Nguồn tài nguyên vũ trụ nhiều hơn khả năng sử dụng của con người

Nhà nghiên cứu hành tinh người Hoa Kỳ John Lewis cho rằng, không lâu nữa các nhà doanh nghiệp không gian  có thể khai thác tài nguyên từ các tiểu hành tinh (Asteroid). Sau đây là cuộc trò chuyện về khai thác khoáng sản trên vũ trụ, các trạm tiếp nhiên liệu cho tàu vũ trụ và nguồn tài nguyên vô tận của hệ Mặt trời.

Tạp chí Tuần kinh tế (WirtschafsWoche): Thưa ông Lewis, cách đây 16 năm ông đã viết  trong cuốn sách mang tên “Mining the Sky” tương lai nhân loại có thể khai thác tài nguyên từ các tiểu hành tinh như thế nào. Nay Startup Planetary Resources, nơi ông hiện là một trong những nhà tư vấn, đang có ý định biến ý tưởng này thành hiện thực. Theo ông tại sao ngày nay điều này không còn là khoa học viễn tưởng nữa?

Lewis: Một mặt do công nghệ đã có sự phát triển nhất định để có thể tóm bắt và khai thác được tiểu hành tinh. Mặt khác  Planetary Resources trước hết đã tập hợp được một nhóm các nhà tỷ phú sẵn sàng ủng hộ dự án này. Trong những thập niên gần đây không hề thiếu những ý tưởng tuyệt vời – nhưng lại không có tiền!

Tuy vậy việc  tóm bắt và dẫn dắt một tảng đá khổng lồ trong vũ trụ là một việc làm cực kỳ khó khăn.

Công nghệ cần thiết để phóng tàu vũ trụ hiện đã có. Ngoài ra có 12 nhóm nghiên cứu về các vật thể nhỏ trong vũ trụ – hiện tại tàu thăm dò Dawn của Nasa đang bay quanh  Vesta. Tuy cho đến nay chúng ta hoàn toàn chưa tóm được một tiểu hành tinh nào, nhưng hiện người ta đang thảo luận về những cách tiếp cận hoàn chỉnh khác nhau và tôi nghĩ các giải pháp này đều khả thi.

Mới đây ông tham gia vào một công trình nghiên cứu, kết quả cuộc nghiên cứu này cho thấy để dẫn dắt và khai thác một tiểu hành tinh có độ lớn khoảng 8 m vào quỹ đạo của Mặt trăng cần một khoản tiền lên tới 2,6 tỷ USD. Thực tình khoản chi phí này là quá lớn.

“Người khai thác tiểu hành tinh không tranh giành của bất kỳ ai.”

Những công việc trong vũ trụ đều cỡ bạc tỷ. Nhiệm vụ với  tiểu hành tinh nói trên vì vậy cũng không có gì là quá tốn kém. Việc làm này là cơ hội có một không hai giúp chúng ta thử nghiệm các công nghệ khai khoáng khác nhau trong điều kiện không trọng lượng.

Xin ông nêu vài ví dụ?

Robot có thể bóc tách các tảng đá và đưa chúng vào các nhà máy nghiền trong vũ trụ. Trước mắt cũng chỉ có thể khai thác nguyên liệu ở trên bề mặt, rồi các thiết bị thăm dò có thể tiến hành nung nóng hoặc từ hóa những sản phẩm thu được.  Tại các phòng thí nghiệm ở Đại học  Arizona chúng tôi đã tiến hành hàng trăm thí nghiệm tương tự với nhiều loại nham thạch khác nhau ở bên ngoài Trái đất.
 
Theo ước đoán của ông thì hiện có khoảng bao nhiêu tài nguyên đang bay lượn quanh ta?

Nhà báo hãy xem tiểu hành tinh 1986 DA: nó to chừng 2,3 km, có khối lượng khoảng 40 tỷ tấn. Tiểu hành tinh này có nhiều loại kim loại khác nhau như sắt, đồng, nhôm, platin và vàng – tất cả các kim loại này đều có số lượng lớn hơn con số mà nhân loại đã từng khai thác cho đến nay. Ai muốn mua 1986 DA thì riêng số kim loại platin mà tiểu hành tinh này chứa trị giá trên 60.000 tỷ USD. Riêng những tiểu hành tinh gần Trái đất có trị giá  khoảng  40.000 tỷ USD. Và khối lượng trong vành đai của các tiểu hành tinh có thể còn lớn hơn gấp hàng trăm lần. Nguồn tài nguyên trong vũ trụ nhiều gấp bội khả năng tiêu thụ của nhân loại.

Vậy chúng ta đưa những thứ thu được về Trái đất như thế nào?

