Lịch sử nhân loại: Một bước ngoặt mới

Cuộc khủng hoảng [Covid-19] hiện tại sẽ đẩy xã hội nhân loại vào một bước ngoặt mới. Chúng ta rồi sẽ về đâu? Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với đài DW của Đức, giáo sư sử học Yuval Noah Harari - tác giả một loạt sách về lược sử và tương lai loài người đã giải thích các quyết định của loài người hôm nay sẽ làm thay đổi tương lai như thế nào.


Giáo sư Yuval Noah Harari, tác giả của các cuốn sách lược sử loài người bán chạy nhất thế giới, đã được dịch sang tiếng Việt là “Sapiens: Lược sử loài người”, “Homo Deus: Lược sử tương lai”, “21 bài học cho thế kỷ 21”.

“Mối nguy lớn nhất không phải là con virus”

Thưa giáo sư Harari, chúng ta đang ở giữa đại dịch toàn cầu. Điều gì làm ông lo lắng nhất về sự thay đổi của thế giới?

Tôi nghĩ mối nguy lớn nhất không phải là con virus. Nhân loại có đầy đủ các tri thức khoa học và công cụ công nghệ cần thiết để chiến thắng nó. Vấn đề lớn thật sự là con quỷ nội tâm của chúng ta: sự thù ghét, tham lam và ngu dốt. Tôi sợ rằng mọi người đối phó với đại dịch không phải bằng sự đoàn kết toàn cầu mà bằng lòng thù hận, thói đổ lỗi cho các quốc gia khác, cho các nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số. Nhưng tôi hy vọng rằng chúng ta có khả năng nuôi dưỡng lòng bao dung, quảng đại để giúp mọi người lúc khốn khó. Chúng ta sẽ có khả năng phân biệt sự thật và không tin vào những thuyết âm mưu. Nếu làm được, tôi không nghi ngờ gì về khả năng chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua được cuộc khủng hoảng này.

Như ông từng nói trong một bài viết mới đây, rằng chúng ta phải đối mặt với sự lựa chọn giữa giám sát và tôn trọng quyền tự do của công dân. Nếu chúng ta không thận trọng, dịch bệnh này có thể là một bước ngoặt trong lịch sử về quyền giám sát công dân. Nhưng làm thế nào tôi có thể thận trọng với những thứ ngoài tầm kiểm soát?

Chuyện đó không hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của công dân trong một cơ chế dân chủ. Bạn bỏ phiếu bầu cho các chính trị gia cụ thể và các đảng dựa trên chính sách mà họ đề ra. Vì vậy, công chúng có quyền kiểm soát hệ thống chính trị. Ngay cả khi không có các cuộc bầu cử như hiện nay, các chính trị gia vẫn phải đáp ứng các áp lực của công chúng.

Nếu công chúng sợ hãi về dịch bệnh và muốn một nhà lãnh đạo mạnh tay tiếp quản, điều này giúp một nhà độc tài chiếm quyền lãnh đạo. Mặt khác, công dân cũng có quyền lên tiếng ngăn chặn một chính trị gia nếu họ đẩy mọi chuyện đi quá xa, điều này giúp tránh những diễn biến nguy hiểm nhất xảy ra.

Chúng ta đã có kinh nghiệm trong quá khứ. Nếu bạn thấy các chính trị gia nói dối trong nhiều năm, thì bạn ít có lý do để tin tưởng họ trong các tình huống khẩn cấp. Thêm nữa, bạn cần đặt câu hỏi về những điều mà họ nói với bạn. Nếu ai đó đưa ra một số thuyết âm mưu về nguồn gốc và sự lây lan của coronavirus, hãy yêu cầu người này giải thích về virus là gì và nó gây bệnh như thế nào. Nếu người đó không thể nêu ra những kiến thức khoa học cơ bản, thì cùng đừng tin bất cứ điều gì mà họ nói với bạn về đại dịch lần này. Bạn không cần phải trở thành tiến sĩ ngành sinh học, nhưng bạn cần một số hiểu biết khoa học cơ bản về những điều này.

Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều chính trị gia dân túy công khai tấn công khoa học, họ bảo các nhà khoa học là những người ưu tú biệt lập, mất kết nối với mọi người, rêu rao chớ nên tin vào những “trò lừa bịp” kiểu như biến đổi khí hậu. Nhưng trong thời điểm khủng hoảng, chúng ta thấy mọi người tin vào khoa học hơn bất cứ điều gì khác.

Tôi hy vọng chúng ta khắc ghi khoa học không chỉ trong khủng hoảng, mà sau đó cũng thế. Học sinh cần được dạy về virus và lý thuyết tiến hóa. Công chúng cần được cảnh báo rằng những vấn nạn khác như biến đổi khí hậu và sự sụp đổ của hệ sinh thái cũng gây ra các hậu quả nghiêm trọng như đại dịch.

Nhiều nước đang tăng cường các cơ chế giám sát kỹ thuật số nhằm ngăn chặn virus lây lan. Vậy làm thể nào để kiểm soát các cơ chế đó?


