Khu vực học, tiếp cận khu vực và sự “tụt hậu” của Việt Nam?

Cách Hà Nội 132. 21 km (Google maps) về phía Bắc, đang diễn ra một trong những thay đổi địa chính trị lớn nhất trong lịch sử nhân loại kể từ năm 1898. Hơn một thế kỷ sau khi Mỹ chính thức bước vào cuộc đua quyền lực toàn cầu, điều tương tự đã bắt đầu ở Trung Quốc. Điểm khác biệt duy nhất là lần này nó xảy ra ngay bên cạnh đường biên giới Việt Nam, biến Việt Nam thành một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất (cơ hội và thách thức) từ sự chuyển dịch cấu trúc quyền lực thế giới này.

 


Đập thủy điện Xayaburi trị giá 3.8 tỉ USD của Lào. Tờ Phnom Penh Post gọi là “Quái vật của sông Mekong”. Nguồn: Phnom Penh Post.

Đã đến lúc người Việt cần vượt qua di sản của chiến tranh Lạnh và các cách tiếp cận khu vực truyền thống để có cái nhìn tỉnh táo và cập nhật hơn về khu vực, tương tác khu vực, và việc định hình vị trí của mình trong khu vực nhằm giúp tận dụng cơ hội từ sự gia tăng hiện diện quốc tế ở Đông, Đông Nam Á. Một chính sách “khôn ngoan” sẽ là tiền đề cho Việt Nam “cất cánh” ở thế kỷ XXI, tuy nhiên, những lựa chọn sai lầm có nguy cơ đặt chúng ta vào giữa các luồng xung đột quốc tế. Lịch sử của những nước kẹt giữa Đức và Nga, EU và Nga, … trong hai thế kỷ qua cho thấy danh sách các “nạn nhân” này không hề ít. Để làm được điều này, giới học giả cần định hình lại ngành khu vực học và tìm kiếm những kết nối mới về mặt tri thức chặt chẽ hơn giữa Việt Nam với các nước láng giềng, và cập nhật những diễn biến mới nhằm giúp công chúng và những người làm chính sách không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi rất nhanh chóng trong khu vực. Nhiều người Việt bất ngờ trước việc thủ tướng Cambodia Hun Sen, người vốn được coi là đồng minh của Việt Nam, từ chối việc ra tuyên bố chung của ASEAN về Biển Đông (2012), về việc Lào, một “người anh em” thân thiết, tiếp tục xây đập thủy điện Xayaburi bất chấp phản đối của Việt Nam. Vài năm trước, Cambodia cho ra đời chiếc xe điện Angkor EV 2013, không khỏi làm nhiều người Việt “sốc” (từ trên báo Tuổi Trẻ) trước sự thay đổi đầy ấn tượng của đất nước này. Vào năm 2017, năng suất lao động bình quân của người Việt chỉ bằng 87,4% của người Lào. Việt Nam đã phải sang Cambodia học cách xây dựng thương hiệu gạo. Mới đây nhất, Việt Nam được cho là xếp sau Lào và Cambodia trong báo cáo “Chỉ số tự do kinh tế 2018”.

Điều này cho thấy người Việt dường như chưa được chuẩn bị cho những chuyển dịch khu vực và địa chính trị đang và sắp diễn ra, cũng như chưa được chuẩn bị cho cách thức ứng phó từ góc độ tương tác khu vực và toàn cầu. Một trong những nguyên nhân của tụt hậu này là cách thức chúng ta giảng dạy, nghiên cứu khu vực học và cách chúng ta tự định vị Việt Nam ở khu vực.

Ngành nghiên cứu Đông Nam Á

Nếu như các ngành khoa học hiện đại ra đời ở thế kỷ XIX ở châu Âu dưới sự bảo trợ của cách mạng công nghiệp và chủ nghĩa dân tộc thì nghiên cứu khu vực học gắn với phát triển của chủ nghĩa thực dân, nhằm khảo sát những vùng đất bên ngoài châu Âu, trong đó có ngành Đông Phương học (xem Tia Sáng số 10 năm 2018).

