“LÀM MỚI” quy hoạch khu CNC Hòa Lạc

Đầu tháng 9, đoàn nghiên cứu của JICA đã đưa ra bản Nghiên cứu cập nhật Quy hoạch chung khu CNC Hòa Lạc, trong đó đề xuất xây dựng khu CNC này với quy mô là Dự án cấp quốc gia

Tăng thẩm quyền của Ban Quản lý
Hiện khu CNC Hòa Lạc có 3 nhà máy (với 460 người, tổng diện tích sử dụng 7ha), có 3 công trình là trung tâm khởi động, trung tâm Ngân hàng dữ liệu IncomBank (đang thi công) và tòa nhà viễn thông (chưa sử dụng). Cơ sở hạ tầng cho Hòa Lạc đang được được xây dựng: hầu hết đường nội bộ trong khu CNC Hòa Lạc đã hoàn thành; đường điện 110kv đã lắp đặt; cáp quang cũng được nối từ Hà Nội tới trung tâm Hòa Lạc, tốc độ hiện nay mới khoảng 2Mbps, song đại diện của VNPT cam kết sẽ tăng lên 2,5 Gbps khi cần thiết. Hiện ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH FPT đã có kế hoạch di dời đến Hòa Lạc, song chưa có bất kỳ viện nghiên cứu của nhà nước nào đặt trụ sở tại khu CNC này.
Đoàn nghiên cứu của JICA cho rằng điểm yếu nhất của Hòa Lạc hiện là “thiếu môi trường sống”, “giao thông với Hà Nội chưa thuận tiện”, “đi làm bằng xe bus hằng ngày giữa Hà Nội và Hòa Lạc không dễ dàng”, “hạ tầng chưa hoàn chỉnh”… Tuy nhiên Hòa Lạc cũng có lợi thế rất lớn là mặt bằng rộng rãi rất thích hợp cho các khu nghiên cứu, giá đất cạnh tranh, có chính sách ưu đãi công nghệ cao và việc các trường đại học có kế hoạch dời tới đây sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với mục tiêu chung là đẩy mạnh KH&CN tại Việt Nam, có thể nói mục tiêu và các nhiệm vụ phát triển khu CNC Hòa Lạc mà JICA đề xuất lần này không khác biệt nhiều so với bản Quy hoạch chung ban đầu. Sự khác biệt chủ yếu là  ở các dự án về tổ chức và quy hoạch, như tăng cường thẩm quyền của Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc bằng cách đặt Ban dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, thu hút các Viện nghiên cứu theo sáng kiến của Chính phủ, thành lập duy nhất một Công ty phát triển khu, dùng vốn ODA để đẩy mạnh KH&CN, xây dựng bảo tàng tại Hòa Lạc để giúp phổ biến tri thức KH&CN v.v.

Mô hình ĐH FPT ở Hòa Lạc

Tổng diện tích của khu CNC Hòa Lạc theo quy hoạch mà JICA đề xuất là 1.610 ha, gần giống với diện tích trong Quy hoạch chung ban đầu. Tuy nhiên ở bản quy hoạch lần này, khu phần mềm được bố trí riêng biệt với khu R&D; đồng thời thêm các khu mới là khu R&D, khu tổ hợp nhà ở, khu dữ trữ 180ha để thích ứng linh hoạt với nhu cầu tương lai.
Phía JICA cũng đề xuất một lộ trình thực hiện các dự án, theo đó từ nay đến 2010 sẽ giải phóng 810ha, đặt Ban Quản lý khu CNC dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, thành lập Công ty phát triển khu, Chính phủ hỗ trợ di dời 6 viện nghiên cứu… Đến 2012 sẽ thu hút các ngành CNC trên diện tích 140ha, giải phóng mặt bằng hoàn toàn khu Hòa Lạc.

