Mảnh đất trồng người tài

Sau 15 năm tìm kiếm tài liệu, đầu năm 2005, sách “Hồ sơ Thúc Tinh Bắc” của Lưu Hải Quân được xuất bản ở Trung Quốc (TQ) và nhanh chóng gây chấn động trong giới khoa học và dư luận nước này. Có người quá lời gọi ông là “Einstein của TQ”. Thế mà trước đó người TQ hầu như không biết Thúc Tinh Bắc là ai.

Trong giới khoa học TQ, hiếm người có tư chất trời cho tuyệt vời và tính cách mạnh như Thúc Tinh Bắc (1906-1983). Năm 1926, Thúc đi Mỹ, thi vào khoa Vật lý trường Đại học (ĐH) Bake ở Kansas, rồi chuyển đến ĐH bang California vừa học vừa lao động kiếm sống. Ông hăng hái hoạt động, vào đảng Cộng sản Mỹ, từng đi thăm Liên Xô và nhiều nước khác. Tốt nghiệp, ông đến ĐH Eddingburgh ở Anh học vật lý và toán dưới sự hướng dẫn của nhà vật lý nổi tiếng E. I. Whittaker và nhà toán học C. G. Darwin. Một năm sau ông nhận học vị thạc sĩ với luận văn “Bàn về cơ sở của vật lý toán học”. Tháng 2.1930, được hai thầy giới thiệu, ông đến ĐH Cambridge theo học Eddington, nhà vật lý dùng hiện tượng nhật thực toàn phần năm 1919 kiểm chứng Thuyết Tương đối của Einstein. Tại đây Thúc đã tham gia công tác suy diễn phương trình Dirac và tiếp cận với Thuyết Tương đối. Tháng 8.1930, ông đến Học viện Công nghệ Massachusetts làm trợ giáo kiêm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của nhà toán học D. J. Struik. Năm 1931, ở tuổi 25, ông nhận học vị thạc sĩ với luận văn “Sơ bộ nghiên cứu hệ thống siêu phức số và ứng dụng trong hình học”. Tháng 9. 1931, Thúc Tinh Bắc về nước, sau đó không ra nước ngoài lần nào nữa. Ông được mời về dạy trường ĐH Triết Giang, nơi tập hợp nhiều giáo sư (GS) hàng đầu TQ – toán học có Tô Bộ Thanh; vật lý có Vương Kim Xương (sau là Phó Chủ tịch Viện Liên hợp Hạt nhân Dubna); sinh vật có Bối Thời Chương v.v… là những ngôi sao trên bầu trời khoa học TQ mà Thúc Tinh Bắc được coi là đại diện xuất sắc. Năm 1937, Niels Bohr đến báo cáo khoa học tại trường này. Khi về Đan Mạch, Bohr nhận được thư của nhiều thầy trò TQ hỏi về cách ra nước ngoài học thêm. Bohr trả lời: các ngài có những nhà vật lý giỏi như Thúc Tinh Bắc, Vương Kim Xương thì còn cần gì phải ra nước ngoài học nữa? Năm 1944, Joseph Needham- nhà khoa học người Anh- đến thăm ĐH Triết Giang đã gọi đây là “Cambridge phương Đông”, vì có nhiều công trình nghiên cứu trình độ hàng đầu thế giới. Needham mang 5 bài viết của Thúc Tinh Bắc, Vương Kim Xương… về Anh và gửi đăng tạp chí “Nature”. Thầy Thúc thường giảng dạy có nhấn trọng điểm, đi sâu vào khái niệm, nguyên lý cơ bản, gợi ý, dẫn dắt sinh viên (SV) suy nghĩ, tranh luận bình đẳng; nhờ đó Lý Chính Đạo và nhiều SV khác đã thay đổi hướng học tập của mình. Học trò ông là viện sĩ Trình Khai Giáp (một trong những người đầu tiên làm bom nguyên tử và sáng lập sự nghiệp thử nghiệm vũ khí hạt nhân của TQ) nhận xét: người như Thúc Tinh Bắc vừa là nhà khoa học, vừa là nhà giáo dục, tập họp cả tài hoa thiên bẩm lẫn nhiệt tình giảng dạy thật hiếm thấy.
