KHXH Việt Nam nghiên cứu về toàn cầu hóa vẫn còn dè dặt

Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa khá sớm nhưng nghiên cứu về các vấn đề toàn cầu hóa vẫn còn khá dè dặt và chưa có nhiều thành tựu. Đó là một trong những vấn đề được các nhà nghiên cứu thảo luận tại hội thảo quốc tế “Hai thập kỷ bàn về toàn cầu hóa KHXH: khái niệm, chiến lược và thành tựu” do trường Đại học KHXH&NV Hà Nội và Mạng lưới khoa học xã hội thế giới (WorldSSHnet) tổ chức vào 18-19/1 vừa qua tại Hà Nội.


GS.TS Phạm Quang Minh, hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV phát biểu tại hổi thảo.

Bối cảnh toàn cầu hóa đặt ra rất nhiều vấn đề mới mẻ, thách thức cả về lý thuyết, phương pháp nghiên cứu và chủ đề nghiên cứu trong khối ngành KHXH&NV, theo ý kiến của đa số các nhà khoa học tham gia hội thảo. Do vậy, hội thảo đặt trọng tâm chính vào thảo luận về hai vấn đề chính: các ngành KHXH&NV ở các nước đang chuyển biến như thế nào để thích ứng/ tham gia vào quá trình toàn cầu hóa; mặt khác, các ngành KHXH đang nghiên cứu về những vấn đề toàn cầu hóa như di dân và di động xã hội, di sản văn hóa và biến đổi văn hóa, các xung đột xã hội, chủ nghĩa khủng bố… ra sao.

Về phía Việt Nam, các ngành KHXH&NV đã có nhiều chuyển biến sâu sắc trong quá trình toàn cầu hóa. Điều đó thể hiện rõ trong hợp táp quốc tế ở các khía cạnh: 1) Đào tạo lực lượng nghiên cứu khoa học gắn với các môi trường học thuật quốc tế như Liên Xô và Âu, Mỹ (từ sau 1990); 2) Sử dụng lý thuyết, phương pháp nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế; và 3) Công bố quốc tế. Cụ thể, có thể thấy rõ xu thế quốc tế hóa ngành học qua trường hợp ngành xã hội học. Theo thống kê của TS. Nguyễn Tuấn Anh, Khoa Xã hội học, ĐH KHXH&NV Hà Nội, nguồn cán bộ được đào tạo từ các nước phương Tây đã góp phần quan trọng cho nguồn nhân lực của một số cơ sở nghiên cứu xã hội học như Viện xã hội học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nâm), Khoa Xã hội học (ĐH KHXH&NV Hà Nội). Thống kê giai đoạn năm 1997 – 2017 cho thấy viện Xã hội học có 10% thạc sĩ, 19% tiến sĩ được đào tạo ở các nước phương Tây, tỉ lệ tương ứng ở Khoa Xã hội học là 17% và 26%. Các dự án hợp tác với nước ngoài ở hai cơ sở nghiên cứu này cũng chiếm tỉ lệ lần lượt là 31% và 35% tổng số dự án nghiên cứu mà các cơ sở này thực hiện. Nguồn học liệu là tài liệu lý thuyết, phương pháp luận bằng tiếng Anh và tiếng Pháp được sử dụng ngày càng phổ biến.

PGS.TS Nguyễn Văn Chính, Khoa Nhân học, ĐH KHXH&NV Hà Nội đồng tình với ý kiến cho rằng các ngành KHXH&NV đang tham gia vào quá trình toàn cầu ngày càng mạnh mẽ thông qua các hợp tác quốc tế, dưới sự hỗ trợ của nhiều quỹ nghiên cứu khoa học. Đồng thời ông thông tin thêm rằng, thực ra các ngành KHXH&NV ở Việt Nam đã tham gia vào quá trình toàn cầu hóa sớm, chịu sự ảnh hưởng bởi các nền học thuật khác nhau ngay từ đầu thế kỷ XX. Trong thời thuộc địa, KHXH Việt Nam chịu sự ảnh hưởng về lý thuyết, phương pháp nghiên cứu của các học giả Pháp. Sau thời kỳ thuộc địa, học thuật KHXH Việt Nam chịu ảnh hưởng của học thuật Xô viết, tuy nhiên việc áp dụng hệ thống lý thuyết lại không rõ ràng. Mặt khác, ông đặt lại câu hỏi: KHXH&NV Việt Nam nghiên cứu về toàn cầu hóa như thế nào? Trước làn sóng toàn cầu hóa ảnh hưởng rộng khắp từ dân tộc thiểu số đến người đa số, nông thôn đến đô thị… thì ở Việt Nam có nghiên cứu những vấn đề này hay không? Có những đóng góp gì mới? Chúng ta đã thảo luận như thế nào với thế giới? Có thể nói rằng, tuy được/ bị ảnh hưởng sớm bởi toàn cầu hóa, nhưng chúng ta “nghiên cứu về quá trình toàn cầu hóa đó còn rất sơ sài, thậm chí ‘dửng dưng’, còn nhìn thấy các vấn đề của toàn cầu hóa như một nguy cơ bị san bằng, nguy cơ bị mất bản sắc hơn là các cơ hội, cho nên nghiên cứu về toàn cầu hóa gặp khó khăn, và gần như chưa có nhiều thành tựu trong khoa học xã hội”, PGS.TS Nguyễn Văn Chính nhận xét.

 

WorldSSHnet (World Social Sciences and Humanities Network) đã kết hợp với một số trường đại học trên thế giới tổ chức thảo luận về vấn đề toàn cầu hóa KHXH và KHXH nghiên cứu về toàn cầu hóa như thế nào trong một chuỗi các hội thảo quốc tế những năm gần đây. WorldSSHnet được thành lập từ năm 2010, đặt tại Đức, là một tổ chức quốc tế, chuyên tập trung thúc đẩy nghiên cứu về các vấn đề cơ hội và thách thức đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa. WorldSSHnet có các thành viên sáng lập đến từ các cơ quan nghiên cứu khác nhau như ĐH Bremen, Đức, Viện nghiên cứu phát triển Pháp ngữ (IRD), Pháp, Đại học Quốc gia Seul, Hàn Quốc…

Tác giả

(Visited 23 times, 1 visits today)