Khoa học và nhân văn

Khả năng gì là cần thiết cho người đi học ngày nay? Biết đối phó với tình thế, biết phán đoán, biết giải quyết vấn đề, biết xử lý thông tin, biết làm việc tập thể… nghĩa là những khả năng đòi hỏi phải có kiến thức đa ngành. Kỳ lạ, ngày càng có nhiều người lên tiếng: những môn học làm phát triển khả năng ấy là những môn khoa học xã hội và nhân văn. Xin nói rõ: khoa học mà tôi muốn nói ở đây là khoa học căn bản. Dùng kiến thức khoa học để khuếch trương phát minh công nghệ dĩ nhiên là cần thiết, nhưng sự giàu mạnh của một nước không phải nằm ở mức đó: nó nằm ở nơi khoa học căn bản, nghiên cứu căn bản.

Lúc nhỏ, tôi đã từng học: nước ta có rừng vàng biển bạc. Ngày nay, đào dưới đất lên để tìm vàng là thái độ của một nước cam tâm tụt hậu. Vàng, nằm ở trong đầu. Một nước hưng hay vong là tùy ở giáo dục của nước đó biết tìm vàng ở đâu, biết nâng cao đam mê khoa học nơi những đầu óc non trẻ lên lý tưởng nghiên cứu căn bản. Mà muốn làm nghiên cứu căn bản, người đi học phải nắm vững lý thuyết. “Không có gì thực tiễn hơn một lý thuyết tốt”, đó là câu nói của một triết gia, Hans Albert. Tại sao? Tại vì “không có lý thuyết, thực tiễn chỉ là lặp đi lặp lại, do thói quen cố định mà làm. Chỉ lý thuyết mới thúc đẩy và làm phát triển óc sáng tạo”. Đó là câu nói của một nhà khoa học, Pasteur.
Tôi vừa bắc chiếc cầu giữa triết học và khoa học. Tiếp theo đây là chiếc cầu giữa khoa học và văn chương mà một nhà bác học danh tiếng, Henri Poincaré (1854-1912) đã mời các nhà giáo và các em học sinh bước qua trong một bài diễn văn nổi tiếng mà tôi rất tiếc chỉ có thể trích vài câu:
“Ai cũng đồng ý rằng giáo dục văn chương, nếu hiểu cho đúng, nghĩa là tước bỏ đi hết cái vỏ ngoài đạo mạo và thông thái vô dụng, là thích hợp nhất để phát triển trong ta đầu óc tinh tế. Và bởi vì đầu óc tinh tế là cần thiết cho mọi người, bởi vì ai cũng phải sống, người ta kết luận rằng văn hóa, văn chương, là cần thiết cho các nhà bác học cũng như cho tất cả mọi người. Thế nhưng, thông thường người ta chỉ nghĩ rằng mọi người đều cần văn chương để trở thành người chứ không phải để trở thành nhà bác học, và chính đó là sai lầm”.[1]
Văn chương không làm ra sản phẩm kinh tế, không biến chữ thành tiền trong chớp mắt; nghiên cứu khoa học căn bản cũng vậy. Nhưng có người học trò nào học khoa học, khi đã đam mê, mà không mơ ước theo đuổi khoa học với tinh thần vị khoa học? Có ông thầy nào, đam mê khoa học, mà không khuyên nhủ người học trò ấy vươn cao nhìn xa? Văn chương có lợi gì cho người học trò ấy chăng? Hãy nghe tiếp Poincaré:
“Nhà bác học không được quyến luyến với những công trình có kết quả thực tiễn; ông ta chắc sẽ đạt được thôi, nhưng ông phải xem đó là phần phụ trội, không nhắm đến mà có. Ông không được bao giờ quên rằng đối tượng đặc biệt mà ông nghiên cứu chỉ là một phần của một toàn bộ vượt quá đối tượng kia đến vô tận vô biên, và lòng yêu thích cùng tính tò mò về cái toàn bộ ấy mới là động cơ duy nhất của công việc ông làm. Khoa học đã có những ứng dụng tuyệt vời, nhưng khoa học mà chỉ có trước mắt những ứng dụng mà thôi không phải là khoa học, chỉ là bếp núc. Không có một khoa học nào khác khoa học vô vị lợi. Phải lên cao hơn nữa, và lúc nào cũng phải lên cao hơn, để bao giờ cũng nhìn thấy xa hơn và không quyến luyến gì lâu ở dọc đường. Người leo núi chân chính bao giờ cũng xem đỉnh núi vừa mới leo tới như là chỗ gác chân dẫn đến một đỉnh núi khác cao hơn. Nhà bác học phải có bàn chân của người miền núi, và nhất là phải có trái tim của người miền núi. Đó là tinh thần phải hướng dẫn nhà bác học. Tinh thần đó, chính là tinh thần ngày xưa đã thổi trên đất Hy Lạp và đã làm nảy sinh ra những nhà thi sĩ và những nhà tư tưởng. Trong giáo dục cổ điển của ta, tôi không biết cái gì còn phảng phất linh hồn Hy Lạp ngày xưa, tôi không biết cái gì khiến ta luôn luôn nhìn lên cao. Và cái đó thật quý báu cho nhà bác học hơn là đọc hàng trăm pho sách về hình học”.[2]
