Người vợ đầu bị lãng quên của Einstein

Mặc dù chưa từng có ai chứng minh được trong thành tựu của Einstein có phần đóng góp cụ thể nào của Mileva Marić, người vợ đầu tiên của ông nhưng những là thư và nhiều lời kể của nhân chứng trong cuốn sách về cuộc đời bà cung cấp những bằng chứng không thể chối cãi về việc họ đã cộng tác từ những ngày đầu gặp nhau năm 1896 và tận khi họ ly hôn năm 1914. Bà cũng là một nhà vật lý và nếu không có bà, chưa chắc chúng ta đã có Thuyết tương đối.


Albert Einstein và Mileva Marić kết hôn vào năm 1903.

Mileva Marić được sinh ra tại Titel ở Serbia vào năm 1875. Cha mẹ bà, Marija Ruzić và Miloš Marić, là những người giàu có và đáng kính trong cộng đồng. Năm 1892, cha bà đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục ủy quyền cho phép bà tham gia các bài giảng vật lý dành riêng cho con trai. Bà hoàn thành chương trình trung học ở Zurich năm 1894 và gia đình sau đó chuyển đến Novi Sad. Các bạn cùng lớp Mileva nhiệt tình mô tả bà là người xuất sắc nhưng không khoa trương. Bà thích khám phá tới tận cùng của mọi thứ, kiên trì và làm việc có mục đích. Vào năm 1896, bà và Albert được nhận vào khoa vật lý-toán học của Học viện Bách khoa tại Zurich (nay là ETH) cùng với ba sinh viên khác: Marcel Grossmann, Louis Kollros và Jakob Ehrat. Albert và Mileva trở nên không thể tách rời, hai người dành vô số giờ học cùng nhau. Albert chỉ tham dự một vài bài giảng, ông thích học ở nhà hơn. Mileva học một cách có phương pháp và tổ chức. Bà đã giúp truyền năng lượng cho Einstein và định hướng việc học cho ông. Trong số những lá thư được trao đổi từ năm 1899-1903, có 43 lá thư từ Albert đến Mileva vẫn được giữ nguyên nhưng chỉ còn 10 trong số đó là do bà viết. Những lá thư này chính là nguồn tư liệu quan trọng để hiểu thêm về bà. 

Vào tháng 8 năm 1899, Albert viết cho Mileva: Lần đầu tiên khi tôi đọc Helmholtz, tôi cảm thấy thật khó chịu khi không có em ở đây, và cho đến hôm nay điều đó cũng chẳng khá hơn. Tôi cảm thấy việc chúng ta làm việc chung rất tốt, rất thư giãn và dễ dàng hơn rất nhiều. Sau đó, vào ngày 2 tháng 10 năm 1899, Albert đã viết từ Milan cho bà: “… Khí hậu ở đây không phù hợp với tôi, và trong khi tôi nhớ công việc của mình, tôi cũng thấy tràn ngập những suy nghĩ tăm tối – nói cách khác, tôi rất cần có em ở gần để kiểm tra và ngăn tôi khỏi xao lãng…”. Mileva vào sống ở một trường nội trú cho nữ, nơi bà gặp Helene Kaufler-Savić và Milana Bota, hai người bạn thân đến cuối đời của bà. Cả hai đều nói về sự hiện diện liên tục của Albert tại nơi ở của Mileva, việc ông có thể thoái mái đến mượn sách kể cả khi không có Mileva ở đó. Vào cuối năm 1900, Mileva và Albert có điểm số tương tự (lần lượt là 4,7 và 4,6) ở trường, ngoại trừ môn vật lý ứng dụng với việc Mileva đạt điểm cao nhất là 5 nhưng Albert chỉ được 1 điểm. Nếu Mileva xuất sắc trong việc thử nghiệm và áp dụng thì Albert lại không mấy tỏa sáng. Nhưng tại  kỳ thi vấn đáp, giáo sư Minkowski đã chấm 11/12 cho cả bốn sinh viên nam trừ Mileva (bà chỉ được 5 điểm). Chỉ có Albert là được cấp bằng.

