NASA thử nghiệm thành công thiết bị đẩy EmDrive
Trang mạng dailymail.co ngày 14/5 mới đây đưa tin: Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã thử nghiệm thành công một thiết bị đẩy mới mang tính cách mạng, có thể đưa tàu vũ trụ bay lên Mặt Trăng trong bốn giờ thay cho hơn ba ngày, hoặc lên sao Hỏa trong hai-ba tuần thay cho bảy tháng như hiện nay.
Thiết bị này được gọi là động lực điện từ (electromagnetic drive) hoặc EmDrive, nhỏ gọn tới mức có thể đặt trong một va li xách tay và có thể đẩy tàu vũ trụ bay với vận tốc 724.500.000 km/h (450 triệu dặm/h) mãi mãi.
EmDrive là phát minh của nhà khoa học người Anh Roger Shawyer. Năm 2009, ông công bố phát minh này và từ đó liên tục bị thiên hạ chê cười là không tưởng bởi nó trái với một trong những nguyên lý cơ bản của vật lý học là định luật Newton thứ ba: Nếu ta đẩy một vật về phía này thì ta bị tăng tốc về phía ngược lại.
Thật vậy, mỗi động cơ tên lửa đều phóng nhiên liệu đã đốt ra khỏi phần sau, bằng cách ấy đẩy nó tiến về phía trước.
Thế nhưng EmDrive không sử dụng nhiên liệu (tức không dùng thiết bị đẩy bằng động cơ tên lửa đốt nhiên liệu). Nó chuyển đổi năng lượng điện – lấy từ tấm pin điện mặt trời hoặc từ lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ đặt trên tàu vũ trụ – thành lực đẩy con tàu tiến về phía trước.
Sự nghi ngờ của dư luận không ngăn được công ty Boeing mua lại quyền khai thác EmDrive, cũng không ngăn được Chính phủ Anh tài trợ kinh phí triển khai thời kỳ đầu ý tưởng của Shawyer.
Hiện nay Shawyer đã nghỉ hưu nhưng vẫn làm cố vấn cho một công ty Anh tiếp tục nghiên cứu này. Ông cho biết một số nước khác cũng đang nghiên cứu theo hướng tương tự. Trên thực tế, năm năm trước, người Trung Quốc từng tuyên bố họ đã chế tạo được một động cơ EmDrive và chứng minh nó hoạt động có hiệu quả. Thế nhưng không ai tin.
Nhưng giờ đây, khi NASA đứng ra thử nghiệm loại động lực này thì người ta khó có thể nghi ngờ giá trị của EmDrive nữa.
Có người nói EmDrive đang trở thành một trong nhiều phát minh tuyệt vời của nước Anh chỉ vì thiếu đầu tư và thiếu tầm nhìn mà rốt cuộc bị ai đó đánh cắp. Lần này Shawyer cũng có chút khó chịu khi thấy người Mỹ đã thu hút tất cả sự chú ý của dư luận về phía họ.
Khái niệm động lực điện từ tương đối đơn giản. Nó dùng vi sóng phản xạ trong một hộp kín để tạo ra lực đẩy tàu vũ trụ. Năng lượng mặt trời cung cấp vi sóng điện từ, điều đó có nghĩa là trong suốt quá trình bay, con tàu không cần tới nhiên liệu đẩy.
Do không cần mang theo nhiên liệu, các vệ tinh hiện dùng có thể giảm được một nửa thể tích. Ngoài ra, loài người có thể dùng công nghệ lực điện từ để bay xa hơn vào vũ trụ.
Những người tham gia dự án lực điện từ cho biết, sở dĩ mô hình lực điện từ hiện bị phê phán là do chưa thí nghiệm nào được tiến hành trong chân không.
Cho dù trang mạng nasaspaceflight.com ngày 29/4/2015 viết: “Một nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Vũ trụ Johnson thuộc NASA đã thử nghiệm thành công một EmDrive trong chân không – một đột phá chủ yếu trong những nỗ lực quốc tế nhiều năm nay giữa một số nhóm cạnh tranh” nhưng vẫn có những nhà khoa học, thí dụ Corey S. Powell, không tin vào thông báo nói trên, lý do chỉ vì EmDrive trái với các nguyên lý khoa học kinh điển.
H.H tổng hợp