KHXH cần được thách thức bởi tranh luận

Trong khi KHXH phải trả lời rất nhiều những câu hỏi nhằm mô tả và giải nghĩa thế giới ta đang sống, đem lại những dự đoán xã hội, bắt nhịp được với các xu hướng nghiên cứu của thế giới, thì KHXH Việt Nam dường như đang khá lúng túng và còn “nợ” nhiều câu hỏi. Đó là những băn khoăn của chúng tôi và TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), khi nhìn từ những chủ đề của Diễn đàn KHXH quốc tế năm 2018 vừa qua và hiện trạng nghiên cứu KHXH ở Việt Nam.


TS Khuất Thu Hồng (giữa) và các đồng nghiệp, tại Hội nghị Châu Á Thái Bình Dương về Sức khỏe và Quyền Sinh sản và Tình dục 2017. Ảnh: NVCC.

Không thể tự loay hoay riêng mình

Được biết, năm 2018 bà đã tham gia Diễn đàn KHXH quốc tế năm 2018, bà có thể chia sẻ về những chủ đề, thảo luận chính mà các nhà KHXH trên thế giới đã đặt ra cho Diễn đàn này?

Diễn đàn vừa rồi là diễn đàn KHXH quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở Nhật Bản – một nước châu Á. Đây là một trong những hoạt động của Hội đồng KHXH quốc tế. Hội đồng này được manh nha từ năm 1948 và chính thức thành lập vào năm 1952 bởi một số các nhà khoa học quốc tế. Họ nhận thấy cơ chế phát triển của nhân loại có nhiều điểm chung, thách thức, hiểm họa chung, cho dù mỗi nước, mỗi dân tộc có nhiều vấn đề riêng. Thế thì phải có một thiết chế để mọi người cùng nhìn vào những vấn đề của thế giới này, của nhân loại này, từ các góc độ khác nhau để cùng tìm ra cách giải quyết, thay vì mỗi người, mỗi nước, mỗi châu lục tự loay hoay lấy riêng mình. Vì thế giới ngày càng đi đến chỗ mà lợi ích của nước này phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ với các nước khác. Câu chuyện mỗi quốc gia đóng kín ngày càng trở nên lỗi thời.

Các thảo luận ở Diễn đàn năm nay có ý nghĩa như thế nào đối với bối cảnh hiện nay trên thế giới và của Việt Nam (VN)?

Chủ đề của năm nay thực sự là rất phù hợp với bối cảnh. Có đại diện các nhà KHXH từ 71 nước tham gia thảo luận về rất nhiều chủ đề nhỏ khác nhau. Trong đó, vấn đề an ninh không chỉ là chiến tranh mà được hiểu rất rộng, bao gồm toàn bộ các mối đe dọa đến con người. Cho nên những vấn đề như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng giới, những dòng người di cư, hay ngay cả sự phát triển của công nghệ… cũng dẫn đến tình trạng mất an ninh và được thảo luận. Thậm chí những vấn đề như trí tuệ nhân tạo sẽ tác động như thế nào tới việc làm của con người, với mối quan hệ giữa người với người cũng được mổ xẻ. Ví dụ, ở Nhật người ta đang rất sợ đàn ông hoặc phụ nữ sẽ chỉ yêu búp bê tình dục, rồi công nghệ sẽ thay thế các mối quan hệ cụ thể của con người, con người sẽ ngày càng mất đi kỹ năng hiểu và tương tác với nhau, sẽ rút lại vào thế giới riêng của mình và tạo ra vô vàn thế giới nho nhỏ biệt lập. Điều đó có dẫn tới sự què quặt hay thậm chí diệt vong của con người? Con người liệu có đang mất đi rất nhiều kỹ năng sống?

Vấn đề này cũng liên quan tới bất bình đẳng giới. Vì trí tuệ nhân tạo đe dọa cơ hội việc làm của con người thì sẽ đặt ra câu hỏi là nó tác động tới vai trò của phụ nữ và nam giới ra sao? Nếu máy móc thay con người trong sản xuất, thì đàn ông còn có thể nói tôi là trụ cột gia đình, vẫn cần tới sức khỏe của tôi không? Rồi máy cũng có thể thay con người rất nhiều việc trong gia đình như chăm trẻ con, chăm người già, thì vai trò của người phụ nữ như thế nào? Nữ tính sẽ biến đổi ra sao?

