Khu bảo tồn vì cuộc sống

Khi được hỏi về phát triển bền vững, thay vì đưa ra những định nghĩa rất khoa học, GS Võ Quý nói về dự án phát triển vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên ông thực hiện thành công hơn 10 năm về trước tại Hà Tĩnh như một ví dụ về mô hình phát triển dân sinh và bảo tồn thiên nhiên; và những trăn trở của ông về việc bảo vệ tài nguyên và môi trường hiện nay.

Tại hội nghị Hội đồng quốc tế về khu bảo tồn thiên nhiên tại Venezuela năm 1994, tôi được tham dự và nói về khó khăn của Việt Nam. “Chúng tôi đã thành lập khu bảo tồn nhưng làm thế nào để giữ được những khu bảo tồn ấy thì không phải dễ. Chúng ta đều biết, quan niệm về khu bảo tồn là “hàng rào và cảnh sát” vì trước khi thành lập khu bảo tồn, người dân được khai thác một số tài nguyên rừng cho cuộc sống của họ, nhưng khi đã thành lập khu bảo tồn, không ai được tự do vượt qua ranh giới vào khai thác tài nguyên và ở đó luôn có người canh giữ. Ở Việt Nam, dân sinh sống xung quanh khu bảo tồn quá đông, nghèo mà “hàng rào” thì thưa. Muốn bảo vệ được chỉ có cách phải tăng số người canh giữ lên, cụ thể như vườn quốc gia Cúc Phương có lẽ phải cần đến vài nghìn người”. Khi tôi nói ý này ra, mọi người tham gia hội nghị cười: Các ông lấy tiền đâu để trả? Tôi nói, “Tại sao lại không thể biến mỗi người dân sinh sống quanh khu bảo tồn thành một kiểm lâm viên. Nếu người dân có lợi từ khu bảo tồn thì chắc rằng họ sẽ tích cực tham gia xây dựng. Muốn thế, ban quản lý khu bảo tồn phải quan tâm đến yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân địa phương, để cho cộng đồng địa phương được hưởng thụ các lợi ích do các chương trình bảo vệ đưa lại, tìm cách giúp cộng đồng dân cư xung quanh khu bảo tồn, nâng cao cuộc sống, mà không phải đối đầu với họ”. Quan điểm “khu bảo tồn vì cuộc sống” này được các đại biểu tán đồng, nhất là các nước đang phát triển.

Từ hội nghị trở về, tôi quyết định áp dụng quan điểm này vào thực tế tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Tôi chọn xã Xuân Phương vừa mới được Ban quản lý vườn chuyển từ trung tâm Bống ra khu đất ngay trước cổng vườn, còn nhiều khó khăn. Tôi gợi ý với Ủy ban xã là muốn giúp các gia đình trồng rừng ở sườn đồi quanh xã, và trồng cây ăn quả trong vườn nhà. Họ ủng hộ và cho biết số cây giống cần cho toàn xã. Tôi cho người giao giống cây cho xã phân phối cho dân. Ba ngày sau tôi về xã với mục đích chụp một số ảnh để báo cáo với Đại sứ quán Anh, cơ quan tài trợ, thì thấy phần lớn cây giống vẫn còn nguyên ở ngoài đường, bắt đầu khô héo. Hỏi ra mới biết là vì tôi chưa đưa tiền trồng cho họ.  Thì ra họ đã nghĩ là mình thuê họ làm cho họ. Thất bại cay đắng này làm cho tôi tỉnh ngộ: cái mình muốn giúp họ có thể không phải là cái họ mong đợi; muốn giúp dân phải sát dân, để biết họ đang thực sự muốn gì; và những vật cho không, thường không được quý trọng.


Thu hoạch chè tại xã Kỳ Thượng

Với kinh nghiệm thất bại ở Cúc Phương, tôi tìm về Hà Tĩnh để thử lại lý thuyết mình đề ra có đúng không. Tôi được tỉnh giới thiệu xã Kỳ Thượng, một trong những xã nghèo nhất của tỉnh và cũng là xã có nhiều người đang sống dựa vào khai thác các loại tài nguyên rừng tại khu vực đầu nguồn Hồ Kẻ Gỗ. Sống với dân một thời gian, theo họ vào rừng để biết được họ làm gì, khó khăn vất vả thế nào, chúng tôi mới thực sự hiểu được, rừng và tài nguyên rừng là “bát cơm manh áo” của người nghèo. Không cho người nghèo được hưởng “bát cơm manh áo” đó khi họ đang đói rét là không thể được về phương diện nhân đạo. Bảo vệ rừng một cách thiết thực, có thể làm được là tìm cách tạo cho họ “bát cơm manh áo” khác mà không phải phá rừng.