Tránh “bắc nồi chờ cơm”
Theo ông Mai Hà, Viện trưởngViện Chiến lược và Chính sách KH&CN, những điều chỉnh của JICA so với Quy hoạch chung trước đây đều có lập luận khoa học, dẫu vậy vẫn cần được làm rõ thêm về mối tương quan giữa quy hoạch khu CNC Hòa Lạc với chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn (chuỗi đô thị này phát triển dọc theo quốc lộ 21A nên còn gọi là Hành lang 21, với mục tiêu chuỗi đô thị này sẽ là các thành phố vệ tinh của Hà Nội, quy mô 1 triệu dân).
Khi tiến hành khảo sát và xây dựng quy hoạch Hành lang 21 năm 1998, JICA đã ký một hợp đồng phụ với Viện KH&CN Việt Nam để tập hợp việc điều tra cơ bản các điều kiện tự nhiên và môi trường khu vực Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai –  Miếu Môn. Đến nay các dữ liệu đó đã cũ, cần cập nhật các biến động, đặc biệt về hiện trạng sử dụng đất và nguồn nước ở khu vực này. Hòa Lạc nằm trong vùng khô cằn, vài chục năm trước còn là khu cỏ tranh và là nơi cư trú của động vật hoang dã. Qua nhiều lỗ khoan sâu thăm dò ở đây cho thấy, nguồn nước ngầm ở vùng này không đủ cung cấp cho lượng lớn dân cư, càng không đủ để phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp. Theo dự kiến quy hoạch Hành lang 21, nước sông Đà sẽ được đưa theo đường dẫn, tới tháp phân phối trên đỉnh núi Mốc. Song một biện pháp quan trọng có thể làm ngay là tạo nguồn nước tự nhiên tại chỗ, cụ thể là trồng rừng. Có thể đề nghị Chính phủ cho kế hoạch ưu tiên trong Chương trình 5 triệu ha rừng, ĐH Lâm nghiệp tại Xuân Mai cũng có thể đóng góp phần quan trọng cho kế hoạch trồng rừng này. Và nếu rừng phát triển thì nguồn nước ngầm sẽ gia tăng, lớp phủ thực vật dày lên cũng sẽ tác động đến cảnh quan khí hậu vùng Hòa Lạc, hồ Tân Xã cũng sẽ không bị khô cằn như ngày nay.
Trong việc phân các khu chức năng, theo ông Mai Hà, cần đặc biệt cần cẩn trọng khi tách biệt khu R&D và khu GD&ĐT, bởi Việt Nam đang cố gắng khắc phục tình trạng “trường viện thụ thụ bất thân”. Khu CNC Hòa Lạc “có thể và cần phải trở thành một hình mẫu” về sự thống nhất giữa nghiên cứu và đào tạo. Điều chỉnh về quy mô các phân khu chức năng là một điểm nhấn trong điều chỉnh quy hoạch của JICA. Tuy nhiên cần chỉ rõ khả năng thu hút đầu tư, năng lực quản lý, “đầu ra” của các phân khu này. Cần tránh nguy cơ  từ chỗ không giải phóng được mặt bằng để xây dựng sang tình trạng giải phóng được mặt bằng lớn lại để bỏ trống. Hiện tượng “bắc nồi chờ cơm” cũng khá phổ biến ở các khu công nghiệp nước ta hiện nay.
Trên cơ sở nghiên cứu và tập hợp ý kiến từ các Bộ, ngành, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN đề nghị Chính phủ cho xúc tiến hoàn thành 2 tuyến đường trọng yếu Hòa Lạc đi Nội Bài và Hòa Lạc đi Hải Phòng; phục hồi và nâng cấp 2 sân bay Hòa Lạc và Miếu Môn; tập trung xây dựng một thành phố nhỏ nhưng hiện đại, kiến trúc đẹp gần trung tâm khu CNC Hòa Lạc, quy mô đủ để gây niềm tin cho các nhà đầu tư ngay từ lần đầu tiên đến Hòa Lạc.
Việc xây dựng khu CNC Hòa Lạc cũng cần rút kinh nghiệm từ các khu CNC khác. Vốn đầu tư cho khu CNC thường rất lớn, thời gian để phát huy tác dụng cũng thường khá dài. Chẳng hạn, khu Sophia Antipolis (Pháp) được xây dựng với mục tiêu trở thành thành phố khoa học tầm cỡ quốc tế, và phải mất gần 30 năm Pháp mới gặt hái được thành quả sau khi bỏ ra khá nhiều tiền của. Khu CNC Tsukuba của Nhật được xây từ năm 1963 nhưng mãi đến năm 1980 mới kết thúc với kinh phí xây dựng 5,5 tỷ USD.
Năm 1998, JICA đã xây dựng  Quy hoạch chung cho khu CNC Hòa Lạc trên cơ sở chính sách CNH, HĐH của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ sau đó đã phê duyệt quy hoạch chung ban đầu và kế hoạch đầu tư bước 1, song tiến độ dự án đã chậm hơn nhiều so với kế hoạch. Theo thỏa thuận của Chính phủ 2 nước Việt Nam và Nhật Bản, vừa qua đoàn nghiên cứu của JICA đã đưa ra bản Nghiên cứu cập nhật Quy hoạch chung khu CNC Hòa Lạc. Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, dự tính đến tháng 11 này, bản Quy hoạch chung này sẽ được hoàn thành để đệ trình lên Thủ tướng phê duyệt.
Các yếu tố quan trọng cần thiết dẫn đến thực hiện thành công khu CNC Hòa Lạc:
1. Cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về việc thực hiện khu CNC Hòa Lạc với tư cách là Dự án cấp quốc gia.
2. Phát triển hạ tầng cao cấp, kể cả hạ tầng vòng ngoài cần thiết để đẩy mạnh xúc tiến KH&CN và các ngành CNC.
3. Khu CNC Hòa Lạc sẽ là nơi làm việc và nghiên cứu cho các nhà khoa học và kỹ sư xuất sắc.
4. Bồi dưỡng tài năng trẻ, những người sau này sẽ là nhà lãnh đạo trong việc đẩy mạnh KH&CN tại Việt Nam.
5. Thu hút sự tín nhiệm của các nhà đầu tư bằng cách marketing chiến lược.
6. Phổ cập KH&CN trên toàn quốc.

(Theo tài liệu của JICA)
Việt Anh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)