Như vậy, xã hội ngày càng phức tạp và có nhiều mối đe dọa đến con người hơn, và các nhà khoa học xã hội trên thế giới thì khẳng định là KHXH phải lý giải và sử dụng các nghiên cứu của mình để giải quyết vấn đề đấy.

Tại diễn đàn, bà phân tích những vấn đề gì của Việt Nam với các đồng nghiệp quốc tế? 

Tôi tham gia vào một phiên song song về “Lực lượng lao động làm công việc chăm sóc trong thời đại già hóa dân số và hướng đến việc dịch chuyển bền vững cho những người làm công việc chăm sóc”. Đây cũng là chủ đề thiết thân với Việt Nam, bởi Việt Nam đang phải đối phó với tình trạng già hóa tăng tốc cũng như vấn đề đưa người lao động đi nước ngoài. Bài trình bày của tôi về việc Việt Nam đã sẵn sàng để đưa người đi chưa? Có thể cạnh tranh với các nước khác ở Đông Nam Á không? 

Nhìn lại câu chuyện này của VN đang có những vấn đề là: Từ trước tới nay, Chính phủ VN đang dựa vào việc xuất khẩu lao động ở nước ngoài làm mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đưa ngoại tệ về. Người lao động của VN đi nước ngoài đều là người lao động giá rẻ, không có tay nghề hoặc tay nghề rất thấp. VN cũng là một trong những nước có nhiều ngoại tệ nhất từ việc đưa người đi xuất khẩu lao động. Nhưng chiến lược đấy đang ngày càng trở nên khó chấp nhận trong thời đại này, vì như vậy đã đẩy những người chưa sẵn sàng, không có kỹ năng và sự chuẩn bị gì, thậm chí nhiều người ở vùng sâu vùng xa và chưa có hiểu biết gì về thế giới, bước ra thế giới để cạnh tranh với thế giới. Chiến lược này cũng ngày càng trở nên lỗi thời bởi đến nay, thế giới đang cần các công việc có kỹ năng hơn, các nước đang phát triển đang già hóa thì cần người có tay nghề. Khi đó, nếu Việt Nam có thể đưa người đi làm các công việc như điều dưỡng viên thì lại gặp một thế lưỡng nan: ai sẽ là người chăm sóc người già ở VN nếu lao động VN đi chăm sóc người già ở  nước ngoài? 

Thứ hai, với hiện trạng như bây giờ, VN liệu có đủ năng lực cạnh tranh? Bởi đội ngũ điều dưỡng viên hay những người chăm sóc người già ở VN được đào tạo rất mỏng và về mặt tâm thức, người VN không thích phục vụ người khác, cơ chế chính sách của VN cũng không khuyến khích người ta làm công việc đấy. Nhìn chung, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ VN không có chiến lược rõ ràng, chính sách mỏng và không phục vụ cho người lao động. Các luật đưa người lao động đi nước ngoài chỉ dành để quản lý các công ty tuyển dụng thôi chứ không nhắm tới [bảo vệ] người lao động (nếu xem lại thì không có điều khoản bảo vệ người lao động). Rà soát lại các chương trình mà VN gửi người đi nước ngoài thì thấy là Việt Nam rất thua thiệt, có thể phần nhiều nguyên nhân do người VN có kỹ năng kém, nhưng điều mà tôi và nhiều người nghi ngờ, là vì không có chiến lược nên cứ bám vào các hợp đồng lẻ tẻ nên mạnh ai nấy làm, các công ty của VN thì sẵn sàng nhượng bộ các công ty nước ngoài để có lợi, còn người lao động có được hưởng lợi không thì không được làm rõ. 


Các đe dọa đan xen tác động tới những nhóm xã hội theo cách thức rất khác nhau. KHXH có trách nhiệm tìm hiểu những vấn đề đó. Ảnh: Những người nghèo ở Philipines sau cơn bão Typhoon. Ảnh: USC news.

