NanoGen:Không sợ cái khó của người đi trước

Từ tâm niệm với lời khuyên của người thầy ngoại quốc “nếu làm bác sĩ, mỗi ngày anh chỉ điều trị được cho 10 người, còn làm thuốc một lúc anh có thể điều trị cho cả triệu người”, TS Hồ Nhân đã gây dựng nên công ty sản xuất thuốc sinh học NanoGen và làm được những điều mà không phải ai cũng tin người Việt Nam có thể làm được.


Rẻ và tốt

Được gặp gỡ và trò chuyện với TS Hồ Nhân tại nơi nghiên cứu và cũng là nơi sản xuất thuốc sinh học đầu tiên ở Việt Nam trong Khu CNC TP Hồ Chí Minh quả là một dịp đặc biệt đối với chúng tôi.

TS Hồ Nhân học ngành y sinh tại Mỹ và theo đuổi đam mê nghiên cứu dược lý, dược học, và công nghệ sản xuất thuốc. Ông về Việt Nam sinh sống và làm việc từ năm 2006, với tâm niệm sẽ sản xuất thuốc “để một lúc có thể điều trị cho cả triệu người”, nhất là trong bối cảnh “thuốc trong nước đắt quá, riêng thuốc đặc trị có loại đắt gấp ba lần ở nước ngoài”.

Ông kể, sau hai năm được tung ra thị trường, thuốc Pegnano của công ty giờ đã chiếm hơn 80% thị phần trong nước về thuốc điều trị viêm gan B và C, nhưng mấy ai biết rằng ban đầu khi ông ra Hà Nội trình bày về dự án này, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi, cho rằng đó chỉ là “thuốc đểu”.

Là người quen chứng minh bằng hành động, ông quyết định trực tiếp đi gặp và thuyết phục bệnh nhân. “Mười người tôi gặp thì chỉ một – hai người chịu nghe tôi nói, nhưng trong một – hai người đó thế nào cũng có người chịu dùng thuốc của tôi,” ông nhớ lại.

Vẻ ngoài ít bộc lộ cảm xúc nhưng ông không giấu được niềm tự hào trong giọng nói khi kể rằng, sự có mặt của Pegnano với giá 1,5 đến 1,9 triệu đồng tùy theo lọ đã khiến các công ty dược phẩm nước ngoài phải liên tục giảm giá, có loại đang định tăng lên 5 triệu đồng/lọ đã phải giảm xuống 4 triệu đồng, rồi 3 triệu đồng/lọ.

Nhưng ông lưu ý, một đặc thù của thuốc là giá thành không quyết định tất cả. “Rẻ mà không hiệu quả, không được các bác sĩ tin cậy thì cũng không bán được,” ông nói.

TS Hồ Nhân nhận định thuốc sinh học sẽ là tương lai của ngành dược bởi ưu điểm điều trị đúng đích và ít phản ứng phụ so với hóa dược. Mỗi năm, ngành công nghiệp dược thế giới có doanh thu khoảng một nghìn tỷ USD từ thuốc đặc trị, trong đó thuốc sinh học tuy chỉ có dưới 50 loại trong tổng số 10 nghìn loại đã chiếm 25% doanh số và tốc độ tăng trưởng mỗi năm là 25%

NanoGen hiện đang tập trung vào nghiên cứu thuốc điều trị các căn bệnh mạn tính hiểm nghèo phổ biến ở Việt Nam như viêm gan B và C, ung thư, tim mạch, tiểu đường. Sản phẩm của công ty được sản xuất theo quy trình khép kín một chiều đảm bảo các tiêu chuẩn GMP, và dựa trên nền tảng là công nghệ DNA/tái tổ hợp protein và công nghệ nano sinh học, tức là dùng hạt từ nano tách chiết và tạo đường dẫn cho thuốc, để thuốc có thể ở lại lâu hơn trong máu, giúp tăng hiệu quả điều trị.

Được biết, năm 2005, NanoGen mới chính thức đi vào sản xuất nhưng nền tảng công nghệ của nó đã được TS Hồ Nhân bắt đầu nghiên cứu từ hàng chục năm trước, khi ông còn đang học tập và làm việc ở Mỹ.

Đó là một quá trình lâu dài và tốn kém, phải mãi đến sau năm 2000 ông mới tích lũy đủ tiền để lập phòng thí nghiệm riêng. Về Việt Nam, biết thông tin về Khu CNC TP Hồ Chí Minh, ông quyết định đem nguyên phòng thí nghiệm ở nước ngoài về, rồi hoàn thiện quy trình sản xuất đạt chuẩn mà theo ông hồ sơ đăng ký dày cả chục nghìn trang.

