Ngày tận thế đã không xảy ra

Sao Hỏa là người anh em song sinh kém may mắn của Trái đất.


Bức ảnh đầu tiên về bề mặt Sao Hỏa được chụp bởi Vikings I, phi thuyền thứ hai hạ cánh xuống Sao Hỏa. Ảnh: NASA / JPL-CALTECH

Huyền thoại về hai hành tinh bắt đầu từ bốn tỉ năm trước. Một hành tinh là Trái đất và hành tinh còn lại là sao Hỏa, và hai bên đều quá giống nhau ở thời sơ khai. Sông hồ chạm khắc trên bề mặt chúng, những hố va chạm lỗ chỗ và núi lửa vươn lên giữa những đồng bằng. Nhưng có gì đó đã thay đổi ở nơi này chứ không phải nơi kia. 
Trong dòng nước chảy róc rách ở Trái đất, số phận và cả phản ứng hóa học đã kết hợp các amino acids thành các phân tử phức tạp, và trong một quá trình mà đến giờ với chúng ta vẫn là bí ẩn, nó đưa đến sự sinh sôi của những động vật đơn bào biết tự nhân đôi. Một vài sai sót trong những bản sao đó đã biến chúng thành những sinh vật thở ra oxy mà chúng ta gọi là tảo. Vô vàn hình thái phát triển từ những tổ tiên khiêm nhường đó, và sau hàng tỉ năm, và đây: Tất cả văn hóa nhân loại với bao hi vọng, với bao khả năng khởi sinh trong một lát cắt mỏng của thời gian.  

Sao Hỏa không may mắn như vậy. Sao Hỏa khô cạn. Sao Hỏa nhỏ bé, đường kính chỉ bằng một nửa Trái đất nên nó nguội nhanh hơn Trái đất sau khi sinh ra từ đám mây bụi sót lại từ quá trình hình thành Mặt trời. So về tổng khối lượng, nhiều vật chất trên sao Hỏa phải tiếp xúc với khoảng không lạnh lẽo và tăm tối nhiều hơn. Khi hành tinh này nguội, lõi sắt-nickel của nó cô đặc lại. Điều này có lẽ đã khiến từ trường của sao Hỏa biến mất, tước đi tấm chắn bảo vệ của nó, thứ mà đến giờ vẫn giữ Trái đất an toàn khỏi các tia Mặt trời và tia vũ trụ. Thời gian và Mặt trời rực rỡ đã lấy đi khí quyển của sao Hỏa trước khi tảo của hành tinh này, nếu nó từng tồn tại, có cơ hội để khiến không khí dày hơn và ấm hơn. Sao Hỏa trở thành một hòn sắt gỉ trước khi có bất kì một bộ xương nào ngã xuống trên những hoang mạc của nó, trước khi bất kì một sinh vật nào có thể tìm kiếm và suy tư về vị trí của nó giữa những chấm sáng khác trên bầu trời đêm. Khi Trái đất sinh sôi và tràn ngập sự sống, sao Hỏa thì, có lẽ vẫn như nó luôn từng thế, khắc khổ. 

Đối với tôi, có lẽ đó là lí do tại sao sao Hỏa lại là hành tinh tuyệt nhất. Một vài thay đổi giản đơn có thể biến lịch sử của nó thành lịch sử của chúng ta và ngược lại. Đó là vấn đề; Trái đất đã có thể trở thành sao Hỏa. 

Ashwin Vasavada cũng có một góc nhìn tương tự. Ông là nhà khoa học của Phòng thí nghiệm Khoa học sao Hỏa – một chiếc xe tự hành robot với sáu bánh mà chúng ta biết và quý mến với tên gọi Curiousity. Ông có thể trích dẫn một câu trả lời đơn giản cho câu hỏi vì sao chúng ta lại đến sao Hỏa, một nhận định của hầu hết nhà khoa học và những người viết về khoa học: Sao Hỏa rất gần. Nó ở ngay kế bên [Trái đất] và người ta chỉ mất nửa năm để ném một con robot qua đó. 


Sườn núi của Đỉnh Sharp. Ảnh: NASA / JPL-Caltech / MSSS

“Đó là câu trả lời của NASA. Đó là vị trí dễ tiếp cận nhất để đi tìm sự sống ngoài Trái đất. Nhưng tôi có câu trả lời của riêng mình”, ông nói. “Đó là một nơi mà mà chúng ta đặt chân đến ngày nay để quay trở lại Trái đất thuở ban sơ. Gạt dần lớp bụi bên ngoài sao Hỏa và ta có một hành tinh mang hoài niệm của Trái đất. Nó giống như tìm thấy một Trái đất bụi bặm trên gác xép. Thổi bụi một chút, và ta nhìn thấy nơi chốn diệu kì mà mình có thể nhận ra. Đó là lí do tôi thích nó”. 

