Hy vọng từ công nghệ “Trồng rau không cần đất”
Sau nhiều năm trăn trở trước việc sản xuất rau không an toàn, TS Hồ Hữu An và các cộng sự ở Trường ĐHNN I đã nghiên cứu thành công việc ứng dụng công nghệ “trồng rau không cần đất” vào sản xuất đại trà ở điều kiện Việt Nam.
TS An tâm sự, công nghệ này đến với ông như một cơ duyên. Từ những năm 1980, ông đã tham gia viết các quy trình công nghệ trồng rau sạch theo đề nghị của Sở KH&CN Hà Nội. Mặc dù, đã nghe nói đến một công nghệ trồng rau không cần đất từ khi còn học đại học nhưng phải đến khi sang Mỹ theo một chương trình hợp tác nghiên cứu, ông mới tình cờ bắt gặp công nghệ này và ông cảm thấy như “đào được mỏ kim cương”. Tuy vậy, thời gian làm việc quá ngắn không đủ cho ông nắm bắt hết công nghệ. Khi về nước, ông đã bắt tay làm các mô hình đơn giản, và đó là lúc những khó khăn thật sự nảy sinh, công việc bị chững lại. Và rồi may mắn lại trao cho ông một cơ hội nữa. Theo lời giới thiệu của một người bạn, ông tham gia dự thi và giành được học bổng Fulbright để sang Mỹ nghiên cứu. Từ đó, với kiến thức cơ bản đã có sẵn, những thắc mắc đã định hình ông hăm hở lao vào nghiên cứu, tìm hiểu và nắm bắt thật vững các vấn đề liên quan tới công nghệ cũng như mọi khâu của quy trình sản xuất.
Với công nghệ trồng rau không cần đất ta có thể tăng năng suất gấp 1,5 lần, rút ngắn thời gian sinh trưởng để có thể đạt 11-12 vụ/năm, có thể trồng quanh năm, kể cả trái vụ… Nhưng trên tất cả công nghệ này bảo đảm được an toàn vệ sinh thực phẩm. Những yếu tố gây ảnh hưởng tới chất lượng của rau đều được kiểm soát và cách ly hoàn toàn. Rau an toàn có thể vẫn được trồng ở ngay những vùng đất bị ô nhiễm hay các vùng đất bạc màu… vì nó không cần đất. Cây rau sinh trưởng phần lớn nhờ dung dịch dinh dưỡng được cung cấp và điều khiển bởi các hệ thống tự động hóa tinh vi, vì vậy các yếu tố như nguồn nước, phân bón đều được kiểm soát hết sức chặt chẽ.
Tuy vậy, không thể có một công nghệ nào lấy từ nước ngoài về là áp dụng ngay 100%. TS An cho biết, nếu áp dụng nguyên si theo mô hình của Mỹ sẽ không nơi nào ở Việt Nam áp dụng được công nghệ này vì giá thành quá đắt. Nhóm nghiên cứu của TS An đã phải làm rất nhiều việc để công nghệ này thích hợp với điều kiện Việt Nam. Nguyên vật liệu làm nhà trồng rau có thể làm bằng sắt thép, gỗ tre già rất có sẵn ở Việt Nam. Hệ thống làm mát cũng không dùng đến máy điều hòa mà vẫn đảm bảo sự thông thoáng, nhiệt độ, độ ẩm theo quy định. Có những yếu tố công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn như thiết bị tưới nhỏ giọt cũng đang được tiến hành “Việt hóa” ở một số khâu để giảm thiểu chi phí .v.v. Hiện giờ, công nghệ này đã trở nên rất dễ để thực hiện ở quy mô hộ gia đình. Chỉ với mùn cưa, trấu, bọt biển, hộp xốp, những nguyên liệu rẻ tiền có ở mọi nơi, thêm một chút công chăm sóc là đã có thể có một vườn rau sạch tại nhà. Ở quy mô công nghiệp, TS An cũng đã hoàn tất các quy trình sản xuất.