Với chiến tranh Lạnh và xung đột địa chính trị toàn cầu nửa sau thế kỷ XX, phương Tây bắt đầu nhìn thế giới theo các khu vực (Đông Á, Tây Nam Á, Bắc Phi…). Ban đầu, chính địa chính trị chứ không phải nhu cầu nghiên cứu học thuật giúp cho việc phân chia và định hình các vùng nghiên cứu mà chúng ta có ngày hôm nay. Chính vì thế, bản thân nghiên cứu Đông Nam Á ngay từ đầu để nhằm phục vụ cho chiến lược toàn cầu của Mỹ chứ không vì mục tiêu khoa học. Vào cuối những năm 1950, tại Đại học Cornell đã hình thành nên thế hệ đầu tiên của các nhà nghiên cứu Đông Nam Á, và đến giai đoạn 1960 và 1970, sự leo thang chiến tranh ở Việt Nam tạo ra chuyển biến thúc đẩy nghiên cứu về Đông Nam Á ở Bắc Mỹ và châu Âu. Đây được coi là ‘Kỷ nguyên vàng của nghiên cứu Đông Nam Á” tại Mỹ, gắn với hàng loạt các trung tâm nghiên cứu khu vực quy mô đã được thành lập ở California, Northern Illinois, Yale, Michigan…

Sự rút lui của Mỹ khỏi khu vực sau chiến tranh Đông Dương làm giảm vị thế của nghiên cứu Đông Nam Á. Sụp đổ của bức tường Berlin làm giới học thuật mất đi sự hào hứng với khu vực học. Người ta bắt đầu nói đến “sự kết thúc của lịch sử”, “xung đột của các nền văn minh”, “thế giới phẳng”, và nghiên cứu toàn cầu (Vũ Đức Liêm, 2016). Điều này đặt ra thách thức cho ngành nghiên cứu Đông Nam Á: phạm vi bị thu hẹp, trở thành thứ yếu trong các chủ đề mới: nghiên cứu quốc tế, nghiên cứu toàn cầu, Hồi giáo học (Islamic Studies),…

Những năm gần đây, mặc dù có sự cam kết trở lại của Mỹ, chính sách quay lại của Nhật, chính sách hướng Đông của Ấn Độ, hay đẩy mạnh nghiên cứu hải thương của Trung Quốc… tất cả những mối bận tâm này đều phản ánh cách người “bên ngoài” nhìn Việt Nam và Đông Nam Á. Phản ánh những mối quan tâm của riêng họ, những lí thuyết mà họ tạo ra để mô tả chúng ta, phục vụ cho lợi ích kinh tế, chính trị, địa chính trị từ bên ngoài.

Trong khi nghiên cứu Đông Nam Á bị thu hẹp ở phương Tây, sự phát triển của ngành này đang tạo ra tính năng động cho nghiên cứu học thuật ở Đông Nam Á và châu Á Thái Bình Dương. Trong khu vực, các trường đại học của Singapore, Malaysia và Thailand hiện đang dẫn đầu xu hướng này bằng cách phát triển các trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á tầm cỡ thế giới, hướng đến mục tiêu dần thay thế các trung tâm truyền thống ở châu Âu và Bắc Mỹ, nơi mà các mối quan tâm của họ đang dịch chuyển sang Mỹ Latin, thế giới Hồi giáo, Đông Âu và Nga, hoặc sự nổi lên của Trung Quốc. National University of Singapore (NUS), Institutite of Southeast Asian Studies (ISEAS, Singapore), University of Malaya (UM, Malaysia), Thammasat University (Thailand), Chulalongkorn University (Thailand), Chiang Mai University (Thailand), Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Việt Nam) hiện đang đóng vai trò là các trung tâm nghiên cứu và đào tạo ngành Đông Nam Á học với các chương trình quốc tế và quy mô trao đổi học thuật rộng lớn.

