Nghị định 115- Sau 2 năm thực hiện
Mặc dù được dư luận trong cộng đồng các nhà khoa học coi là một “khoán 10 trong khoa học”, một cuộc cách mạng trong quản lý hoạt động KH&CN, nhưng sau gần 2 năm tổ chức thực hiện Nghị định 115 của Chính phủ qui định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập, đến nay theo thông tin của Ban chỉ đạo Liên bộ triển khai thực hiện, trong tổng số 655 tổ chức KH&CN thuộc các Bộ, ngành, địa phương, mới có 127 tổ chức KH&CN có đề án đã được phê duyệt (khoảng 20%), 194 tổ chức KH&CN đã có đề án trình cấp thẩm quyền phê duyệt (khoảng 30%). Đáng lưu ý là trong số gần 300 tổ chức KH&CN mới bắt đầu, hoặc chưa lập đề án chuyển đổi lại chủ yếu nằm ở những trung tâm nghiên cứu- triển khai lớn như Viện KH&CN Việt Nam; Viện KHXH Việt Nam; Bộ GD&ĐT; Bộ Y tế... Trong khi đó theo qui định của Chính phủ, đến hết ngày 30/12/2006, các tổ chức KH&CN phải xây dựng và phê duyệt xong đề án chuyển đổi. Tạp chí Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Quân, một trong những người tham gia soạn thảo Nghị định 115 và là Thành viên Ban chỉ đạo Liên bộ. Ông cho biết:
Nhìn chung, tiến độ thực hiện Nghị định 115 ở hầu hết các Bộ, ngành, địa phương so với qui định của Thủ tướng Chính phủ còn rất chậm, nhất là ở những tổ chức KH&CN trọng điểm đáng ra phải là những đơn vị đi trước một bước.
PV: Phải chẳng các đơn vị không triển khai, không báo cáo việc thực hiện Nghị định 115 như vậy là họ coi thường phép Nước?
Không biết với trên có phải như vậy không, nhưng với các văn bản pháp qui, yêu cầu, đề nghị của Ban chỉ đạo Liên bộ và Bộ KH&CN thì rõ ràng là có biểu hiện coi thường. (cười)
Vì sao một số tổ chức KH&CN trong diện chuyển đổi theo Nghị định 115 lại lại muốn hoạt động theo Nghị định 43?
Trước hết phải khẳng định những tổ chức KH&CN trong diện phải chuyển đổi theo Nghị định 115 mà lại chuyển sang hoạt động theo Nghị định 43 là trái với pháp luật vì trong phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Nghị định 43 có các tổ chức hoạt động KH&CN thực hiện theo Nghị định 115. Thực chất với Nghị định 115, các tổ chức KH&CN ngoài được hưởng các quyền tự chủ như Nghị định 43 còn được nhiều ưu đãi khác. Vì vậy đã có những tổ chức KH&CN như Viện Chiến lược và Chính sách PTNN&NT dù được hưởng cơ chế bao cấp nhưng vẫn xin được phép xây dựng phương án chuyển đổi. Theo tôi, chính vì “sợ” phải xây dựng phương án chuyển đổi, sợ phải sáp nhập, giải thể nếu hoạt động không hiệu quả… và muốn tiếp tục hưởng theo cơ chế bao cấp lâu dài nên một số tổ chức KH&CN muốn hoạt động theo Nghị định 43.
Như vậy Nghị định 115 tưởng sẽ được thực hiện với một cuộc chuyển đổi ngoạn mục lại diễn ra chẳng dễ dàng gì?