Trong khi đó, gia đình Albert  phản đối mạnh mẽ mối quan hệ của họ. Mẹ ông kiên quyết không cho con trai kết hôn với Mileva: Khi con 30 tuổi, cô ta đã trở thành một bà già (Mileva hơn Einstein bốn tuổi). Mileva không phải là người Do Thái, cũng không phải người Đức. Bà có một đôi chân khập khiễng và quá thông minh theo như quan điểm của mẹ Albert, đấy chưa kể định kiến đối với người nước ngoài. Hơn nữa, cha Albert khăng khăng đòi con trai tìm việc trước khi kết hôn. Vào tháng 9 năm 1900, Albert đã viết cho Mileva: “Tôi mong muốn được tiếp tục công việc chung mới của chúng ta. Bây giờ em phải tiếp tục theo đuổi nghiên cứu của mình – và tôi sẽ rất tự hào khi có thể thuê được bác sĩ riêng cho em dù tôi chỉ là một người bình thường”. Cả hai đã quay trở lại Zurich vào tháng 10 năm 1900 để bắt đầu công việc luận án của họ. Ba sinh viên khác đều nhận được vị trí trợ lý tại Viện, nhưng Albert thì không. Ông nghi ngờ rằng giáo sư Weber chơi khăm ông. Albert không chịu kết hôn khi không có việc làm, và họ kiếm sống bằng cách dạy gia sư, tiếp tục sống và làm việc như trước. Vào ngày 13 tháng 12 năm 1900, họ đã gửi bài báo đầu tiên về mao dẫn, nhưng chỉ có Albert đứng tên. Tuy nhiên, cả hai đều gọi bài báo này là bài chung của họ trong các bức thư gửi cho nhau. Mileva trong bức thư gửi Helene Savić vào ngày 20 tháng 12 năm 1900 có đoạn: “Hiện tại chúng tôi sẽ gửi một bản sao riêng cho Boltzmann để xem anh ấy nghĩ gì và tôi hy vọng anh ấy sẽ trả lời chúng tôi. Giáo sư Jung đã đến thăm chú của tôi, giáo sư Jung, một trong những nhà vật lý có ảnh hưởng nhất ở Ý và tôi cũng đưa cho ông một bản sao bài báo của chúng tôi.”


Einsteinhaus – căn nhà ở giữa tầng 2 tại Bern, Thụy Sĩ từng là nơi hai người chung sống từ năm 1903-1905 cùng với con trai Hans-Einstein. Nguồn: Travel notes.

Có vẻ như cả hai người đã cùng thống nhất để đi đến quyết định chỉ công bố các công trình dưới tên của Einstein. Nhưng tại sao? Radmila Milentijević, cựu giáo sư lịch sử tại City College ở New York, xuất bản năm 2015 cuốn tiểu sử toàn diện nhất về Mileva. Bà cho rằng Mileva có lẽ muốn giúp Albert tạo dựng tên tuổi cho mình, để ông có thể tìm được một công việc và cưới bà. Dord Krstić, cựu giáo sư vật lý tại Đại học Ljubljana, đã dành 50 năm để nghiên cứu về cuộc sống của Mileva. Trong cuốn sách của mình, ông cho rằng với sự thành kiến phổ biến đối với phụ nữ vào thời điểm đó, một báo cáo được đồng kí tên bởi một người phụ nữ sẽ bị giảm tầm quan trọng của nó. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được lý do vì sao. Nhưng chính Albert Einstein là người thể hiện rõ nhất sự cộng tác của họ khi ông viết cho Mileva vào ngày 27 tháng 3 năm 1901 về thuyết tương đối hẹp: “Tôi sẽ hạnh phúc và tự hào biết bao nếu cả hai chúng ta cùng hợp sức để đưa công trình về chuyển động tương đối đến một kết quả thắng lợi”. 

Tuy nhiên vận mệnh của Mileva đã thay đổi đột ngột sau đó. Bà có thai sau khi hai người đi chơi hồ Como. Thất nghiệp, Albert vẫn không thể lấy bà. Với việc tương lai phía trước không hề ổn định, Mileva quyết định thi lại vấn đáp lần hai, và cũng là lần cuối cùng vào tháng 7 năm 1901. Lần này, giáo sư Weber, người mà Albert nghi ngờ đã khiến ông không được nhận vào làm trợ lý ở viện, đã đánh trượt bà. Buộc phải từ bỏ việc học, bà về Serbia, nhưng sau đó lại quay lại Zurich một thời gian ngắn để cố gắng thuyết phục Albert kết hôn. Bà sinh một bé gái tên Liserl vào tháng 1 năm 1902. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra với Liserl, có lẽ bé đã được một gia đình khác nhận nuôi. Không hề có giấy khai sinh hoặc khai tử được tìm thấy. 

