Lò luyện nhân tài

Điều gì sẽ xảy ra nếu như trên thế giới này người ta không chỉ săn lùng các cầu thủ bóng rổ tài ba mà lùng tìm cả các nhà khoa học xuất chúng đủ khả năng giải quyết những vấn nạn toàn cầu.

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đông bắc Bronx trong những năm tám mươi khi mà những cầu thủ như Michael Jordan và Dominique Wilkins được mọi người tôn vinh như những vị anh hùng. Phần lớn bạn bè tôi, kể cả tôi, đều ước mơ một ngày nào đó được chơi trong NBA. Tất nhiên bọn chúng tôi cũng khoái chơi bóng rổ. Nhưng bóng rổ còn có một điều hấp dẫn nữa vì với các vận động viên có xuất xứ và điều kiện  xã hội như bọn tôi thì ngoài việc buôn lậu ma túy thì chỉ có môn thể thao này mới có thể mang lại sự giàu có và địa vị cao trong xã hội. 
Mặc dù tôi yêu thích các môn khoa học và toán học khá sớm nhưng tôi vẫn hay trốn học để có mặt nhiều giờ liền trên sân bóng rổ  P. S. 16. Tại đây nhiều khi tôi luôn tưởng tượng một ngày nào đó sẽ có mặt trong đội tuyển nhà trường và có khả năng thực hiện những cú xoay người 360o tung bóng vào rổ. Nhưng rốt cuộc tôi chẳng có mặt trong đội tuyển cũng như không thể thực hiện những cú tung bóng ngoạn mục, chuẩn xác.
Khi tôi 15 tuổi, trong một lần tung người ném bóng tôi bị trượt chân và bị chấn thương đầu gối. Tôi buộc phải ngừng chơi bóng nửa năm trời và lại cặm cụi làm bài tập và đi học rất đều đặn. Phần lớn các bạn chơi bóng rổ với tôi thời đó không tốt nghiệp nổi trường trung học. Mặc dù họ chơi bóng rổ giỏi hơn tôi nhiều nhưng cuối cùng cũng chỉ có một người có mặt trong NBA. Một vài người khác rơi vào tầm ngắm của những tay săn lùng các cầu thủ tài năng và cuối cùng họ cũng có mặt tại một trong mười câu lạc bộ bóng rổ hàng đầu nước Mỹ. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi có dịp trở lại nơi ở cũ của mình tôi vẫn bắt gặp một số bạn bè thủa ấy, chưa tốt nghiệp trung học, vẫn tập những đường chuyền bóng cơ bản như thời còn học phổ thông xa xưa.

Stephon Alexander, Giáo sư Vật lý tại Đại học Haverford College  bang Pennsylvania. Ông nghiên cứu về vật chất tối, phản vật chất và  Quantengravitation– ông còn chơi nhạc  Jazz với kèn Saxophone.

