Nạn phá rừng làm giảm chất lượng khẩu phần ăn

Các chính sách hiện nay hướng đến đảm bảo an ninh lương thực thường chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của đất nông nghiệp mà quên mất rằng rừng cũng đóng vai trò quan trọng. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa nạn phá rừng và tình trạng giảm tiêu thụ rau quả ở vùng nông thôn Tanzania.


Khi độ che phủ của rừng giảm, lượng tiêu thụ trái cây và rau quả cũng giảm theo. Ảnh: Shutterstoc

“Những năm gần đây, ngày càng có nhiều tài liệu cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa rừng và an ninh lương thực ở các nước có thu nhập thấp và trung bình”, Charlotte Hall, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch và là tác giả chính của bài báo, cho biết. 

“Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu đầu tiên tìm ra mối quan hệ nhân quả giữa nạn phá rừng và tình trạng suy giảm chất lượng trong chế độ ăn của người dân”.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu mức tiêu thụ thực phẩm của 1.256 hộ gia đình ở vùng nông thôn Tanzania trong khoảng thời gian 5 năm. Nhóm nghiên cứu đã tham chiếu dữ liệu do Ngân hàng Thế giới cung cấp (đã dịch chuyển ngẫu nhiên phân bố địa lý lên đến 3,11 dặm cho mục đích bảo mật), giúp các nhà nghiên cứu đo lường gần đúng khoảng cách giữa các hộ gia đình với khu vực có rừng. Nhóm đã sử dụng hình ảnh vệ tinh và bộ dữ liệu không gian địa lý để đo độ che phủ của rừng trong thời gian nghiên cứu.

Họ phát hiện ra rằng khi độ che phủ của rừng giảm, lượng tiêu thụ trái cây và rau quả cũng giảm theo. Cụ thể, độ che phủ rừng giảm trung bình khoảng 423 mẫu Anh trong khoảng thời gian 5 năm. Lượng tiêu thụ trái cây và rau quả giảm 14 gram mỗi người/ngày, tương đương giảm 11% khẩu phần ăn hằng ngày. Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện của họ trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia .

Bronwen Powell, trợ lý giáo sư địa lý, chuyên nghiên cứu châu Phi học và nhân chủng học tại Penn State và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết rau quả dại đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống của người dân nông thôn ở Tanzania. Powell đã tiến hành nghiên cứu dinh dưỡng ở Tanzania trong hơn một thập kỷ và công trình tiến sĩ của bà đã giúp đặt nền móng cho nghiên cứu hiện tại.

“Nghiên cứu mang lại kết quả đáng kinh ngạc”, Powell nhận định. “Việc tiêu thụ ít rau quả là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Nếu việc phá rừng có liên hệ chặt chẽ với lượng tiêu thụ trái cây và rau quả thì đó là điều rất đáng lo ngại”.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy rau xanh, xoài và các loại trái cây khác có trong rừng là những thực phẩm bị giảm tiêu thụ nhiều nhất. Những thực phẩm này chứa nhiều vitamin A, một vi chất dinh dưỡng cần thiết.

“Chúng tôi tập trung vào ba vi chất dinh dưỡng quan trọng trong nghiên cứu của mình — sắt, kẽm và vitamin A — vì đây là những chất dinh dưỡng mà người dân các nước có thu nhập thấp và trung bình thường thiếu”, Hall cho biết. “Chúng tôi không tìm thấy mối liên hệ giữa mất rừng với sắt hoặc kẽm, nhưng chúng tôi đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa mất rừng và vitamin A”.

“Mức độ tác động của nông nghiệp lên chế độ ăn uống ít hơn so với những gì chúng ta thấy trong nghiên cứu này”, Powell nhận định. “Vì vậy, nghiên cứu này thực sự giúp chúng ta suy nghĩ sâu xa hơn khi cố gắng giúp các cộng đồng nông thôn cải thiện an ninh lương thực ở những nơi mà rau quả dại đóng vai trò quan trọng”.

Theo ông Hall, phần lớn các chính sách nhằm cải thiện an ninh lương thực ở các nước có thu nhập thấp đến trung bình có xu hướng thúc đẩy sản lượng nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất cây trồng chủ lực, vốn thường phải trả giá bằng việc thu hẹp diện tích rừng. Kết quả của nghiên cứu hiện tại hướng tới một cách tiếp cận thay thế để cải thiện an ninh lương thực ở các nước này.

“Các nhà hoạch định chính sách nên xem xét nhiều hơn đến vai trò của rừng”, Hall bình luận. “Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng phá rừng làm giảm khả năng cung cấp các loại trái cây và rau quả chứa chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A. Bảo vệ rừng có thể vừa giúp đáp ứng cả mục tiêu dinh dưỡng lẫn môi trường”.□

Hà Trang dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2022-03-links-deforestation-dietary-quality.html

Tác giả