Khi nào xã hội trở thành hiện đại?

Công trình nghiên cứu bao quát về lịch sử cho thấy, sự chuyển dịch tiến đến hiện đại của nhân loại trong thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên vẫn coi là một chiều còn phức tạp hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đã biết.


Triết gia người Thụy Sĩ gốc Đức Karl Jaspers là người cổ xúy nổi tiếng nhất cho thuyết Thời đại trục tâm. Nguồn ảnh: Fritz Eschen/ullstein bill/Getty

Một ý tưởng có sức ảnh hưởng lớn trong hơn 200 năm qua cho rằng, vào khoảng giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên (CN), nhân loại đã bước qua một lằn ranh tâm lý quan trọng và trở thành người hiện đại. “Thời đại trục tâm” (Axial Age) này đã biến đổi một thế giới của những vua chúa thần thánh, chế độ nô lệ, và tục dùng người cúng tế cổ xưa sang một thời kỳ khai sáng hơn – đề cao công lý, giá trị gia đình, và chế độ pháp quyền. Khái niệm chung này có sức thu hút lớn tới mức một số người đã tuyên bố nhân loại hiện nay đang tiến vào Thời đại trục tâm thứ hai nhờ gia tăng dân số và thay đổi công nghệ nhanh chóng. Tuy nhiên, theo khảo sát dữ liệu lịch sử và khảo cổ học đa văn hóa lớn nhất từ trước tới nay thì Thời đại trục tâm thứ nhất chưa từng diễn ra, hay ít nhất là nó đã diễn ra theo cách khác với câu chuyện được kể lâu nay.

Những phân tích từ cuộc khảo sát trên cho thấy những thay đổi lớn thực sự đã diễn ra như việc con người hiểu được vị trí của mình trong vũ trụ và quan hệ giữa mình với người khác. Nhưng những chuyển dịch xã hội này diễn ra đôi khi từ trước thiên niên kỷ I trước CN, nhưng cũng có những thứ diễn ra sau thiên niên kỷ này. Chúng cũng không luôn diễn ra ở những xã hội được coi là “trục tâm” điển hình – những vùng mà ngày nay là Hy Lạp, Israel–Palestine, Iran, Ấn Độ, và Trung Quốc – mà cũng xảy ra ở một số xã hội khác. Một trong những tác giả của công trình khảo sát, nhà nhân chủng học Jenny Reddish thuộc Trung tâm Khoa học phức hợp (CSH: Complexity Science Hub) ở Wien nói “Chúng tôi không tìm thấy một thời đại trục tâm nhất quán nào bên trong năm xã hội đó”.

Công trình này vừa được công bố trong cuốn sách dày 500 trang với tựa đề “Lịch sử Seshat về Thời đại trục tâm” (Seshat History of the Axial Age). Nó làm nổi bật cách tiếp cận lịch sử bằng phương pháp dữ liệu lớn, vốn đã trở nên phổ biến trong một thập kỷ qua. Bằng một lối tiếp cận tổng quát, đối chiếu để tìm hiểu sự biến thiên của những xã hội cách xa nhau về thời gian và không gian, nó đã bổ sung cho công việc rất chuyên sâu và tỉ mỉ của các sử gia theo quy chuẩn lâu nay. Những kết quả mới chắc sẽ được tiếp nối với nhiều nghiên cứu tìm hiểu nguồn gốc của những xã hội phức tạp bằng những kỹ thuật mới này.

 

Đổi mới đơn lẻ?