Bên cạnh thị trường trong nước, NanoGen đã xuất khẩu sang các nước trong khu vực và một số nước châu Phi (Tanzania, Algeria, Morocco), châu Âu (Moldova), hay châu Mỹ (Venezuela), là những thị trường có trình độ ngang bằng hoặc thấp hơn Việt Nam. Nhưng trong giai đoạn 2, NanoGen đã có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu để tìm đường tiến vào những thị trường đòi hỏi cao này.

Mặc dù hiện nay NanoGen mới sản xuất thuốc sinh học tương đương (biosimilar), tức các phiên bản kế tiếp đã được cấp phép của các thuốc sinh học sau khi bản quyền ban đầu hết hạn, nhưng trong tương lai gần, NanoGen sẽ sản xuất những loại thuốc hoàn toàn mới, trong đó có thuốc điều trị viêm gan, tiểu đường, tim mạch đã xong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng và đang lập hồ sơ xin thử nghiệm lâm sàng, khả năng 3-4 năm nữa sẽ có mặt trên thị trường, theo lời TS Đỗ Minh Sĩ, Trưởng phòng R&D. Ông Sĩ còn cho biết, sắp tới NanoGen sẽ có một nhóm chuyên nghiên cứu thuốc liên quan đến kháng thể phục vụ điều trị ung thư và công ty “cũng đang chập chững bước vào con đường nghiên cứu tế bào gốc”.

Độc lập và liên kết

Để làm ra hóa dược, chỉ cần năm – mười bước tổng hợp hóa chất, nhưng để làm ra thuốc sinh học cần từ năm đến mười nghìn bước khác nhau, theo lời TS Hồ Nhân. “Chúng tôi gọi công nghệ này là công nghệ tổ hợp. Nó là tổ hợp của công nghệ gene, công nghệ tế bào, công nghệ lên men, công nghệ protein, công nghệ bào chế… Bởi vậy, trong nghiên cứu, có những cái chúng tôi bắt buộc phải nhờ đến những người có chuyên môn sâu ở từng lĩnh vực, cả ở trong nước và nước ngoài. Chúng tôi có quan hệ với nhiều viện nghiên cứu nổi tiếng ở Mỹ, Anh, Đức, Thụy Sĩ vì phải mua bản quyền một số vector kỹ thuật di truyền hoặc các môi trường nuôi cấy tế bào của họ mà nếu tự mày mò nghiên cứu chúng tôi phải mất ba năm, trong khi bỏ ra 50 nghìn USD thì sẽ có ngay trong chớp mắt,” ông nói.

Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NanoGen được thành lập từ năm 2005. Năm 2007, NanoGen chuyển vào Khu CNC TP Hồ Chí Minh. Hiện cả khu nghiên cứu và sản xuất của NanoGen rộng 15 nghìn m2, và sắp tới sẽ mở rộng thêm 10 nghìn m2 nhà xưởng. Tổng đầu tư của NanoGen cho các phòng thí nghiệm và nhà xưởng đến nay là 50 triệu USD.

Công ty còn gửi cả email xin tư vấn, mà như TS Hồ Nhân cho thí dụ để chúng tôi dễ hình dung, có email nêu ra 10 câu hỏi và để nhận về câu trả lời, công ty chấp nhận chi 5 nghìn USD. “Tuy nhiên, chỉ một vài lần đầu họ tính phí mắc, còn những lần sau họ tính rẻ hơn, thậm chí đôi khi cho thông tin miễn phí.” Vì nhờ đến nhiều tư vấn, “được học nhiều thầy, mà bây giờ chúng tôi có thể tư vấn lại cho các công ty khác.”

NanoGen có khoảng 200 nhân viên, phần lớn là những nhà khoa học trẻ bên cạnh một dàn các nhà khoa học “cựu binh” được công ty mời về. Trong số đó, 70 người chuyên làm nghiên cứu “với mức lương tính bằng USD”. Ngoài bốn chuyên gia nước ngoài đang làm việc toàn thời gian tại đây, còn có nhiều nhà khoa học khác ở nước ngoài cộng tác với công ty theo những công việc cụ thể, TS Hồ Nhân cho biết.

Mô hình NanoGen không có gì đặc biệt so với mô hình các công ty khác, cũng có Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, và người đứng đầu các bộ phận nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh… Có khác chăng là các bộ phận này đều hết sức độc lập và tự chủ, không có họp giao ban hằng tuần mà chỉ họp giao ban hằng tháng, kết quả công việc đều được thể hiện qua các báo cáo trên email.
Công tác đào tạo tại chỗ được thực hiện thường xuyên, có kỹ thuật gì mới TS Hồ Nhân sẽ tự làm trước và đào tạo lại cho các trưởng bộ phận – những người sẽ tiếp tục đào tạo xuống dưới nữa. Công ty còn gửi nhân viên đi đào tạo sâu về chuyên ngành ở nước ngoài, hoặc mời chuyên gia nước ngoài về đào tạo tại chỗ.

