Kế hoạch của Bush không có gì mới

Hôm 31 tháng 5, tổng thống George Bush đã đưa ra một "khung chương trình" mới cho các nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Thoạt tiên, kế hoạch này nghe có vẻ giống như một sự chuyển biến sâu sắc về quan điểm của Nhà Trắng. Nhưng khi nghĩ đi nghĩ lại những lời của ông Bush, các nhà phân tích đã kết luận rằng: ông ấy hầu như chẳng nói được điều gì mới.

Trong buổi nói chuyện ở Washington DC với Global Leadership Campain (đây là một nhóm vận động hành lang để các chính phủ chi nhiều tiền hơn cho các chương trình quốc tế), ông Bush đã kêu gọi các nước có lượng khí thải lớn trên thế giới cần phải “đồng tâm hiệp lực” để đến năm 2008 sẽ cùng tiến tới một mục tiêu toàn cầu dài hạn nhằm cắt giảm sự phát thải khí nhà kính. Ý tưởng đó của Bush đã tạo ra một sự phấn khích lớn trong dư luận.
Nhưng sau đó, James Connaughton, cố vấn môi trường của tổng thống đã nói rằng, Bush mới chỉ đề cập đến nguyện vọng cho “một mục tiêu dài hạn” chứ không phải một cam kết mang tính ràng buộc. “Vấn đề là cần phải có thêm những cơ chế để ràng buộc hóa kế hoạch của Bush,” ông nói.
“Vẫn cần phải chờ xem liệu sự khởi xướng này có bất cứ ý nghĩa nào không”, Bert Metz, một nhà khí hậu học ở Cơ quan Đánh giá Môi trường Hà Lan cũng tỏ ra thận trọng. Việc ổn định hóa lượng khí nhà kính trong khí quyển đòi hỏi “sự hợp tác quốc tế thật khẩn trương và thật quyết tâm. Điều đó có nghĩa là nhiệm vụ cần phải được thực hiện ngay chứ không phải chỉ ngồi bàn về kế hoạch trong năm tới.
Nhiều nhà phân tích đã coi đề xuất của Bush chỉ như một chiến thuật nhằm giảm nhẹ những áp lực liên quan đến vấn đề môi trường trong hội nghị G8. Alden Meyer, một chuyên gia khí hậu ở Massachusetts nói thêm rằng “động thái của Bush có thể sẽ tung hỏa mù nhằm đánh lạc hướng” những cuộc đàm phán của Liên hợp Quốc (UN) về thay đổi khí hậu dự định sẽ diễn ra ở Bali vào tháng 12 tới.   
Tuy nhiên, cũng có một số người cho rằng, kế hoạch của Bush có thể có ích chứ không phải là một đòn “chọc gậy bánh xe”. “Tôi nghĩ rằng, dù sao đó cũng là một điều tốt, cổ vũ cho các chương trình hành động sắp tới của UN”, Jeff Holmstead, một cựu quan chức môi trường trong chính quyền Bush nói.
Stephen Schneider, một nhà khí hậu học ở Đại học Stanford nghĩ rằng, một kế hoạch “đánh lẻ” theo kiểu của Bush mà không phương hại gì đến chương trình UN thì về lý thuyết là có thể có ích. Nhưng ông cũng nói thêm rằng, hồi tháng 7 năm 2005, khi tham gia vào nhóm AP6 (Asia-Pacific Partnership on Clean Development and Climate), một kế hoạch riêng của Bush (nhấn mạnh chuyện phát triển công nghệ để đối phó với thay đổi khí hậu) đã bị xem như một thất bại. “Kế hoạch đó làm tăng tiền chi cho nghiên cứu 100 lần nhưng không hề làm giảm được tốc độ thải khí nhà kính”.
Nhật Bản và Úc, 2 trong số 6 thành viên của AP6 đã hoan nghênh kế hoạch của Bush. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói rằng, cuối cùng thì Nhà Trắng cũng “bắt đầu quan tâm nghiêm túc đến sự nóng lên toàn cầu”. Mới đây, Abe đã vừa cho triển khai một kế hoạch của Nhật Bản hướng tới việc giảm một nửa sự phát thải khí nhà kính vào 2050.
Trung Quốc, một thành viên khác của AP6 và là “cái ống khói” xả carbon dioxide lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) cũng vừa tuyên bố kế hoạch hành động trước sự thay đổi khí hậu. Nước này dự định tập trung vào cải thiện hệ thống quản lý môi trường và nông nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Giống như Mỹ, Trung Quốc cũng chọn giải pháp phát triển các nguồn năng lượng sạch thay thế mà không gây tổn hại đến sự phát triển kinh tế. Trung Quốc chú ý rằng, sự phát thải tính trên đầu người của họ là thấp hơn so với trung bình thế giới và thấp hơn nhiều so với Mỹ, vì thế Mỹ nên là nước đầu tiên cần giảm lượng khí thải.
Nature Vol.447, June 2007      

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)