Các nhà Việt Nam học phương Tây (David Marr, Frances Fitzgerald, Gary Porter, Holly Near, Fred Branfman, Jeff Langley) gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng đầu năm 1975 ở Hà Nội. Nguồn: thư viện ANU, hồ sơ David Marr.

Điều này thúc đẩy giao lưu học thuật khu vực và mở ra triển vọng cho các học giả Việt Nam tận dụng cơ hội để mở rộng các quỹ, xây dựng chương trình nghiên cứu mới, và các khóa trình giảng dạy có tính kết nối hướng đến nhu cầu giao lưu khu vực, chuẩn bị cho công chúng và những người làm chính sách không chỉ ngôn ngữ mà còn kiến thức chuyên môn nhằm phục vụ cho lợi ích của Việt Nam trong các mối quan hệ khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu hợp tác trao đổi, từ cơ hội đầu tư, du lịch, việc làm trong khối ASEAN, cho đến tư vấn các nhà hoạch định chính sách giúp Việt Nam xây dựng lí thuyết ngoại giao mới, không chỉ nhắm vào các cường quốc bên ngoài, mà tương tác hiệu quả hơn với các nước láng giềng, và tương tác với nhất thể hóa khu vực.

Thay đổi cách tiếp cận khu vực của người Việt

Trong nhiều thập kỷ vừa qua, người Việt Nam quan tâm đến Moscow, Paris, hay Washington nhiều hơn là ở Phnom Penh hay Bangkok. Trong chiến tranh Lạnh, giới tinh hoa của Việt Nam biết rõ về những gì diễn ra ở Liên Xô, Mỹ, Đông Đức… hơn là nền chính trị Myanmar hay chính sách kinh tế của Lý Quang Diệu.

Đáng buồn, đó chưa phải là quá khứ. Chúng ta đang dành nhiều mối quan tâm cho bên ngoài khu vực, đọc Nhật Bản, ăn Hàn Quốc, xem bóng đá châu Âu, gửi con cái sang Anh du học, theo sát những vấn đề chính trị ở Mỹ hơn là những vấn đề của ASEAN, tầm nhìn của Cộng đồng chung khu vực, diễn biến chính trị ở Malaysia, hay tình trạng của người Rohingya ở Myanmar. Câu trả lời cho vận mệnh của châu thổ Mekong và sinh kế của mấy chục triệu người Việt nằm ở các đập thủy điện dọc sông Mekong chứ không phải ở bên ngoài khu vực.

Điều này không có nghĩa khuyên người Việt từ bỏ phim Hollywood để xem phim Lào, gửi con cái sang Yangon du học thay vì California, chuyển từ nghe nhạc của Girl’s Generation sang Bird Thongchai. Mà là sự gợi ý về một thế giới đa dạng và chuyển biến nhanh chóng, nơi mà bên cạnh các cường quốc “phương xa”, khung cảnh khu vực đang trở nên rất sôi động, nơi mà vận mệnh của Việt Nam, an ninh quốc gia và túi tiền của mỗi gia đình đang ngày càng gắn chặt hơn vào tình hình các quốc gia lân bang.

Hệ quả của “tâm lý dân tộc” kéo dài

Trí tưởng tượng và sự cập nhật của nhiều người Việt dường như chưa theo kịp thực tế. Điều này là hệ quả của một hiện tượng “tâm lí dân tộc” lâu dài hàng thế kỷ. Việc coi mình là trung tâm của các diễn trình lịch sử, cấu trúc văn hóa, văn minh, tộc người… là một phần trong sự phát triển của các cộng đồng. Đối với người Hy Lạp và Roma cổ đại, những nhóm sống dọc theo đường biên là man di. Người Thái coi họ là trung tâm bao quanh bởi các nước chư hầu và những kẻ thù thấp kém (Thongchai Winichakul 2005). Người Hán coi nền văn hóa và thực hành chính trị của họ là “thượng đẳng” so với các nhóm bên ngoài vùng Trung Nguyên. Tư duy tương tác khu vực của Việt Nam truyền thống bị giới hạn bởi hệ quy chiếu “văn minh” Trung Hoa khi coi các dân tộc không thực hành Nho giáo là man di. Đây là di sản của lịch sử và hệ quả của nó vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc đến cách nhìn nhận của chúng ta hiện tại. Trong một thế giới ngày càng lệ thuộc chặt chẽ lẫn nhau, quan hệ giữa Việt Nam với Lào, Cambodia, Myanmar, Thailand cũng quan trọng như đối với bất cứ quốc gia bên ngoài nào.