Trước đó vào tháng 12 năm 1901, cha một người bạn cùng lớp của họ, Marcel Grossman, đã can thiệp để Albert có được một công việc tại Văn phòng Bằng sáng chế ở Bern. Albert bắt đầu làm việc vào tháng 6 năm 1902 và vào tháng 10, cha của Albert đã cho phép ông kết hôn ngay trước khi qua đời. Albert và Mileva kết hôn vào ngày 6 tháng 1 năm 1903. Albert làm việc 8 giờ một ngày, 6 ngày một tuần tại Văn phòng Bằng sáng chế trong khi Mileva đảm nhận việc nội trợ. Vào buổi tối, họ làm việc cùng nhau, đôi khi đến tận đêm khuya. Cả hai đều từng nhắc đến điều này với bạn bè: Albert trong khi nói chuyện với Hans Wohlwend, và Mileva trong bức thư gửi Helene Savić vào ngày 20 tháng 3 năm 1903 cũng nhắc đến việc bà cảm thấy đau lòng khi Albert phải làm việc quá vất vả tại văn phòng. Vào ngày 14 tháng 5 năm 1904, con trai của họ, Hans-Albert chào đời. Mặc dù vậy, năm 1905 được biết đến như một năm kỳ diệu của Albert: chỉ trong vòng một năm ông đã xuất bản 5 bài báo: một về hiệu ứng quang điện (sau này dẫn đến giải thưởng Nobel năm 1921), hai bài về chuyển động Brown, một bài về thuyết tương đối hẹp và cuối cùng là phương trình “E = mc2” nổi tiếng. Ông cũng bình luận cho 21 bài báo khoa học để nhận được một khoản phí, và nộp luận án về kích thước của các phân tử. Rất lâu sau, Albert nói với R. S. Shankland rằng thuyết tương đối là tất cả cuộc sống của ông trong bảy năm và hiệu ứng quang điện trong năm năm. Peter Michelmore, một trong những người viết tiểu sử cho Einstein, cho biết sau khi dành năm tuần để hoàn thành bài báo có chứa cơ sở của thuyết tương đối hẹp, Albert đã đi ngủ trong hai tuần. Mileva kiểm tra bài báo hết lần này đến lần khác, và sau đó đi nộp nó. Kiệt sức, cặp đôi đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Serbia, nơi họ gặp gỡ nhiều người thân và bạn bè, và những gì họ kể lại cung cấp nhiều thông tin về cách Albert và Mileva hợp tác. Miloš, anh trai của Mileva, một người nổi tiếng về sự chính trực, đã ở lại nhiều lần với gia đình Einstein khi học y khoa ở Paris. Miloš kể lại hàng đêm, khi sự im lặng rơi xuống thị trấn, cặp vợ chồng trẻ sẽ ngồi cùng nhau tại bàn và dưới ánh sáng của đèn lồng dầu hỏa, họ sẽ làm việc cùng nhau về các vấn đề vật lý. Miloš Jr. cũng nói về cách họ tính toán, viết, đọc và tranh luận. Cặp đôi thường ngồi trong vườn để thảo luận về vật lý, và nổi bật lên sự hài hòa và tôn trọng lẫn nhau của họ. 


Bia tưởng niệm Mileva Marić tại nghĩa trang Zurich Nordheim, Thụy Sĩ, nằm cách mộ của bà 150 m. Bia trên mộ của bà đã bị quản trang gỡ bỏ vì không ai trả phí nghĩa trang cho Mileva. Nguồn: teslasociety.ch

Gajin và Zarko Marić cũng nhớ lại Mileva đã từng nói với cha mình khi gia đình Einstein đến thăm ông vào năm 1905: “Trước khi chúng con khởi hành, chúng con đã hoàn thành một công trình khoa học quan trọng, mà sẽ giúp chồng con được biết đến trên toàn cầu”. 

