Khoa học bị ảnh hưởng vì Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Các mối quan hê hợp tác nghiên cứu quốc tế có thể kết thúc sau quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cơ sở hạt nhân dưới lòng đất tại núi Fordow, miền bắc Iran. Nguồn: RT.com

Vào ngày 8/5/2018  vừa qua, tổng thống Mỹ Donald Trump đã  thông báo quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Điều đó có thể gây cản trở những nỗ lực đang được thực hiện để thiết lập những mối quan hệ hợp tác trong khoa học giữa các nhà nghiên cứu hai quốc gia. Các nhà khoa học cho biết, động thái này sẽ khiến cho tình trạng này trở nên xấu hơn.

Theo Kế hoạch hành động toàn diện chung 2015 (JCPOA), Iran đã đồng ý phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình và cho phép các nhà thanh sát quốc tế đến kiểm tra các cơ sở hạt nhân của mình để đổi lấy việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ, EU, Anh, Nga và Trung Quốc đề ra. Tại thời điểm đó, nhiều nhà nghiên cứu đã coi thỏa thuận hạt nhân như một cơ hội để thúc đẩy khoa học Iran và giúp họ mở rộng các mối hợp tác quốc tế.

Nhưng kể từ thỏa thuận năm 2015 thì những kế hoạch này đã gặp phải nhiều rào cản. Ví dụ, khi tổng thống Trump nhậm chức vào năm 2017, các nỗ lực đã được duy trì trong thời gian dài để thiết lập những trao đổi khoa học giữa Iran và Mỹ đã dừng lại. Những hội thảo được Viện Hàn lâm Khoa học, kỹ thuật và y tế quốc gia Mỹ (NASEM) tổ chức từ năm 2010 và 2017 nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như năng lượng mặt trời, quản lý nguồn nước đã dừng lại sau khi chính quyền Trump dấy lên hoài nghi về Iran và thỏa thuận hạt nhân, Glenn Schweitzer – người đứng đầu NASEM, cho biết.

“Khi thỏa thuận hạt nhân này được ký kết, chúng tôi đã tràn đầy nhiệt huyết về khả năng mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học, nhưng thật không may là hiện tại mọi thứ lại đi theo hướng ngược lại”, Soroosh Sorooshian – một nhà thủy văn Iran gốc Armenia làm việc tại trường đại học California, Irvine, nhận xét. Ông là một trong hàng trăm nhà khoa học đã tham gia các hội thảo do NASEM tổ chức. “Bây giờ chỉ có Chúa mới biết những gì sẽ xảy ra tiếp theo”, ông cho biết thêm.

Trong thời gian qua, các nhà khoa học Iran đã hợp tác với các đồng nghiệp châu Âu trong nhiều lĩnh vực như an toàn và an ninh hạt nhân nhưng không thể kết nối được với các nhà khoa học tại Mỹ trong lĩnh vực tương tự. Một phần của nguyên nhân là một số lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn còn được duy trì bất chấp thỏa thuận hạt nhân, và bởi vì các nhà nghiên cứu Mỹ thường cần một loại giấy phép của Bộ Tài chính Mỹ để hợp tác với các nhà khoa học Iran, Matthew Bunn – nhà nghiên cứu về các vấn đề không phổ biến hạt nhân tại trường đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, giải thích.

Bunn hiện đang tìm kiếm một giấy phép như vậy để khởi đầu cho một cuộc đối thoại với các nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran, với mục tiêu cuối cùng là hướng đất nước này theo một chương trình năng lượng hạt nhân an ninh và an toàn. Bunn nhận xét, quyết định của tổng thống Trump có thể ảnh hưởng đến những nỗ lực xây dựng một hợp tác khoa học có ý nghĩa và có thể khuyến khích những người Iran kiên định lập trường xây dựng đất nước thành một cường quốc hạt nhân. “Tôi cần nghĩ lại về những gì tôi đã lập kế hoạch. Không có nhiều nhiệt tình ở phía Iran cho các cuộc đối thoại với người Mỹ như tôi”.

Các mối hợp tác nghiên cứu khác cũng có thể bị ảnh hưởng, trong đó có dự án ở Fordow, một cơ sở hạt nhân ngầm dưới lòng đất gần Qom, miền bắc Iran. Là một phần của JCPOA, Iran đồng ý tạm dừng việc làm giàu uranium tại cơ sở này. Họ đặt kế hoạch theo đuổi nghiên cứu về vật lý hạt cũng như sản xuất đồng vị phóng xạ cho y tế tại đây. Các nhà khoa học Nga đã cùng thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm với Iran nhằm tăng cường khả năng sản xuất đồng vị phóng xạ trong y tế, Scott Kemp – trưởng phòng thí nghiệm An ninh và chính sách hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts tại Cambridge, cho biết.

Sorooshian cũng cho biết thêm, chỉ có một vài tin tốt là số lượng sinh viên Iran nhập học tại các trường đại học Mỹ đã tăng lên trong một vài năm gần đây, và điều đó sẽ giúp xây dựng mối quan hệ giữa hai quốc gia trong nhiều thập kỷ tới. Nhưng từ bây giờ, ông nói viễn cảnh về mối hợp tác trong khoa học giữa hai quốc gia dường như rất xấu, “mọi người đều lo ngại về điều đó”.

Anh Vũ dịch

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-05123-y

Tác giả