Tri thức của người Việt về Đông Nam Á dựa trên việc lấy người Việt là trung tâm, mô tả Đại Nam như một “đế chế văn minh” trong tương tác với láng giềng. Việc coi Lào, Cambodia là các nước “phiên thuộc” trong quá khứ là những người em thân thiết trong thế kỷ XX, coi Thailand là kẻ đối địch trong vấn đề Cambodia thời Nguyễn, và “tay sai” của đế quốc Mỹ trong chiến tranh chống Mỹ 1954-1975 vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc đến cách thức chúng ta viết sử và dạy sử khu vực, hay ít nhất là trong tâm trí của số đông. Việt Nam đã có những đóng góp lớn đối với lịch sử khu vực cũng như đối với các dân tộc này. Nhà Trần đã ba lần đánh bại quân Mông-Nguyên ở cửa ngõ Đông Nam Á. Tuy nhiên Đại Việt không phải là nước duy nhất trong khu vực làm được kỳ tích này. Người Myanmar và Java cũng viết những trang sử tương tự. Quang Trung đại phá quân Thanh năm 1789, nhưng trước đó, đạo quân này từng bốn lần đại bại dưới tay người Miến, và trong một hành động mang tính biểu tượng, kẻ xâm lược đã phải tự tay nấu chảy tất cả súng ống và đốt thuyền bè trước khi rút lui. Nhà Nguyễn từng tạo thế cân bằng với Thailand tại Cambodia và giúp cho vương triều này tồn tại mà không hoàn toàn lệ thuộc vào Bangkok. Người Việt cũng đã giúp Cambodia thoát khỏi ách diệt chủng Pol Pot, đã giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Lào ở thế kỷ XX. Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy hệ quả khi chúng ta đánh giá sai lầm khả năng  cũng như tính phức tạp của tình hình các nước láng giềng.

Viết những điều này không phải để hạ thấp công lao của bao thế hệ tiền nhân người Việt, mà giúp kiếm tìm một cái nhìn tỉnh táo hơn trong cách thức chúng ta tái định vị Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Khi Lương Thế Vinh tìm ra cách “cân voi” và Vũ Hữu tính toán số gạch đủ để xây các bức tường thì châu Âu đã là thời đại của những Nicolaus Copernicus, Michelangelo, Leonardo da Vinci, Giordano Bruno, Rene Descartes, Johannes Kepler, Galileo Galilei, và Isaac Newton.

Các thách thức địa chính trị mới

Ngày nay, tình hình khu vực đã có những chuyển biến quan trọng mà các quan hệ “đồng minh” ý thức hệ thời kỳ chiến tranh Lạnh đã thay đổi nhanh chóng. Lợi ích quốc gia trở thành vấn đề cốt lõi và sự can dự của các cường quốc mới nổi bên ngoài yêu cầu Việt Nam hiểu rõ hơn về các thách thức địa chính trị mới đến từ các nước láng giềng. Có vẻ như tri thức và cách thức tiếp cận của chúng ta với các nước  lân bang đang đi sau thực tiễn năng động và linh hoạt của tình hình khu vực. Đã đến lúc cần có những thay đổi trong cách thức tiếp cận, nghiên cứu, nhìn nhận Đông Nam Á với cặp mắt cập nhật và thực tế hơn, so với cách thức mà chúng ta vẫn nhìn khu vực được duy trì từ mấy thập kỷ qua. Cần phải có được cách tiếp cận đa chiều trong cách thức viết sử, dạy sử về các nước lân bang, cũng như hiểu biết về nhận thức của láng giềng dành cho người Việt.

