Khu dự trữ sinh quyển Việt Nam: Bốn trong một
Vào những năm 1980, rừng Cần Giờ, “vùng đất chết” với hơn 80% diện tích bị chiến tranh tàn phá, được khôi phục thành công, trở thành một trong những khu rừng ngập mặn được phục hồi đẹp nhất Đông Nam Á và được UNESCO trao chứng nhận Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới đầu tiên của Việt Nam vào năm 2000. Từ kinh nghiệm ban đầu này, đến nay Việt Nam đã có thêm bảy khu DTSQ thế giới khác, bao gồm Châu thổ sông Hồng, Cát Bà (2004), Kiên Giang (2006), Tây Nghệ An (2007), Mũi Cà Mau, Cù Lao Chàm (2009), Đồng Nai (2011). Nếu Khu DTSQ Langbiang được UNESCO công nhận vào năm tới như dự kiến thì Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về Khu DTSQ thế giới. Theo GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBQG Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam), điểm nổi bật về các khu DTSQ thế giới tại Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa bốn mục tiêu: bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học và tham gia ứng phó biến đổi khí hậu.  
Bảo tồn nhưng vẫn bảo đảm sinh kế
“Từ trước đến nay người ta thường hiểu nhầm về vai trò của khu DTSQ khi cho rằng chỉ là nơi bảo tồn thiên nhiên. Nhưng trên thực tế, nó còn có nhiều chức năng khác như tham gia phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương và hỗ trợ nghiên cứu, giáo dục,” GS Trí chia sẻ.
Theo GS Trí, nếu chỉ đòi hỏi người dân tham gia bảo tồn một cách đơn thuần thì sẽ thất bại ngay. “Chẳng ai muốn dự phần vào những phần việc vất vả, thậm chí nguy hiểm như ngăn chặn nạn phá rừng, săn bắn chim thú mà không có lợi ích sát sườn,” ông nói. Bản thân những người dân sống nhờ vào rừng cũng phản ứng dữ dội khi không còn được tự do khai thác món “lộc trời cho”. Vì vậy mỗi khu DTSQ cần đảm bảo sinh kế cho người dân với việc khoanh vùng các khu chức năng: vùng lõi để bảo tồn đa dạng sinh học, vùng đệm tiếp giáp và vùng chuyển tiếp phía ngoài cùng có thể khai thác kinh tế nhưng không được ảnh hưởng đến vùng lõi.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới là danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú, đa dạng. |
Tại các khu DTSQ, ban quản lý đều vắt óc suy nghĩ phương thức bảo tồn hiệu quả mà vẫn đảm bảo sinh kế. Với Khu DTSQ Châu thổ sông Hồng – khu ngập nước ven biển kéo dài từ Thái Bình, Nam Định vắt qua Ninh Bình, Giám đốc Nguyễn Viết Cách và các thành viên ban quản lý đã phải tìm phương án trồng nấm, khai thác, nuôi tôm, vạng, sò… kèm trồng cây ngập mặn như bần, sú, vẹt, trang… Câu chuyện bắt đầu từ năm 2000, khi ban quản lý ngăn cấm những người dân địa phương chuyên mò ngao ở rừng quốc gia Xuân Thủy, vùng lõi khu DTSQ. Kết hợp kinh nghiệm của nhiều tổ chức quốc tế, ban quản lý đã hỗ trợ sinh kế cho dân nghèo, chủ yếu là phụ nữ, đổi lại họ không được tiếp tục khai thác ngao tại vùng lõi. Đây cũng là một phần trong dự án do Quỹ dự án nhỏ (Small Grant), thuộc Chương trình “Rừng ngập mặn cho tương lai” (MFF) tài trợ. Với kinh phí từ dự án, người dân không còn phải mò mẫm gần 10 tiếng mỗi ngày chỉ để kiếm vài chục nghìn mà có thể nuôi thả ngao ở khu vực quy định, mỗi vụ sinh lời tiền triệu. Từ kết quả này, ai cũng có ý thức hơn về việc bảo vệ rừng bởi họ hiểu rằng, đó chính là nguồn sống của mình. Bài học thành công của Khu DTSQ Châu thổ sông Hồng đã trở thành một trong những gợi ý về biện pháp quản lý gắn liền với phát triển bền vững kinh tế, xã hội, giáo dục.