Desanka Trbuhović – Gjurić đã xuất bản tiểu sử đầu tiên của Mileva ở Serbia vào năm 1969. Cô mô tả cách anh trai Mileva thường tổ chức các cuộc tụ tập của những trí thức trẻ tại nhà, và có một lần Albert từng tuyên bố: “Tôi cần vợ tôi, cô ấy giải quyết cho tôi tất cả các vấn đề về toán học”. Mileva cũng từng xác nhận điều này. Năm 1908, cặp vợ chồng chế tạo với Conrad Habicht một vôn kế siêu nhạy. Theo Trbuhović-Gjurić, công việc thử nghiệm này được thực hiện bởi Mileva và Conrad, và sau khi hoàn thành, họ giao cho Albert nhiệm vụ mô tả bộ máy vì ông là chuyên gia về bằng sáng chế. Nó được đăng ký theo bằng sáng chế của Einstein-Habicht. Khi Habicht đặt câu hỏi về việc Mileva lựa chọn không đưa ra tên của mình trong đó, cô đã trả lời bằng cách chơi chữ: “Vì sao chứ? Chúng tôi chỉ là một viên đá (ein Stein) mà.” (ở đây «viên đá» có thể được hiểu chỉ là một thực thể, không thể tách rời). 

Sự công nhận đầu tiên dành cho bà đã đến vào năm 1908. Albert đã giảng bài không công tại Bern, rồi được mời vào vị trí giảng dạy ở Zurich vào năm 1909. Mileva vẫn đang hỗ trợ ông. Tám trang ghi chú bài giảng đầu tiên của Albert được bà viết tay, và bà cũng là người viết bức thư trả lời Max Planck khi ông muốn tham khảo ý kiến của Einstein. Cả hai tài liệu được lưu giữ trong Kho lưu trữ Albert Einstein (AEA) ở Jerusalem. Vào ngày 3 tháng 9 năm 1909, Mileva tâm sự với Helene Savić: “Hiện tại anh ấy được coi là người giỏi nhất trong số các nhà vật lý nói tiếng Đức, và họ dành cho anh rất nhiều danh dự. Tôi rất vui vì thành công của anh ấy vì nó hoàn toàn xứng đáng. Tôi chỉ hy vọng và mong ước rằng sự nổi tiếng không có ảnh hưởng có hại đến con người của anh ấy”. Sau đó, bà nói thêm: “…Vì quá nổi tiếng, anh ấy có ít thời gian dành cho vợ mình…. bạn biết đấy, cùng với danh tiếng, một người sẽ được viên ngọc trai, và người chỉ được cái vỏ”. Con trai thứ hai của họ, Eduard, chào đời ngày 28 tháng 7 năm 1910. Cho đến năm 1911, Albert vẫn gửi những tấm bưu thiếp trìu mến cho Mileva. Nhưng vào năm 1912, ông bắt đầu ngoại tình với em họ của mình, Elsa Löwenthal. Họ viết thư bí mật cho nhau trong hai năm, và Elsa đã giữ được 21 lá thư từ ông. Trong thời gian này, Albert giữ các vị trí giảng viên khác nhau đầu tiên ở Prague, rồi đến Zurich và cuối cùng ở Berlin vào năm 1914 để được gần hơn với Elsa. Điều này khiến cuộc hôn nhân của ông và Mileva sụp đổ. Mileva chuyển về Zurich cùng hai con trai vào ngày 29 tháng 7 năm 1914. Năm 1919, bà đồng ý ly hôn, với một điều khoản tuyên bố rằng nếu Albert nhận được giải thưởng Nobel, bà sẽ nhận được tiền. Khi điều đó thực sự xảy ra, bà đã mua hai tòa chung cư nhỏ và sống một cách nghèo khó dù có thu nhập từ nó. Con trai bà, Eduard, phải thường xuyên ở trong nhà điều dưỡng, cuối cùng bị tâm phần phân liệt. Do những chi phí y tế để lo cho con trai, Mileva phải vật lộn cả đời về tài chính và cuối cùng mất cả hai tòa nhà. Bà kiếm sống bằng việc gia sư và bằng những khoản tiền mà Albert gửi, dù không thường xuyên. Năm 1925, Albert viết trong di chúc rằng tiền thưởng Nobel là tiền thừa kế của con trai ông, nhưng Mileva phản đối mạnh mẽ, tuyên bố số tiền là của cô và xem xét tiết lộ những đóng góp của cô cho công việc của ông. Albert gửi cho bà một bức thư vào ngày 24 tháng 10 năm 1925: “Bà đã làm tôi cười khi đe dọa tôi bằng những hồi ức của bà. Bà có từng cân nhắc, dù chỉ một giây thôi, rằng sẽ không ai chú ý đến những gì bà nói nếu bà không đạt được những thành tựu quan trọng? Khi một người nào đó hoàn toàn không đáng kể, họ không nên làm gì ngoài việc giữ khiêm tốn và im lặng, và đây là những gì tôi khuyên bà nên làm”. 