Như vậy, chuyển hướng cho việc xuất khẩu lao động là không dễ dàng. Việt Nam sẽ đứng ở đâu trong dòng chảy của thế giới về câu chuyện lực lượng lao động làm công việc chăm sóc? Đó là vấn đề mà tôi muốn xới lên và tiếp tục trong tương lai để tìm câu trả lời.

Tôi nhận thấy, có hai vấn đề nổi lên là họ bàn về quan hệ quyền lực và các nhóm yếu thế. Phải chăng đó là một nhiệm vụ cốt lõi của KHXH – phải đi giải thích các mối quan hệ quyền lực này đang chi phối các khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội như thế nào, tác động như thế nào đến các nhóm yếu thế?

Có lẽ đặt vấn đề như thế cũng đúng. Nhưng phải khái quát, vấn đề đầu tiên là KHXH phải đi lý giải thế giới này nó đang như thế nào, thứ hai là cái “đang như thế nào” ấy làm cho mối quan hệ giữa người với người ra làm sao? Trong mối quan hệ đó, thì những mối quan hệ quyền lực có thể mang lại lợi ích cho một số nhóm, tước đi quyền lực của một số nhóm và tạo ra những khoảng trống, bất bình đẳng giữa các nhóm. Và tất cả yếu tố tạo ra sự chênh lệch quyền lực như thế lại pha trộn với nhau, như giữa biến đổi khí hậu, khoa học và công nghệ, sẽ làm cho mối quan hệ giữa con người với con người biến đổi theo hướng dường như con người ngày càng phụ thuộc hơn, yếu đuối hơn, xung đột, khoảng cách giữa các nhóm xã hội ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Bây giờ mình làm thế nào để giải quyết những điều đó, để đưa ra những gợi ý? Để thu hẹp khoảng cách?

Nghiên cứu phải được công bố ở bất kỳ đâu

Quay trở lại Việt Nam, là phải đưa ra các gợi ý chính sách có thể đo lường được, thế thì KHXH VN có thể đưa ra các khuyến nghị cụ thể như thế không?

Lẽ ra phải làm được việc đấy nhưng chưa làm được, vì nhiều lý do lắm, vì chưa có thảo luận học thuật khách quan, cũng vì KHXH chưa được đánh giá đúng chức năng, vai trò của nó. Cho đến bây giờ có thể nói, KHXH có hai dòng, một là dòng chính thống, mà những khuyến nghị của nó được cho là được nghe – thì đang làm việc phục vụ, tuyên truyền cho những đường lối chính sách hơn là phản biện, chỉ ra những khoảng trống, thiếu sót cần phải thay đổi. Còn lại, là lẻ tẻ những tiếng nói độc lập hơn, thì lại rất yếu ớt và cứ bị gán cho là tiêu cực.

Các hội khoa học đáng lẽ phải có tiếng nói độc lập nhưng cũng thấm đẫm tinh thần quốc doanh trong cách thức tổ chức, quản lý. Chưa kể họ hay ngại những quan điểm nhạy cảm chính trị. Chẳng hạn, Hội xã hội học VN lẽ ra phải tổ chức được những hội nghị hằng năm, kêu gọi các nghiên cứu đến chia sẻ, bàn luận về những vấn đề tương tự như các chủ đề của forum này, đó là: xã hội VN đang đối mặt với những vấn đề gì? Ai nghiên cứu, cái gì, ở đâu? Cùng vạch ra những đường hướng tới đây chúng ta sẽ làm gì. Nhưng cũng chưa làm được. Tôi ước ao là có một sự kiện như thế này ở cấp độ mini. Nhưng không thấy ai đứng ra làm việc đó.

Tôi không nghĩ các nhà KHXH VN kém cỏi gì, mà là điều kiện để họ tiếp xúc với những thành tựu khoa học của nhân loại, những hệ thống lý thuyết mới còn hạn chế, cho nên nền KHXH mới bị sài đẹn như vậy.

Tất cả những điều đó trộn lại, làm cho KHXH VN cứ còi cọc như thế.

Vấn đề cốt lõi ở đây là công bố công khai và kích thích thảo luận, dù trước công chúng hay là công bố quốc tế? 

Đúng, KHXH phải bị thách thức bởi công bố dù bất cứ hình thức nào.

