Homi J BHabha: Nhà kiến tạo

Sir Chandrasekhara Venkata Raman - người tìm ra tán xạ Raman và được trao giải Nobel vật lý năm 1930, dù hiếm khi khen ngợi ai cũng dành cho Homi J Bhabha- một trong số nhà kiến tạo Ấn Độ, một biệt lệ khi gọi ông là Leonardo de Vinci của Ấn Độ.

Nhìn bao quát cả cuộc đời Homi J Bhabha, người ta chỉ có thể thấy một tình yêu, một sự gắn bó mật thiết với khoa học và đất nước Ấn Độ. TS sử học Indira Chowdhury, tác giả cuốn “Growing the Tree of Science” (tạm dịch “Sự lớn mạnh của cây Khoa học”) về Homi J Bhabha và Viện nghiên cứu cơ bản Tata, cho rằng câu chuyện cuộc đời ông cũng là câu chuyện về sự kiến tạo của Ấn Độ hiện đại còn Jehangir Ratanji Dadabhoy Tata – chủ tịch Tata, tập đoàn công nghiệp lớn nhất Ấn Độ và là người có ảnh hưởng lớn trong xã hội nước này những năm 1930-1980, từng nói, “có ba người [Ấn Độ] vĩ đại mà tôi may mắn được biết đến, đó là Jawaharlal Nehru, Mahatma Gandhi và Homi Bhabha”.

Chọn con đường khoa học

Cuộc đời đã sắp sẵn cho Homi J Bhabha một sự nghiệp khác. Ông sinh ra trong một gia đình trí thức và có mối quan hệ gần gũi với hai gia tộc công nghiệp lớn hàng đầu Ấn Độ là Petit và Tata, ông bác Dorabji Tata muốn Bhabha trở thành kỹ sư và tham gia quản lý Tata. Vì thế, Bhabha được gia đình gửi theo học ngành cơ khí ở Cambridge, Anh vào năm 1927.

Cambridge thời kỳ đó có nhiều người xuất sắc, trong đó có Paul Dirac – một trong những nhà vật lý lý thuyết nổi bật thế kỷ 20. Dưới sự hướng dẫn của Paul Dirac, Bhabha là một sinh viên xuất sắc trong toán học, vật lý lý thuyết và mong muốn theo đuổi hai môn này trong tương lai. Trong bức thư gửi cha – luật sư Jehangir Hormusji Bhabha, năm 1928, ông trình bày mong muốn làm khoa học: “Con buộc phải nói với cha rằng nghề kỹ sư hay thương nhân không còn ý nghĩa đối với con. Nó hoàn toàn xa lạ với bản chất tự nhiên của con và về cơ bản đối nghịch với khí chất, quan điểm của con. Vật lý là sở trường của con. Con biết mình có thể làm được những điều lớn lao ở đây. Bởi mỗi người chỉ có thể làm việc tốt nhất chỉ khi họ được làm điều mình say mê, điều mà họ tin tưởng là có khả năng thực hiện, và sự thật là họ được sinh ra và dành cho nó, con cũng vậy… Bên cạnh đó, Ấn Độ vẫn chưa phải là đất nước của khoa học”. Do gia đình không đồng ý với đề nghị này nên ông phải kiên trì thuyết phục. Trong bức thư khác, ông viết, “con đang cháy lên với khao khát được nghiên cứu vật lý. Con muốn và phải làm điều đó. Đây là hoài bão duy nhất của con…”. Cuối cùng, cha của Bhabha đã đồng ý với một điều kiện: ông phải giành vị trí thứ nhất kỳ thi Mechanical Sciences Tripos – cuộc thi tuyển chọn những sinh viên xuất sắc ngành cơ học Cambridge. Năm 1930, ông hoàn thành mục tiêu của cha để có thể tự do theo đuổi giấc mơ của mình.