Thúc Tinh Bắc và Vương Kim Xương là hai đại sư trong ngành vật lý lý thuyết và vật lý thực nghiệm TQ hồi đó, đã đào tạo được một số nhân tài có tên tuổi trên thế giới, như Ngô Kiện Hùng, Lý Chính Đạo v.v… Nhưng GS Thúc làm công tác học thuật quá ư thẳng tính và kỹ tính, không nể mặt người khác. Trong các buổi sinh hoạt khoa học, người báo cáo rất ngại thấy ông có mặt, vì ông hay hỏi nhiều câu hóc búa. Hồi ở nước ngoài, Thúc học được phương pháp nghiên cứu khoa học, tác phong thích tranh cãi của Eddington. Các đồng nghiệp và học trò đều nhận xét GS Thúc rất ngang ngạnh. May sao các trường ĐH TQ nửa đầu thế kỷ XX có thể bao dung những cá tính sắc sảo, gai góc, thẳng tính, bốp chát, không chịu được bất công và mờ ám. Thời kháng chiến chống Nhật, xuất phát từ lòng yêu nước, GS Thúc từng bỏ giảng dạy một thời gian, lao vào nghiên cứu các loại vũ khí như máy bay và tàu chiến không người lái, laser, rada. Sau kháng chiến, để phản đối việc Quốc Dân đảng bức ép ông vào đảng này, ông bảo SV tháo dỡ máy rada đã lắp xong, vì thế bị bỏ tù một thời gian. Trong phong trào cải tạo tư tưởng năm 1950 ở ĐH Triết Giang, thấy GS Tô Bộ Thanh bị sỉ nhục, Thúc Tinh Bắc căm phẫn đấm một vị chủ nhiệm của nhà trường rồi mắng: “Anh biết Tô Bộ Thanh là người thế nào không hả? Đồ các anh thì là cái thá gì cơ chứ!” Kết quả, GS Thúc bị kết tội ẩu đả cán bộ cách mạng, trở thành đối tượng đầu sỏ bị phê phán.
Nếu năm 1952 Thúc Tinh Bắc nhận lời mời của Vương Kim Xương về nghiên cứu ở Viện Khoa học TQ thì có lẽ ông sẽ dễ thở hơn. Ông không về vì thấy ở đó có một số “học giả chính trị” (như Trần Bá Đạt bí thư của Mao Trạch Đông được cử làm Phó Chủ tịch Viện). Ông xin đi giảng dạy ở trường ĐH Sơn Đông, nhưng nơi này không còn bao dung như trước nữa. Hiệu trưởng ĐH Sơn Đông hồi ấy là Hoa Cương, một người cộng sản ngay thẳng, đã cho Thúc Tinh Bắc cùng các nhà khoa học khác hưởng chế độ đãi ngộ GS; nhưng Thúc cũng không vì thế mà chịu phục tùng. Hoa cho rằng duy vật biện chứng là khoa học của mọi khoa học; Thúc khăng khăng khoa học tự nhiên là số một, triết học Mác là số hai. Dù thế, hiệu trưởng vẫn không đánh tụt tiêu chuẩn GS của Thúc, cho đến ngày Hoa Cương cũng vào tù vì bị kết tội tham gia “Tập đoàn Hồ Phong”.
Năm 1955, phong trào “Quét sạch phản cách mạng” bắt đầu, GS Thúc bị quy là “phần tử phản cách mạng”, bị đình chỉ chức vụ, đấu tố. Dù đã dán lên trước cổng nhà tờ yết báo: “Xin miễn vào nhà. Chỗ ở của công dân không được xâm phạm – điều 70 Hiến pháp nước CHND Trung Hoa”, nhưng ông cũng không thể ngăn được vụ khám nhà. Người ta thu được một đài thu thanh bán dẫn tự lắp, coi là chứng cớ ông nghe đài địch. GS Thúc bị cấm giảng bài. Ông chuyển sang nghiên cứu khí tượng học. Trong hơn một năm, ông viết mười mấy bài luận văn về lĩnh vực này, làm rung chuyển giới khí tượng học TQ.

