Israel thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp bằng tư duy toàn cầu

Các startup ở Israel có thể phát triển được là nhờ tư duy toàn cầu hóa ngay từ khi hình thành ý tưởng và vai trò thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp của chính phủ.


Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chụp ảnh với các diễn giả. Nguồn: TT truyền thông Bộ KH&CN.

Đó là những kinh nghiệm đã được hai chuyên gia khởi nghiệp từ Israel, bà Sarai Kemp, Phó Chủ tịch Phát triển Kinh doanh cho Trendines Agtech thuộc Tập đoàn Trendlines và ông Meir Dardashti, chuyên gia phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo từ Vườn ươm Ideality Roads chia sẻ tại hội thảo “Kinh nghiệm của Israel về ươm tạo và thương mại hóa công nghệ” do Bộ KH&CN tổ chức ngày 14/11.

Vào năm 1984, Israel còn là một nước đang khủng hoảng với tỷ lệ lạm phát lên tới 450%. Tuy nhiên sau 20 năm, giờ đây quốc gia nhỏ bé với hơn tám triệu dân này đã nổi tiếng thế giới với hình ảnh “quốc gia khởi nghiệp” khi đứng thứ ba thế giới về số lượng các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ NASDAQ và thứ hai thế giới về đầu tư mạo hiểm quản lý bởi quốc gia. Hiện nay có trên 300 tập đoàn nước ngoài đặt trung tâm R&D tại Israel.

Bà Meir Dardashti chia sẻ rằng do quy mô thị trường nội địa quá nhỏ, các startup ở Israel không có lựa chọn nào khác ngoài việc hướng tới tiến ra thị trường quốc tế và đã dần định hình tư duy startup hướng tới giải quyết các vấn đề toàn cầu. Không toàn cầu hóa đồng nghĩa với không gọi được vốn, đây là mặc định trong cộng đồng khởi nghiệp của Israel.

Cùng với tư duy toàn cầu hóa thì theo ông MeirDardashti, việc quan tâm tới bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng quan trọng không kém. Trong những giai đoạn đầu, các startup không có tiền, không có sản phẩm, những gì duy nhất họ có là ý tưởng – thực tế đầu tư vào startup chính là đầu tư vào ý tưởng. Vì vậy việc bảo hộ sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo những ý tưởng này không bị các công ty lớn lấy mất là rất cần thiết.          

Nhưng kể cả khi có ý tưởng tốt thì cơ hội được các quỹ tư nhân hay các công ty đầu tư là rất nhỏ, bởi giai đoạn ban đầu đầy rẫy các rủi ro. Những nhà đầu tư thường không thích liều lĩnh, hầu hết họ đều chỉ đầu tư khi các startup đã phát triển ở một mức độ nhất định, sản phẩm đã định hình rõ hơn, mức độ rủi ro thấp hơn. Đây là điều cả hai diễn giả cùng nhấn mạnh tại buổi hội thảo. Do đó, hai diễn giả cho rằng cần có nguồn vốn hỗ trợ startup ngay từ ban đầu, nguồn vốn này gần như là cho không các startup, để họ có thể phát triển đạt đến mức có thể nhận được các khoản đầu tư tư nhân.

Sau khi đã vào vườn ươm, mỗi dự án sẽ nhận được khoản ngân sách trung bình khoảng 600.000 USD (85% là Chính phủ hỗ trợ và 15% do vườn ươm đầu tư). Dự án chỉ phải hoàn trả viện trợ trong trường hợp thành công với tỷ lệ là 3% phí bản quyền từ doanh thu mỗi năm. Nếu thất bại, các startup có thể tiếp tục đăng ký dự án mới và nhận hỗ trợ lại từ đầu, tất cả là nhờ có văn hóa “chấp nhận thất bại” của người Israel. Hiện nay, Chính phủ dành ngân sách thường niên là 50 triệu USD cho 18 vườn ươm trải rộng khắp cả nước. Mỗi năm có khoảng 85 công ty khởi nghiệp được thành lập ở các vườn ươm và 90% trong số đó hoàn thành nhiệm vụ ươm tạo.

Theo bà Sarai Kemp, 90% các startup sẽ chết sau khi gọi vốn ban đầu thành công, vấn đề không phải do công nghệ mà do những người làm startup thường chỉ giỏi về mặt kỹ thuật nhưng lại thiếu hiểu biết về kinh doanh và thị trường. Do vậy, tại các vườn ươm, startup chỉ cần tập trung vào việc phát triển sản phẩm, còn việc thương mại hóa sẽ do những chuyên gia trong vườn ươm phụ trách. Các vườn ươm tại Israel sẽ định hướng các startup chỉ tập trung vào một ứng dụng duy nhất của công nghệ để phát triển thành sản phẩm, trong đó cân bằng giữa ba yếu tố: độ lớn của thị trường cho ứng dụng, thời gian để phát triển ứng dụng và thời gian để thâm nhập thị trường.

Khi được hỏi về kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp, ông Meir khuyến nghị Việt Nam cần thay đổi tư duy, cách làm hiện nay – ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài không phải là giải pháp lâu bền mà phải xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tốt để các nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội. Để làm được điều này, chính phủ cần chịu trách nhiệm trong cả quá trình xây dựng và duy trì hệ sinh thái. Thể chế và pháp luật ở Việt Nam cũng cần cải thiện để hỗ trợ tốt nhất cho đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cần đẩy mạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, vai trò của Chính phủ trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp là rất quan trọng và rất cần các chuyên gia tư vấn sâu hơn. Cụ thể, ông đề nghị hai chuyên gia sẽ tham gia tư vấn Chương trình khởi nghiệp đổi mới quốc gia Việt Nam.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)