Đó là lời của một nhà bác học ở đầu thế kỷ 20. Tôi trích thêm một câu nói khác nữa, rất ngắn, vài chữ thôi, và tôi sẽ nói là của ai: “Tưởng tượng cần thiết hơn là kiến thức”. Nếu người nói câu đó không phải là Einstein thì chắc ta đọc qua rồi bỏ, cho rằng ai đó nói gàn. Nhưng tác giả đã là Einstein thì ta phải suy nghĩ. Einstein muốn nói đến ảnh hưởng của sáng tạo – creativity – trên chính cách vận dụng kiến thức. Sáng tạo, đó là khả năng thoát ra khỏi những công thức cũ, mở ra những con đường mới, để trả lời những thách thức mới, khả năng tạo ra những ý tưởng mới, khái niệm mới, hoặc nối kết những ý tưởng và những khái niệm đã có rồi nhưng chưa liên hệ được với nhau. Tại sao tưởng tượng góp phần vào sáng tạo? Tôi mượn câu trả lời từ một triết gia, Michel Serres: tại vì tưởng tượng là một trong ba năng khiếu làm nên cái đầu của con người cùng với hai năng khiếu khác là ký ức và lý trí.[3] Và cái gì làm tưởng tượng bay bổng nếu không phải là nghệ thuật, văn chương?
Câu nói của Einstein khiến ta phải chợt nghĩ lại: những người có óc sáng tạo nhất, nghĩa là những người biết nối kết tài tình nhất giữa những ý tưởng, phải chăng chính là những nhà khoa học!
Bây giờ tôi mượn lời của một nhà vật lý hiện đang còn làm việc, Etienne Klein. Ông nói: Không có gì khác biệt hơn giữa cách làm việc của khoa học và cách làm việc của nhân văn. Một đằng, triết học chẳng hạn, thiên về thuần suy tưởng, thuần khái niệm; một đằng, khoa học chú tâm vào lý thuyết và thực nghiệm. Vậy mà:
“Vậy mà, dù khác nhau đến thế, cả hai kín đáo, bí mật, chuyện trò qua lại với nhau. Vài câu hỏi mà khoa học đặt ra, nhất là những câu hỏi thực sự căn bản, có điều này lôi cuốn như thôi miên: nó vượt ra ngoài khung khổ của riêng khoa học. Nó bắt buộc phải mở toang ra những cửa sổ. Và không khí mát rượi bất chợt tràn vào, hân hoan tràn vào. Nhất là không khí của triết lý. Lúc đó, toàn bộ tư tưởng được tức thời động viên”.[4]
Một vài tiến bộ khoa học – thuyết vật lý lượng tử , thuyết tương đối…- buộc người làm khoa học cũng như triết gia phải xét lại suy nghĩ của mình, phải mở ra những chiều hướng suy nghĩ mới, phải thay đổi mũi nhọn tấn công. Nhưng:
“Nhưng còn phải có văn hóa; phải có văn hóa, trước là để có thể dò dẫm tìm ra, sau là để khai triển”.[5]
Còn văn chương?
“Khoa học và văn chương cứ bị đem ra để đối kháng nhau: một bên, người ta bảo thế là chính xác, là khô khan, là khách quan; một bên là tình cảm, là đời sống, là chủ quan. Thực ra, hai cách tương quan đó với thế giới không nên đối chọi nhau, mà nối kết với nhau”.[6]
Tôi không muốn mượn những câu nói gì cao siêu từ các nhà khoa học. Nói cao siêu để chẳng thực hiện được gì trong hoàn cảnh của đất nước ta chỉ làm cái chuyện vô ích như thêu hoa trên giẻ rách. Cho nên tôi mượn thêm từ nhà vật lý này một câu nói bình dị, ai nói cũng được, bình dị như một chân lý hiển nhiên:
“Một xã hội phải đi trên hai chân: một chân là khoa học và công nghệ, một chân là văn hóa. Và dĩ nhiên xã hội phải có khả năng vận động cả hai chân. Thật vậy, không có một xã hội hiện đại nào chỉ thuần là văn hóa: xã hội nào cũng dựa trên khoa học và công nghệ. Nhưng một xã hội chỉ dựa trên công nghệ, trên một công nghệ thiếu suy tư, cắt đứt với văn hóa, trên một công nghệ tự nó duy nhất trở thành cứu cánh của chính nó, không thể hoạt động tốt được”.[7]
(Trích tham luận tại hội thảo “Đại học nào cho Việt Nam ở thế kỷ 21?” ĐH Hoa Sen, TP HCM, 2009)
——————
[1-3] Henri Poincaré, Les Sciences et les Humanités (Conférence pour la “Ligue pour la culture française”. Có thể đọc trên mạng: http://www.acnancymetz.fr/enseign/philo/textesph/LESSCIENCESETLESHUMANITES.pdf
[4-7]. Etienne Klein, Sciences et humanités: des jambes à articuler, http://www.snes. edu/IMG/pdf/etienne_klein_-_jrd_humanites.pdf

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)