Mileva vẫn im lặng nhưng người bạn Milana Bota của bà đã nói với một tờ báo của Serbia vào năm 1929 rằng họ nên nói chuyện với Mileva để tìm hiểu về nguồn gốc của thuyết tương đối hẹp vì bà có liên quan trực tiếp đến quá trình tìm ra nó. Vào ngày 13 tháng 6 năm 1929, Mileva đã viết cho Helene Savić: “Những ấn phẩm như vậy trên báo hoàn toàn không phù hợp với bản chất của tôi, nhưng tôi tin rằng Milana cảm thấy vui vì điều này và nghĩ rằng tôi cũng sẽ cảm thấy như vậy. Có lẽ cô ấy muốn giúp tôi nhận được sự chú ý vì những công trình liên quan đến Einstein. Cô ấy đã viết cho tôi theo cách ấy hay để nó được chấp nhận theo cách ấy, vì nếu không, toàn bộ chuyện này sẽ trở thành vô nghĩa”. Theo Krstić, Mileva đã nói về những đóng góp của mình cho mẹ và chị gái. Bà cũng viết thư cho cha mẹ đỡ đầu giải thích về việc cô luôn hợp tác với Albert và ông đã hủy hoại cuộc đời bà như thế nào, nhưng sau đó yêu cầu họ hủy bức thư. Hans-Albert, con trai bà, nói với Krstić về cách cha mẹ họ hợp tác trong khoa học, mỗi tối ngồi làm việc cùng nhau. Người vợ đầu của Hans-Albert, Frieda, đã cố gắng xuất bản những bức thư mà Mileva và Albert đã gửi cho con trai của họ nhưng nỗ lực này bị ngăn cản bởi các nhà quản lý di sản của Einstein, Helen Dukas và Otto Nathan nhằm mục đích bảo tồn “huyền thoại” về Einstein. Vào tháng 7 năm 1947, Albert đã viết cho Tiến sĩ Karl Zürcher, luật sư ly hôn của ông: “Sau khi Mileva không còn ở đó nữa, tôi sẽ có thể chết trong hòa bình”. 


Tượng Mileva Marić tại Viện Serbian, ở Serbia, quê hương của bà. Nguồn: nedeljnik.rs

Những lá thư của họ và rất nhiều nhân chứng cho thấy Mileva Marić và Albert Einstein đã hợp tác chặt chẽ từ thời đi học cho đến năm 1914. Albert cũng nhắc đến nó nhiều lần trong các lá thư của mình, giống như khi ông viết: “công việc của chúng ta về chuyển động tương đối”. Sự kết hợp của Mileva và Albert là dựa trên tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau, cho phép họ cùng nhau tạo ra những công trình đặc biệt đến vậy. Bà là người đầu tiên nhận ra tài năng của ông, không có bà, ông khó có thể đạt được thành tựu đến vậy. Bà từ bỏ khát vọng của chính mình, hạnh phúc khi làm việc với ông và đóng góp vào thành công của ông, bà luôn cảm thấy họ là một thực thể duy nhất. Một khi đã bắt đầu, việc các công trình chung được một mình Einstein ký tên là không thể thay đổi. Bà có lẽ đã đồng ý vì hạnh phúc của bà phụ thuộc vào thành công của Einstein. Nhưng cuối cùng tại sao Mileva vẫn im lặng? Là một người kín đáo và độc lập, bà không tìm kiếm danh dự hay sự chú ý của công chúng. Khi hai người đã cộng tác chặt chẽ trong cùng một công trình, rất khó để có thể phân biệt rạch ròi sự đóng góp của từng người. ¨
Hạnh Duyên lược dịch
Nguồn: https://blogs.scientificamerican.com/guest-blog/the-forgotten-life-of-einsteins-first-wife/

 

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)