Hướng phát triển trong tương lai

Triết lý mới của MITI : “về nguồn” Kể từ khi công bố sách trắng năm 1949, MITI (Bộ Công nghiệp và Ngoại thương) luôn gắn liền với sự phát triển của nền khoa học công nghệ Nhật Bản bằng việc đề ra các bộ luật và tiêu chuẩn. Tuy nhiên, những điều đó chưa đủ để xây dựng một hệ thống sáng tạo quốc gia (national innovation system). Điều đó có nghĩa là cần xây dựng một triết lý về nền công nghệ, sự đổi mới cả về cấu trúc lẫn tổ chức dựa trên triết lý đó, và cùng một chính sách chỉ dẫn rõ ràng.

Theo đó, năm 1998, Hội đồng Công nghệ công nghiệp thuộc MITI đề nghị:
-Giải pháp tổng thể để tạo dựng một cấu trúc xã hội luôn hướng tới sự đổi mới công nghệ.
-Phương pháp quản lý phù hợp với mục tiêu của chính sách công nghệ.
-Công cụ đánh giá để xây dựng một hệ thống chính sách toàn diện và bền vững hơn.
Có 2 đổi mới trong đề nghị trên: Thứ nhất, sự đóng góp của xã hội cho đổi mới công nghệ được xem như “cứu cánh” của chính sách công nghệ, thay vì chỉ là tiền đề cho chính sách công nghệ như trước kia. Thứ hai, ý tưởng về “Chiến lược công nghệ quốc gia” (National Strategies for Industrial Technology) đã được gợi lên. Sau đó, Tổng bộ Cải tổ cơ cấu công nghiệp và Tạo việc làm (Industrial Structural Reform and Employment Measures Headquarters) trực thuộc Thủ tướng được thành lập và vạch ra Kế hoạch cơ bản về Khoa học và công nghệ II, được thực thi từ 2001.
Triết lý hướng tiếp cận mới trên là gì? Đó là người Nhật đã nhận ra những nghiên cứu ứng dụng có thể dẫn tới những khám phá cho tri thức nền tảng, để từ đó chuyển đổi từ “Đổi mới theo mô hình tuyến tính” (Linear Model of Innovation) sang đổi mới theo “mô hình liên kết (Chain Linked Model). Tiếp nữa, chính sách công nghệ được xem là kết quả của chính sách về học thuật, khoa học, giáo dục, kinh tế và công nghiệp. Kết quả là hợp tác 3 bên Công nghiệp – Đại học – Chính phủ trở thành cốt lõi của chính sách công nghệ; các trường đại học được kỳ vọng giữ vai trò chủ chốt trong chức năng nghiên cứu, đào tạo. Cuối cùng, lợi ích xã hội phải là một phần quan trọng của chính sách công nghệ.
Triết lý đó được thể hiện trong hệ thống sáng tạo như thế nào? MITI đề nghị xây dựng hệ thống chính sách R&D bao gồm 4 hạng mục hỗ trợ lớn, thay vì hàng chục chương trình và hệ thống chắp vá như trước kia:
1. Tài trợ toàn bộ cho nghiên cứu cơ bản.
2. Hỗ trợ đến cùng các dự án nghiên cứu
3. Hỗ trợ phát triển những tri thức cần thiết cho xã hội
4. Củng cố nền tảng xã hội theo hướng tạo thuận lợi cho nghiên cứu.

Những gì mà MITI đưa ra rất giống với triết lý của Riken (xin xem lại phần “Tình hình trước chiến tranh thế giới thứ hai”– ND) và nhất là với sách trắng đầu tiên về khoa học công nghệ. Riken từng thương mại hoá những nghiên cứu thực dụng để dùng lợi nhuận đầu tư cho các nghiên cứu cơ bản. Qua hơn 50 năm xa rời quy tắc trên, vì sao chính sách công nghệ của Nhật Bản lại “về nguồn”? Lý do chủ yếu là các chính sách khoa học công nghệ của Nhật Bản 50 năm qua đã thiếu tầm nhìn xa và không có một triết lý rõ ràng. Hồi thập niên 50, do ưu tiên phát triển của các ngành công nghiệp nặng như than, điện, thép nên chính sách công nghệ cũng ưu tiên cho những công ty tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực trên. Thập niên 60, các nỗ lực lại tập trung vào cải tiến các công nghệ nhập khẩu và Nhật Bản đã rất thành công trong việc này. Đến thập niên 70, vấn đề môi trường và năng lượng nổi lên , và Nhật Bản đã thành công trong việc chuyển từ công nghiệp nặng sang công nghiệp nhẹ kỹ thuật cao, đặc biệt trên lĩnh vực điện tử.  Sức ép quốc Nhật chấm dứt “đi nhờ xe miễn phí” cùng với bùng nổ kinh tế trong thập niên 80 khiến các công ty tư nhân và các phòng thí nghiệm quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu cơ bản mà xa rời nền công nghiệp. Suy thoái kinh tế trong thập niên 90 khiến Nhật phải xét lại chính sách công nghệ, chính phủ cũng đưa ra một số chính sách xây dựng hệ thống sáng tạo dựa trên tầm nhìn xa.
Qua hơn 50 năm, Nhật Bản đã tích luỹ được nhiều kiến thức, không chỉ trong trường đại học hay các phòng thí nghiệm quốc gia mà còn trong các công ty tư nhân. Những “kho trí tuệ” gồm ý tưởng, bí quyết công nghệ như vậy cần được gắn kết chặt chẽ để tạo lợi ích. Trong bối cảnh đó, vai trò nhà nước trong việc tái cấu trúc chính sách công nghệ là bức thiết và không thể thiếu được.