Bản thân TS Hồ Nhân cũng thường xuyên tham dự các hội nghị chuyên đề về CNSH, dược, gan, ung thư để tìm hiểu những vấn đề mà thế giới đang lao vào giải quyết. “Đại biểu Việt Nam dự hội nghị hầu hết là bác sĩ lâm sàng và cận lâm sàng, không có người nghiên cứu sâu về cơ chế điệu trị. Nhờ có mặt tại đó và nắm bắt các xu hướng nghiên cứu mới mà chúng tôi có thành công như ngày hôm nay,” ông nói.

Một bộ phận đặc biệt được chú trọng ở NanoGen là bộ phận pháp lý – pháp chế. “Lúc đầu chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề với việc hiểu và làm đúng luật,” TS Hồ Nhân chia sẻ. Nhưng kể từ khi bộ phận pháp lý – pháp chế phát triển lên 20 nhân viên, gồm những người có ngoại ngữ, lại am hiểu về sở hữu trí tuệ, quy trình lập hồ sơ đăng ký thuốc, thủ tục xuất khẩu thuốc và nguyên liệu đến nhiều nước khác nhau, công ty dường như đã vượt qua tất cả những vướng mắc về giấy tờ. “Không có đội ngũ đó lo mấy vụ hồ sơ thủ tục mà để các nhà khoa học chúng tôi tự lo thì cầm chắc là chết,” ông kết luận.

Khó khăn lớn nhất không phải là vốn

Khi được hỏi, là một doanh nghiệp KH&CN, ông có trông đợi được hỗ trợ gì từ phía cơ quan chức năng hay không, TS Hồ Nhân ngừng lại giây lát rồi mới trả lời: “Thực ra tôi không biết phải xin hỗ trợ gì. Chúng tôi là doanh nghiệp tư nhân, chẳng lẽ lại xin nhà nước hỗ trợ tiền, mặc dù những khoản hỗ trợ như của Bộ KH&CN dành cho chúng tôi thông qua một số đề tài nghiên cứu là rất đáng trân trọng.”

Khẳng định khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp của ông không phải là vấn đề vốn, TS Hồ Nhân đồng thời cho biết: “Việt Nam chưa đề ra tiêu chuẩn rõ ràng đối với thuốc sinh học. Thuốc của chúng tôi ra đời bị liệt vào dạng sinh phẩm y tế có nguồn gốc sinh học, phải thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng như đối với thuốc mới. Chúng tôi bị bắt bẻ bằng chữ nghĩa, trong khi lại thiếu các hướng dẫn cụ thể về thuốc biosimilar – thuốc sinh học tương đương. WHO, châu Âu hay Mỹ đều có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, còn mình chưa có, hay nói cách khác là quản lý chưa tới. Chúng tôi đi trước nên phải trả giá hết sức đắt đỏ.”

Các sản phẩm chính của NanoGen:
Pegnano (điều trị viêm gan B, C); Ficoyte (giúp tăng trưởng bạch cầu trung tính, điều trị hỗ trợ bệnh nhân ung thư trong giai đang hóa trị liệu); Nanokine (điều trị thiếu máu ở bệnh nhân suy thận mạn tính, bệnh nhân ung thư đang hóa trị liệu); Feronsure (điều trị các bênh bạch cầu tế bào tóc, sarcom Kaposi ở bệnh nhân HIV/AIDS, bạch cầu tủy mạn tính, u lympho, ung thư biểu mô tế bào thận giai đoạn tiến triển, u hắc tố ác tính…)

Hồi cuối tháng 12/2010, một vụ việc liên quan đến NanoGen đã gây xôn xao dư luận khi Pegnano, sản phẩm bán chạy nhất của NanoGen bị Roche, một hãng dược đa quốc gia, từng độc quyền về thuốc điều trị viêm gan siêu vi, kiện vi phạm bản quyền. Kết cục vụ việc cũng phải lắng lại khi Roche không đưa ra được các văn bản pháp lý để chứng minh cái mà họ gọi là vi phạm của NanoGen.

Theo TS Hồ Nhân, về mặt sở hữu trí tuệ thì quy trình sản xuất Pegnano là do NanoGen tự nghiên cứu ra. Trong công thức Peginterferon alfa-2a của Roche thì thành phần interferon alfa-2a đã hết hạn bản quyền thế nhưng Roche vẫn xin được bảo hộ đối với hai thành phần của Pegasys ở Việt Nam. “Bảo hộ một cách vô lý”, ông nói, “trong khi Roche không thể làm như thế ở các nước khác. Chính vì vậy các vụ kiện tương tự của Roche ở Ai Cập, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc đều không thành công”.

