Hội nghị Quốc tế IEEE-RIVF’10 về Công nghệ thông tin và Truyền thông tại Hà Nội

IEEE-RIVF’10 sẽ diễn ra từ ngày 1/11 tới 4/11 tại các hội trường Lê Thánh Tông của Đại học Quốc gia Hà Nội với sự tham gia của khoảng 50 nhà khoa học nước ngoài và gần 100 nhà khoa học từ Việt Nam, cùng nhiều nghiên cứu sinh và sinh viên ngành CNTT&TT.

IEEE (viết tắt của  Institute of Electrical and Electronics Engineers, tạm dịch là “Học Viện Kỹ nghệ Điện và Điện Tử), là hiệp hội phi lợi nhuận quốc tế về cách tân công nghệ tiên tiến hướng tới lợi ích của con người (http://www.ieee.org/index.html). Hợp nhất từ Học viện Kỹ nghệ Điện tử Mỹ (AIEE) thành lập năm 1884 khi điện lực trở thành nguồn năng lượng chính của loài người và Học viện Kỹ nghệ Radio (IRE) thành lập năm 1912, ngày 1 tháng Giêng năm 1963 hiệp hội IEEE chính thức ra đời với 150 nghìn thành viên. Tuy giữ tên gọi truyền thống về điện và điện tử, nội dung hoạt động của IEEE hiện bao gồm hầu hết mọi lĩnh vực công nghệ liên quan tới công nghệ điện tử và thông tin. Với hơn 395 nghìn thành viên tại hơn 160 nước, IEEE hiện là hiệp hội nghề nghiệp lớn nhất toàn cầu. Các thành viên của IEEE được tổ chức thành 331 Chi hội khu vực (331 Sections) thuộc 10 Vùng (10 Regions) địa lý trên toàn cầu. Mỗi thành viên của IEEE còn có thể và thường tham gia vào một vài trong số 38 Hội nghề nghiệp (Society) của IEEE về các lĩnh vực từ điện lực, điện tử, công nghệ thông tin, truyền thông, vũ trụ, hạt nhân, robotics, viễn thám, đại dương, … đến giáo dục, ảnh hưởng xã hội của công nghệ, con người và tự động hóa, … Cùng với các hiệp hội nghề nghiệp, IEEE còn có nhiều Hội đồng Kỹ thuật (Technical Councils) nhằm phối hợp các hội nghề nghiệp với nhau, cũng như Hội về Chuẩn Công nghệ (Standards Association) và các Nhóm công tác (Working Groups).

Có ba loại hoạt  động chính của IEEE: các ấn phẩm và chuẩn công nghiệp; các hội nghị và sự kiện công nghệ;giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. 

Gần 140 tạp chí (IEEE journals) và 40 tập san (IEEE magazines) là nguồn tri thức rất uy tín và vô giá về các công nghệ tiên tiến toàn cầu, chẳng hạn như IEEE Transactions on Pattern Analysis and Machine Intelligence (IEEE PAMI) là tạp chí có hệ số ảnh hưởng hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin (CNTT). Số lượng ấn phẩm lớn với chất lượng cao của IEEE được tổ chức trong thư viện điện tử IEEE Explore (http://ieeexplore.ieee.org/Xplore/guesthome.jsp). Với gần 1300 chuẩn công nghệ và các đề án đang thực hiện, IEEE là tổ chức phát triển hàng đầu về chuẩn công nghiệp trên toàn thế giới. Thí dụ như họ các chuẩn IEEE 802 của các mạng máy tính cục bộ (LAN) được dùng phổ biến khắp nơi và có ảnh hưởng lớn trong công nghiệp.

Trong lĩnh vực giáo dục, IEEE hoạt động về phát triển nghề nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, về giáo dục thường xuyên và kết hợp với đào tạo nhân lực tại đại học và trước đại học. 

Hằng năm IEEE trợ  giúp tổ chức chừng 1100 hội nghị khoa học và các cuộc họp về công nghệ trên toàn thế giới. Các hội nghị được IEEE chính thức trợ giúp khi chất lượng được IEEE đánh giá cao và công nhận với quyền sử dụng logo của IEEE. Các hội nghị này thường có các thành viên chủ chốt của IEEE trực tiếp tham gia. Một số hội nghị trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) cũng có thể liên hệ để xuất bản tuyển tập hội nghị qua các hội nghề nghiệp của IEEE.

