Kính hiển vi chiếu rọi nguồn gốc của than củi

Một số lượng lớn than củi bán ở châu Âu đến từ các khu rừng nhiệt đới và nó thường không được “dán nhãn”, điều đó làm tăng lên các câu hỏi về việc liệu việc đốn cây có hợp pháp?

Gần một nửa số than củi dùng để nướng thịt được chuyển đến châu Âu đều có nguồn gốc từ cây trong các khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trong đó chỉ có một số ít được cấp phép, nó khiến người ta phải đặt câu hỏi là có phải chỉ một số than củi đó là được khai thác trong khuôn khổ pháp luật.

Đây là kết quả từ một phân tích hàng trăm mẫu than củi, sử dụng một kỹ thuật trên kính hiển vi điện tử mới. Các nhà khoa học đã tìm ra có nhiều túi than củi được dán nhãn không chính xác loại gỗ bên trong hoặc thậm chí không có liên quan giữa nhãn hiệu và gỗ, điều này dẫn đến sự lo ngại về nguồn gốc thực sự của chúng.

Công trình này mới xuất bản trên IAWA Journal, một nhà xuất bản thuộc Hiệp hội các nhà phân tích gỗ quốc tế. “Đây chỉ là một cái nhìn tổng thể nên không đủ thông tin để rung lên tiếng chuông cảnh báo. Muốn như vậy chúng tôi phải tìm được rất nhiều loại gỗ được khai thác từ rừng nhiệt đới”, Volker Haag, một nhà phân tích gỗ tại Viện nghiên cứu Gỗ Thünen ở Hamburg, Đức và là người dẫn dắt nghiên cứu, nói.

Các nhà nghiên cứu đã khai thác những phát triển mới của kỹ thuật trên kính hiển vi để chuyển đổi nó thành công cụ chứng minh những điểm tối trong lĩnh vực thương mại than củi quốc tế có lợi nhuận hàng triệu đô la này. Các nhà vận động thường cho là có thể khoảng hai triệu tấn gỗ được khai thác bất hợp pháp vào tới châu Âu mỗi năm.

Châu Âu nhập khẩu khoảng 750.000 tấn than củi vào năm 2019, trong đó các quốc gia cung cấp bao gồm Nigeria (20%) và Paraguay (7%), vốn được biết là nơi phổ biến nạn khai thác gỗ bất hợp pháp. Nhưng một khi vào đến châu Âu, nó lại được bán một cách hợp pháp bởi vì mặt hàng này không phải chịu sự chi phối của Quy định gỗ công nghiệp châu Âu (European Timber Regulation EUTR), pháp luật cấm các công ty đưa gỗ khai thác bất hợp pháp vào thị trường châu Âu.

Tái cấu trúc số

Than củi rất khó để phân tích bởi đã bị mất đi các đặc điểm nhận diện của cây gỗ nguyên thủy như màu sắc, mùi và nó có thể vỡ vụn một cách dễ dàng. Nhưng Haag đã phát triển một kỹ thuật trên kính hiển vi  ánh sáng được phản chiếu ba chiều (3D-reflected-light microscopy) có thể tái cấu trúc bằng kỹ thuật số các mặt cắt của than củi từ những mẩu không đồng đều để có thể tạo ra những hình ảnh giúp người ta dễ nhận diện được loại gỗ nguyên bản – thông thường ở cấp độ gene. Điều này đủ để bác bỏ nhiều loại tuyên bố về nguồn gốc của gỗ.

Nhóm nghiên cứu của Haag đã phân tích 4.500 mẫu từ 150 túi than củi xuất phát từ 11 quốc gia trong thời gian từ năm 2019 đến 2020. Khoảng 46% số mẫu than củi là từ gỗ từ các khu rừng nhiệt đới và bán nhiệt đới, những nơi có tốc độ phá rừng ở mức cao trên thế giới. Tại Tây Ban Nha, Italy, Ba Lan và Bỉ, con số này là trên 60%. Dĩ nhiên, chỉ có 1/4 các túi mẫu có logo của những tổ chức cấp giấy chứng nhận phát triển bền vững như Hội đồng Quản lý rừng (Forest Stewardship Council FSC).

Thêm vào đó, chỉ có 1/4 số túi theo danh nghĩa ghi rõ loài hoặc nguồn gốc của gỗ – và chỉ một nửa các thông tin này là đúng đắn.

“Nếu anh tìm thấy một sản phẩm đi kèm với thông tin sai về loài bên trong thì đây là chỉ dấu rất mạnh về việc khai thác bất hợp pháp”, Johannes Zahnen, một chuyên gia về chính sách quản lý rừng tại Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới ở Berlin và là đồng tác giả công bố. “Kết hợp với hiểu biết là phần lớn than củi đến từ Nigeria và Paraguay thì nó có ‘nguy cơ’ cao là từ nguồn khai thác bất hợp pháp”.

Zahnen kêu gọi quy định EUTR mở rộng tới than củi và để các nhà chức trách yêu càu các nhà cung cấp dán nhãn lên các túi than củi bán trên thị trường.

Phil Guillery, giám đốc bộ phận phụ trách chuỗi cung cấp tại FSC có trụ sở tại Bonn, Đức, cho biết nghiên cứu đã chứng tỏ khi sử dụng chứng nhận phát triển bền vững thì thông tin rất chính xác. Kể từ năm 2017, FSC đã sử dụng kỹ thuật kính hiển vi khác để xác nhận những thôn tin về nguồn gốc các túi than củi trong nỗ lực ngăn chặn gỗ bất hợp pháp. “Năng lực kiểm tra than củi sẽ đóng một vai trò rất lớn trong quá trình này,” Guillery nói.

Thanh Nhàn dịch

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-020-02672-z

 

Tác giả