Khoa học Nhật: Chặng đường phục hồi sau động đất

Giờ đây các nhà khoa học Nhật Bản còn nhiều mối quan tâm hơn việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng phục vụ công tác nghiên cứu của họ. Tuy nhiên ngay khi bắt đầu thực hiện công tác này, họ sẽ cần sự giúp đỡ từ cộng đồng khoa học quốc tế.

Thủ tướng Nhật Naoto Kan đã gọi trận động đất, sóng thần và tình hình tại các lò phản ứng hạt nhân trong tháng này là thảm họa tồi tệ nhất đối mà Nhật Bản phải đối phó kể từ năm 1945. Số người chết đã vượt qua con số 20.000 người và toàn bộ mức độ thiệt hại vẫn chưa thể tính toán hết được.

Tình hình hiện tại cũng là một thảm họa cho ngành khoa học ở Nhật Bản. Các phòng thí nghiệm đã bị phá huỷ và Trường đại học Tohoku ở Sendai – một trong những Viện nghiên cứu hàng đầu của Nhật phải đóng cửa ít nhất cho đến cuối tháng sau. Nhiều toà nhà trong trường đã bị phá hủy tới mức không thể vào được khi các thiết bị hư hỏng, các mẫu vật bị phá huỷ vương vãi khắp mọi nơi. Ảnh hưởng này lan sang cả vùng bờ biển phía Đông tới thành phố Tsukuba, nơi mà có đến 40% các nhà nghiên cứu khoa học của Nhật đang làm việc. Thậm chí ngay ở vùng lân cận Tokyo, nơi mà phần lớn các cơ sở tránh được thiệt hại vật chất thì nhiều công trình nghiên cứu cũng phải dừng lại bởi mất điện và việc di cư của những nhà khoa học nước ngoài do lo ngại phóng xạ.  

Bên cạnh viện trợ nhân đạo từ nhiều nước, các nhà khoa học trên khắp thế giới cũng đang giúp đỡ các đồng nghiệp Nhật Bản dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số tiếp cận những người mà họ quen biết, trong khi những người khác sử dụng những biện pháp chính thống hơn.

Viện Y tế Quốc gia Hoa kỳ có kế hoạch cung cấp những cơ sở tạm thời cho các nhà khoa học bị mất cơ sở nghiên cứu tại Nhật. Nippon Science Support Network, được hỗ trợ bởi Nature Network, đang giúp điều phối hợp những nỗ lực cứu trợ từ Đức; và tính tới ngày 22/3, họ đã nhận được 18 đề nghị về vị trí công việc trong lĩnh vực khoa học và các dịch vụ khác, với rất nhiều trong số đó được tài trợ hoàn toàn, từ toán học tới dược liệu, huyết thanh và vật lý học thiên văn. Một chương trình hành động khác của quốc tế cũng đang thu thập những hỗ trợ có quy mô nhỏ hơn dưới hình thức nhà ở, kinh phí, phòng thí nghiệm và hệ thống máy chủ. Viện Khoa học Quốc gia Đức Leopoldina ở thành phố Halle, Viện Khoa học và Kỹ thuật Đức tại Berlin, và Học viện Khoa học và Nhân văn Berlin-Brandenburg đã đóng góp 5 triệu euro (tương đương 7,1 triệu USD) để ủng hộ ngành khoa học Nhật Bản. Ngoài ra, một nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Nano và Công nghệ Trung Quốc ở Bắc Kinh cung cấp cơ sở cho các nhà khoa học tạm trú. Bên cạnh đó, các tổ chức của Nhật Bản cũng đang thảo luận về các khoản vay hoặc nhận tài trợ máy móc và dụng cụ.

