“Nan đề Needham” và đạo đức khoa học

Joseph Needham (1900-1995), viện sĩ người nước ngoài của Viện Khoa học Trung Quốc (TQ), là tác giả bộ sách đồ sộ mà không nhà nghiên cứu về Trung Quốc nào không đọc: Science and Civilisation in China, thường được người TQ nhắc tới do ông từng đưa ra một câu hỏi làm đau đầu nhiều thế hệ nhà khoa học TQ hơn 50 năm qua và cho tới nay vẫn chưa tìm ra lời giải đáp hợp lý nhất.

Câu hỏi nổi tiếng ấy được gọi là Needham’s Grand Question – người TQ dịch là Nan đề Needham – như sau: “Nếu các bạn người TQ của tôi có sự phát triển trí lực hoàn toàn như tôi, thế thì xin hỏi: tại sao những nhân vật vĩ đại như Galileo, Newton đều là người châu Âu cả chứ không phải là người TQ hoặc Ấn Độ? Vì sao cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật (KHKT) cận đại chỉ xảy ra ở châu Âu?… Vì sao cho tới Trung thế kỷ, TQ còn tiên tiến hơn châu Âu mà về sau lại bị châu Âu vượt lên trước?”
Ai cũng biết người TQ rất tự hào là quê hương của “tứ đại phát minh” được coi là cống hiến lớn với nền văn minh nhân loại. Họ biết dùng nam châm để làm kim chỉ nam sớm 400 năm trước người châu Âu. Năm 105 trước CN họ phát minh ra giấy viết làm từ xen-luy-lô thực vật; đến thế kỷ XII châu Âu mới bắt chước họ làm được giấy. Thế kỷ XI, TQ phát minh cách dùng con chữ làm bằng chất dẻo có khắc chữ ngược để in sách; đến thế kỷ XV người Đức mới biết dùng hợp kim đúc con chữ in. TQ cuối đời Đường (thế kỷ X) đã dùng thuốc nổ vào mục đích quân sự; Anh và Pháp mãi đến giữa thế kỷ XV mới biết làm việc đó.