Công dân Đức có thể tự nguyện trao dữ liệu về coronavirus thông qua ứng dụng theo dõi của cơ quan y tế liên bang RKI. Ảnh: DW

Tăng cường giám sát công dân phải đi đôi với tăng cường giám sát chính phủ. Trong cuộc khủng hoảng này, các chính phủ đang tiêu tiền như nước. Ở Mỹ, hai nghìn tỷ USD. Ở Đức, hàng trăm tỷ Euro. Là công dân, tôi muốn biết ai đưa ra quyết định và tiền đã đi đâu. Liệu tiền có được sử dụng để bảo lãnh cho các tập đoàn lớn, những tổ chức vốn đã gặp rắc rối tài chính từ trước dịch bệnh vì những quyết định sai lầm của họ hay tiền thực sự giúp các doanh nghiệp nhỏ, nhà hàng, cửa hiệu,…Nếu chính phủ muốn giám sát nhiều hơn, thì sự giám sát phải có tính hai chiều. Nếu chính phủ phát triển được một hệ thống giám sát khổng lồ để xem tôi đi đâu mỗi ngày, thì cũng có thể phát triển được một hệ thống cho biết chính phủ đã làm gì với tiền thuế của chúng tôi.

Hệ thống giám sát phục vụ trong cuộc khủng hoảng hiện tại có khả năng tiến thêm một bước nữa, gọi nôm na là giám sát dưới da – nghĩa là hệ thống mới có khả năng phá vỡ sự riêng tư ở mức độ chưa từng có.

Ngay hiện nay, một công nghệ truy vết đang được thử nghiệm ở rất nhiều nước: đó là khuyến khích công dân sử dụng các phần mềm cài vào điện thoại để truy vết người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Nếu điện thoại của bạn cài phầm mềm này, khi đi gần một người nhiễm Covid-19 thì điện thoại của bạn sẽ xuất hiện cảnh báo.

Còn đối với công nghệ giám sát dưới da, chúng ta nên rất, rất thận trọng bởi vì công nghệ này cho phép theo dõi bạn làm gì, nơi bạn đi, bạn xem gì trên tivi hoặc bạn truy cập vào trang web nào. Không cần thâm nhập vào cơ thể nhưng hệ thống vẫn ghi nhận nhiệt độ, xa hơn nữa là huyết áp, nhịp tim, hoạt động não của bạn. Khi làm được điều đó, bạn có thể biết về mọi người ở mức độ chưa từng có.

Những công nghệ này có thể tạo ra chế độ giám sát chưa từng tồn tại trước đây. Nếu bạn biết những gì tôi đọc hoặc xem trên tivi, những công nghệ đó sẽ cho tôi biết về thị hiếu nghệ thuật, quan điểm chính trị, tính cách của tôi. Nhưng mức độ bấy nhiêu vẫn còn hạn chế. Xa hơn nữa, thử nghĩ bạn có thể theo dõi nhiệt độ cơ thể, huyết áp và nhịp tim của tôi khi tôi đọc bài viết hoặc xem chương trình trực tuyến hoặc truyền hình. Sau đó bạn biết những gì tôi cảm thấy ở từng khoảnh khắc.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 này có khiến ông điều chỉnh lại hình ảnh về nhân loại mà ông đã đưa ra trong thế kỷ 21 hay không?

Chúng ta không biết, bởi vì nó phụ thuộc vào quyết định mà chúng ta đưa ra. Nguy cơ của một tầng lớp nhàn rỗi thực sự tăng lên đáng kể bởi vì tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện tại. Chúng ta đang nhìn thấy sự gia tăng của tự động hóa, trong đó robot và máy tính thay thế con người ngày một nhiều khiến nhiều nghề nghiệp lâm vào khủng hoảng, bởi vì con người bị cách ly chặt ở nhà, con người có thể bị nhiễm bệnh, còn robot thì không. Chúng ta có thể thấy các quốc gia hồi hương ngành công nghiệp thay vì tiếp tục phụ thuộc vào nhà máy ở nước ngoài. Sự diễn ra đồng thời của tự động hóa và đảo ngược toàn cầu hóa, đặc biệt ở các nước đang phát triển dựa vào lao động giá rẻ, đột ngột khiến một số lượng lớn nhân công mất việc, vì bị máy móc thay thế hoặc nhà máy chuyển đi nơi khác.

Điều này cũng có thể xảy ra ở các nước giàu. Covid-19 đang gây ra sự khủng hoảng to lớn trong thị trường việc làm. Mọi người làm việc ở nhà, làm việc trực tuyến. Nếu chúng ta không cẩn trọng, nó có thể dẫn đến sự sụp đổ của các tổ chức lao động, ít nhất là trong các ngành công nghiệp. Nhưng đó không phải là một hệ quả tất yếu. Đó là một quyết định chính trị. Chúng ta có thể đưa ra các quyết định bảo vệ quyền của người lao động ở đất nước của mình, hoặc trên toàn thế giới trong tình huống này. Chính phủ đang đưa ra các gói cứu trợ các ngành công nghiệp và các tập đoàn, đổi lại có thể buộc họ tạo điều kiện để bảo vệ quyền lợi của người lao động của mỗi nước. Vì vậy, đó hoàn toàn là những quyết định do chúng ta đưa ra.

Các nhà sử học tương lai sẽ nói gì về thời điểm này?

Tôi nghĩ họ sẽ nhìn thời điểm này như một bước ngoặt của lịch sử thế kỷ 21. Nhưng ngoặt theo hướng nào là tùy vào quyết định của chúng ta, không phải tất yếu.

 

Theo khoahocphattrien.vn

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)