Ai đã từng đến các công viên quốc gia phía Tây Mỹ sẽ thấy sao Hỏa thật thân thuộc, đặc biệt là những công viên với những khối đá bị phong hóa với màu sắc đáng kinh ngạc. Địa hình ở Núi Sharp tại hố va chạm Gale, nơi robot thăm dò sao Hỏa đầu tiên Curiousity đã đi đi lại lai kể từ năm 2012, giống như Utah hay Colorado. Những viên đá đỏ nâu, được nung bởi ánh nắng Mặt trời và bị vùi một phần trong những đụn cát. Những triền đồi mấp mô, nhưng không có những dòng sông hay cơn mưa cho chúng một vẻ dịu dàng như Trái đất. 

Dĩ nhiên sao Hỏa thân thuộc với chúng ta rất lâu trước khi chúng ta gửi robot tới đây. Với sao Thủy, sao Kim, sao Mộc và sao Thổ, sao Hỏa chỉ là một trong những hành tinh không nhấp nháy trên bầu trời đêm mà chúng ta có thể quan sát được bằng mắt thường. Những hành tinh đó đã đồng hành cùng với văn hóa nhân loại kể từ khi chúng ta bắt đầu viết truyện. Hành tinh ngay bên cạnh chúng ta đã có một chỗ đứng trong những huyền thoại ra đời từ thời của những người Babylon, được gọi là Nergal, tên gọi của vị thần hủy diệt. Trong thần thoại La Mã, sao Hỏa là thần chiến tranh và nổi loạn. Hình tượng này cũng xuất hiện dưới nhiều hình thức khác trong các thần thoại Hy Lạp, Bắc Âu và Hindu. Với người Trung Quốc cổ đại, nó là Huỳnh Hỏa, Hành tinh lung linh. 

Kể cả bây giờ, chúng ta thấy sao Hỏa (Mars) trong ngày thứ ba của mỗi tuần. Trong các ngôn ngữ Roman, cái tên Mars hay “Dies Martis” là cách gọi là cách gọi tiếng Latin của thứ ba, trong tiếng Tây Ban Nha nó là martes, tiếng Pháp là mardi. Trong thần thoại Bắc Âu, Sao Hỏa gắn liền với thần Tyr, bởi vậy nên từ Tuesday (Thứ ba trong tiếng Anh) xuất phát từ chữ Anh ngữ cổ Tiwesdæg. Chúng ta cũng đặt tên Mars cho tháng ba của năm. Bellicose Mars cũng là hộ vệ của người La Mã và là thần nông, nên tháng mang tên của vị thần này đánh dấu sự khởi đầu của một mùa vụ. 

Sao Hỏa luôn nổi bật so với những hành tinh khác trên bầu trời, một phần là bởi nó có màu đỏ quá nổi bật, một chấm rực rỡ, không nhấp nháy treo cao ẩn chứa một mối đe dọa. Sắc độ của nó – đến từ oxit sắt, cũng chính là phản ứng hóa học khiến máu của ta có màu đỏ – khiến người ta liên tưởng sao Hỏa tới chiến tranh, tới cái chết, từ lâu trước khi ta biết rằng đó là một hành tinh chết theo đúng nghĩa đen. Hơn nữa, nó đi giật lùi, hay có vẻ như thế. Mặt trời, Mặt trăng và các vì sao mọc ở phía Đông và lặn ở phía Tây do Trái đất quay. Nhưng các hành tinh xoay quanh Mặt trời với những tốc độ khác nhau, bởi vậy nên thỉnh thoảng, Trái đất đi qua một trong số họ, như một người chạy ở đường chạy trong cùng. Từ điểm nhìn của chúng ta trên Trái đất, những hành tinh khác như chuyển động từ Tây sang Đông. Hành vi lệch chuẩn này vốn được gắn liền với những điềm báo hay dự đoán của chiêm tinh học. 