 

Mặc dù khái niệm về Thời đại trục tâm đã có từ thế kỷ 18, nhưng mãi đến thập niên 1940 thì người cổ xúy nổi tiếng nhất cho khái niệm này mới đưa ra những luận điểm ủng hộ nó. Năm 1948, triết gia Thụy Sĩ gốc Đức Karl Jaspers viết, giữa năm 800 và 200 trước CN, năm xã hội trên đã chấp nhận chủ thuyết phổ quát đạo đức (moral universalism) – tư tưởng cho rằng con người kết nối với nhau về mặt đạo đức nhờ tính nhân văn chung. Theo Jaspers, bước chuyển biến này khởi đầu nhờ lời răn dạy của những nhà tư tưởng đổi mới đơn lẻ – Plátōn, những vị tiên tri Do Thái (Hebrew), Zarathustra, Đức Phật, và Khổng Tử. Nó đã mở ra một xu thế mà rồi đây dần lan rộng khắp toàn cầu.


CỔ ĐẠI ĐẾN HIỆN ĐẠI
Các sử gia từ lâu đã đề xuất rằng một “Thời đại trục tâm”, tức là thời kỳ nhiều xã hội cổ đại đồng thời chuyển dịch sang hiện đại, xảy ra vào thiên niên kỷ I trước CN, nhưng mỗi người đều đưa ra một con số ước tính rất khác nhau. Một nhóm các học giả ngày nay thì cho rằng không có một sự chuyển dịch rõ ràng như thế.
Biểu đồ sau thể hiện ước tính thời gian về “Thời đại trục tâm” được các sử gia công bố từ năm 1873 đến 2016. “BC” là trước CN, “AD” là CN. Vùng màu xám là thời gian trung bình. 

Công trình nghiên cứu mới xuất bản đã thách thức ý tưởng này. Nó tiếp nối một khảo sát khác công bố năm 2018 do nhà nhân chủng học Daniel Mullins ở Đại học Oxford, Anh, phụ trách. Cả hai nghiên cứu đều dựa trên một cơ sở dữ liệu lịch sử và khảo cổ tiên phong có tên gọi là Seshat – đặt theo tên gọi của nữ thần chuyên lưu trữ – ghi chép của Ai Cập cổ đại. Nghiên cứu năm 2018 cho thấy bức tranh về sự dịch chuyển trục tâm đồng thời hoàn toàn không rõ ràng như các học giả trước đây đề xuất, dựa trên năm xã hội mà Jaspers đề cập và năm xã hội khác do các tác giả tự chọn. Những xã hội này phát triển mạnh giữa năm 3000 trước CN và năm 2000 CN, ở vùng tương ứng với các nước Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Campuchia, và Nhật Bản ngày nay.

Công trình khảo sát thứ hai do một số học giả trong nhóm tiến hành nghiên cứu trước thực hiện đã mở rộng đối tượng nghiên cứu, bao gồm cả các xã hội ở Đông Nam Á, Polynesia, Tây Phi, Bắc Mỹ, và Nam Mỹ trong cùng giai đoạn, và đi kết kết luận tương tự như công trình trước. Nhà sử học và khảo cổ học Ian Morris thuộc Đại học Stanford ở California – không tham gia thực hiện nhưng viết lời nói đầu cho quyển sách này – nói: kết quả cho thấy “không có lý do chính đáng nào nghi ngờ rằng mô hình ta phải giải thích thực ra phức tạp hơn nhiều so với mô hình cách mạng đạo đức và tri thức ở lục địa Á-Âu vào thiên niên kỷ I trước CN”.

 

Khai thác dữ liệu

 

