Hộp đen đã lỗi thời?

Hộp đen được sáng chế vào cuối thập niên 1950 và từ đó tới nay về đại thể chưa có gì thay đổi nhiều. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, nhiều người cho rằng kiểu hộp đen như vậy đã lỗi thời, và có những cách tốt hơn để ghi chép, lưu trữ các số liệu chuyến bay.

Trang mạng Popular Science (Khoa học đại chúng, Mỹ) ngày 1/4/2014 có đăng bài “Vì sao chúng ta chưa làm được hộp đen tốt hơn?”

Bài báo viết: Giờ đây người ta đã có thể khẳng định là chuyến bay MH370 rơi xuống Ấn Độ Dương, thế nhưng để tìm ra lời giải tại sao lại xảy ra vụ tai nạn này thì có lẽ phải chờ rất lâu nữa. Chỉ khi nào tìm được chiếc hộp đen (thực ra nó đâu có màu đen!) tức thiết bị ghi chép dữ liệu về chuyến bay đó, thì chúng ta mới biết được sự thật. Nhưng nguồn điện của hộp đen chỉ bảo đảm phát đi tín hiệu ping sóng âm (sonic ping) báo vị trí của nó trong 30 ngày, khi hết điện thì tín hiệu sẽ ngừng phát. Sau đó sẽ khó có khả năng tìm thấy hộp đen.

Hiện nay con người đã có thể chụp được ảnh trên sao Hỏa và tải ảnh vào thiết bị ghi hình bỏ túi. Thế nhưng khi máy bay rơi xuống biển thì chúng ta phải tất bật tổ chức các nhóm phối hợp đa quốc gia để tìm kiếm địa điểm máy bay rơi. Có thể tin rằng ở đây có những biện pháp tốt hơn.

Hộp đen mà chúng ta hiện nay đã biết được sáng chế vào cuối thập niên 1950, từ đó tới nay về đại thể chưa có gì thay đổi nhiều. Trên các máy bay hiện đại đều có lắp thiết bị ghi mọi tiếng nói trong buồng lái (CVR, Cockpit Voice Recorder) và thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR, Flight Data Recorder) — hai thiết bị này đều đặt trong hộp đen. CVR có thể ghi chép mọi âm thanh phát ra trong hai tiếng đồng hồ ở buồng lái, sau đó lại tự động tái ghi các âm thanh mới. Đồng thời FDR sẽ tự động đo-ghi lại các dữ liệu như tốc độ, độ cao, thời gian, hướng bay … khoảng 2000 loại thông số khác của chuyến bay. Phó giáo sư Anthony Brickhouse, chuyên gia về hàng không và an toàn nghề nghiệp tại Đại học Hàng không Embry-Riddle, — người từng tham gia điều tra vụ tai nạn máy bay nổi tiếng TWA 800 — cho biết phần lớn hộp đen có thể liên tục ghi chép loại thông tin nói trên trong vòng 25 giờ.

Bài báo viết: Vỏ hộp đen được thiết kế sao cho nó chịu được các va đập mạnh khi máy bay rơi mà không hư hỏng ; nó có thể chịu lửa, chịu nước, chịu được áp lực nước ở độ sâu 20.000 thước Anh mà vẫn giữ được nguyên vẹn các thiết bị bên trong. Vỏ hộp được sơn màu da cam sáng để dễ nhận. Khi rơi xuống nước, hộp đen tự động phát ra tín hiệu sóng âm để nhân viên điều tra có thể bắt được tín hiệu đó từ cách xa vài dặm. Nhưng khi nguồn điện trong hộp đã cạn kiệt thì tín hiệu đó cũng ngừng phát. Trước kia chỉ có một số ít trường hợp máy bay rơi mà không tìm thấy hộp đen, nhưng lần này có lẽ sẽ lặp lại trường hợp đó. Trước đây người ta từng phục hồi được CVR của chuyến bay Hàng không Nam Phi 295 nằm ở độ sâu 4.900m (16.000 feet) dưới biển.

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, nhiều người cho rằng kiểu hộp đen như vậy đã lỗi thời, đã có những cách tốt hơn để ghi chép, lưu trữ các số liệu chuyến bay. Chỉ có điều khi thực thi lại gặp những vấn đề này nọ cản trở các ý tưởng cải tiến. Người Pháp phải bỏ ra hai năm mới phục hồi được hộp đen của chuyến bay AIR France 447 rơi năm 2009. Sau đó họ đề nghị cải tiến hộp đen, thí dụ lắp thiết bị bắn hộp đen lên không trung khi nó rơi xuống nước, kéo dài tuổi thọ của ắc-quy phát tín hiệu xác định vị trí hộp đen lên tới 90 ngày. Hàng không Pháp đã thực hiện một số cải tiến, nhưng các công ty hàng không Mỹ vẫn còn lạc hậu. Lý do là họ phải tiết kiệm chi phí sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Một phương án khác là hoàn toàn loại bỏ hộp đen. Dư luận đã bàn nhiều về dự án dùng vệ tinh để lưu giữ toàn bộ các thông tin mà CRV và FDR ghi chép (âm thanh buồng lái và dữ liệu chuyến bay). Như vậy chúng ta sẽ không gặp vấn đề mất hộp đen, hơn nữa còn có thể đo lường từ xa tình trạng của máy bay đang bay, qua đó có thể ngăn ngừa tai nạn máy bay rơi. Phương án này nghe thì hay nhưng chưa khả thi. Nếu công ty hàng không và phi công tổ lái đồng ý phương án này thì có nghĩa là tình hình làm việc và chuyện riêng tư của tổ lái sẽ bị theo dõi. Ngoài ra còn có yếu tố kinh tế: công ty hàng không sẽ phải trả một cái giá đắt do cải tiến toàn bộ thiết kế máy bay, phải đặt mua thời gian của vệ tinh (reserve satellite time), bảo đảm có đủ các thiết bị lưu trữ dữ liệu v.v…

Liệu chúng ta có thể hy vọng cải tiến được hệ thống thiết bị trước khi xảy ra vụ mất hộp đen tiếp sau? Rất khó có câu trả lời.

Nguyễn Hải Hoành dịch

Nguồn:

http://www.popsci.com/article/technology/why-we-havent-built-better-black-box

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)