Với những người đang đề nghị được đóng góp hỗ trợ mà vẫn chưa được tiếp nhận thì cũng không nên ngạc nhiên.  Nhiều nhà khoa học bị ảnh hưởng không thể truy cập vào Internet thường xuyên và đa số vẫn đang vật lộn với những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày. Trước khi đi ra nước ngoài, họ vẫn phải cố gắng tìm ra những gì còn có thể cứu vãn được trong phòng thí nghiệm của họ tại Nhật. Và mặc dù điều tốt nhất cho các công trình nghiên cứu của họ sẽ là chuyển tới một cơ sở với đầy đủ tiện nghi cơ bản như điện nước, rất nhiều người trong số họ – đặc biệt là những nhà nghiên cứu cao cấp – có nghĩa vụ công việc và gia đình tại Nhật Bản.

Nhưng tình hình sẽ khác khi các nhà khoa học Nhật có điều kiện xem xét lại những nhu cầu cần thiết để xây dựng lại nghiên cứu của mình.  Điều tốt nhất mà cộng đồng khoa học quốc tế có thể làm là tiếp tục duy trì những đóng góp.  Đặc biệt là với các nhà nghiên cứu trẻ Nhật Bản, họ sẽ sẵn sàng hơn để tận dụng cơ hội đi ra nước ngoài. Điều này cũng sẽ mang lại động lực mới cho nền khoa học quốc gia khi mà trong 10 năm trở lại đây, số lượng nhà khoa học trẻ thực hiện nghiên cứu ở nước ngoài đã giảm mạnh, tạo ra một cộng đồng nghiên cứu tách biệt mà đáng lẽ ra có thể phát triển hơn nữa nếu mở rộng quan hệ ra bên ngoài.

Thảm họa này cũng mang tới những cơ hội nghiên cứu mới.  Sự tàn phá xảy ra cho thấy sức mạnh của sóng thần, động đất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu năng lượng. Những vấn đề này kết hợp với các vấn đề về y tế có thể đánh thức nhận biết về tầm quan trọng của khoa học cho một thế hệ học sinh đang ngày càng không quan tâm, với những chương trình giảng dạy mà tỷ trọng thành phần khoa học hiện đang là thấp nhất trong những năm gần đây. Ryoichi Matsuda, một nhà sinh vật học tại Đai học Tokyo cho rằng thảm họa này có thể được sử dụng để tái nhận mạnh tầm quan trọng của “khoa học cho sống còn”.

Việc tái gây dựng cũng sẽ mang lại một số lợi ích. Việc phá bỏ các lò phản ứng hạt nhân cũ sẽ mở cánh cửa thảo luận cho các giải pháp năng lượng khác, vi dụ như  năng lượng địa nhiệt. Những nhà quản lý của Đại học Tohoku đang có những cuộc bàn luận về việc cải thiện cơ sở hạ tầng, trong đó sẽ có sự sửa sang lại cả các cơ sở cũ đã lạc hậu.

Tại thời điểm này, với những thiệt hại về người và của lớn lao, thì cơ sở hạ tầng cho khoa học không phải là ưu tiên số một của quốc gia này. Các nhà khoa học khắp Nhật Bản đang chuẩn bị cho việc cắt giảm kinh phí để giúp miền Đông Bắc khôi phục trở lại. Dù vậy, cả đất nước sẽ không thể tồn tại nếu thiếu khoa học và công nghệ.

Chính phủ Nhật sẽ đứng lên để đối mặt với những khó khăn trong việc khôi phục ngành khoa học của mình, nhưng đây sẽ là một cuộc đấu tranh lâu dài để có thể gây dựng một nền tảng vững chắc mà trong đó thậm chí nhiều người có thể sẽ phải hy sinh. Những người đang giúp đỡ để mở ra những cánh cửa cơ hội cho các nhà khoa học Nhật Bản nên tiếp tục duy trì nỗ lực. Và có lẽ những người khác sẽ muốn nghĩ đến việc tạo ra thêm nhiều cơ hội hơn nữa.

Thùy Dương dịch (Nature News)

Tác giả