Đã có nhiều cơ sở dữ liệu lịch sử đang được xây dựng, nhưng Seshat là một trong những cơ sở dữ liệu lâu đời nhất, đặt ra mục tiêu tham vọng nhất, và phát triển nhanh nhất. Seshat do nhiều nhà sử học, nhân chủng học, và toán học thành lập năm 2011 bằng nguồn từ các quỹ cấp kinh phí nghiên cứu của Anh, Liên hiệp châu Âu, và một số nguồn khác. Hiện nay Seshat lưu trữ thông tin về hơn 450 xã hội mà xưa nhất là từ năm 4000 trước CN. Những người phụ tá nhập dữ liệu từ các sử liệu gốc và thứ cấp bằng một công thức cho phép so sánh theo thời gian và không gian, có tính vào đó cả những điểm bất định. Những chuyên gia, gồm các nhà sử học và khảo cổ học, kiểm chứng công việc của họ. Trong công trình khảo sát mới nhất, các nhà nghiên cứu thiết lập danh sách 12 thước đo gián tiếp cho các thành tố của “sự biến đổi trục tâm” trong một xã hội được các học giả chấp nhận rộng rãi. Những thước đo này bao gồm sự hiện diện của một bộ luật pháp lý chính thức, đức tin vào một đấng siêu nhiên “vô sở bất tri”, và sự tồn tại của một hệ thống công chức chuyên nghiệp đòi hỏi giới cai trị phải có trách nhiệm giải trình. Các nhà nghiên cứu từ đó đã dùng những thước đo gián tiếp này để theo dõi các xã hội trong danh sách mở rộng đó qua thời gian.

Kết quả cho thấy các đặc tính trục tâm bắt đầu xuất hiện một khoảng thời gian và không gian rất rộng. Từ lâu người ta đã tranh luận có nên đưa cả Ai Cập – một xã hội sớm thể hiện mức độ phát triển phức tạp – vào danh sách ban đầu của Jaspers hay không. Khảo sát này cho thấy rõ có bằng chứng cho thấy tính trục tâm ở đó từ rất lâu trước “thời đại” mà Jaspers nói tới. Joe Manning, sử gia tại Đại học Yale ở New Haven, bang Connecticut và là đồng tác giả chương về Ai Cập của nghiên cứu này nói rằng “Khởi đầu từ năm 1200 trước CN, trong thời kỳ Ramesses, ta thấy có rất nhiều thay đổi trong thực hành tôn giáo, nó được gọi là thời đại ngoan đạo”. Trong lúc đó ở Anatolia, người Hittites đã áp dụng chế độ pháp quyền phổ quát từ thiên niên kỷ II trước CN.

Ngược lại, tuy được đưa vào nhóm các nền văn minh trục tâm ban đầu nhưng Trung Quốc đã không thể hiện bước ngoặt phát triển cho đến nhiều thế kỷ sau năm 200 trước CN. Đó là kết luận của những nghiên cứu mới nhất.

 

Ốc đảo ánh sáng

 

Theo nhóm nghiên cứu Seshat, dữ liệu cũng phần nào phủ nhận một lập luận chủ chốt nữa của Jaspers rằng tiến bộ xuất hiện riêng rẽ với nhau ở năm xã hội cốt lõi mà ông gọi là “ốc đảo ánh sáng” này. Quản lý dự án Seshat, sử gia Daniel Hoyer tại trường Đại học George Brown ở Toronto, Canada, nói rằng những xã hội này có tham gia vào “hằng hà các cuộc trao đổi xuyên văn hóa. Khó có thể hiểu được truyền thống theo rabbi của Do Thái giáo và thậm chí là những bài viết của Plátōn nếu không có những tư tưởng đạo đức của Zarathustra và Ai Cập cũng như trường phái pháp quyền Hittites trước đó.”


Theo Jaspers, các thánh nhân Zarathustra (trái), Phật, Khổng tử, và Plátōn (phải) là những nhà tư tưởng văn hóa tân tiến trong điều kiện không có liên hệ với nhau, và những lời dạy của họ cuối cùng cũng lan tỏa khắp toàn cầu.

Nghiên cứu này cũng gặp phải những lời chỉ trích. Nhà xã hội học tôn giáo Hans Joas thuộc Đại học Humboldt Berlin nói rằng các tác giả đã bóp méo các nguồn tư liệu để chứng minh luận điểm của mình. Joas nói “Thật không may là người ta vẫn dùng thuật ngữ ‘Thời kỳ trục tâm’ để chủ yếu chỉ một hiện tượng đồng thời khó hiểu. Lập luận đó đã bị từ bỏ lâu rồi.”