Sự hiện diện thường xuyên trên bầu trời khiến sao Hỏa trở thành mục tiêu hàng đầu ngay khi loài người tìm ra cách sử dụng kính để những vật thể trên bầu trời đêm rõ hơn. Vào thế kỷ 17, các nhà thiên văn học thấy được hai cực băng của sao Hỏa qua kính thiên văn – có lẽ một trong những khám phá sớm nhất cho thấy rằng hành tinh thứ tư trong hệ Mặt trời này có điểm gì đó giống của chúng ta. Và càng nhìn, ta càng tìm thấy nhiều điểm tương đồng. Sao Hỏa là hành tinh tuyệt nhất bởi vì sao Hỏa và Trái đất giống nhau nhiều hơn bất kì thế giới nào khác trong hệ Mặt trời. Nó khiêm tốn bên sao Mộc khổng lồ nhưng khác với quả cầu khí khổng lồ này, bề mặt rắn của nó đón chào những người khách ghé thăm. Sao Hỏa thiếu bầu khí quyển mờ sương giàu oxy, nhưng nó cũng không quấn quanh mình một bầu khí quyển độc hại, đặc quánh như sao Kim. Một ngày của nó (gọi là sol) chỉ dài hơn của chúng ta 40 phút. Trục của nó chỉ hơi nghiêng một chút so với chúng ta, ở 25 độ chứ không chéo một cách kì dị như sao Thiên Vương. Và ai đó tranh luận rằng nó trông thật xấu xí, thì đơn giản là họ đã nhầm. Sao Hỏa nhìn rất dễ mến. Sao Hỏa có tuyết. Nó có núi, có lòng sông, và có một địa hình dễ nhận diện. Trái đất và sao Hỏa giống nhau ở quá nhiều điểm. Chỉ là. Điểm khác biệt lớn nhất và cũng là điểm duy nhất thực sự đáng kể. Sự sống ta nghĩ về sao Hỏa chỉ là tưởng tượng. 


Mặt trời lặn trên sao Hỏa. Ảnh: NASA / JPL-Caltech / MSSS / Texas A&M Univ. 

Những tưởng tượng về sao Hỏa trở nên phức tạp hơn theo những gì ta quan sát được về nó. Các nhà thiên văn học quan tâm đến hành tinh đỏ này khi sao Hỏa đối diện với Mặt trời và sát gần Trái đất, khiến nó trông lớn hơn và sáng hơn. Quan sát nổi tiếng nhất là khi nó đối diện với Mặt trời vào năm 1877 khi nhà thiên văn học người Ý Giovanni Schiaparelli quan sát thấy mạng lưới các đường trên sao Hỏa, cuối cùng hóa ra đó chỉ là ảo ảnh (mặc dù sao Hỏa cũng có những vệt như nước chảy trên bề mặt dốc của nó ngày nay). Ông gọi chúng là canali, dịch sang tiếng Anh nghĩa là “kênh đào”. 

Khám phá chấn động này khiến sao Hỏa gần gũi với Trái đất hơn bao giờ hết. Người ta dễ dàng tưởng tượng ra sao Hỏa là nơi chốn y như Trái đất, chắc chắn là nó đầy sự sống. “Sự hiện diện của một giống loài ưu việt hơn chúng ta cư trú trên sao Hỏa là rất khả dĩ,” Nhà thiên văn học người Pháp Camille Flammarion viết vào năm 1892. Cùng khoảng thời gian đó, nhà thiên văn học Percival Lowell người Mỹ xem xét sao Hỏa chi tiết hơn. Ông tin rằng ông nhìn thấy những “công trình ‘nhân tạo,’” bao gồm cả những kênh đào mà ông tưởng tượng rằng được tạo ra để vận chuyển nước từ hai cực băng của hành tinh khô hạn này. Sao Hỏa ngay sau đó nở rộ trong khoa học viễn tưởng và văn hóa đại chúng. Vào năm 1897, tác phẩm “Chiến tranh giữa các thế giới” của H.G.Wells tưởng tượng sao Hỏa là một hành tinh đang khô kiệt với những sinh vật tuyệt vọng phóng tên lửa tới Trái đất để uống máu người.

Nếu sao Hỏa là nơi đầu tiên mà những nhà kể chuyện tưởng tượng rằng chúng ta sẽ tìm thấy người ngoài hành tinh ở đó, thì hẳn nó cũng là nơi đầu tiên chúng ta sẽ đặt chân đến để tìm họ. Dự án Ozma, trong đó nhà thiên văn học Frank Drake chiếu kính thiên văn vô tuyến lên hai ngôi sao Tau Ceti và Epsilon Eridani, chuyện vẫn được kể về nguồn gốc của Viện Đi tìm Sự sống ngoài hành tinh của NASA. Nhưng chúng ta lắng nghe sao Hỏa trước. Vào 22/8/1924, người đứng đầu hải quân Mỹ, Edward Eberle chỉ dẫn cho các trạm hải quân hướng các thiết bị thu sóng tới sao Hỏa. Hành tinh đỏ đang ở vị trí gần nhất Trái đất trong 120 năm và một vài nhà thiên văn học nghĩ rằng người sao Hỏa sẽ tận dụng cơ hội này để liên lạc với chúng ta qua sóng vô tuyến. Những trạm thu sóng trên bờ được yêu cầu phải lắng nghe nhiều tần số nhất có thể và để “báo cáo bất kì tín hiệu điện tử của kí tự bất thường nào”, như bức điện tín của Eberle viết. Nếu ai đó muốn nói, hải quân sẵn sàng lắng nghe.  

