Không nên chỉ trông chờ vào vaccine

Trước tốc độ và số lượng loại vaccine đang được phát triển nhanh như hiện nay, một câu hỏi được đặt ra là liệu nay mai coronavirus có trở thành quá khứ? Với bài học rút ra từ việc chống đại dịch đậu mùa và dịch cúm Tây Ban Nha, nhà nghiên cứu lịch sử y học Alexandre White trường Đại học Johns Hopkins cảnh báo chúng ta về sự lạc quan thái quá.


Nhà nghiên cứu lịch sử y học Alexandre White trường Đại học Johns Hopkins.

Ngược trở về quá khứ, Ali Maow Maalin, một đầu bếp ở Somalia, là người cuối cùng bị lây nhiễm virus đậu mùa (ông được phát hiện mắc bệnh này vào hồi tháng 10/1977). Và cho đến ngày 8/5/1980, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố “bệnh đậu mùa đã chấm dứt vĩnh viễn trên toàn thế giới”. Đây là lần đầu tiên và cho đến nay cũng là lần duy nhất trong lịch sử nhân loại đã hạ gục vĩnh viễn một căn bệnh truyền nhiễm. WHO đã tiến hành một chiến dịch tiêm chủng chưa từng có để tiêu diệt vĩnh viễn một trong những bệnh dịch nguy hiểm nhất trên thế giới.

Nhìn lại cuộc chiến với bệnh đậu mùa, giáo sư Alexandre White thuộc Đại học Johns Hopkins nói với Spiegel (Đức) rằng, cuộc chiến chống lại bệnh đậu mùa là một tấm gương cho cuộc chiến chống đại dịch Corona ngày nay và chúng ta nên xem lại những bài học rút ra từ các cuộc chiến chống các bệnh dịch khác trong quá khứ.

Thưa ông, nhiều doanh nghiệp đã phát triển thành công vaccine chống virus corona – phải chăng đại dịch này sắp đến hồi kết?

Những thông tin đó hết sức đáng mừng, nó góp phần khẳng định con đường chúng ta chọn là đúng. Rất có thể chúng ta sẽ sớm kiểm soát được virus, chí ít là ở một số vùng trên thế giới, đầu tiên là châu Âu và Hoa Kỳ.

 

Nhưng có sự thật là tại Hoa Kỳ, nhiều người Mỹ gốc Phi không tin tưởng vào tiêm chủng mặc dù họ thường có nguy cơ rủi ro mắc nhiều bệnh dịch. Theo cuộc điều tra trong tháng 9/2020, chỉ có 32% người Mỹ da màu muốn tiêm chủng vaccine chống corona virus. Tại sao lại như vậy?

Hoài nghi vào vaccine bắt nguồn từ sự không tin tưởng vào chính sách y tế còn có nhiều khiếm khuyết của Chính phủ Hoa Kỳ hiện nay, mặt khác còn có nguyên nhân lịch sử. Ngay từ trước khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ra đời, người da đen đã bị lạm dụng trong y học. Ví dụ như trường hợp của James Marion Sims, người được coi là “cha đẻ ngành sản khoa của Hoa Kỳ” khi đã tiến hành một loạt thí nghiệm ở phụ nữ da đen cuối thế kỷ 19 mà không dùng bất cứ loại thuốc tê nào. Sau đó, kể từ năm 1932, người Mỹ cũng thực hiện một thí nghiệm về bệnh giang mai trong 40 năm đối với hàng trăm đàn ông Mỹ da đen; tiếp đó là việc triệt sản bắt buộc đối với phụ nữ da đen, phụ nữ bản địa và phụ nữ Mỹ gốc Puerto Rico. Đây không phải là những trường hợp cá biệt mà là những ví dụ về bạo lực y tế mà người thiểu số ở Mỹ từng phải đối mặt cho đến những năm 1970. Những hành động như vậy để lại những dấu vết khó phai trong ký ức cộng đồng người Mỹ da đen.


Ali Maow Maalin, một đầu bếp ở Somalia, là người cuối cùng bị lây nhiễm virus đậu mùa.
 

Nhìn lại bệnh đậu mùa, nhờ một chiến dịch tiêm chủng do WHO phát động trên toàn thế giới mà căn bệnh này đã bị xóa sạch hoàn toàn – điều này có thể coi là một tấm gương đối với cuộc chiến chống corona?

