Nghiên cứu mới của các nhà kinh tế học giúp đưa ra mức án tù hiệu quả hơn

Những kẻ phạm tội có vì cái lợi trước mắt mà đổi lấy sự trừng phạt lâu dài không?


Từ lâu các nhà kinh tế học đã đặt ra giả thiết rằng những kẻ phạm tội ít coi trọng tương lai hơn so với những công dân tuân thủ pháp luật, nhưng họ vẫn chưa tìm ra được bằng chứng xác thực cho thấy tội phạm có quan tâm đến mức độ nặng nhẹ của bản án hay không.

Một nghiên cứu mới do Giovanni Mastrobuoni, trường Đại học Essex, và David Rivers, trường Đại học Tây Ontario, thực hiện và trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Kinh tế Hoàng gia Anh vào tháng hai năm 2016 đã đưa ra những kết luận đáng lưu ý: tội phạm có coi trọng tương lai, chỉ có điều là không tới mức như người bình thường; và những bản án nặng có tác dụng răn đe, nhưng chỉ ở một mức độ nhất định.

Nghiên cứu này được dựa trên một cuộc cải cách về chính sách của Italy vào năm 2006, trong đó 1/3 số tù nhân ở quốc gia này được thả ra, nhưng với một lời cảnh báo: nếu họ bị bắt quả tang phạm tội lần nữa thì phần án tù cũ chưa thực hiện sẽ được tự động gộp vào bản án mới. Như vậy, việc các phạm nhân phải chịu án nhẹ hơn hay nặng hơn trong tương lai sẽ phụ thuộc vào phần án cũ chưa thực hiện. Hai nhà kinh tế học trên kết hợp thông tin này với thông tin về tỉ lệ tái phạm để xem liệu các phạm nhân chịu án tù nặng hơn có mức độ tái phạm thấp hơn không.

Kết quả là, các nhà nghiên cứu nhận thấy các phạm nhân dường như có phản ứng trước những bản án nặng hơn. Đối với những phạm nhân từng thụ án, mức độ họ quan tâm tới những sự kiện quá khứ trong khoảng một năm trước so với hiện tại là 0,74, tức bằng 3/4 sự quan tâm đến hiện tại. Tỉ lệ này ở người dân bình thường là 0,95. Nhóm nghiên cứu cũng so sánh giữa các nhóm khác nhau và họ thấy những người có học vấn cao thường nhạy cảm với án tù nặng hơn; trong khi đó những người nhập cư và những tội phạm liên quan đến ma túy là hai nhóm “vô cảm” nhất.

Tuy có những hạn chế do tập trung vào đối tượng đã từng thụ án, song các kết luận trong nghiên cứu mới trên cũng đưa ra một số gợi ý thiết thực trong quá trình hoạch định chính sách trong việc xử án. Thứ nhất, án phạt nặng hơn phát huy hiệu quả răn đe tốt với nhóm tội phạm ma túy hơn là với nhóm tội phạm “cổ cồn trắng”. Thứ hai, án phạt nặng hơn có một số tác dụng răn đe, nhưng tác dụng này chỉ tập trung trong vài năm đầu. Ở một số nhóm tội phạm, việc ra mức án bắt buộc tối thiểu cộng thêm lời cảnh cáo là có thể tăng thêm một số năm tù nữa tùy vào tính chất phạm tội có thể có tác dụng ngăn ngừa phạm tội. Tuy vậy, với một tội phạm phải chịu án phạt tối thiểu 10 năm tù cộng thêm khả năng chịu tiếp 10 năm bổ sung, thì mức độ răn đe của 10 năm bổ sung đó còn thấp hơn mức độ răn đe của năm năm bổ sung cho một án phạt năm năm tối thiểu. Theo các ước tính trong nghiên cứu, các phạm nhân lo lắng về mức án năm năm bổ sung nhiều gấp bốn lần so với mức án 10 năm bổ sung.

Các nhà kinh tế học có thể đóng góp nhiều ý kiến giá trị trong lĩnh vực này, bởi họ có thể chỉ ra những yếu tố nào có giá trị răn đe tội phạm và mức độ bao nhiêu là phù hợp. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cũng nên thận trọng khi vận dụng những kết quả nghiên cứu của họ, bởi tuy tội phạm có thể điều chỉnh hành vi của mình dựa trên cấp độ nghiêm trọng của án phạt và khả năng bị bắt giam trở lại, song không ai chắc chắn rằng trong mọi hoàn cảnh họ đều có suy nghĩ đó. Do đó, tìm hiểu lý do tại sao tội phạm là những kẻ chỉ biết “nghĩ ngắn hạn” có thể cũng quan trọng như việc tìm hiểu cách tuyên án hiệu quả.

Thu Trang dịch
http://www.economist.com/blogs/freeexchange/2016/03/criminal-justice

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)