Khaled Toukan: Mở màn SESAME

Nhà vật lý nỗ lực đưa máy gia tốc synchrotron đầu tiên ở khu vực Trung Đông đi vào hoạt động.

Vào tháng 5/2010, một phiên họp lên kế hoạch xây dựng nguồn synchrotron đầu tiên của khu vực Trung Đông đã được tiến hành ngay khi tin mới về việc hải quân Israel tấn công vào một con tàu Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của đội tàu làm nhiệm vụ viện trợ nhân đạo cho dải Gaza. Cuộc họp với nhiều ý kiến trái ngược nhau này có nguy cơ nhấn chìm dự án synchrotron bởi sự chia rẽ giữa các đối tác tham gia dự án: một bên là Israel, Turkey và chính quyền Palestin, một bên là Cyprus, Egypt, Iran, Jordan và Pakistan. Dự án đã “sống sót” bằng nỗ lực của Khaled Toukan, giám đốc dự án và là người trao đổi với từng phái đoàn cũng như giữ cho tình hình trở nên ôn hòa hơn. “Tài năng đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này”, Maciej Nałęcz, nhà hóa sinh làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan ở Warsaw, nhận xét.

Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Synchrotron cho khoa học thực nghiệm và ứng dụng ở Trung Đông (SESAME) đã được khai trương năm 2017 sau 20 năm phát triển. Đây là trung tâm nghiên cứu quốc tế lớn đầu tiên về vật lý hạt nhân ở khu vực Trung Đông, và đặt khu vực này vào bản đồ khoa học thế giới.

Dẫu vậy, Toukan – nhà vật lý được cộng đồng tôn trọng, từng giữ chức hiệu trưởng trường đại học Ứng dụng Al-Balqa và ba lần giữ chức Bộ trưởng các Bộ Giáo dục, Bộ Năng lượng, Bộ KH&GD của Jordan, đóng vai trò dẫn dắt dự án. Ông là một trong số ít những người chủ chốt của dự án, Christopher Llewellyn Smith – nhà vật lý ở trường đại học Oxford (Anh) và là thành viên hội đồng điều hành của dự án từ năm 2008 đến 2017, cho biết, “không có ông ấy, dự án SESAME không thể hoàn thành được”.

Phòng thí nghiệm có tổng số vốn đầu tư 110 triệu đô la này đặt tại Amman, Jordan, gia tốc các hạt electron đến năng lượng cao, chạy quanh một vòng tròn có đường kính 133 m. Nguồn phóng xạ có cường độ lớn này được tạo ra để chụp ảnh các phân tử, các đồ tạo tác và rất nhiều vật thể khác. Nhưng cỗ máy này không chỉ là nguồn photon, theo Toukan nó còn là “tia sáng trong biển xung đột”.

Nhiều năm qua, Toukan đã làm dịu căng thẳng chính trị giữa các đối tác của SESAME. Ông đã tìm mọi cách để giữ nguồn tài chính của dự án được ổn định khi đóng góp của mỗi thành viên không được như mong đợi. “Chúng tôi thường lập kế hoạch theo từng tháng”, Toukan giải thích. Ông thuyết phục chính phủ Jordan sử dụng quỹ của châu Âu để xây dựng một nhà máy điện mặt trời trị giá 7 triệu đô la để cung cấp điện cho SESAME. Nhờ đó, kinh phí vận hành SESAME giảm đi một nửa, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chi phí điều hành dự án, Llewellyn Smith cho biết.

Kể từ năm 2003, Toukan làm việc cho SESAME mà không nhận tiền lương. Nhưng ông vẫn dành toàn thời gian cho dự án, Maciej Nałęcz – người phụ trách chương trình Khoa học cơ bản của UNESCO và quan sát toàn bộ quá trình hình thành SESAME. “Khi tôi gọi, ông ấy luôn trả lời ngay. Điều đó không thể tin được với một bộ trưởng”, Maciej Nałęcz kể. Năm 2017 đặc biệt bận bịu với Toukan bởi ngoài công việc ở SESAME, ông còn đảm trách vai trò chủ tịch của Ủy ban năng lượng nguyên tử Jordan và giám sát quá trình thực hiện của một dự án lớn thứ hai trong lịch sử vật lý hạt nhân của Jordan – lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân đầu tiên.

Toukan hy vọng sự thành công của SESAME sẽ dẫn đến sự ra đời của nhiều cơ sở nghiên cứu và ứng dụng khác cũng như mở ra sự hợp tác với nhiều quốc gia khác. Một vài người đã hoài nghi về dự án SESAME, ông cho biết, nhưng “hiện tại thì nó đã vận hành. SESAME đã thành sự thật.”

Thanh Nhàn dịch

Nguồn: Nature: https://www.nature.com/immersive/d41586-017-07763-y/index.html

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)