Mối quan tâm chính trong thời kỳ đầu của Bhabha là lý thuyết về positron – phản hạt của electron, và tia vũ trụ. Ông làm tiến sỹ ở phòng thí nghiệm Cavendish dưới sự hướng dẫn của Sir Ralph Howard Fowler  Vào thời điểm đó, Cavendish quy tụ nhiều nghiên cứu mang tính đột phá: James Chadwick phát hiện ra neutron, John Cockcroft và Ernest Walton chuyển hóa lithium với các hạt proton năng lượng cao, Patrick Blackett và Giuseppe Occhialini dùng buồng sương Wilson để giải thích các cặp electron và “mưa hạt” bằng phóng xạ gamma (trong lịch sử của mình, phòng thí nghiệm này có 29 nhà nghiên cứu được trao giải Nobel). Ông cũng may mắn có thời gian được làm việc với Niels Bohr ở Copenhagen và Enrico Fermi ở Rome. Đóng góp lớn nhất của Bhabha trong thời kỳ Cambridge là xác định được mặt cắt ngang của tán xạ electron-positron (sau được gọi là tán xạ Bhabha), lý thuyết về sự tạo ra các “cơn mưa” eletron và positron trong các tia vũ trụ (sau được gọi là lý thuyết Bhabha-Heitler)…

Nếu không bị Chiến tranh thế giới lần thứ 2 cắt ngang thì rất có thể ông sẽ là nhà vật lý Ấn Độ thứ hai sau C V Raman được trao giải Nobel vật lý. Nhưng cuộc chiến này đã đem lại một bước ngoặt mới cho cuộc đời Bhabha, và có lẽ là cả khoa học Ấn Độ.

Niềm tin vào giá trị của khoa học

Những gì Bhabha đóng góp cho đất nước Ấn Độ cũng xuất phát từ vấn đề đặt khoa học gắn liền với sự phát triển đất nước và tầm nhìn rộng lớn của ông, một trong số đó là việc thành lập Viện nghiên cứu Tata.  Ở lại Bangalore do không thể trở lại Cambridge vì chiến tranh, Homi J Bhabha đã nhận lời mời của CV Raman tham gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu khoa học Ấn Độ (IISc) và tham gia giảng dạy ở Central College về tia vũ trụ, năng lượng hạt nhân… Qua quan sát, ông nhận thấy “cái kiểu nghiên cứu đang được thực hiện tại Ấn Độ không hẳn là nghiên cứu cơ bản và cũng nhận thấy các điều kiện nghiên cứu trong trường đại học hay các viện nghiên cứu đương thời không phù hợp với khoa học cơ bản, dẫu cho vào thời điểm đó, IISc cũng đang thực hiện nhiều nghiên cứu đỉnh cao trong nhiều khía cạnh của hạt cơ bản, tia vũ trụ, vật lý hạt nhân”, theo lời kể của nhà vật lý năng lượng cao B V Sreekantan – học trò và cộng sự của Homi J Bhabha trong vòng 18 năm. IISc đang thực hiện nhiều nghiên cứu về quang phổ – di sản của Raman, tia X, tinh thể… nhưng Bhabha muốn có một viện nghiên cứu thúc đẩy việc nghiên cứu cơ bản trong những lĩnh vực mới nổi. Vậy là cần phải có tiền, một lượng rất lớn. Ông quyết định viết thư cho J R D Tata, trong đó nêu “sự thiếu hụt điều kiện xác đáng và nguồn kinh phí đang cản trở sự phát triển của khoa học Ấn Độ”. J R D Tata đã khuyên bạn mình viết thư cho Sir Dorabji Tata.


Thủ tướng Jawaharlal Nehru (ngoài cùng bên phải) tới khánh thành lò phản ứng nghiên cứu CIRUS. Nguồn: Viện Tata.

Tháng 3/1944, Bhabha đã gửi thư tới Sir Dorabji Tata đề xuất ý tưởng: “Đây là thời điểm Ấn Độ không có viện nghiên cứu nào về các vấn đề cơ bản của vật lý, cả lý thuyết lẫn thực nghiệm… Sẽ có lợi cho Ấn Độ nếu có một viện nghiên cứu tốt về vật lý cơ bản, bởi đây không chỉ là phát triển các lĩnh vực tiên tiến của vật lý mà còn giải quyết những vấn đề ứng dụng trong công nghiệp.” Ông cũng chỉ ra nguyên nhân khiến ngành công nghiệp Ấn Độ không phát triển, “nếu nhiều nghiên cứu ứng dụng đã được thực hiện ở Ấn Độ hiện nay là đáng thất vọng hoặc chất lượng thấp thì cũng là do thiếu những nhà nghiên cứu khoa học thuần túy xuất sắc, những người có thể thiết lập chuẩn mực của nghiên cứu chất lượng cao và đóng vai trò tư vấn [cho các nhà sản xuất]”. Trong bức thư này, Bhabha đã chứng tỏ tầm nhìn của mình về một nền tảng vững chắc của vật lý hạt nhân, “tôi không nghĩ rằng bất cứ ai đã biết rõ sự phát triển của khoa học nhiều quốc gia khác có thể phủ nhận sự cần thiết của một viện nghiên cứu ở Ấn Độ như tôi đề xuất. Ở viện này, các chủ đề nghiên cứu sẽ là vật lý lý thuyết, đặc biệt là các vấn đề cơ bản và liên quan đến tia vũ trụ, vật lý hạt nhân, và nghiên cứu thực nghiệm về tia vũ trụ. Không thể tách rời vật lý hạt nhân khỏi tia vũ trụ bởi hai lĩnh vực này gắn bó rất chặt chẽ về lý thuyết”.
Chấp thuận đề xuất của Bhabha, Sir Dorabji Tata đã cùng chính quyền Bombay (nay là Mumbai) cấp kinh phí xây dựng Viện nghiên cứu cơ bản vào năm 1945, sau mang tên Tata để ghi nhớ công lao của nhà tài trợ, và tặng thêm một khoản đặc biệt để mua thiết bị nghiên cứu tia vũ trụ. Bhabha được bổ nhiệm làm viện trưởng.

