Nga sẽ tự xây dựng riêng một trạm nghiên cứu vũ trụ

Oleg Ostapenko, người lãnh đạo Cơ quan Vũ trụ Nga, cho biết: Hiện nay Nga đang xem xét vấn đề xây dựng một trạm vũ trụ mới.

Trạm vũ trụ quốc tế ISS là kiến trúc lớn duy nhất của nhân loại đặt trên quỹ đạo gần Trái Đất, nó nặng hơn 400 tấn, trị giá trên 10 tỷ USD, do Mỹ và Nga dẫn đầu kiến tạo, là sản phẩm của sự hợp tác quốc tế nhằm thăm dò khám phá vũ trụ. ISS có thể cung cấp cho các nhà du hành vũ trụ (DHVT) môi trường sống dài ngày trên quỹ đạo, và tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như thương mại. Hiện nay ISS về cơ bản đã kiến tạo xong, dự tính có thể vận hành hơn 10 năm nữa.

Do ISS là sản phẩm của hợp tác quốc tế, vì thế tình hình quốc tế ngày càng căng thẳng hiện nay đã dẫn đến hậu quả là thiếu sự phối hợp giữa các bên. Đây là lý do khiến Nga có ý định tự xây dựng riêng một trạm vũ trụ của mình.

Oleg Ostapenko, người lãnh đạo Cơ quan Vũ trụ Nga, cho biết: Hiện nay Nga đang xem xét vấn đề xây dựng một trạm vũ trụ mới và lập kế hoạch đưa người lên thăm dò Mặt trăng, bởi vậy đây không chỉ là nhiệm vụ lập trạm vũ trụ mà là quy hoạch của Nga trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ.

Tuy rằng Nga có đủ năng lực về mặt kỹ thuật để tiến hành những bước đột phá trong lĩnh vực thăm dò khai thác vũ trụ, nhưng hiện nay kinh tế Nga đang bị suy thoái, cho nên sẽ rất khó có đủ kinh phí để thực hiện kế hoạch nghiên cứu vũ trụ hùng vĩ của mình.

Việc kiến tạo trạm vũ trụ không những cần nguồn vốn lớn mà còn cần tới những công cụ chuyên chở có sức đẩy mạnh để vận chuyển các cấu kiện khổng lồ lên quỹ đạo. Trước đây, tàu con thoi của Mỹ đã có tác dụng lớn về mặt này, vừa chuyên chở hàng lại vừa chở được nhiều nhất tới bảy nhà DHVT – tàu vũ trụ của Nga không thể làm được việc đó.

Cho dù trạm ISS không phải do một mình Nga xây dựng nhưng Chính phủ Nga có thể sẽ ngăn cản kế hoạch kéo dài tuổi thọ của ISS. Dự tính ISS có thể “thọ” đến năm 2024, nhưng hiện nay còn chưa rõ sẽ dùng cách nào để đạt được mục tiêu đó.

NH theo science.cankaoxiaoxi.com

 

Tác giả