Nhìn chung dư luận xã hội và cộng đồng các nhà khoa học đều cho rằng tinh thần và những qui định của Nghị định 115 về cơ bản là phù hợp yêu cầu của việc đổi mới hoạt động KH&CN trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Và để chỉ đạo và kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, đã thành lập Ban chỉ đạo Liên bộ thực hiện Nghị định 115 gồm đại diện các Bộ: KH&CN, Tài chính, KH&ĐT, Nội vụ, Thương mại, Công an. Ban chỉ đạo Liên bộ đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị định, tổ chức làm việc trực tiếp với 8 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 1 tổ chức chính trị-xã hội, 25 tỉnh, thành phố để hướng dẫn, nắm tình hình và giải quyết những vấn đế vướng mắc. Nhưng đúng là cuộc chuyển đổi đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc do nhiều nguyên nhân như: Lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và tính nghiêm túc của Nghị định 115, thậm chí có người còn không biết đến Nghị định 115 có những nội dung gì(!). Từ đó thiếu quyết tâm trong chỉ đạo tổ chức thực hiện việc xây dựng đề án chuyển đổi, chờ đợi hoặc tìm cách thuyết minh để cấp trên xếp các tổ chức KH&CN của mình vào loại nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược chính sách để tiếp tục hoạt động theo cơ chế cũ; do số lượng lớn các tổ chức KH&CN tập trung tại Viện KH&CN Việt Nam, Viện KHXH Việt Nam, Bộ NN&PTNT… có cơ cấu tổ chức phức tạp, việc tiến hành phân loại và sắp xếp lại các tổ chức KH&CN đó gặp không ít vướng mắc, chưa được giải quyết thỏa đáng. Còn ở địa phương, các tổ chức KH&CN tiềm lực yếu, thị trường công nghệ chưa phát triển do đó việc thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm là một khó khăn lớn; việc ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định 115 chậm và không đồng bộ (đến nay vẫn còn 3 văn bản pháp qui hướng dẫn thực hiện Nghị định 115 đã xây dựng xong nhưng chưa ký ban hành được). Thêm vào đó công tác tuyên truyền ý nghĩa, nội dung Nghị định 115 của Bộ KH&CN và các Bộ, ngành chưa tốt.
Một lý do nữa mà các tổ chức KH&CN đưa ra để biện minh cho việc chậm trễ xây dựng phương án chuyển đổi là việc không rõ đơn vị mình thuộc đơn vị nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng?
Theo tôi, lý do này chỉ là sự ngụy biện vì Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành “Qui định về Tiêu chí xác định tổ chức KH&CN nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách phục vụ quản lý nhà nước”; đồng thời việc xác định tổ chức KH&CN thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng đã được xác định rõ trong Quyết định thành lập hoặc điều lệ hoặc đăng ký hoạt động KH&CN.
Nhiều người cho rằng, một số cán bộ lãnh đạo tổ chức KH&CN không mặn mà với việc thực hiện Nghị định 115 vì phẩm chất và năng lực của họ không còn đáp ứng được với nhu cầu của việc chuyển đổi cơ chế hoạt động.
Trường hợp này, cũng giống với một số giám đốc doanh nghiệp quốc doanh yếu kém rất sợ cổ phần hóa vì khi cổ phần hóa họ sẽ tự bị loại. Vừa qua, một số Bộ, ngành, địa phương trong khi xây dựng đề án chuyển đổi các tổ chức KH&CN đã có những điều chỉnh sắp xếp lại những vị trí lãnh đạo không còn phù hợp với công việc theo cơ chế mới.
Ông thấy trong những hiểu sai về Nghị định 115, điều nào gây trở ngại nhiều nhất cho việc tổ chức thực hiện?
Trong những nhận thức sai về Nghị định 115 điều gy trở ngại nhất là phần lớn các nhà quản lý và khoa học băn khoăn, lo lắng cho rằng Nghị định 115 qui định tự trang trải kinh phí nghĩa là phải là bươn chải, bị nhà nước bỏ rơi, các nhà khoa học phải đi làm kinh doanh, không làm nghiên cứu, từ đó sẽ phá vỡ hệ thống tiềm lực KH&CN đ xây dựng từ nhiều năm nay. Đâu có phải như vậy! Tự trang trải kinh phí theo tinh thần của Nghị định 115 chỉ tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên, Nhà nước không cắt các nguồn kinh phí, kể cả kinh phí đầu tư phát triển! Thực chất Nhà nước chỉ thay đổi phương thức cấp kinh phí: không cấp theo số lượng biên chế mà cấp theo nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho tự chủ. Số lượng kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước không phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của tổ chức KH&CN, có thể nhiều hơn trước.