Trong cuộc đời làm khoa học và quản lý khoa học, Bhabha đã may mắn gặp Jawaharlal Nehru, vị Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ độc lập. Giữa hai người có mối đồng cảm đặc biệt bởi giống như Bhabha, Nehru luôn tin tưởng vào khả năng đem đến sự thay đổi trong xã hội và nền kinh tế của KH&CN. Đây cũng là lý do vì sao khi Bhabha đệ trình kế hoạch phát triển NLNT, chương trình điện hạt nhân ba giai đoạn, Nehru đã chấp thuận và tin tưởng vào tương lai của Ấn Độ trong khoảng hai thập kỷ tới.   

Dưới cái nhìn của Nehru, Bhabha là con người tốt đẹp nhất và thông minh nhất mà ông biết. TS sử học Indira Chowdhury cho biết, “ông thường dành thời gian nhiều nhất có thể ở văn phòng để trao đổi với Bhabha còn trong suốt những kỳ nghỉ của mình, Nehru chỉ trò chuyện qua điện thoại với hai người, một là nhà hoạt động chính trị Jayprakash Narayan, hai là Bhabha. Indira Gandhi (con gái của Nehru) từng nói rằng Nehru thường xuyên gọi điện thoại cho Bhabha vào lúc khuya muộn để cùng trao đổi về các vấn đề KH&CN và nhiều vấn đề trọng đại khác của đất nước”.

Niềm tin vào những người làm khoa học

Giáo sư R E Marshak (Mỹ) trong một cuộc hội thảo tại Bhuvaneswar năm 1977 đã nêu những cảm nhận về Bhabha: “Tôi ấn tượng rất sâu sắc bởi tầm nhìn xã hội của TS. Bhabha, sự cống hiến của ông cho những giá trị nhân bản và bởi sự cam kết lớn lao tới sự thịnh vượng của đất nước và nhân dân Ấn Độ – những nhà khoa học sáng tạo nhất Mỹ thường từ chối gánh trên vai bất kỳ trách nhiệm xã hội nào”.  

Cái nhìn đầy nhân bản và tinh tế của Bhabha đã giúp ông đào tạo được một đội ngũ các nhà khoa học giỏi và tâm huyết. Giáo sư Bhalchandra Udgaonkar – người được Bhabha trực tiếp phỏng vấn và nhận vào Viện Tata kể lại, triết lý làm việc của Bhabha là chọn bằng được một người tài năng và có tố chất lãnh đạo, sau đó xây dựng quanh anh ta những công việc và con người cần thiết để cùng nhau thực hiện các nghiên cứu. Để nâng cao thêm khả năng cạnh tranh của các nhà khoa học trẻ Ấn Độ với các đồng nghiệp quốc tế, ông đã trao cho họ nhiều cơ hội đi học hỏi ở nước ngoài từ 2 đến 3 tháng, tới nhiều trung tâm khoa học lớn và tham dự nhiều hội nghị, đồng thời mời các nhà khoa học nước ngoài thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu tới giảng bài và thảo luận. Bhabha cũng mạnh dạn khuyến khích các cộng sự trẻ thể hiện năng lực của mình, ví dụ năm 1965, ông bổ nhiệm nhà khoa học tuổi 34, P K Iyengar vào vị trí phụ trách Bộ phận Vật lý hạt nhân của Trung tâm BARC. Thời gian đã chứng minh ông đúng: vào những năm 1970, P K Iyengar thiết kế thành công lò PURNIMA, sau đó được bổ nhiệm làm giám đốc BARC và chủ tịch Ủy ban NLNT (Bộ NLNT Ấn Độ).  