Không chỉ dừng lại ở đây, ban quản lý các khu DTSQ bắt đầu tính chuyện xa hơn, tạo thương hiệu cho các sản phẩm gắn mác DTSQ mà theo GS Trí “có nhiều danh hiệu được quốc tế công nhận thì ắt có nhiều cơ hội đầu tư cho bảo tồn và phát triển”. Bước đầu, các khu DTSQ tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho những sản phẩm tiêu biểu. Anh Nguyễn Thanh Hải, Phó ban thường trực Ban quản lý khu DTSQ Kiên Giang, cho biết: “Dựa trên thế mạnh nghề truyền thống địa phương, ban quản lý đã phối hợp với Sở KH&CN Kiên Giang lập đề án xây dựng danh mục bảy nhóm sản phẩm theo phân loại của Cục SHTT như túi xách, túi du lịch từ cỏ bàng (nhóm đồ thủ công mỹ nghệ); nước mắm, khô cá sặc rằn, cua biển, tôm khô, mực khô (nhóm thủy hải sản); hồ tiêu, bánh làm từ trái thốt nốt, mật ong (nhóm sản phẩm nông nghiệp); hướng dẫn tham quan du lịch, vận chuyển du khách (nhóm sản phẩm du lịch)…”. Nhằm đem lại dấu ấn đặc biệt cho các sản phẩm, “ban quản lý đã mời các chuyên gia thiết kế logo riêng của khu DTSQ Kiên Giang với những hình ảnh đặc trưng như hòn Phụ tử, con bò biển (dugong), rái cá. Hiện nay, Sở KH&CN Kiên Giang cũng đã đề xuất Bộ KH&CN cấp kinh phí thực hiện Dự án Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận khu DTSQ Kiên Giang”.
“Viện bảo tàng sống” và “hành lang xanh”
Với các nhà khoa học, các khu DTSQ, đặc biệt là vùng lõi, là viện bảo tàng thiên nhiên sống lưu giữ những tư liệu đa dạng sinh học và văn hóa đặc trưng nhất. Nhiệm vụ của họ là khám phá bí mật của đại ngàn, tìm hiểu những đặc tính sinh học cũng như giá trị của nó với đời sống xã hội. “Mỗi khu DTSQ là một phòng thí nghiệm lớn, đủ cho sự nghiệp nghiên cứu về tính đa dạng sinh học, các giống loài,” GS Trí nhận định.
Nhiều phát hiện hay công trình nghiên cứu từ khu DTSQ đã gây được sự chú ý của cộng đồng khoa học quốc tế, như với trường hợp tìm thấy thông hai lá dẹt, một loài cây xuất hiện cùng thời với khủng long và bị coi là đã tuyệt chủng, tại Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà thuộc Khu DTSQ Langbiang ở độ cao 1.600m. Trong chuyến thực địa truy tìm cây thông hai lá dẹt, một nhà nghiên cứu Nhật Bản đi cùng đoàn khảo cứu đã xúc động bật khóc khi lần đầu thấy ‘chứng nhân lịch sử’ sống chứ không phải tiêu bản trong viện bảo tàng. Ông cho rằng đây là may mắn lớn trong cuộc đời mình bởi Việt Nam là nơi duy nhất trên thế giới còn sót lại quần thể thông hai lá dẹt. Với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, dự án bảo tồn cây thông hai lá dẹt đã được khởi động: sau khi nhân giống trong vườn ươm, cây đã được trồng thử nghiệm trên đất rừng. Bên cạnh đó, nhiều giống loài quý hiếm khác còn được tìm thấy ở Bidoup Núi Bà như sồi ba cạnh, thông năm lá, thông đỏ, dạ hợp Bidoup, ếch cây, cóc mày trắng… Ông Lê Văn Hương, giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà, không giấu nổi tự hào: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã hợp tác với nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế tìm được 13 loài mới [mà trước đây chưa được phát hiện trên thế giới] và đã công bố trên những tạp chí chuyên ngành [trong nước và quốc tế]. Đặc biệt trong năm 2014 đã phát hiện ra năm loài, trong đó có loài có thể làm cảnh như Trà mi (Camellia inusitata) hoặc đặc biệt như ếch cây được xếp vào danh mục đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế IUCN. Qua các mối quan hệ hợp tác quốc tế, chúng tôi cũng đang xây dựng và vận hành các phòng thí nghiệm dược liệu, phòng nuôi cấy mô để phục vụ công tác nghiên cứu.”