Câu chuyện của chúng tôi với TS Hồ Nhân còn lan man sang nhiều chủ đề khác, như chương trình KH&CN quốc gia hay kế hoạch phát triển 3.000 doanh nghiệp KHCN từ nay đến năm 2015… – ở chủ đề nào ông cũng đưa ra những bàn luận xác đáng và đôi khi bất ngờ.

Chẳng hạn, nói về chương trình KH&CN quốc gia, Tiến sĩ than phiền, “xứ mình ai cũng đầu tư vào bất động sản và chứng khoán, trong khi chỉ cần có 1/10 chỗ đó đổ vào KH&CN thì đất nước sẽ phát triển nhanh lắm. Ngoài ra, tôi nghĩ khoa học Việt Nam hiện thiếu đầu tàu, mỗi ngành khoa học muốn phát triển đều phải có một tổng công trình sư.”

Và trong khi nhiều người tỏ ra không mấy lạc quan với kế hoạch 3.000 doanh nghiệp KH&CN thì TS Hồ Nhân lại suy nghĩ khác “Có thể lắm chứ, nếu chúng ta tiến hành một chiến dịch vận động đầu tư cho KH&CN. Thêm một yếu tố nữa, hiện nay kinh tế đang trong giai đoạn sàng lọc, từ giờ đến cuối năm sau, những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng sẽ trụ lại được, số còn lại sẽ bị đào thải. Từ lớp bị đào thải đó sẽ nổi lên một lớp doanh nghiệp mới chuyên tập trung vào KH&CN vì họ hiểu rằng chỉ có hướng đó mới giúp họ tồn tại bền vững và lâu dài.”

Chúng tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi TS Hồ Nhân, không chỉ bởi những lời chân thành ông nói, mà trên hết bởi những việc mà ông cùng NanoGen đã làm và được xã hội công nhận.

Chúng ta có thể hãnh diện rằng Việt Nam đã có công nghệ cao sản xuất sản phẩm sinh học đặc trị như interferon của NanoGene để sánh vai cùng thế giới. Theo dõi tiến trình phát triển công nghệ sinh học ở trong nước từ thời buổi phôi thai vào khoảng những năm 1995, chúng tôi nhận thấy cơ sở khoa học của hãng NanoGene là một bước đột phá quan trọng của công nghệ gene ở Việt Nam. Trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu ở các đại học hoặc trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam dùng phương pháp tái tổ hợp gene để tạo sản phẩm sinh học quan trọng như insulin cho trị liệu bệnh tiểu đường, kích thích tố tăng trưởng (growh hormone) trị bệnh ốm còi và suy dinh dưỡng, các cytokine như interferon, GM-CSF, TNF, TGF, IL-2 v.v. để trị liệu các bệnh hiểm nghèo gồm ung thư và miễn nhiễm. Hầu hết các kết quả chỉ dừng lại ở giai đoạn của phòng thí nghiệm mà không có những bước tiến cần thiết để trở thành sản phẩm ứng dụng. Lý do cũng dễ hiểu vì Việt Nam chưa phát triển vững bền về công nghệ sản xuất dược phẩm sinh học (bio-processing). Công nghệ này đòi hỏi khả năng kỹ thuật cao và một số lượng tài chính vài chục triệu USD. Về kỹ thuật sản xuất, các protein tái tổ hợp ở dung lượng cao (vài ngàn lít so với vài lít ở phòng thí nghiệm) rất khó xử lý vì nhiều yếu tố phức tạp của protein. Một khía cạnh quan trọng khác là độ tinh sạch của các protein trị liệu cần phải gần như tuyệt đối (99% và hơn nữa), và không nhiễm các độc tố (toxin) và những tạp chất như DNA/RNA thường dễ bị nhiễm từ tế bào cấy (như CHO, COS). Tiếp đó là các thử nghiệm an toàn sinh học trên súc vật và sau đó là thử hiệu ứng lâm sàng ở người cũng không kém phức tạp và tổn phí thường rất cao. Đạt được các tiêu chuẩn này là một thách thức lớn lao của công nghệ gene mà không phải mỗi nước làm khoa học đều có được. Khi trình bày về tổ chức và thành quả của hãng NanoGene với các trung tâm và hãng sinh học nước ngoài, chúng tôi nhận được sự bày tỏ ngưỡng mộ, và có phần ngạc nhiên về thành quả khoa học này ở Việt Nam. Nói một cách công bằng TS Hồ Nhân đã đặt một cột mốc tiến bộ quan trọng đối với công nghệ sinh học của Việt Nam cho ngành sản xuất thuốc đặc trị sinh học.

TS Nguyễn Đức Thái
– Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học – Khu CNC TP Hồ Chí Minh

Tác giả