Nhiều lãnh đạo các tổ chức KH&CN than phiền đau đầu, thậm chí bế tắc trong việc giải quyết chế độ dôi dư trong việc xây dựng phương án chuyển đổi. Hướng giải quyết khó khăn này như thế nào?
Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Những người đủ tuổi nghỉ hưu trước 31/12/2009: giải quyết chế độ hưu hoặc cho nghỉ chờ hưu có hưởng lương cơ bản theo qui định (vì Nhà nước vẫn cấp kinh phí hoạt động thường xuyên đến hết 2009 như trước đây). Những người có nguyện vọng chuyển công tác đi cơ quan khác sẽ được tạo điều kiện cho chuyển. Những người còn lại, khi Nhà nước ban hành chính sách sẽ vận dụng để giải quyết chế độ hỗ trợ kinh phí, đồng thời sử dụng nguồn tự có để hỗ trợ thêm (nếu có).
Được biết Bộ KH&CN căn cứ vào tình hình thực hiện Nghị định 115 cho đến nay và đề nghị của một số Bộ, ngành, địa phương đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian phê duyệt Đề án chuyển đổi của các tổ chức KH&CN công lập theo quy định của Nghị định 115 đến hết năm 2007. Nếu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề nghị này thì theo ông còn cần có những giải pháp gì để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KH&CN chuyển đổi đúng thời hạn trên?
Theo tôi Chính phủ cần sớm ban hành Chỉ thị yêu cầu Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương quán triệt tinh thần của Nghị định 115, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để các tổ chức KH&CN trực thuộc thực hiện việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đúng qui định và tiến độ. Mặc dù Chính phủ đã giao Bộ KH&CN chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức KH&CN thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị định 115, nhưng thời gian qua Bộ KH&CN nhận thấy hiệu lực của các công văn cấp Bộ bị hạn chế, chưa được các Bộ, ngành và địa phương quan tâm thực hiện nghiêm túc; Xem xét ban hành Nghị định về tinh giản biên chế do Bộ Nội vụ trình, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KH&CN giải quyết đế độ dôi dư tương tự như tinh thần Nghị quyết 16/2000/NĐ-CP ngày 18/10/2000 và Nghị quyết 09/2003/NQ-CP ngày 28/7/2003 của Chính phủ.
Về phía Ban chỉ đạo Liên bộ cần kiên quyết trong việc đôn đốc các tổ chức và đơn vị chưa triển khai hoặc triển khai chậm thực hiện việc chuyển đổi, trực tiếp giúp họ tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.
Xin cảm ơn ông và chúc ông-một trong những người vài ba năm nay “lao tâm khổ tứ” với Nghị định 115 sớm thấy được những thành quả trong hoạt động KH&CN do Nghị định 115 mang lại.
5 hiểu sai về Nghị định 115
* “Tự trang trải kinh phí” nghĩa là phải “tự bươn chải”, bị Nhà nước “bỏ rơi”
* Tổ chức khoa học và công nghệ nghiên cứu cơ bản, chiến lược chính sách không phải làm Đề án chuyển đổi.
* Nhà nước bắt buộc các tổ chức KH&CN chuyển thành doanh nghiệp, các nhà khoa học phải làm kinh doanh, bỏ nghiên cứu?
* Đề án được phê duyệt là phải tự trang trải kinh phí ngay?
* Thủ trưởng có quá nhiều quyền, dễ độc đoán, mất dân chủ?