Tuy nhiên, những định nghĩa hiện nay về Thời kỳ trục tâm khác nhau rất lớn, và khảo sát mới thực hiện cũng củng cố thêm nghi ngờ của những người khác rằng khái niệm này phù hợp với mục đích của nó. Theo Nicolas Baumard, người nghiên cứu biến thiên văn hóa tại École normale supérieure ở Paris thì “lúc đầu, việc chỉ ra rằng thời xưa không phải là một thời kỳ đồng nhất và rằng có sự biến chuyển quan trọng giữa thế giới cổ xưa và hậu kỳ cổ đại thì cũng hữu dụng”. Nhưng Baumard cho rằng không ai tranh luận về vấn đề đó nữa – và khảo sát Seshat đã chứng minh cho việc đó. Theo Baumard thì ngày nay “bất đồng ngày nay không xoay quanh vấn đề thời gian, nơi chốn nữa mà là về cơ chế nguyên nhân”.

 

Phương hướng tương lai

 

Khảo sát này có lẽ sẽ không phải là những lời sau cùng về Thời kỳ trục tâm. Không phải chỉ vì lý do ta khó có thể định lượng được các trạng thái tâm lý, mà ta vẫn còn đối mặt với những cuộc tranh luận mà đôi lúc là nảy lửa về cách xây dựng các cơ sở dữ liệu lịch sử tốt nhất. Cơ sở dữ liệu lịch sử tôn giáo (Database of Religious History), một đối thủ cạnh tranh với Seshat, dùng các chuyên gia như sử gia để nạp dữ liệu chứ không phải chỉ giám sát.

Theo Morris, tuy vẫn có những rạn nứt như thế nhưng cách tiếp cận dùng dữ liệu lớn mở ra khả năng rất lý thú cho việc kiểm nghiệm các lý thuyết khác nhau về nguyên nhân gây ra những thay đổi dạng trục tâm. Có phải những thay đổi này là hệ quả của việc xã hội ngày càng sung túc như đề xuất của Morris, Baumard, và những người khác? Hay đây là cách duy trì tính gắn kết xã hội khi xã hội trở nên phức tạp hơn như góp Seshat lập luận qua công trình  mới nhất của họ?

Đồng thời, những lập luận của quyển sách có thể có ảnh hưởng đến những đề xuất gần đây cho rằng nhân loại đang hoặc sắp vào một thời kỳ trục tâm mới. Morris nói những lập luận như vậy cũng không có gì ngạc nhiên trước tốc độ thay đổi xã hội mà công nghệ đem lại, nhưng bản chất của bất kỳ thời kỳ trục tâm mới nào cũng mập mờ như thời kỳ thứ nhất – như khảo sát Seshat đã chỉ ra.

Đối với Michael Scott, sử gia thuộc Đại học Warwick, Anh, thì những lập luận đó liên quan đến những nỗi lo âu đương đại hơn là những dịch chuyển có thể đong đếm nào khác. Ông cho rằng con người ngày nay có thể nhìn vào một thời kỳ trục tâm giả định để hiểu chính mình khi đối mặt với nền chính trị ngày càng mang tính dân tộc chủ nghĩa, biến đổi khí hậu, cùng cơn cuồng kết nối toàn cầu – “Tôi nghĩ rằng cả ba vấn đề này liên quan tới việc chúng ta muốn hiểu chính mình như đang ở trong một thời kỳ trục tâm”. □

 

Nguyễn Trịnh Đôn dịch

Nguồn: Nature 576, 189–190 (2019), https://doi.org/10.1038/d41586-019-03785-w

——-

Tham khảo:

1. D. Hoyer & J. Reddish (Eds.). Seshat History of the Axial Age. Beresta Books, 2019.

2. D.A. Mullins et al. (2018). A systematic assessment of “Axial Age” proposals using global comparative historical evidence. American Sociological Review 83:596–626.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)