Chiến lược công nghệ quốc gia
Với nhận thức sức cạnh tranh đang yếu đi trong thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 và Nhật Bản phải đối mặt với  sự suy giảm về nhân lực công nghệ, việc tăng cường ý thức về hướng phát triển mới trong thời gian trước mắt và đổi mới công nghệ được xem là giải pháp cho vấn đề trên. Và Chiến lược công nghệ quốc gia đặt mục tiêu chuyển từ đổi mới công nghệ để “đuổi kịp” sang “tiên phong sáng tạo”. Chiến lược tập trung vào một số lĩnh vực có khả năng mở ra thị trường mới và xây dựng được hệ thống sáng tạo quốc gia với những công nghệ có giá trị xã hội.
Có 3 mức nghiên cứu và triển khai trong Chiến lược công nghệ quốc gia: đáp ứng nhu cầu xã hội; phổ biến những công nghệ mang tính sáng tạo; xây dựng nền tảng tri thức.
Còn hệ thống đổi mới quốc gia hướng tới 4 mục tiêu sau:
1. Tạo mối quan hệ hữu hiệu Công nghiệp – Nhà nước – Đại học;
2. Cải tổ các trường đại học Nhật Bản theo hướng cạnh tranh quốc tế;
3. Bồi dưỡng các kỹ sư và nhà nghiên cứu sáng tạo’
4. Tái cấu trúc hệ thống hỗ trợ công nghệ của chính phủ.
Kế hoạch Cơ bản về Khoa học và công nghệ II
Kết quả của Kế hoạc cơ bản về Khoa học và công nghệ của giai đoạn trước không như mong đợi: môi trường nghiên cứu và triển khai không được cải thiện rõ rệt; mối liên hệ giữa “khoa học” và “hoạt động nghiên cứu” không gắn chặt thêm. Nói cách khác, sự “tác động xã hội” ở đây đã thiếu hiệu quả. Để giải quyết vấn đề trên, Kế hoạc Cơ bản II được vạch ra theo triết lý: Khoa học và công nghệ trong lòng xã hội, phục vụ xã hội và nhận lại đánh giá từ xã hội.
Ở đây, thay đổi lớn nhất so với Kế hoạch Cơ bản I là chính phủ cam kết rõ ràng việc xây dựng hệ thống công nghệ nhằm phụ vụ toàn bộ xã hội với hướng tiếp cận là “chiến lược”.
Bên cạnh những hỗ trợ truyền thống cho nghiên cứu cơ bản, chính phủ sẽ ưu tiên tài trợ cho các lĩnh vực khoa học sự sống, công nghệ thông tin, môi trường, công nghệ và vật liệu nano, năng lượng, chế biến, hạ tầng xã hội, các lĩnh vực tiên phong như giải pháp cho các vấn đề trong tương lai, v.v.
Tóm lại, Kế hoạch Cơ bản II giới thiệu một hệ thống sáng tạo hoạt động trong môi trường cạnh tranh và dựa trên mối gắn kết giữa giới công nghiệp, trường đại học và các phòng thí nghiệm quốc gia. Nếu nhìn mô hình Mỹ, nơi mà ngành công nghiệp công nghê cao và kinh tế đã phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ vừa qua nhờ mối gắn kết trong môi trường cạnh tranh giữa giới công nghiệp và nghiên cứu, thì Kế hoạch Cơ bản II có vẻ đã đúng hướng. Câu hỏi còn lại là việc thực thi nó một cách phù hợp trong bối cảnh Nhật Bản sẽ như thế nào!

VIỆT ANH dịch

——

Chú thích ảnh trên cùng: Triết lý phát triển công nghệ Nhật Bản: KH&CN phục vụ xã hội và nhận lại đánh giá từ xã hội.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)