu yêu cầu tiến cử hiền tài đã lâu mà không có quan chức nào hưởng ứng, liền dâng sớ ‘chỉ trích’ các quan lại từ các bộ tới Đô Sát viện… “Vậy sao đối với lời dụ này, vẫn còn nói phiếm rằng chưa biết người mình định đề cử đó, sau sẽ ra sao, nên không dám khinh suất đề cử đó chăng? Nếu bảo quên khuấy việc đó mất rồi, thì sao không nghĩ: tôi, con đối với vua, cha, việc gì cũng để mãi trong lòng, bao giờ quên được kia mà! Nếu lấy nê rằng công việc trong bộ còn đang bận rộn mà nói “hãy để đó’ hay “sẽ làm sau” thì triều đình chính đương cần người, đâu có để mình lần chần nấn ná? Huống chi đã đề cử mà lại không đưa ra trước, thì tức như sách Đại học bảo là “nhờn” đó! Một chữ “nhờn” há phải là cái mà người bầy tôi có thể đem để thờ vua được đâu?”

Không có quan chức nào dưới thời Minh Mệnh có đủ ‘dũng khí’ để viết những lời như thế, dù là Nguyễn Hữu Thận, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Khoa Minh, hay Trương Đăng Quế. Bản tấu của Quýnh đã làm các quan chức ở Huế ‘đứng ngồi không yên’, phải viết tấu trình thanh minh lên nhà vua. Họ cũng chỉ trích lời lẽ của Hoàng Quýnh. Đổi lại, Minh Mệnh phán quyết: “Hoàng Quýnh thấy người không đúng, liền nêu tên ra hặc. Điều đó chưa có gì là không phải, chỉ phải cái lỗi là lời lẽ quá nặng.” Sau đó, nhà vua ra chỉ quở trách.

Mặc dù vậy, bản thân Quýnh là đối tượng được nhắm tới của nhiều quan chức địa phương, và cũng phải chịu một số lần giáng chức, như “scandal” trường thi năm 1825. Nặng nhất là năm 1832, khi làm trong Nội các, ông bỏ qua việc nhân viên dưới quyền tự ý lấy dấu ngự bảo đóng vào chỗ văn bản sai lầm. Sự việc việc này, bốn viên thị lang bị bỏ ngục. Hai trong số này bị cách chức và mãi mãi loại bỏ ra khỏi hệ thống hành chính, trong khi Quýnh bị kết tội giảo giam hậu (treo cổ, nhưng chờ thu thẩm).

Cũng như 7 năm trước đó, lần này Minh Mệnh đã can thiệp để Quýnh trở lại. Tháng Chạp năm 1833, ông tuyên bố cho Quýnh và những người khác về nhà ăn Tết và hẹn mùa xuân trở lại. “Ta nghĩ lũ ngươi bị giam đã lâu, nay gần hết năm, bất giác ta lại động lòng thương xót, cho nên thả cho về xum họp với gia quyến trong vài ngày thôi, chứ há thèm làm theo Thái Tông nhà Đường đâu? Nếu các ngươi lén lút trốn tránh thì sẽ bị nghiêm trị theo luật pháp. Đó là lũ ngươi tự làm nên tội.” Khi Hoàng Quýnh y hạn trở lại nhà ngục, nhà vua tuyên bố, “Ta vốn lấy sự tin thực đối xử với người, chắc rằng lũ ấy không dối ta đâu. Nay quả thực thế”. Nhờ ‘sự thành thực’ này, Quýnh đã thoát tử tội, được bổ thư lại tại bộ, và sau đó theo đường biển đi hiệu lực chuộc tội. Tám tháng sau, Quýnh trở lại vai trò Hàn lâm viện thừa chỉ ở Nội các.

Minh Mệnh cũng đã can thiệp để giúp Quýnh bám trụ nhiều lần đàn hặc (tố cáo) của đình thần liên quan đến việc tự ý thi hành chính sách. Tuy nhiên phần lớn các lần này, ông đều giải thích theo hướng liên quan đến tính cách “sơ táo”, không cẩn thận của Quýnh chứ không phải có ý đồ xấu. Điểm mấu chốt của mối quan hệ quyền lực này đó là Quýnh biết cách để có được sự tin tưởng của Minh Mệnh. Ông hiểu vị hoàng đế này có thể chấp nhận nhiều tật xấu của quan chức, nhưng tham nhũng và bè đảng là những nỗi ám ảnh lớn, bất khả xâm phạm. Quan hệ giữa Quýnh và Minh Mệnh có lẽ vì thế được xây dựng trên niềm tin này. Ông cũng hiểu rằng nhà vua ở Huế cần những viên chức có thể sai phái vào các sứ mệnh thu thập tin tức, nắm bắt tình hình, vì thế, Quýnh đã đóng vai trò này gần như trong suốt thời trị vì của vị vua thứ hai triều Nguyễn. Năm 1836, khi Quýnh được cử đi làm Bố chính Gia Định, đây là đoạn trích nội dung bản tấu và lời phê của Minh Mệnh (bảng dưới).