 
Bìa sách “Hồ sơ Thúc Tinh Bắc”

Năm 1957, ông bị đánh là “phần tử cực hữu”, không được lĩnh lương, chỉ phát 20 Yuan mỗi tháng (sinh hoạt phí của lưu học sinh Việt Nam ở TQ hồi ấy là 32 Yuan), vợ ông không có việc làm, lại nuôi 7 đứa con. Năm 1958, GS Thúc bị quy là phần tử phản cách mạng, bị quản thúc 3 năm, đưa đi lao động cải tạo đào hồ chứa nước, và suýt chết mấy lần trong những năm đói kém ấy. Năm 1960, GS Thúc bị điều về Học viện Y khoa Thanh Đảo, chuyên quét dọn nhà vệ sinh, rửa dụng cụ thí nghiệm, xuống nhà xác làm tiêu bản xác chết. Về sau, nhờ thành tích sửa được máy điện não đồ nhập khẩu nên ông được phép lên lớp một số giờ.
Thập kỷ 60, nghe nói TQ sắp thử vũ khí hạt nhân, GS Thúc muốn được tham gia công tác này, vì vậy ông ra sức “cải tạo”, nhưng đều vô ích. Suốt 10 năm “Cách mạng văn hóa” ông tiếp tục quét dọn nhà vệ sinh, đồng thời đã sửa chữa thành công nhiều thiết bị y học của địa phương và quân đội: máy X quang, máy điện tâm đồ, điện não đồ, máy siêu âm, máy quét chất đồng vị, máy hưng phấn điện tử, máy gây tê sinh lý điện tử, kính soi dạ dày. Song mọi cố gắng ấy đều không mang lại cho ông cơ hội được phục vụ tổ quốc với tư cách của một nhà vật lý. Năm 1972, Lý Chính Đạo về thăm TQ, muốn gặp thầy cũ của mình mà không được, song từ đó GS Thúc được đối xử khá hơn: năm 1974, được tháo mũ “phản cách mạng”, được giảng dạy. Ông vẫn giữ được các phẩm chất ưu tú cũng như tật xấu cũ, chỉ chăm chú viết lách, chẳng để ý gì đến mọi chuyện. Năm 1979, công trình nghiên cứu tên lửa vượt đại châu đầu tiên của TQ cần tính toán thời hạn tối ưu nhận và vớt khoang số liệu đầu đạn. Tiền Học Sâm (cha đẻ công nghiệp tên lửa vũ trụ TQ, tiến sĩ toán học Viện MIT của Mỹ năm 1939, từng nghiên cứu chế tạo tên lửa trong quân đội Mỹ, 1955 về TQ) giao Thúc Tinh Bắc làm việc này, với kinh phí 1 triệu Yuan (120.000 USD). Thúc không nhận tiền, chỉ dùng bút giấy và máy tính, nhanh chóng tính toán ra kết quả chính xác. Năm ấy ông 73 tuổi. Giới khoa học hàng không vũ trụ TQ được một phen náo động: thiên tài vẫn cứ là thiên tài!
Thúc Tinh Bắc qua đời năm 1983. Trước khi chết, ông trăng trối hiến xác mình cho Học viện Y khoa Thanh Đảo. Ông bảo nên mổ não ông, mong đó là đóng góp cuối cùng cho y học, vì bộ não ấy thông minh quá mức bình thường, chính ông cũng thấy lạ, hơn 70 tuổi mà vẫn như hồi 20-30 tuổi. Lúc ấy viện đang thay lãnh đạo; nửa năm sau, người ta nhớ ra việc này thì xác ông đã rữa nát, đành đem chôn.
Nhận xét về “Hồ sơ Thúc Tinh Bắc” một độc giả TQ viết: “… đọc sách, không thể không suy ngẫm về số phận của giới khoa học TQ trong giai đoạn lịch sử bi tráng thập kỷ 50-70, và về vấn đề: cần một chế độ xã hội và chính trị thế nào để những người tài ba lỗi lạc và cương trực được tự do suy nghĩ và thực hiện sự nghiệp sáng tạo của họ. Có tác giả TQ hỏi: hơn nửa thế kỷ qua, TQ phát triển nhanh mạnh như thế, tại sao nhân tài vẫn hẫng hụt, vẫn chưa đào tạo được các nhà khoa học tài giỏi thế hệ hồi nửa đầu thế kỷ XX như Lý Tứ Quang, Vương Kim Xương, Thúc Tinh Bắc…?”.

Nguyễn Hải Hoành

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)