Lần đầu chụp được ảnh màu sao Diêm Vương
Ngày 9/4, camera Ralph lắp trên tàu vũ trụ New Horizons đã chụp được bức ảnh màu đầu tiên về sao Diêm Vương (Pluto) và vệ tinh lớn nhất của nó là Charon ở khoảng cách 115 triệu km, tương đương khoảng cách từ Mặt trời tới sao Kim (Venus), đánh dấu một giai đoạn mới trong tiến trình thăm dò Hệ Mặt trời.  
Tàu vũ trụ New Horizons do NASA phóng ngày 19/1/2006, sau hành trình kéo dài chín năm, đã chụp được bức ảnh nói trên và gửi về Trái đất.
Cathy Olkin, nhà khoa học hành tinh ở Viện nghiên cứu Tây Nam (Southwest Research Institute, San Antonio), phó giám đốc dự án New Horizons, nói: “Từ tháng Năm trở đi chúng tôi sẽ nhận được những tấm ảnh sao Pluto có độ phân giải cao nhất trong lịch sử và chất lượng hình ảnh sẽ ngày một tốt hơn.”
Dự kiến công tác thăm dò sẽ lên tới cao điểm vào ngày 14/7, khi New Horizons ở gần Pluto nhất. Vận tốc bay của New Horizons là 50.000 km/h. Khi gần Pluto nhất, độ phân giải của ảnh chụp sẽ đạt tới mức 400 m/pixel.
John Grunsfeld, Phó Giám đốc hành chính NASA, nói: “Tàu New Horizons sắp sửa kết thúc sứ mệnh vĩ đại của loài người là thăm dò Hệ Mặt trời.” Sứ mệnh này gồm có việc nghiên cứu chi tiết từ hành tinh gần Mặt trời nhất là sao Thủy (Mercury) cho tới hành tinh xa Mặt trời nhất là sao Hải Vương (Neptune). Người phụ trách quan sát chính, Alan Stern, nói: “New Horizons có nhiệm vụ lần đầu tiên quan trắc Hệ hai sao [Pluto và Charon] ở cự ly gần và lần đầu tiên thâm nhập thăm dò Vùng thứ ba của Hệ Mặt trời”. Khái niệm Vùng thứ ba do Stern đề xuất, là chỉ vùng băng giá hình vành khăn ở bên ngoài các hành tinh đất đá và hành tinh thể khí trong Hệ Mặt trời. Trước NASA, chưa cơ quan nghiên cứu vũ trụ nào đề xuất dự án thám hiểm tương tự, bởi vậy sứ mệnh thăm dò của New Horizons có ý nghĩa rất quan trọng.
Stern và đồng nghiệp còn liệt kê những khám phá khác mà sứ mệnh thám hiểm lần này có thể thực hiện được: 1- Các vệ tinh mới ngoài năm vệ tinh đã biết của sao Pluto và giải vật chất nhiệt độ thấp hình vành khăn bao xung quanh; 2- Các chi tiết làm nên sự khác biệt giữa Pluto với Charon. Vệ tinh Charon tương tự như Mặt trăng, được cho là vật còn sót lại sau khi Pluto bị tiểu hành tinh va chạm; 3- Bản đồ toàn cầu của Pluto và Charon, kể cả vùng cực của Pluto, nơi chưa bao giờ có ánh sáng Mặt trời, nhưng được chiếu sáng bởi sự phản quang của Charon, nhờ đó camera của tàu vũ trụ có thể chụp được ảnh vùng đó; 4- Trên Pluto và Charon có thể tồn tại lớp chất lỏng với thành phần là nước hoặc các vật chất đặc biệt khác và những dòng sông Neon.
Năm 2006, sao Pluto từng bị Hội Thiên văn quốc tế loại ra khỏi danh sách các hành tinh của Hệ Mặt trời và xếp vào loại hành tinh lùn, nhưng nhiều nhà khoa học không đồng ý với quan điểm đó.
H.H tổng hợp