Khả năng quan sát cận cảnh của con người là để tránh rắn!

Các nhà khoa học vừa phát hiện rằng khả năng quan sát cận cảnh của con người đã được tiến hóa dành riêng cho việc phát hiện ra các con bò sát, nhất là loài rắn.

Con người, khỉ và các loài động vật linh trưởng khác đều có khả năng phân biệt màu sắc tốt, bộ não lớn và sử dụng khả năng nhìn của mình để vươn nắm đồ vật. Nhưng trong khi một số nhà khoa học cho rằng những đặc điểm này ra đời cùng một lúc để giúp các loài linh trưởng cổ đại sử dụng tay và mắt để thu nhặt trái cây và các đồ ăn khác, thì Lynne Isbell, Giáo sư nhân chủng học tại Đại học California, Mỹ, tin rằng những khả năng đó xuất hiện để giúp linh trưởng tránh rắn. “Rắn là loài ăn thịt duy nhất mà bạn cần phải nhìn thật chính xác. Nếu nó ở cách xa, nó không hề nguy hiểm”, Isbell cho biết.
Các nghiên cứu thần kinh đã cho thấy cấu trúc hệ hình ảnh của não dường như kết nối chặt chẽ tới cấu trúc não liên quan tới sự cảnh giác, lo sợ và học tập. Động vật có vú đã tiến hóa khoảng 100 triệu năm trước và các hóa thạch rắn với những cái miệng rộng lớn để xơi những con vật này cũng xuất hiện vào cùng thời điểm. Các loài ăn thịt khác như hổ báo, diều hâu, đại bàng đều tiến hóa muộn hơn. Và tiếp đến là rắn độc phát triển vào khoảng 60 triệu năm trước, buộc các loài linh trưởng phải tiến hóa tốt hơn để phát hiện được chúng.
“Có một cuộc chạy đua tiến hóa giữa các loài ăn thịt và con mồi. Động vật linh trưởng ngày càng giỏi hơn trong việc phát hiện và tránh rắn, vì vậy các con rắn lại càng tinh xảo hơn trong việc lẩn trốn, hoặc độc hơn và khi đó linh trưởng lại có cách phản ứng mới”, Isbell nói. Loài vượn cáo sống duy nhất trên hòn đảo Madagascar có thị lực rất kém do không hề có rắn độc ở đó.

Theo Reuters, HTV

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)