Các công trình, dự án nghiên cứu còn có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống cộng đồng dân cư, nhất là khi góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến tài sản và tính mạng người dân như nạn bò tót, voi rừng phá rẫy, gây thương tích cho người dân địa phương xảy ra trong những năm gần đây. Dưới góc nhìn khoa học, việc lý giải những hiện tượng như thế này không quá khó. Nhưng khi giải quyết sự việc, nhiều nhà quản lý cấp cơ sở đã không “nhờ cậy” tới các nhà khoa học tư vấn, dẫn đến việc di chuyển đàn voi sang nơi cư trú mới mà người ta cho là phù hợp đã phản tác dụng. Không thể kiếm ăn trên những cánh rừng khô hạn bởi nó khác biệt hoàn toàn với môi trường rừng mưa nhiệt đới quen thuộc, đàn voi quay ra tàn phá hoa màu và tấn công con người.
Là những hành lang xanh góp phần giảm thiểu tác động của những hiện tượng thời tiết bất thường: nước biển dâng, xâm thực mặn, cát bay gây sa mạc hóa vùng duyên hải…, các khu DTSQ còn tham gia những chiến dịch ứng phó biến đổi khí hậu ở tầm quốc gia bằng cách hợp tác chặt chẽ với nhiều trường đại học, tổ chức quốc tế thực hiện những dự án nghiên cứu, đánh giá rủi ro. Chẳng hạn, Ban quản lý Khu DTSQ Kiên Giang đã cùng với Tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế Đức (GIZ), Cơ quan hợp tác phát triển Australia (Ausaid) triển khai dự án thành phần thuộc chương trình “Bảo vệ tổng hợp vùng ven biển, rừng ngập mặn nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu tại các tỉnh ĐBSCL/biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái ven biển”, dự án “Bảo tồn và phát triển khu DTSQ Kiên Giang”. Tại khu vực đồng bằng sông Hồng, nơi Khu DTSQ Châu thổ sông Hồng đóng vai trò quan trọng tương tự Khu DTSQ Kiên Giang với ĐBSCL, nhiều dự án cũng được thực hiện: “Nâng cao sức đề kháng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu” (Cơ quan hợp tác phát triển Thụy Điển – SIDA tài trợ), “Hỗ trợ ứng phó BĐKH ở rừng và đồng bằng Việt Nam” (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ)… Các dự án này rà soát lại các nghiên cứu và chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu đã thực hiện, phát hiện độ vênh giữa chính sách, nghiên cứu và thực tế để tìm ra những giải pháp, chương trình hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động ứng phó, thích nghi của tỉnh và cộng đồng dân cư.
Về lâu dài, để phát huy tiềm năng của các khu DTSQ, theo GS Trí, sự liên kết trong mạng lưới các khu DTSQ Việt Nam cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế cần được đẩy mạnh hơn nữa, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và tuyên truyền, giáo dục, quản lý dựa trên cách tiếp cận SLIQ – tư duy hệ thống, quy hoạch cảnh quan, điều phối liên ngành và kinh tế chất lượng – để xây dựng mô hình phát triển bền vững trong tương lai.
Ở một số nước trên thế giới, các khu DTSQ được đặt dưới sự quản lý của Bộ Nông nghiệp hoặc Bộ Tài nguyên – Môi trường nhưng ở Việt Nam, quyền quản lý các khu DTSQ được trao cho địa phương, UBND tỉnh hoặc thành phố. Trong vai trò điều phối, UBND địa phương thành lập ban quản lý khu DTSQ với sự tham gia của nhiều ban ngành, tổ chức, doanh nghiệp. |