Liệu Ebola có thể trở thành một vấn đề toàn cầu?

Câu hỏi này đã được đặt ra với GS Bernhard Fleischer, phụ trách Trung tâm Chuẩn quốc gia về các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhiệt đới (Viện Bernhard-Nocht) ở Hamburg, Đức.

Cho tới thời điểm này đã có hai y tá bị nhiễm bệnh Ebola ở ngoài khu vực Tây Phi, dù được trang bị quần áo bảo hộ trong quá trình chăm sóc người bệnh. Vậy điều gì đã xảy ra?

Một mặt của vấn đề là lượng virus trong máu của người bệnh cao đến mức khó lường nên chúng cũng rất cao trong các chất bài tiết. Hãy tưởng tượng một người bị bệnh nặng, có tới 2 tỷ virus trong mỗi ml máu. Nếu pha loãng ra theo tỷ lệ một phần triệu thì dung dịch này vẫn có khả năng lây nhiễm. Vì thế người ta phải được làm việc trong điều kiện bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Nhưng nhân viên y tế tại các bệnh viện chuyên biệt ở Dallas và Madrid đã được huấn luyện kỹ lưỡng.

Đúng vậy, nhưng ở  Madrid, một cô y tá có lẽ đã lỡ tay đụng vào mặt bệnh nhân. Đây là điều tối kỵ và nhất thiết phải tránh – và nhất là sau đó không được đụng chạm đến mặt mình, làm như vậy thì vật gây bệnh có thể xâm nhập qua các chất nhầy ở mắt, mũi hay miệng để xâm nhập vào cơ thể mình. Chính vì thế việc chăm sóc người bệnh bao giờ cũng phải do hai người thực hiện. Khi kính bị xệ hoặc ngứa đầu thì y tá tuyệt đối không được điều chỉnh kính hoặc gãi đầu mà phải nhờ đồng nghiệp [không đụng chạm đến người bệnh] làm hộ. 

Đã có hai ca lây nhiễm xảy ra mặc dù chỉ có rất ít các ca điều trị Ebola bên ngoài châu Phi. Theo giáo sư thì đây có phải là một vấn đề về cấu trúc không?

Những ca lây nhiễm này xảy ra với các y tá chỉ đeo mặt nạ và mặc áo choàng vì ở đây không có Trung tâm điều trị chuyên biệt. Do đó, những nhân viên y tế ở đây hầu như cũng không có trang thiết bị khả dĩ hơn so với đồng nghiệp ở châu Phi. Những Trung tâm điều trị ở Đức đã đưa ra yêu cầu về mức độ an toàn rất cao, cơ quan y tế đòi hỏi các phòng thí nghiệm, các trung tâm điều trị phải trang bị đồng bộ áo liền quần.

Nhưng dù mặc áo liền quần thì nhân viên y tế rốt cuộc cũng phải thay trang phục phải không?

Đúng thế, nhưng đối với bộ áo liền quần thì được xối sạch và khử trùng trước khi thay.  Điều này làm giảm nguy cơ bị lây nhiễm khá rõ rệt. Vì thế tôi tin chắc rằng ở phòng thí nghiệm chỗ chúng tôi dứt khoát đồ vật gây bệnh không thể thất thoát ra ngoài. Chúng tôi đã làm việc và nghiên cứu với các loại virus nguy hiểm từ 20 năm nay, mọi người đều phải thường xuyên tập huấn sử dụng các loại phương tiện bảo hộ chuyên dụng để ngăn chặn sự cố.

Thomas Frieden, lãnh đạo Cơ quan phòng chống dịch của Hoa kỳ CDC mới đây tỏ ý  lo ngại Ebola có thể trở thành một tai họa, lây lan như bệnh Aids. Theo giáo sư, căn bệnh này có thể trở thành một nguy cơ toàn cầu hay không?

Kể từ dịch  SARS cách đây 10 năm, chưa có dịch bệnh nào gây ra nhiều lo lắng và có những thách thức vô cùng to lớn như  Ebola. Hậu quả về kinh tế đối với những nước có dịch ở châu Phi cũng hết sức to lớn. Tuy nhiên xét về khía cạnh y học thì sự so sánh này là khập khiễng. Vì siêu vi trùng Ebola và siêu vi trùng HIV, gây bệnh suy giảm miễn dịch Aids là hoàn toàn khác nhau –  nhất là đối với chiến lược lây lan của chúng. Những người bị lây nhiễm virus HIV thường nhiều năm sau khi bị lây nhiễm mới dẫn đến cái chết. Vấn đề là ở chỗ đó: những người bị lây nhiễm có nhiều thời gian để tiếp tục lây lan bệnh sang người khác ngay cả trước khi đổ và khi đó họ mới bị coi là bị nhiễm HIV. Ngược lại, Ebola gây tử vong rất nhanh, đến mức bệnh dịch tự triệt tiêu. Ở đây chỉ có hai khả năng: hoặc là người bệnh bị chết – và cái chết diễn ra rất nhanh, hoặc là thoát chết, và khi đó người bệnh có khả năng miễn dịch và được bảo vệ chống lại loại virus nguy hiểm này. Chính vì thế tôi không tin Ebola có thể lây lan rộng rãi trên thế giới như dịch cúm  năm  1918 hay bệnh dịch hạch hoành hành trên thế giới ở thế kỷ 14. Virus Ebola không có khả năng lây lan như các loại dịch bệnh nói trên.

Xuân Hoài dịch

Nguồn:Tuần kinh tế” tháng 10/2014

 

Tác giả