 Đem các hội nghị quốc tế chất lượng cao ngành CNTT&TT đến Việt Nam là một hoạt động nhiều ý nghĩa trong phát triển khoa học và công nghệ của đất nước. Chi phí cho một cán bộ khoa học ra nước ngoài dự một hội nghị thường là 2000-2500 USD, gồm chi phí đi lại, ăn ở và hội nghị phí (thường quãng 500 USD). Khi có một hội nghị khoa học quốc tế ở Việt Nam, hàng chục cán bộ khoa học của ta có thể tham gia, và sẽ càng giá trị nếu đây là một hội nghị quốc tế có chất lượng tốt (đây là điều cần chú ý vì số hội nghị quốc tế đang tăng lên rất nhanh với chất lượng rất khác nhau). Nhiều người trong số các nhà khoa học quốc tế đến tham gia hội nghị tại Việt Nam cũng thường sẵn sàng và có thể hợp tác với các nhà khoa học của ta. Trong những năm gần đây, một số hội nghị quốc tế chất lượng trong ngành CNTT&TT, thường được tổ chức ở nhiều nước khác nhau, đã được vận động đến Việt Nam trong đó có một số hội nghị của IEEE. 

IEEE-RIVF có nguồn gốc từ Hội nghị RIVF “Gặp gỡ trong ngành Tin học Việt-Pháp” (Rencontres en Informatique Vietnam-France) khởi đầu năm 2003 của Học viện Tin học Pháp ngữ IFI (Institut de la Francophne pour l’Informatique) ở Hà Nội với nỗ lực của các giáo sư Marc Bui, Patrick Bellot, Dương Nguyên Vũ,… tại Pháp và đồng nghiệp ở nhiều nước, cùng giáo sư Nguyễn Đình Trí và các đồng nghiệp IFI tại Việt Nam. Các hội nghị RIVF được tổ chức vào các năm 2003, 2004 tại Hà Nội và 2005 tại Cần Thơ. Năm 2006 hội nghị này tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, đã chuyển thành hội nghị song ngữ Anh-Pháp với sự tham gia của nhiều bạn bè quốc tế và đông đảo người làm nghiên cứu ngành CNTT&TT ở Việt Nam. RIVF đã đổi thành “Research, Innovation and Vision for the Future” và “Recherche, Innovation et Vision du Futur”. Cũng tại hội nghị RIVF 2006, Ban chỉ đạo RIVF đã thảo luận việc xúc tiến thành lập Chi hội IEEE Việt Nam (IEEE Vietnam Section). Điều kiện cần là phải có ít nhất 50 thành viên Việt Nam trong IEEE với hội phí mỗi người hằng năm khoảng 100 USD. Đáng ghi nhận là Ban Giám hiệu Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định đóng hội phí cho hơn 20 thành viên của Trường để chúng ta có đủ số 50 thành viên. Đây là một bước tiến có ý nghĩa trên con đường hội nhập về khoa học và công nghệ của ta.

Tháng 2 năm 2007, RIVF chính thức trở thành hội nghị quốc tế của IEEE về Công nghệ Thông tin và Truyền thông, với tên IEEE-RIVF cùng việc thành lập Chi hội IEEE Việt Nam nằm trong Vùng 10 của IEEE. IEEE-RIVF’07 cũng chính thức chuyển sang chỉ dùng tiếng Anh. Do lực lượng khoa học và kết quả ở từng chuyên ngành CNTT&TT của ta còn mỏng và hạn chế, IEEE-RIVF chủ trương tổ chức hội nghị với nhiều chuyên ngành nhằm mời được nhiều nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam, và nhiều người làm nghiên cứu ở Việt Nam về CNTT&TT có thể tham gia. 

Hội nghị IEEE-RIVF’07 đã thật sự thành công với sự tham gia của nhiều cán bộ nghiên cứu và sinh viên, nghiên cứu sinh ngành CNTT&TT. Nhiều thành viên chủ chốt của IEEE đã tham gia hỗ trợ hội nghị trong quá trình tổ chức, đến trình bày các báo cáo mời như tiến sĩ Jung Uck Seo, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, thành viên xuất sắc (Fellow) của IEEE; giáo sư Janina Mazierska, Giám đốc Vùng 10 của IEEE; giáo sư Nim Cheung của Đại học Standford, thành viên xuất sắc của IEEE và Chủ tịch Hội Truyền thông của IEEE (IEEE Communications Society); giáo sư IshidaToru của Đại học Kyoto, thành viên xuất sắc của IEEE; giáo sư Jean-Marc Steyaert, chủ nhiệm Khoa CNTT của Ecole Polytechnique của Pháp, một chuyên gia Tin học đã đến giúp Việt Nam từ đầu những năm 1980.

Tiếp theo thành công của IEEE-RIVF’08 tại thành phố Hồ Chí Minh và  IEEE-RIVF’09 tại Đà Nẵng, nhân 1000 năm Thăng Long, IEEE-RIVF’10 được quyết định trở lại Hà  Nội, tổ chức vào các ngày 1-4 tháng 11tại các hội trường Lê Thánh Tông của Đại học Quốc gia Hà Nội. Cùng với các thành viên Ban chỉ đạo IEEE-RIVF, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên của Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Công nghệ Thông tin của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là hai cơ quan tổ chức IEEE-RIVF’10. Nhiều nhà nghiên cứu chủ chốt ngành CNTT và Toán học của Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ, Viện Toán học … cũng tích cực tham gia vào việc tổ chức hội nghị này. IEEE-RIVF’10 cũng nhận được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý như Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền Thông.