Gần nhất là sự phát triển của Trung Quốc như một siêu cường. Chúng ta nói nhiều về điều này. Nhiều người nhận thức được tầm mức ảnh hưởng to lớn của nó, nhưng dường như chưa có một nghiên cứu, khảo sát có hệ thống nào về mô hình đi lên của Trung Quốc trong các thập kỷ tới, phân tích từ góc độ chính sách, dự báo tăng trưởng, và đề ra đối sách. Những người khác nói về “sự đe dọa” của Trung Quốc hay “cơ hội” từ sự phát triển của Trung Quốc. Có điều dường như chúng ta không biết một cách hệ thống điều gì đã và đang diễn ra ở Bắc Kinh. Công cuộc “sắp đặt”của Tập Cận Bình là sự thay đổi lớn nhất trong vòng ba thập kỷ trở lại đây (từ cải cách của Đặng Tiểu Bình). Cuộc cải tổ quân sự đang diễn ra là cải cách quân sự lớn nhất từ năm 1949 đến nay với sự thay đổi cấu trúc quyền lực, mở rộng hải quân chưa từng có từ thời Mao Trạch Đông. Những xác lập quyền lực của Tập Cận Bình là gần như chưa có tiền lệ trong lịch sử hiện đại Trung Quốc cũng như dự án quyền lực toàn cầu của ông.

Đối với nhiều người Việt, đó vẫn là những tin tức xa lạ bởi vì với họ, Trung Hoa là một thế giới khác, có thể là nàng công chúa Hoàn Châu hồn nhiên và ông vua Càn Long vui tính, là cuộc chiến đẫm máu trên bến Thượng Hải, hay một AQ đáng thương. Xin hãy nhớ rằng: đó là Trung Hoa của ngày hôm qua.

Rõ ràng là người Việt đang cần những tiếp cận ngoại giao linh hoạt hơn đối với khu vực, tìm kiếm những vai trò ngoại giao mới, mô hình phát triển và đóng vai trò mới trong thời kỳ khu vực hóa và toàn cầu hóa. Để làm điều đó, chúng ta không chỉ cần lí thuyết hay cách thức tiếp cận mới, mà còn là sự định vị lại lịch sử Việt Nam và người Việt trong không gian khu vực. Đánh giá lại các mối tương tác của quá khứ làm cơ sở cho sự hội nhập của hiện tại và tương lai.

Đông Nam Á nằm ở giữa các hành lang an ninh và kinh tế Thái Bình Dương, xuyên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vì thế mà nó cũng được kỳ vọng sẽ kéo theo sự phát triển của các trung tâm học thuật mới nghiên cứu về Đông Nam Á và các cấu trúc mở rộng. Đó là cơ hội của giới học thuật đóng góp vào tiến trình khu vực hóa và toàn cầu hóa của tri thức, nhưng cũng đặt ra câu hỏi về tính cấp thiết của việc thay đổi cách tiếp cận và đa dạng hóa lí thuyết phản ánh, bên cạnh khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và lấy người Việt làm trung tâm.

Tham khảo
Vũ Đức Liêm. Việt Nam ở giao điểm của nghiên cứu khu vực và toàn cầu hóa: tri thức Đông Nam Á của người Việt và cách thức tiếp cận mới. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 1 (477), 2016: 58-69.
Vu Duc Liem. Weaving Mekong, Connecting the past and integrating future: Asean’s young scholarship and regional connectivity, in Knowledge journey & Journeying knowledge., eds., Thuy Linh Le, Leigh D. Dwyer, and Phan Le Ha (Hanoi: The Gioi, 2016), pp. 294-315.

Tác giả