Tôi nghĩ chỉ ở một chừng mực nhất định thôi bởi hai bệnh này rất khác nhau. Tôi hoài nghi vào việc chúng ta có thể tiêu diệt một cách đơn giản hoàn toàn Sars-CoV-2, vì khác với bệnh đậu mùa, con virus này có thể lây từ động vật sang người. Lịch sử diệt trừ bệnh đậu mùa cho thấy, nếu chỉ có duy nhất vaccine thì phương pháp này không thể thật sự lý tưởng: Mặc dù ngay từ năm 1796, bác sỹ người Anh Edward Jenner đã thử nghiệm vaccine và từ thế kỷ 19 đã tiến hành tiêm chủng ở các nước công nghiệp nhưng trong thế kỷ 20, ước tính vẫn có khoảng 400 triệu người bị chết vì bệnh đậu mùa trên thế giới.

Việc triển khai kế hoạch tiêm chủng bắt buộc vào năm 1967 đã giúp tiêu diệt virus đậu mùa trong vòng 12 năm.

 

Nước hoa hồng và nạn phân biệt chủng tộc: Khắc phục dịch bệnh trong quá khứ

 

Để đạt được mục tiêu này, nhân viên y tế, thí dụ như ở Ấn Độ và Bangladesch, đã có lúc áp dụng các biện pháp cưỡng bức thô bạo. Do chính sách y tế có tính áp đặt từ trên xuống, người dân không những không được hướng dẫn, giải thích đầy đủ mà còn bị coi thường, họ trở nên bị động trong tiêm chủng. Nghiên cứu của nhà sử học Hoa Kỳ Paul Greenough từ Đại học Iowa cho thấy, những phương pháp thô bạo những năm 1970 có thể làm triệt tiêu và ảnh hưởng lâu dài đến tinh thần sẵn sàng tiêm chủng của tầng lớp dân chúng bị dịch bệnh đe dọa nhiều nhất. Để hạn chế sự mất lòng tin này trong tương lai, các chính phủ khi tổ chức các chiến dịch tiêm chủng rộng lớn cần có sự giải thích chu đáo, tỉ mỉ và đối xử tử tế với người dân.

Có lẽ một trong những vấn đề quan trọng trong tiêm chủng là làm thế nào để mọi người đều có thể tiếp cận được với vaccine.

Đây chính là điều khiến tôi rất lo lắng. Chúng ta thường có xu hướng xem vấn đề đại dịch với cách nhìn chủ quan của mình, tức là theo quan niệm của châu Âu hay Hoa Kỳ và bỏ qua các khu vực rộng lớn trên thế giới, thí dụ toàn bộ khu vực phía Nam của thế giới. Lịch sử chống đại dịch cho thấy sự ích kỷ như vậy có thể nguy hiểm chết người như thế nào.

Trong lịch sử, không thiếu những trường hợp như thế, một trong số đó là đại dịch dịch hạch lần thứ ba bùng phát ở Trung Quốc hồi cuối thế kỷ 19 và đến năm 1901, lây lan đến Cape Town. Khi đó, người dân da đen bị dồn vào các khu cách ly ở các vùng ngoại ô. Hành động này đã tạo ra một loại mô hình cho hệ thống các thị trấn ven đô. Còn trong thế kỷ 20, nó trở thành một dấu hiệu rõ ràng nhất về nạn phân biệt chủng tộc khi phân biệt đối xử và hành động thô bạo là những biện pháp đã được áp dụng trong việc chống đại dịch – tính mạng người châu Âu, người Mỹ và người da trắng ở Nam Phi đã được cho là có giá trị hơn tính mạng các nhóm người khác. Hậu quả là đã có 15 triệu người chết, chủ yếu ở Ấn Độ và Trung Quốc; cho đến nay đây đó vẫn bùng phát bệnh dịch hạch. Nếu ai đó gọi đại dịch Corona là “bệnh dịch Trung Quốc” thì phải hiểu, phân biệt chủng tộc và bài ngoại chỉ làm chậm lại cuộc chiến chống đại dịch.


Tiêm phòng bệnh đậu mùa ở một trường tiểu học ở London năm 1962). 
 

Người ta vẫn thường hay có sự so sánh Covid-19 với dịch cúm Tây Ban Nha. Đến một lúc nào đó, con virus cúm này sẽ biến mất hoàn toàn chứ?