Ban chương trình của IEEE-RIVF’10 gồm 120 nhà khoa học (22 từ Việt Nam) phụ trách bởi tiến sĩ Douglas N. Zuckerman (nguyên Chủ tịch Hội Truyển thông của IEEE, thành viên xuất sắc của IEEE, Mỹ), giáo sư Pierre Kuonen (Đại học Khoa học Ứng dụng, Thụy Sĩ), và giáo sư Hồ Tú Bảo (Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản) đã đánh giá và chọn ra 36 bài báo dài và 32 bài báo ngắn từ 135 bài của các tác giả từ 23 nước gửi tham gia hội nghị. Có 7 phân ban theo 7 chuyên ngành tại hội nghị IEEE-RIVF’10: Trí tuệ Tính toán, Truyền thông và Mạng, Mô hình và Mô phỏng, Quản trị Thông tin và Tri thức, Vận Trù học và Tối ưu, Công nghệ Phầm mềm và Hệ nhúng, Giao tiếp Người-Máy và Xử lý Ảnh. 

Nhiều nhà khoa học  uy tín tiếp tục tham gia IEEE-RIVF’10, như tiến sĩ JohnVig (Chủ tịch IEEE năm 2009) đã nhận lời làm đồng Chủ tịch Danh dự của IEEE-RIVF’10 cùng Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong; Chủ tịch Gary Yen (giáo sư Đại học quốc gia Oklahoma) và nguyên Chủ tịch Vincenzo Piuri (giáo sư Đại học Milan) của Hội Trí tuệ Tính toán (Computational Intelligence) của IEEE đã làm đồng Chủ tịch của phân ban Trí tuệ Tính toán của IEEE-RIVF’10; hay tiến sĩ Douglas N. Zuckerman tham gia cùng phụ trách Ban chương trình. Bảy báo cáo mời cũng được trình bày bởi các nhà khoa học có uy tín như giáo sư David W.L. Cheung (Trưởng Khoa CNTT, Đại học Hồng Kông); tiến sĩ Barry S. Perlman, Trung tâm nghiên cứu CNTT& Điện tử của Quân đội Mỹ, thành viên xuất sắc của IEEE và nguyên Chủ tịch Hội Lý thuyết và Kỹ thuật Microwave; tiến sĩ ĐặngTuấn từ Công ty Điện lực Pháp; giáo sư Yo-Sung Ho, viện GIST của Hàn Quốc; tiến sĩ Roberto Saracco từ Telecom Italia; tiến sĩ Marzuki Khalid đại diện Vùng 10 của IEEE; và giáo sư Jean-Marc Steyaert từ Ecole Polytechnique của Pháp.

IEEE-RIVF’10 cho các phép các nghiên cứu sinh và sinh viên được đăng ký tham dự hội nghị miễn phí, cũng như vận động các nguồn tài trợ để các nhà khoa học Việt Nam có thể tham gia IEEE-RIVF’10 với một hội nghị phí thấp nhất có thể (quãng 1/4 hội nghị phí chính thức). Sẽ có khoảng 50 nhà khoa học nước ngoài và gần 100 nhà khoa học từ Việt Nam, cùng nhiều nghiên cứu sinh và sinh viên ngành CNTT&TT tham gia hội nghị IEEE-RIVF’10 tại Hà Nội.

Khi trao đổi cùng giáo sư Cao Hoàng Trụ của Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh người mấy năm nay thường cùng lo Ban Chương trình của IEEE-RIVF chúng tôi nhận thấy một sự tiến bộ rất rõ rệt về nội dung, chất lượng và cách thức viết bài cũng như trình bày tại hội nghị của các nhà khoa học và sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam. Có thể nói đây là thành quả lớn nhất mà cộng đồng CNTT&TT Việt Nam đã đạt được cùng IEEE-RIVF những năm qua. Gần đây, IEEE-RIVF đã được ghi nhận trong danh sách hội nghị quốc tế ISI. 

Tạo dựng một hoạt  động khoa học quốc tế thường xuyên ở Việt Nam đã là một việc khó và nhiều công sức, nhưng nuôi dưỡng và phát triển hoạt động này cũng không kém gian nan. Mong rằng IEEE-RIVF sẽ tiếp tục hoạt động thành công với nỗ lực chung của cộng đồng CNTT&TT Việt Nam và sự hợp tác của bè bạn quốc tế, góp phần xây dựng nền khoa học và công nghệ đất nước.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)