Quay trở lại Diễn đàn này, ở VN chỉ có tôi và một đại diện từ Bộ Y tế được mời đến thảo luận những vấn đề liên quan đến VN. Còn các nước khác, các Viện Hàn lâm KH đều tham gia và là thành viên của Diễn đàn này. Hội đồng KHXH quốc tế này tự nhận là một tổ chức phi chính phủ, thì liệu Viện Hàn lâm KHXH VN có muốn tới đây thảo luận không khi viện là một tổ chức nhà nước.

KHXH các nước bị thách thức, còn KHXH VN, khi anh đã làm trong các viện nghiên cứu thì không có thách thức nào cả. Ở các nước, giảng dạy và nghiên cứu KHXH gắn chặt với nhau, còn ở VN, người giảng dạy có thể cứ thế dạy một giáo trình cố định trong suốt hàng chục năm, người làm nghiên cứu thì kết quả không đưa vào giảng dạy. Như vậy người làm nghiên cứu không hề chịu áp lực phản biện. Nếu anh mang nghiên cứu đó đi giảng dạy hoặc công bố công khai thì có thể bị thách thức bởi sinh viên, bởi người khác và thấy nó chưa đủ, chưa hay, chưa để khái quát… hoặc có thể được xem xét ứng dụng nghiên cứu vào đâu đó. Nhưng VN thì không, nghiên cứu cứ làm cho đủ, hết kinh phí, làm cho xong.

KHXH phải được công bố dù dưới bất cứ hình thức nào: Khuyến nghị chính sách, công bố quốc tế, hay là đưa nó đến đại chúng, để người ta hiểu về ý nghĩa của nó là cái gì. Khi làm nghiên cứu KHXH, mặc dù mình cứ nói cho hay rằng phải đưa ra khuyến nghị chính sách, nhưng trước hết phải làm thế nào thay đổi nhận thức của công chúng, để họ hiểu. Những gì mà mình nghiên cứu, chia sẻ được với công chúng, có khi chỉ là điều gì đó rất nhỏ thôi nhưng có thể góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội, và thay đổi đó sẽ tạo ra những thay đổi lớn hơn. Suy cho cùng, nhiều khi chúng ta cứ phê phán những người lãnh đạo, nhưng lãnh đạo cũng từ dân mà ra, dân thiếu nhận thức thì không thể có lãnh đạo giỏi được.

Ví dụ như tôi làm về xuất khẩu lao động, hay bất bình đẳng giới, tình dục… thì hoàn toàn có thể được “dịch” thêm một lớp nữa cho người dân có thể hiểu rằng nghiên cứu đó có ý nghĩa với họ như thế nào, ít nhất mang lại tri thức nào đó. Nhưng ở các đơn vị nghiên cứu chính thống thì không như vậy, người dân không được biết một năm họ làm những công việc gì. 

Tôi nghĩ rằng, con đường của mình quá chậm nhưng con đường đó bền vững, và an toàn ở chỗ: nếu mình nói thẳng bằng các khuyến nghị chính sách có khi người ta cũng không nghe, hoặc không được nói nữa, nhưng nếu mình chia sẻ những thông tin như vậy thì người dân sẽ thay đổi dần.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi! ¨

Diễn đàn KHXH thế giới đã tổ chức được 4 lần, với các chủ đề đều rất thú vị: lần đầu vào năm 2009 (Chỉ có một trái đất nhưng thế giới đang bị chia rẽ); lần hai vào năm 2013 (Chuyển đổi xã hội và thời kỳ của công nghệ số để phân tích cách thế giới này đang chuyển biến như thế nào, công nghệ số tác động như thế nào đến số phận của các dân tộc, của mỗi con người. Bởi chuyển đổi số rất mạnh mẽ, nó định dạng lại cách con người hiểu biết về thế giới, tác động rất nhiều vào mối quan hệ giữa con người với con người, vào cách sản xuất); năm 2015 là chủ đề Chuyển đổi các mối quan hệ toàn cầu cho chỉ một thế giới công bằng. Còn chủ đề của năm nay là: An ninh và bình đẳng cho những tương lai bền vững.

Bảo Như thực hiện

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)