Đúng vào cái năm tôi bị chấn thương đầu gối tôi nhận được học bổng của một quỹ tư nhân và được tham dự một trại hè vật lý dành cho thiếu niên (ISI, International Summer Institute). Trại được tổ chức tại Southampton, Long Island, đây là nơi hoàn toàn khác so với những vùng mà tôi từng biết đến.
Phần lớn thành viên tham dự trại đều từ nước ngoài tới. Tôi làm quen, kết bạn với những con người rất xa lạ với mình, thí dụ với Hong, một học sinh Hàn Quốc.  Suốt cả mùa hè cậu ấy chỉ cặm cụi tính toán những con số sau dấu phảy của số Pi. Tôi cũng kết bạn với một nhóm toàn những người ham mê môn cờ vua mà huấn luyện viên của họ là một kiện tướng cờ vua người Nga. Còn tôi chọn môn vật lý bậc đại học.
Phần lớn các học sinh tham dự trại hè này sau này đều trở thành những nhà khoa học tài ba, cho đến tận ngày nay tôi vẫn giữ liên hệ với một người bạn từ thời đó. Cũng vào dịp đó tôi quen biết người tổ chức trại hè, đó là một người đàn ông mà suốt cả mùa hè luôn khoác một cái áo da, đó là nhà khoa học Sheldon Glashow, người từng được giải thưởng Nobel (rất tình cờ là hồi trung học ông đã học tại một trường gần với trường của tôi). Ông đã có một bài nói chuyện về nhập môn vật lý. Qua đó tôi mới biết trên đời này còn có những don – có thể khác các cầu thủ bóng rổ , nhưng vẫn có khoản thu nhập đáng kể, cần thiết. Nhưng còn có một điều quan trọng hơn với tôi lúc đó: bọn trẻ chúng tôi khi đó đã tạo ra được một sự liên kết, gắn bó thực sự và ở chừng mực nào đó chúng tôi đã trở thành một cộng đồng toàn cầu gồm các nhà khoa học tương lai.
Khi trở về Bronx thực sự tôi không kể gì nhiều về  những ấn tượng của mình ở trại hè. Rõ ràng là sự thảo luận về hệ thức bất định của  Heisenberg đâu có thú vị bằng những cuộc tán gẫu trên sân bóng rổ. Tôi chơi bóng rổ ngày càng thưa thớt hơn và cuối cùng tôi vào đại học và trở thành nhà vật lý. Tuy vậy tôi luôn thấy áy náy trong lòng. Tận đáy lòng mình tôi  biết một thiên tài toán học ở ngay gần nơi tôi sinh sống, đó là một gã tên là Eric Deabreu. Ấy vậy mà cậu ta không tài nào tốt nghiệp nổi bậc trung học.

“… Tôi cho rằng nếu chúng ta quảng bá tinh thần nghiên cứu khoa học đến mọi ngóc ngách của Trái đất này với sự nhiệt tình, năng nổ và quyết tâm như đi tìm các tài năng bóng rổ ở mọi sân bãi, tại tất cả những nơi có thể chơi bóng rổ, thì thế giới này sẽ có biết bao đổi thay…”.    
                       Stephon Alexander

Giá như mà trên thế giới này có một tổ chức quốc tế gồm các nhà khoa học và sư phạm chuyên lùng tìm nhân tài, những kẻ có tài năng tiềm tàng như Michael Jordan trong khoa học – bất chấp kẻ đó ở đâu trên Trái đất này và thành phần xã hội ra sao? Trong phạm vi khu vực đã có những tổ chức săn lùng như vậy, nhưng trên phạm vi quốc tế thì điều này chưa có.
Điều gì sẽ xảy ra nếu  những học sinh này có đầy đủ các  điều kiện để phát huy hết tiềm năng của mình và họ có thể tự mình đứng ra thành lập một cộng đồng toàn cầu gồm các bạn bè, đồng nghiệp làm công tác nghiên cứu khoa học? Kết quả sẽ là, bên cạnh nhiều điều ưu việt sẽ có một sự phối hợp toàn diện để tấn công vào những vấn đề khoa học gai góc nhất và cũng khẩn cấp nhất đang được đặt ra trước các thế hệ ngày nay và mai sau, đó là: khủng hoảng năng lượng, sự biến đổi khí hậu toàn cầu, HIV, quan hệ đối ngoại vv… Tôi cho rằng nếu chúng ta quảng bá tinh thần nghiên cứu khoa học đến mọi ngóc ngách của Trái đất này với sự nhiệt tình, năng nổ và quyết tâm như đi tìm các tài năng bóng rổ ở mọi sân bãi, tại tất cả những nơi có thể chơi bóng rổ, thì thế giới này sẽ có biết bao đổi thay.
Từ lâu tôi đã ước nguyện có một tổ chức đứng ra lo liệu, thực hiện sáng kiến này và trên cơ sở những nỗ lực đã được thực hiện trong thời gian qua thông qua một số thành viên thuộc cộng đồng các tổ chức khoa học cỡ như Clifford Johnson, Jim Gates và Neil Turok, tôi tin rằng, bản thân mình sẽ được chứng kiến sự hoạt động của tổ chức này. 
Xuân Hoài  dịch ( Spiegel 30.7)

Tác giả