Hiện nay đã có khoảng trên dưới 30 quy trình sản xuất rau sạch được viết ra. Theo các quy trình này, để sản xuất ra rau sạch, người trồng rau phải thực hiện nghiêm ngặt các nguyên tắc như rau được trồng trên loại đất nào, dùng loại thuốc bảo vệ thực vật nào với nồng độ, liều lượng, thời gian cách ly là bao nhiêu… và thực hiện theo đúng các quy định. Người nông dân cũng phải tuân thủ các quy tắc về việc bón phân cho rau. Rau chỉ được bón bằng khoai mục hay các loại phân đạm, lân, kali với liều lượng cân đối, ở mức cho phép và tuyệt đối không được bón bằng phân tươi .v.v.
Tuy vậy, tất cả các quy trình trên vẫn chỉ là sản xuất rau sạch… trên đồng ruộng. Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố dễ dàng ảnh hưởng đến quy trình sản xuất rau. Ví dụ, nếu đất trồng rau nhiễm kim loại nặng thì một yêu cầu đặt ra là buộc phải tiến hành khử trùng đất nền. Việc xử lý sẽ rất tốn kém và mất thời gian. Thường thì người trồng rau không đủ kinh phí và kiên nhẫn để làm việc đó, thậm chí họ cũng không quan tâm kiểm tra xem đất trồng rau của mình có nhiễm kim loại nặng hay không. Ngay như việc trồng rau trong các nhà lưới, dù đó là một môi trường cách ly rất tốt với các yếu tố như sâu bệnh nhưng chẳng ai có thể đảm bảo nguồn nước đưa vào nhà lưới không bị ô nhiễm hay mang mầm bệnh. Trong khi đó, các chi cục, các phòng bảo vệ thực vật không thể giám sát 24/24 và giám sát tất cả các hộ sản xuất rau sạch. Chính những lỗ hổng trong quy trình sản xuất và công tác quản lý giám sát khiến người tiêu dùng đang phải mua rau sạch bằng… niềm tin hoặc quan niệm rau sạch là phải có… sâu.
|
Trồng cây đến ngày hái quả, những nỗ lực nghiên cứu của TS An và các đồng nghiệp đã thành công. Đề tài mà ông chủ nhiệm đã được nghiệm thu từ tháng 6/2005 và được xếp loại tốt, giành được nhiều giải thưởng, bằng khen tại các hội chợ công nghệ. Đặc biệt, ở Techmart Hải Phòng 2007, công nghệ này đã giúp gian hàng của Trường ĐHNN I ký được biên bản ghi nhớ hợp tác trị giá tới 19 tỷ trong tổng số 32 tỷ VND của cả hội chợ. Nhưng đó chỉ là những biên bản ghi nhớ. Những đơn vị, doanh nghiệp thực sự có nhu cầu tìm đến để mong muốn chuyển giao công nghệ vẫn không nhiều.
Lý giải thực trạng trên, TS An cho rằng đây là một công nghệ hoàn toàn mới mẻ với Việt Nam, lại mới chỉ triển khai thực nghiệm trên mảnh đất hơn 1000m2 chưa đủ lớn để thuyết phục những người nông dân. “Bây giờ không như thời làm nông nghiệp tập thể, việc trồng cây gì, ứng dụng kỹ thuật gì, hoàn toàn do người nông dân quyết định. Nếu họ quyết định đúng thì “nhà lầu, xe hơi”, còn nếu quyết định sai thì “bố con xách bị đi ăn xin”. Tâm lý người nông dân nói chung là mong đợi có ai đó thành công rồi mới làm theo”, TS An nói.
Tâm sự với chúng tôi, ông cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng kết quả của những nghiên cứu có tính khả thi cao. Thành công của họ sẽ trở thành tấm gương cho các đơn vị kinh tế khác noi theo. “Cũng giống như trong chiến đấu, phải có những chiến sỹ dũng cảm vượt qua hàng rào thép gai mà không bị trúng đạn mới cổ vũ tinh thần cho các đồng đội ở phía sau xông lên được. Những người đi đầu cần phải có tinh thần không ngại trả giá, nhưng họ cũng cần trang bị “áo giáp” chứ”, TS An đã dí dỏm minh họa như vậy.