Các nhà dịch tễ học cũng như các nhà sử học cho đến nay vẫn chưa biết nguyên nhân nào làm cho đại dịch khủng khiếp này bị chặn đứng và suy giảm. Tuy nhiên bài học mà dịch cúm Tây Ban Nha đem lại cho chúng ta rất rõ ràng: hậu quả sẽ khó lường nếu ta thiếu cương quyết và hài lòng quá sớm khi thấy số ca lây nhiễm trong nước giảm nhiều. Làn sóng thứ ba dịch cúm Tây Ban Nha bắt đầu vào mùa xuân 1919 đã làm cho các thành phố ở Hoa Kỳ vô cùng điêu đứng.

 

Ông cũng đã xem xét rất kỹ chiến lược phòng chống Aids. Có thể rút ra bài học gì từ việc này?

Khi căn bệnh này bùng phát ở Mỹ trong những năm 1980, phản ứng của dư luận là kỳ thị và bài xích người đồng tính còn chính phủ tỏ ra thờ ơ. Mãi đến năm 1985 khi đã có khoảng trên 6000 người Mỹ chết vì căn bệnh này thì Tổng thống Mỹ khi đó là ông Reagan mới lên tiếng. Sự thờ ơ và cố chấp đáng xấu hổ này đã làm nảy sinh trong dân chúng sự ngộ nhận về sự bình an. Cái giá cho sai lầm đó là hàng ngàn mạng người. Aids đã cho chúng ta thấy, để diệt trừ có hiệu quả một căn bệnh cần có sự hiểu biết và ý chí quyết tâm của các cộng đồng.

Vậy cuộc chiến chống bệnh sốt Ebola hoành hành ở Tây Phi từ năm 2014 và sau đó ở Trung Phi từ năm 2018 nhắc nhở chúng ta điều gì?

Chúng ta không nên chỉ chăm chăm trông vào tiêm phòng, điều quan trọng là phải tiến hành điều tra thu thập dữ liệu một cách rộng khắp và sự giúp đỡ của quốc tế cũng rất quan trọng. Số lượng các vụ lây nhiễm ở Tây Phi giảm rõ rệt ngay từ khi chưa phát triển thành công một loại vaccine nào do người ta đã nắm được mức độ lây lan và thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh, giãn cách xã hội và chú trọng vấn đề cách ly.

 

Toàn cầu hóa ngày càng tăng làm cho sự lây lan trong đại dịch cũng diễn ra mau lẹ hơn.

Đúng thế. Khi nào đó sẽ lại bùng phát một vụ dịch mới, vấn đề chỉ là thời gian.

 

Chúng ta phải chuẩn bị như thế nào về việc này?

Nếu như có một bài học để chúng ta rút ra từ lịch sử thì điều đó là, các đại dịch không quan tâm đến biên giới quốc gia. Đại dịch tấn công toàn cầu và bất kể ai cũng có thể bị dính đòn, bất chấp nòi giống, màu da, giới tính hay thành phần xã hội. Do đó, đại dịch phải bị tiêu diệt trên phạm vi toàn cầu, tuy nhiên không phải bằng các biện pháp cưỡng bức bạo lực mà là bằng tuyên truyền giáo dục và hợp tác toàn diện. Cần phải ý thức được rằng, sức khỏe của chúng ta không phải là vấn đề của một cá nhân nào mà còn phụ thuộc vào những người khác. Để có được nhận thức đó, trước hết đòi hỏi chúng ta phải học hỏi, thực sự đặt mình vào địa vị của những người khác. Điều duy nhất giúp ích lâu dài đó là lòng trắc ẩn, vị tha. Chỉ khi nào chúng ta có được tình cảm trắc ẩn, vị tha đó thì chúng ta không những sẽ tiêu diệt được đại dịch virus corona mà bất kỳ đại dịch nào xuất hiện trong tương lai. □

 

Nguyễn Xuân Hoài dịch

 

Nguồn bài và ảnh: https://www.spiegel.de/geschichte/corona-bekaempfung-wir-duerfen-uns-nicht-allein-auf-impfstoffe-fokussieren-a-2cb797a3-4e52-4fea-b609-d66a6762983d

* Alexandre White – tiến sỹ lịch sử y học, nhà xã hội học, là giảng viên Đại học  Johns Hopkins ở Baltimore (Maryland). Cuốn sách xuất bản năm 2019 “Epidemic Colonialism: A Social History of International Disease Response” của ông đề cập đến tác động xã hội của dịch bệnh trong lịch sử và cơ chế quốc tế trong việc kiểm soát và khắc phục tác động của dịch bệnh trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)