Không có sinh vật sao Hỏa nào liên lạc vào ngày hôm đó, vì làm gì có sinh vật nào sống trên sao Hỏa, theo những gì các vệ tinh và robot của chúng ta gửi về. Nhưng nó vẫn không dừng được trí tưởng tượng của những người kể chuyện, cũng như không ngăn cản được những nhà khoa học. Chúng ta đã có biết bao nỗ lực hạ cánh các tàu vũ trụ xuống sao Hỏa trong suốt 50 năm vừa qua và hầu hết tất cả trong số đó là kiếm tìm sự sống, theo cách này hay cách kia. 

Lịch sử hạ cánh xuống sao Hỏa đã chỉ ra rằng hành tinh này chắc chắn không phải là một nơi hiếu khách. Đối với cả máy móc và vi sinh vật. Hơn một nửa robot gửi tới sao Hỏa đã bị phá hủy trên đường đi, gần đây nhất là vào mùa thu năm 2016. Phi thuyền Schiaparelli của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã xuyên qua khí quyển vào ngày 19/10/2016 nhưng bị tai nạn sau khi nó cắt dù quá sớm và những động cơ tên lửa không đốt đủ lâu. 

Dù vậy, số rất ít trong đó đã thành công, nổi bật nhất là Curiousity đã cho chúng ta biết rằng sao Hỏa là vùng đất có thể sống được trong quá khứ. Dữ liệu của một nhóm vệ tinh bay quanh hành tinh này gửi về gợi ý rằng giờ đây vẫn còn một ít nước ở đó, hầu hết ở các cực. Nhưng chúng ta vẫn không biết chắc rằng liệu sao Hỏa có những đại dương lâu năm, hay chỉ là những hồ và dòng sông lớn, Ray Arvidson, một nhà khoa học hành tinh uy tín đã chỉ huy hoặc tham gia vào tất cả các nhiệm vụ sao Hỏa của NASA kể từ tàu Viking nói. Và chắc chắn chúng ta vẫn không biết được liệu nó đã từng có sự sống hay không. 

“Chưa có đáp án. Không dễ có câu trả lời, theo cách gì đi nữa, rằng liệu sao Hỏa đã từng có sự sống phát triển, và nếu nó có thì bằng chứng vẫn còn ở đó,” Arvidson nói. “Liệu ta có thu được những phân tử sinh học mà nó tiến triển thành các hợp chất tiền vi khuẩn, và rồi phát triển thành một hệ thống tự nhân bản không? Đó là một bước nhảy vọt”. 

Kể cả cho rằng bước nhảy đó xảy ra, Vasavada và các đồng nghiệp nói rằng khả năng là chúng ta sẽ tìm thấy bằng chứng của sự sống cổ đại hơn là hiện đại. Sinh vật dù đang sống hay đã tuyệt chủng ở sao Hỏa khả năng cao là vi khuẩn hoặc những tế bào giản đơn khác, chắc chắn không phải là sinh vật có chi biết giao tiếp bằng ánh sáng hay ngôn ngữ. Theo cách này, sao Hỏa chắc là một hành tinh đáng thất vọng với một số người. Nhưng chính xác nó vẫn là một hành tinh thuyệt nhất bởi vì cho dù nếu kết quả tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa là số không, nó sẽ đặt ra một câu hỏi lớn hơn nữa: Tại sao lại chỉ Trái đất? Tại sao là chỉ chúng ta [mới có sự sống]?

“Tôi nghĩ đó thực sự là một bí ẩn khoa học nếu chúng ta không tìm ra sự sống ở đây. Nó cho chúng ta thấy rằng mình vẫn chưa hiểu gì về sự sống độc nhất vô nhị trên Trái đất,” Vasavada nói. “Nếu ta không tìm thấy sự sống, thì nó thậm chí còn thú vị hơn, và nó khiến ta càng hiện sinh hơn về cuộc đời mình trên Trái đất. Đó là điều tôi đang nghĩ”. 