Đưa bằng tàu vũ trụ. Tàu vũ trụ Space Shuttles có thể vận chuyển 20 tấn vật tư lên trạm vũ trụ ISS, nhưng thường bay không tải trở về Trái đất. Vì vậy các doanh nghiệp khai khoáng có thể chế biến nguyên liệu lấy được từ các tiểu hành tinh ở gần trạm vũ trụ và đóng thành bao để chuyển về.

Nhưng việc phóng tàu lên vũ trụ luôn là điều rất tốn kém.

John Lewis là người đi tiên phong sáng giá nhất về khai khoáng-tiểu hành tinh. Ông nguyên là  giáo sư về hành tinh học thuộc Đại học Arizona và được dư luận rộng rãi  biết đến qua cuốn sách của ông mang tên “Mining the Sky” phát hành năm  1996.  Nhà khoa học tuổi thất tuần này hiện là cố vấn của Startup Planetary Resources với tham vọng khai thác tiểu hành tinh trong vũ trụ.

Về lý thuyết thì chi phí tiền điện để đưa 1 kg khối lượng lên vũ trụ chỉ hết 1 USD.  Hiện tại khoản chi này lên tới 10.000 USD – vì các tầng tên lửa chỉ sử dụng một lần rồi rơi xuống biển và nhân lực làm việc trên trạm vũ trụ cũng là một khối lượng lớn. Từ lâu đã xuất hiện những giải pháp tiếp cận vũ trụ khôn ngoan hơn nhiều – như phóng bằng điện từ hay tên lửa phóng từ mặt đất nhờ sức đẩy của tia laser. Chúng ta cần tăng tính cạnh tranh và cần có nhiều doanh nghiệp vũ trụ tư nhân với những giải pháp ít tốn kém hơn. Vả lại việc khai thác tài nguyên trên vũ trụ sẽ góp phần thúc đẩy sự nghiệp này.

Thưa ông, thúc đẩy như thế nào?

Các tiểu hành tinh chứa một lượng nước khổng lồ. Ngành du hành vũ trụ không chỉ cần nước để cung cấp cho các nhà du hành vũ trụ mà còn cần có nước để tạo ra nhiên liệu cho tên lửa. Dựa vào lượng nước trong các tiểu hành tinh trong tương lai người ta có thể xây dựng các “cây xăng” trong vũ trụ. Hơn nữa người ta có thể chế tác kim loại tại chỗ, thí dụ làm dầm thép, làm bu lông và  các giá đỡ phục vụ các nhà máy điện Mặt trời trong vũ trụ. Các nhà máy này có thể dùng tia vi sóng để phóng năng lượng về Trái đất.

Ông định xây cất các nhà máy trong vũ trụ?

Để sản xuất các bộ phận bằng kim loại không đòi hỏi phải có những công nghệ phức tạp. Thậm chí một ngày nào đó con người có thể sản xuất tế bào quang điện trong vũ trụ. Khi người ta muốn sản xuất tế bào quang điện trên Trái đất thì việc đầu tiên phải làm là mô phỏng các điều kiện trong vũ trụ: người ta phải xây dựng các phòng siêu sạch và các khoang chân không. Những điều kiện này nhất định đều có trong vũ trụ.

Thưa ông những lợi thế của nhà máy điện trên vũ trụ là gì?

Vệ tinh Mặt trời (Solar-Satelliten) được Mặt trời chiếu sáng liên tục và có thể phóng năng lượng xuống bất kỳ một điểm nào trên Trái đất với giá rất rẻ nếu ở đó có thiết bị thu. Công nghệ này có tiềm năng cải thiện mức sống con người một cách rõ rệt. 

Lịch sử cho thấy trong quá trình chiếm đoạt những nguồn tài nguyên mới bao giờ cũng có kẻ thắng người thua.

Khai khoáng trên Trái đất thường có nghĩa nước giàu bóc lột nước nghèo và người thợ mỏ phải làm việc cực kỳ nặng nhọc với khoản tiền công ít ỏi. Trong vũ trụ thì khác: tiểu hành tinh không thuộc về bất kỳ ai, người khai thác chúng không chiếm đoạt, giành giật của ai. Ở đây cũng không có thiên nhiên để mà tàn phá, không có không khí để gây ô nhiễm. Khi triển khai sử dụng tài nguyên trong vũ trụ ngay từ đầu chúng ta phải tính đến lợi ích của càng nhiều người càng tốt.

Chúng ta đang đề cập đến khoảng thời gian nào, thưa ông?

Có nhiều điều mà trước đây tôi chưa dám nghĩ tới thì có thể mươi năm nữa sẽ trở thành hiện thực trong giao dịch thương mại và mang lại tiền bạc. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng: Khai thác các tiểu hành tinh sẽ là sự thay đổi lớn nhất trong hoạt động kinh tế của con người kể từ cuộc cách mạng công nghiệp và hiện nay chúng ta đang chứng kiến những bước đi đầu tiên.
   
Xuân Hoài dịch
   

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)