Để động viên nhân dân xã Kỳ Thượng bảo vệ rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học, trong đó có loài Trĩ Hà Tĩnh, một loài Trĩ quý mà dân địa phương gọi là Gà lừng, chỉ có ở Hà Tĩnh mà không có ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, chúng tôi đã cùng với nhân dân xã xây dựng kế hoạch, nâng cao dần mức sống cho dân và giảm dần việc khai thác các loại tài nguyên rừng một cách bừa bãi. Điều mong ước thiết tha đầu tiên của dân là đủ lương thực, và nếu đủ ăn thì họ sẽ không đi rừng nữa. Với sự cộng tác của các kỹ sư nông nghiệp, chúng tôi tìm mua giống lúa tốt, phù hợp với điều kiện của địa phương và cho mỗi gia đình vay 5kg. Chúng tôi còn làm hợp đồng với từng gia đình với nội dung là: nếu thất bại chúng tôi sẽ đền tất cả, nhưng nếu thắng lợi thì họ được cả và hứa sẽ không đi rừng chặt gỗ và săn bắt Trĩ. Kết quả là năng suất giống lúa mới đã tăng lên 20-30%, phần lớn dân đã đủ ăn và cả xã vui mừng.

Theo yêu cầu của các hộ dân, để có cuộc sống khá hơn, chúng tôi tiếp tục giúp dân xã Kỳ Thượng tổ chức nuôi ong lấy mật, xây dựng thủy điện nhỏ cho gia đình, đào ao thả cá, cho hội phụ nữ vay vốn chăn nuôi, xây dựng vườn ươm cây ăn quả, trồng rừng và làm thêm lớp học cho trẻ em có chỗ học. 

Những năm tiếp theo, với số tiền được thưởng từ trường Đại học Michigan và hỗ trợ thêm của IUCN quốc tế, chúng tôi đã giúp cho 5 xã thuộc vùng đệm khu bảo tồn Kẻ Gỗ nâng cao cuộc sống theo mô hình xã Kỳ Thượng.

Phát triển bền vững là bền vững cho ai?

Tôi đạt được một số kết quả về môi trường, phần lớn là nhờ có nhiều người giúp đỡ. Năm 1985, khi báo cáo kết quả Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó là Phó thủ tướng (PTT) phụ trách Khoa học công nghệ. Ông rất quan tâm đến vấn đề mà chương trình nêu lên, và nói với tôi là:  “Đồng chí phải báo cáo với Tổng bí thư (TBT) Lê Duẩn, người lãnh đạo cao nhất của đất nước thấu hiểu thì mọi công việc mới thực hiện được”. Ít ngày sau, PTT Võ Nguyên Giáp tạo điều kiện cho tôi gặp TBT. Khi kết thúc báo cáo, tôi đã mạnh dạn kết luận: “Nếu chúng ta không sớm tổ chức thực hiện việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên thì 20 năm nữa sẽ mất nước”! Nghe đến đây, TBT Lê Duẩn đập bàn hỏi lại: “Tại sao anh dám nói mất nước”. Tôi trả lời: “Vì nếu cứ khai thác rừng như hiện nay thì 20 năm nữa sẽ không còn rừng, mà rừng là nơi giữ nước, không có nước thì nông dân lấy gì mà cày cấy, dân đói thì khó mà bảo vệ được Nước”. Tôi lại bị mắng tiếp: “Anh lại nói nước đôi?”. “Thưa vâng, chúng ta sẽ không có giọt nước mà uống, mà cũng không còn Nước mà quản lý”, tôi nói. Nghe đến đây TBT Lê Duẩn có vẻ “xuôi tai” cho là được, và bảo tôi phải làm thế nào để cho tất cả các Bí thư và Chủ tịch huyện biết được những ý kiến như đã báo cáo với TBT. Tôi đã thưa lại, tôi là nhà khoa học, không có tư cách gì để nói với các lãnh đạo địa phương mà đó là trách nhiệm của TBT. Ông cho là phải, nhưng vẫn bảo tôi cố gắng. Sau đó tôi cùng một số đồng nghiệp đã viết Dự thảo chiến lược quốc gia “Việt Nam: những vấn đề về môi trường”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết vào trang đầu của tập tài liệu: “Vấn đề bảo vệ tài nguyên và môi trường phải trở thành một nội dung cực kỳ quan trọng, không thể thiếu trong kế hoạch xây dựng đất nước trước mắt cũng như về lâu dài”.

Cho đến nay, hơn 25 năm trôi qua, tôi vẫn không thể nào hoàn thành được chỉ thị của TBT giao cho. Cũng do hoàn cảnh khó khăn của đất nước, nên một thời gian dài chúng ta đã không quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo vệ môi trường, thành ra mới xảy ra những điều đáng tiếc như bây giờ.   

Chúng ta đang tìm cách nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên và môi trường và phát triển bền vững cho mọi người qua các phương tiện truyền thông. Câu hỏi quan trọng cần đặt ra là bền vững cho ai? Cho một nhóm người, cho cộng đồng, hay cho cả dân tộc, cho đất nước? Bền vững cho cá nhân, hay cho một nhóm người hoàn toàn khác xa với bền vững cho cộng đồng, cho đất nước, không những thế mà thường có tác động trái ngược. Cơ quan hay người được trao quyền lãnh đạo và hoạch định chính sách phải phân biệt được rõ ràng điều đó mới có thể đưa ra được những quyết định đúng đắn. Tôi chỉ mong những người lãnh đạo hiểu được phát triển bền vững là phải đem lại lợi ích bền vững cho cho đất nước, cho nhân dân chứ không phải cho nhóm lợi ích cục bộ.
           
Ngọc Tú ghi

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)