Hoàng Quýnh

Minh Mệnh

Tấu:

“Thần làm quan ở ngoài, nhà nghèo, con nhỏ, không trông vào đâu để có ăn. Vậy xin lưu số gạo lương ở nhà để nhà lĩnh dùng”.

Phê:

“Thưởng cho tiền 100 quan, gạo 100 phương, để cho con cái ăn. Trẫm vốn biết ngươi nghèo, cũng không trừ vào lương bổng của ngươi. Tính ngươi sơ, táo. Từ nay cần nên cẩn thận cho khỏi lỗi”.

Phản hồi:

“Thần là kẻ bất tài, được ơn bỏ các tì vết mà lựa dùng, giao cho trách nhiệm giữ bờ cõi ngoài biên, không những ban ơn đến bản thân kẻ hạ thần, mà lại đến cả con cái thần nữa. Vả, lời dạy bảo hai chữ “sơ, táo” không khác thần đang bị tê bại, chích cho một mũi châm cứu. Thần kính cẩn đọc lời châu phê, bất giác như được cất hẳn bệnh căn. Đó, thực nhờ thánh quân mà là từ phụ, nghiêm sư, thần tuy ở xa ngoài nghìn dặm, dám chẳng kính cẩn như gần gũi gang tấc. Từ nay về sau, kính xin tinh tế kín đáo để chữa bệnh sơ suất, cẩn thận trịnh trọng để chữa bệnh nóng nảy, ngõ hầu gọi là báo đáp công đức sinh thành trong muôn một”.

Phê:

 

“Khỏi đau rồi mới nhớ biết đau, ngươi nên hằng ngày đừng quên, mới có thể thành người được”.

Một nguyên nhân cho niềm tin và sự ưu ái của Minh Mệnh dành cho Hoàng Quýnh có thể tìm thấy trong tuyên bố của nhà vua khi viên chức này qua đời: “Quýnh là cựu thần của ta, tính ngu nhưng thẳng, ăn nói càn rỡ táo bạo, đến phải giáng điệu. Nhưng được cái thanh liêm, giữ gìn làm quan còn tốt, nay nghe tin ốm chết, trẫm rất thương tiếc”.

Với những người đã từng đọc sử nhà Nguyễn, những chi tiết nêu trên chắc chắn không mới. Câu chuyện này là một góc nhìn khác để thấy quan hệ quyền lực và sự vận hành của quyền lực trung ương trong lịch sử Việt Nam. Bức chân dung quyền lực của Hoàng Quýnh chính là sự thể hiện sống động cho cách thức người cầm quyền triển khai kiểm soát bộ máy không chỉ theo hệ thống dọc mà còn các mối quan hệ mạng lưới, nơi những người tưởng như rất mờ nhạt, phẩm hàm thấp có thể nắm giữ các mắt xích cốt yếu trong việc thực thi quyền lực chính trị.

 

Tham khảo:

Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục (Tokyo, 1962-77); (Hà Nội, Giáo Dục, 2006).

Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục (Tokyo, 1962); (Huế, Thuận Hóa, 1995).

Lê Đức Quang và Trần Đình Hằng. Kinh Thành Huế Đầu Thế Kỷ XIX qua Hồi Ức Của Michel Đức Chaigneau. Huế: Thuận Hóa, 2016.

 

Chú thích:

1Link online: http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/Nguyen-Cong-Tru-trong-trat-tu-quyen-luc-cua-Minh-Menh-%E2%80%98Choi-voi-vua-nhu-dua-voi-ho%E2%80%99–14123

Ở bất cứ thời đại nào, sự thực thi quyền lực nhà nước cũng thông qua các ‘cánh tay’ cả theo phân cấp dọc và ngang. Người cầm quyền có khả năng kiểm soát hai hệ thống này thì mới tạo ra được động lực cho bộ máy. Ngược lại, sự thao túng của những người ‘thân tín’ sẽ tạo ra các cấu trúc quyền lực con. Điều nguy hiểm là quyền lực con tổ chức theo chiều ngang này có xu thế thách thức quyền lực dọc phân cấp của nhà nước. Đây là một rủi ro cực kỳ nghiêm trọng bởi vì những người được ưu ái không được kiểm soát bởi thể chế hay hệ thống thứ bậc được công nhận mà là quan hệ cá nhân với người cầm quyền. Vì thế, sự lũng đoạn của họ sẽ làm xói mòn tính chính thống của thể chế, làm giảm hiệu lực của bộ máy nhà nước, và đẩy người cầm quyền vào thế tiến thoái lưỡng nan trong cuộc xung đột giữa mạng lưới quyền lực dọc và ngang.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)