Khi nhận ra, với những người làm khoa học, sự hỗ trợ trong quá trình thực hiện nghiên cứu là chưa đủ, cần phải khuyến khích và cho họ thấy giá trị của công việc họ làm, ông đã nỗ lực xây dựng thêm các cơ sở đào tạo, các tổ chức có thể đem đến ứng dụng từ công trình nghiên cứu. “Các tổ hợp Anushaktinagar, Kalpakkam và những tổ chức khác của Bộ NLNT Ấn Độ đã phản chiếu suy nghĩ đó của ông”, TS P K Iyengar cho biết.

Những công việc Bhabha thực hiện đều ẩn chứa một quan điểm sâu sắc về con người. Khóa đào tạo Training School mà ông thiết lập ở BARC không chỉ cung cấp cho “lính mới” những kiến thức cơ bản về KH&CN hạt nhân mà còn có một ẩn ý khác, tạo điều kiện cho họ được làm quen với nhau trước khi làm việc ở các tổ chức thuộc Bộ NLNT. Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn và đa dạng về văn hóa, vì vậy cần phải có thời gian làm quen và chấp nhận những khác biệt về văn hóa trước khi cùng nhau làm việc. Đó cũng là một trong những bí quyết để Bhabha tạo ra sự thống nhất trong hoạt động của Bộ NLNT.

Trong bức thư gửi Sir Dorabji Tata, ông đã nêu tầm quan trọng về việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước của chương trình điện hạt nhân: “Khi điện hạt nhân đã được ứng dụng thành công để làm ra điện thì có thể nói trong vài thập kỷ tới, Ấn Độ sẽ không phải tìm chuyên gia của mình ở nước ngoài nữa mà sẽ có thể tìm thấy họ trong tầm tay”. Không cần đến vài thập kỷ sau, ngay thời điểm chừng 10 năm kể từ khi thực hiện giai đoạn 1 chương trình, ông đã đào tạo ra rất nhiều nhà khoa học giỏi. Vì vậy, khi ông qua đời một cách đột ngột vào năm 1965, chương trình vẫn được tiếp tục với những học trò của ông, Sethna, Ramanna, Brama Pakash, A S Rao…

***

Không chỉ là một người hoạt động khoa học thuần túy, Bhabha còn là một người yêu nghệ thuật, cây cối và say mê âm nhạc cổ điển. Tại Viện Tata còn lưu trữ rất nhiều bức phác họa chì của ông, trong đó có bức vẽ Raman, người mà ông yêu quý và ngưỡng mộ. Ông đã mua hàng trăm bức vẽ của các họa sỹ Ấn Độ khi họ mới ở giai đoạn đầu sự nghiệp và sẵn sàng trả họ số tiền gấp 3, 4 lần giá hiện hành. Theo cách đó, ông không chỉ góp phần khuyến khích những họa sỹ trẻ mà còn tạo dựng được một không khí nghệ thuật ở Viện Tata.

Bhabha gắn bó với công việc và các cộng sự của mình. Với họ, được làm việc với người như ông là một may mắn lớn trong đời. Chia sẻ trên tạp chí Resonace vào năm 2010, B V Sreekantan gọi “những năm tháng làm việc với ông là những năm tháng đẹp nhất trong sự nghiệp khoa học của tôi và có lẽ là cả cuộc đời tôi”. Họ quen thuộc với cách làm việc của ông, quen cả thói quen buổi chiều đi làm về, ông đi vẫn dạo với chú chó tai dài. Sau khi ông qua đời, chú chó đó đã không ăn không uống gần một tháng liền và chết theo người chủ của mình.

Giờ đây, những gì Bhabha thiết lập ở Ấn Độ vẫn còn tồn tại và phát triển. Ở Trung tâm BARC, nơi mang tên ông, người ta vẫn nhắc đến ông với sự kính trọng đặc biệt hay Viện Tata vẫn giữ lịch seminar khoa học vào thứ 4 hàng tuần – vốn do ông khởi xướng, như một nét truyền thống đẹp. Nó cũng giống như tinh thần của nhạc trưởng Gustavo Dudamel khi José Antonio Abreu, người sáng lập tổ chức El Sistema, qua đời, “cam kết của tôi là để di sản của ông sống mãi…”

Thanh Nhàn tổng hợp

Nguồn: TheHindu, Viện Tata, Resonace

 

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)