Với những người có một góc nhìn hiện sinh viễn kiến hơn, sao Hỏa hết sức quan trọng – thậm chí là thiết yếu. Khi Elon Musk tiết lộ kế hoạch của mình về tên lửa và tàu vũ trụ khổng lồ để đưa một nhóm người di cư tới sao Hỏa, ông không chỉ khơi gọi ước vọng thám hiểm, mà còn cả tương lai chung của chúng ta. Sao Hỏa là cơ hội để con người chia sẻ ánh sáng nhận thức, để nó sinh sôi cùng với nhân loại, và để nó sống sót sau khi chúng ta ra đi, cũng giống như những tế bào đầu tiên trên Trái đất gửi các phiên bản của chúng tới tương lai. Nếu Musk và những kẻ mộng mơ khác thành công, những dạng sống đầu tiên trên sao Hỏa có lẽ là chính chúng ta. 

Nhưng đừng phạm sai lầm: Đó sẽ là một chuyến du hành khắc nghiệt và tăm tối. Khác với những vùng đất bị đô hộ trong lịch sử – quần đảo Tây Ấn, Tây Mỹ và những vùng đất khác – sao Hỏa không ve vuốt tâm trí ta với những mộng ước và sự giàu có ngoài trí tưởng tượng. Sao Hỏa không phải là vùng đất huyền thoại El Dorado đầy vàng bạc châu báu. Khí quyển của nó không giữ nhiệt. Nó không có bất kì một áp lực nào để ngăn máu của chúng ta không bốc hơi. Nếu không mặc bộ đồ phi hành gia, bạn sẽ bị luộc và đóng băng cho đến chết, cùng một lúc. Những kẻ du hành đến sao Hỏa sẽ gắn mình mãi mãi với những căn lều với áp lực nhân tạo hoặc khả năng là trong những chiếc hộp chống tia phóng xạ. Họ sẽ không bao giờ được nhìn lại những con sóng vỗ bờ. Họ sẽ không bao giờ nghe lại tiếng gió hát trên những đồi thông. Họ cũng không bao giờ được kinh ngạc trước Mặt trăng tròn bàng bạc được nữa. 

Vậy, vì sao phải tới đó? 

Tôi ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực khi Curiosity hạ cánh vào tháng 8/2012, và tôi không thể ngăn mình ăn mừng cùng với các kĩ sư và nhà khoa học ở NASA đang hò reo phấn khích tột độ trước thành công này. Gió bụi vẫn mù mịt sau khi chiếc cần cẩu không trung thả Curiosity hạ cánh xuống sao Hỏa khi chiếc xe tự hành này gửi về tấm bưu thiếp đầu tiên. 

“Ôi đấy là bánh xe! Đấy là bánh xe!” ai đó trong phòng điều khiển thốt lên. Nheo mắt nhìn tấm ảnh đen trắng của một chiếc bánh xe trên mặt đất sỏi đá, tôi ngập tràn cảm xúc. Mặt dưới của chiếc xe tự hành đổ bóng dưới ánh nắng chiều. Khung cảnh quá đỗi thân thuộc nhưng cũng thật éo le. Cảnh đó đã có thể là ngọn núi ở phía Tây nơi tôi lớn lên, chỉ là nó hoang vắng, vô hồn dành cho con robot giờ đây đang bước trên cát. 

Nếu sao Thổ là một gợi ý cho trí tưởng tượng khoa học, vén bức rèm cho chúng ta thấy tâm trí của ta cần vươn xa đến đâu để gặp gỡ sự kì diệu của vũ trụ, sao Hỏa lại hoàn toàn đối lập. Nó là tín hiệu cho thấy chúng ta đã có thể không tồn tại. Nó khiến ta phải tự vấn về sự mong manh của Trái đất. Nó là lời nhắc nhở rằng chúng ta cô đơn thế nào trên cái chấm xanh mờ nhạt trong vũ trụ. Chúng nhìn vào nó và nhìn lại bản thân – quá khứ, những khả năng có thể xảy ra và với một chút trí tưởng tượng, tương lai của chính mình.□   
 
Nguyên Hạnh dịch
Nguồn: https://www.theatlantic.com/science/archive/2017/01/mars-is-the-best-planet/512654/
*Bài viết là một phần của series: “Hành tinh nào là tuyệt nhất?” trên Tạp chí The Atlantic. Tít và chapo của bài viết do Tia Sáng đặt lại. 

 

 

 

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)