 
Vụ bê bối chip Hanxin qua biếm họa

Đúng là trên lĩnh vực ứng dụng các tri thức khoa học tự nhiên trong thời gian từ thế kỷ II trước CN cho tới thế kỷ XIV sau CN, TQ đạt được kết quả hơn phương Tây. Tại sao họ làm được như vậy? Và tại sao sau đó, từ thời Galileo trở đi, quá trình toán học hóa các giả thuyết về giới tự nhiên cũng như các khoa học cận đại, các công nghệ tiên tiến lại đều xảy ra ở châu Âu, chứ không tại TQ? – câu hỏi này càng khó giải đáp hơn. Theo tư liệu TQ công bố, từ thế kỷ VI cho tới thế kỷ XVII, TQ luôn chiếm tỷ lệ không dưới 54% trong các thành quả KHKT lớn trên thế giới, song tới thế kỷ XIX thì tụt xuống chỉ còn 0,4%. Tại sao TQ lại tụt hậu sau phương Tây một khoảng cách lớn như vậy về mặt KHKT? Chính Needham cũng thấy khó hiểu. Còn người TQ thì tranh cãi mãi vẫn chưa nhất trí lời giải đáp. Sự lạc hậu về KHKT của TQ ngày xưa cũng là sự lạc hậu nói chung của châu Á, trong đó có Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa TQ. Vì thế tôi cho rằng vấn đề này đáng quan tâm.
Khoảng 20 năm qua, số sinh viên đại học Trung Quốc tăng 4 lần, nay đạt 16 triệu người; mỗi năm đào tạo được 352 nghìn kỹ sư (Mỹ: 137 nghìn). Tổng số người TQ du học nước ngoài trong 20 năm qua lên tới 1 triệu, khoảng 1/3 đã về nước làm việc, riêng năm 2006 có 30 nghìn tiến sĩ về nước. Đầu tư cho R&D tăng nhanh hàng năm. Tuy thế, so với các nước phát triển thì TQ vẫn còn một hố ngăn cách về KHKT không dễ vượt qua. GDP của TQ hiện xếp thứ 4 thế giới, song sức cạnh tranh KHKT lại đứng thứ 28; sức cạnh tranh xét về mặt nghiên cứu khoa học và chỉ tiêu phát minh sáng chế lần lượt xếp thứ 32 và 21. Nghĩa là sức cạnh tranh KHKT tụt hậu xa so với sức cạnh tranh kinh tế. Xem ra ngày nay, khi kinh tế đã đạt được tiến bộ lớn, TQ vẫn còn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh của Nan đề Needham.
Gần đây dư luận nói nhiều về mặt đạo đức của các nhà khoa học TQ. Tháng 5 năm 2006, 120 giáo sư khoa học sự sống và các nhà khoa học khác làm việc ở Mỹ và TQ liên danh gửi thư cho các Bộ KHKT, Giáo dục, Viện KHTQ bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề thành thật trong công tác nghiên cứu khoa học của TQ, kêu gọi có biện pháp giải quyết, có cơ chế xử phạt kẻ có lỗi và bảo vệ người tố cáo.
Một vấn đề nổi bật là tình trạng gian lận trong học thuật và thi cử. Tháng 5/2006 Chủ tịch Hiệp hội Khoa học TQ Chu Quang Triệu nói Hội đang dự thảo “Chuẩn tắc hành vi của nhà khoa học”. Bộ Giáo dục TQ đã lập “Ủy ban xây dựng học phong” đưa ra biện pháp trừng trị hành vi gian lận khoa học trong các trường ĐH. Ủy ban này cảnh báo: lợi dụng việc nhà nước tăng mạnh đầu tư KHKT và ưu đãi nhà khoa học, một số người coi hoạt động khoa học là công cụ kiếm danh lợi, họ thường sao chép luận văn và thành quả của người khác, khi bị tố cáo còn làm ầm ĩ lên và đả kích người tố cáo. Chủ tịch Viện KHTQ Lộ Dũng Tường nói: “Quá nhiều quyến rũ đã làm cho một số nhà nghiên cứu nhận thức mập mờ về động cơ nghiên cứu khoa học”. Ăn cắp (“đạo”) kết quả nghiên cứu của người khác thì rất dễ bị phát hiện, nhưng xen lẫn một số liệu phịa, kết quả bịa đặt thì vừa dễ làm, chẳng tốn kém tiền của công sức gì mà vừa rất khó bị phát hiện. Do đó tuy chưa có kết quả nghiên cứu nhưng người ta đã viết được luận văn gửi đăng báo; hậu quả là các bài báo của TQ chỉ có số lượng mà không có mấy chất lượng. Năm 2004, TQ đứng thứ 9 thế giới về số bài báo được đăng, nhưng lại chỉ xếp thứ 124 về số lần được trích dẫn của các bài đó.
Quả thật, xã hội TQ đang có nhiều mảnh đất nuôi dưỡng nạn giả dối gian lận: hàng giả đầy các cửa hiệu, cầu thủ dùng đô-pinh và dàn xếp tỷ số, ca sĩ hát nhép… cho nên gian lận trong giới học thuật chẳng có gì lạ. Trong cuốn “Đông Á Tam quốc chí” gần đây xuất bản, nhà văn TQ Kim Văn Học nhận xét: nói dối của người TQ là một đại đặc sản, người Nhật nói chung không biết nói dối; người Hàn Quốc không nói dối nhưng có tài nói khoác.
Nổi tiếng nhất có vụ “Chíp Hanxin giả” bị tố giác hồi tháng 5/2006: GS Trần Tiến (Chen Jin) trường ĐH Giao thông Thượng Hải lấy con chíp của Motorola đem mài nhẵn bóng rồi bảo là mình làm ra, lừa được hơn 100 triệu NDT (12 triệu USD) kinh phí nghiên cứu. Tháng 3/2006, ĐH Thanh Hoa tuyên bố: GS Lưu Huy (Liu Hui) trợ lý Giám đốc Viện Y khoa trường này khai gian lý lịch, nhận luận văn của người khác (trùng họ, trùng tên phiên âm La-tinh) là của mình. Kết quả điều tra 180 người đạt học vị tiến sĩ năm 2006 cho thấy 60% thừa nhận đã bỏ tiền để được đăng luận văn trên báo, cũng từng ấy vị nhận có sao chép kết quả nghiên cứu của người khác… Nhưng viện sĩ Uông Phẩm Tiên nói mấy vụ bê bối lớn ấy chỉ là phần nổi của núi băng. Thực ra ngay từ thập niên 80-90, người TQ đã khốn khổ về nạn khoa học bịp bợm tràn lan tới mức kinh khủng: “phát minh vĩ đại nhất thế giới xưa nay – nước lã thay xăng”, “Hoa Đà thời nay”, hoạt động của các “khí công đại sư” và của nhà văn đại bịp Kha Vân Lộ…
Hiện TQ thường được gọi là “nhà máy của cả thế giới”. Ô tô, máy tính sản xuất tại TQ tràn ngập khắp năm châu, hệt như Nhật Bản hồi thập niên 70-80. Có điều thời đó Nhật không làm hàng giả!

—————-
BOX1:
Câu hỏi nổi tiếng ấy được gọi là Needham’s Grand Question, người TQ dịch là Nan đề Needham; câu đó như sau: “Nếu các bạn người TQ của tôi có sự phát triển trí lực hoàn toàn như tôi, thế thì xin hỏi: tại sao những nhân vật vĩ đại như Galileo, Newton đều là người châu Âu cả chứ không phải là người TQ hoặc Ấn Độ? Vì sao cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật (KHKT) cận đại chỉ xảy ra ở châu Âu?… Vì sao cho tới Trung thế kỷ, TQ còn tiên tiến hơn châu Âu mà về sau lại bị châu Âu vượt lên trước?”

Ảnh trên cùng: Nhà Trung Quốc học Needham

Nguyễn Hải Hoành

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)