Kỹ thuật hạt nhân làm rõ tác động của vi nhựa lên sinh vật biển

Một nhóm nghiên cứu quốc tế do các nhà khoa học ở Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) dẫn dắt vừa xuất bản một bản đánh giá đầy đủ về tác hại lên cá của vi nhựa cỡ micromet và nanomet lên động vật biển.

Các mảnh vi nhựa đặc biệt nguy hiểm, bởi vì chúng rất dễ bị hấp thụ và xâm nhập vào cơ quan nội tạng cũng như dịch mô của các sinh vật, sau đó đi vào chuỗi thức ăn. Trên thực tế, những mảnh vi nhựa này sẽ mang theo nhiều chất hóa học và các chất ô nhiễm khác, khiến cho việc đánh giá chính xác ảnh hưởng cũng như độc tính của ô nhiễm nhựa là một việc rất khó khăn. Nhóm nghiên cứu này đã xuất bản một bản đánh giá đầy đủ về tác hại lên cá của những mảnh vi nhựa cỡ micromet và nanomet, trong đó làm rõ những mảnh vi nhựa nguyên sinh này chắc chắn đã ảnh hưởng đến các chức năng sinh học của cá, như tập tính, chức năng hoạt động thần kinh cũng như trao đổi chất, độ thấm của đường ruột và đa dạng vi sinh trong hệ tiêu hóa.

Marc Metian, một nhà khoa học nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Sinh học bức xạ của IAEA, một trong các tác giả của báo cáo đánh giá trên cho biết: “Việc giám sát chính xác là rất quan trọng để hiểu được tác động của những hạt vi nhựa tới sinh vật cũng như phác thảo được một chiến lược quản lý và giảm thiểu tác động của chúng tới môi trường một cách hiệu quả”.

Một số chiến lược, như đánh giá chính xác tác động lên hệ sinh thái tới cấp độ tế bào, hay sản xuất các vật liệu nhựa mới tự phân hủy sinh học, thân thiện môi trường có thể sẽ phải sử dụng đến các công nghệ hạt nhân hay kĩ thuật đồng vị mà IAEA có thể cung cấp sự hỗ trợ. Việc nhận diện được những chiến lược này sẽ là bước tiếp theo cần phải làm.

Nhựa trong đại dương

Theo như Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, 8 triệu tấn nhựa đã bị đổ ra biển mỗi năm, thường trôi ra từ các dòng sông. Nếu như xu thế này tiếp tục, đến năm 2050, đại dương của chúng ta sẽ chứa nhiều nhựa hơn cả cá.

Ô nhiễm nhựa đã trở thành một vấn đề xã hội và sinh thái lớn cần lưu tâm. Những loại nhựa gây ô nhiễm có kích cỡ rất đa dạng, từ những khối lớn như lưới đánh cá hay túi nylon dùng một lần cho đến các hạt nhựa kích cỡ nanomet. Trong khi ảnh hưởng nhãn tiền của các khối nhựa lớn, được gọi là macroplastic với môi trường biển đã được đánh giá khá đầy đủ thì tác hại tiềm tàng của vi nhựa kích cỡ micromet, thậm chí là nanomet mù mờ hơn nhiều.

Các hạt nhựa có kích cỡ nhỏ hơn 5 mm được gọi là vi nhựa. Những hạt nhỏ hơn với cỡ bằng hoặc bé hơn 100 nm (1/10.000 mm) được gọi là nhựa kích cỡ nano – nanoplastic. Chúng nhỏ đến mức mà bạn không thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường, hay thậm chí là dưới kính hiển vi quang học thông thường.

Các sinh vật biển có thể vô tình hấp thụ các hạt vi nhựa, sau đó các sinh vật biển này lại bị các loại cá săn mồi lớn hơn ăn thịt. Các hạt vi nhựa cỡ nanomet còn nguy hiểm hơn vì chúng có thể được hấp thụ qua thành ống tiêu hóa, sau đó được vận chuyển lên các cơ quan nội tạng và mô. Kết cục là những hạt nhựa này có thể ảnh hưởng đến nhiều quá trình sinh học trong cơ thể, từ dẫn truyền thần kinh tới kích ứng oxi hóa và cả khả năng đề kháng của các sinh vật nước ngọt và sinh vật biển.

Trong thập niên vừa qua, cộng đồng khoa học toàn cầu đã bỏ nhiều công sức trong việc tìm hiểu về tác động của rác thải nhựa đến sự đa dạng sinh học sinh vật biển. Tuy nhiên, các phương pháp quan trắc vi nhựa cỡ micromet và nanomet đều đang ở giai đoạn đang được phát triển, có nghĩa là nồng độ chính xác của chúng trong đại dương vẫn là ẩn số.

Giáo sư Metian nói thêm: “Đây là nơi mà công nghệ hạt nhân có thể đóng vai trò quan trọng. Các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị đã được sử dụng thành công trong việc nghiên cứu nhiều quá trình ô nhiễm. Lợi thế của chúng là độ nhạy cũng như độ chính xác cực kỳ cao, và có thể sử dụng theo cách tương tự để nghiên cứu con đường vận chuyển và tác động của vi nhựa”.

Bên cạnh đó, từ quan điểm độc học, việc phân biệt độc tính của các hạt nhựa và độc tính của các chất ô nhiễm đi kèm chúng là rất quan trọng. Cho đến nay, việc nghiên cứu tác động của vi nhựa nguyên sinh cỡ nanomet trong cá nước ngọt và cá biển vẫn rất hạn chế, do đó, IAEA hiện đang tăng cường tập trung vào nghiên cứu mức độ độc hại của vi nhựa nguyên sinh.

An Thái – Thục Phương/Viện Công nghệ xạ hiếm dịch

Nguồn: ttps://www.iaea.org

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)