Nhân vật chủ chốt ít được biết tới trong Việt Nam Quốc Dân Đảng

LTS: Micheline Lessard là giáo sư duy nhất giảng dạy về lịch sử Việt Nam ở ĐH Ottawa, Canada, chủ yếu nghiên cứu những khía cạnh khuất lấp của lịch sử Việt Nam thời kì thuộc địa, đặc biệt là về những lớp người yếu thế, không có tiếng nói. Quá trình viết sử vẫn được thống trị bởi nam giới và quan điểm của họ, chính vì vậy, phụ nữ thường bị lãng quên, kể cả khi họ rất tài năng và đem lại những đóng góp quan trọng trong lịch sử. Tia Sáng xin giới thiệu bài viết của bà dưới đây, về một nhân vật có vai trò quan trọng trong Việt Nam Quốc Dân Đảng, thậm chí còn được đánh giá là “hoạt động cách mạng vượt xa cả Nguyễn Thái Học” mà rất ít người biết tới.

Khu tưởng niệm VNQDĐ tại thành phố Yên Bái

Ở Quận 1, TP HCM, có hai con đường giao nhau mang tên Cô Giang và Nguyễn Thái Học, như là biểu tượng của sự gặp gỡ giữa hai nhà yêu nước đã chung sức và chung cả cuộc đời để đưa Việt Nam thoát khỏi chế độ thuộc địa. Hai người đều là những thành viên hoạt động sôi nổi và ảnh hưởng lớn trong Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) và đều chết một cách bi kịch, dưới hai hoàn cảnh khác nhau vào tháng 6 năm 1930, sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Di sản của họ được lưu giữ trong không gian công cộng của hầu hết các thành phố lớn, tên họ được đặt cho đường phố và trường học, như sự tri ân cho những gì họ hi sinh vì dân tộc. Dẫu vậy, vẫn có quá ít những gì viết về Nguyễn Thị Giang từ trước đến nay mặc dù những đóng góp và vai trò của bà trong VNQDĐ vô cùng quan trọng và to lớn. Thông thường, những câu chuyện về Nguyễn Thị Giang chỉ tập trung vào tình yêu giữa bà với Nguyễn Thái Học và sự hiên ngang của họ trước cái chết. Trong nhiều tài liệu để lại, bà luôn được khắc họa là người đi theo để được ở gần người mình yêu. Thường xuyên, những quan chức chính quyền thời thuộc địa thường giễu cợt về bà Giang là “người tình” của ông Học, bởi vậy mà hạ thấp vai trò của bà trong VNQDĐ và bôi nhọ “đạo đức” của bà. Việc xem xét một cách cẩn trọng những nguồn thông tin này là rất cần thiết để có thể hiểu một cách đầy đủ mức độ đóng góp của bà vào VNQDĐ cũng như vào phong trào chống thuộc địa nói chung.

Nguyễn Thị Giang sinh ra ở làng quê Bắc Giang vào năm 1906, trong một gia đình có ba người con gái và theo một vài nguồn tư liệu, cả ba người đều tham gia vào các phong trào dân tộc [1]. Nguyễn Thị Giang gặp Nguyễn Thái Học khi mới 22 tuổi khi ông mời bà gia nhập VNQDĐ. Người chị của bà, Nguyễn Thị Bắc cũng gia nhập [2]. Ban đầu, hai người phụ nữ trẻ chỉ chịu trách nhiệm “đối ngoại và tuyên truyền” [3]. Nhưng ngay sau đó, đảng nhận ra trí tuệ và năng lực của bà Giang và giao cho bà những trọng trách quan trọng hơn. Bên cạnh đó, Nguyễn Thái Học đủ tin tưởng Nguyễn Thị Giang để cho bà làm việc với những thông tin tuyệt mật [4]. Mặc dù các nhà sử học không tập trung vào công việc của bà Giang trong VNQDĐ, những tài liệu lưu trữ thể hiện rõ ràng rằng các quan chức thời thuộc địa Pháp hoàn toàn nhận thức được sự can thiệp sâu rộng của bà trong Đảng. Louis Marty, người sau đó làm chỉ huy trưởng của Sûreté Pháp (mật thám) tuyên bố với chính quyền thuộc địa rằng VNQDĐ đã xây dựng hẳn một “bộ phận” do nữ đảm nhiệm mà các thành viên trong đó đóng vai trò to lớn vào các hoạt động chống thuộc địa [5]. Marty thậm chí còn cho rằng “Hoạt động cách mạng của Giang còn vượt xa cả của Nguyễn Thái Học” [6].

Một trong những vai trò quan trọng của Nguyễn Thị Giang là làm người tuyên truyền cho đảng. VNQDĐ có một ban tuyên giáo với mục đích viết, xuất bản, lưu hành sách, tờ rơi và báo phục vụ cho mục đích chiêu mộ những người lính Việt Nam vào phong trào của mình [7]. Trong vai trò này, bà di chuyển khắp miền Bắc Việt Nam, thông báo với những ứng cử viên tiềm năng về sứ mệnh và công việc của VNQDĐ. Bà cũng phát biểu về chiến lược chính trị, về đấu tranh vũ trang với các cá nhân, nhóm và đôi khi cho toàn bộ người dân trong một làng. Nhiều áp phích, tờ rơi xuất bản bởi bộ phận tuyên truyền của Đảng là do bà tự viết.

Với việc tham gia vào những hoạt động tuyên truyền và binh vận, Nguyễn Thị Giang phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Bởi vì, trong thời thuộc Pháp, những nhóm người dám nói về các vấn đề chính trị, về việc giành độc lập dân tộc phải đối mặt với tù tội, lao động khổ sai hoặc lưu đày. Hơn nữa, người Việt Nam di chuyển khắp Đông Dương đều bị yêu cầu thẻ căn cước. Nguyễn Thị Giang vốn bị cảnh sát thuộc địa biết rõ mặt, những chuyến đi của bà đòi hỏi bà phải cải trang và dùng nhiều giấy CMND giả. Bất chấp hiểm nguy, Nguyễn Thị Giang tiếp tục công việc truyền thông và tuyên truyền, cũng như chị của bà là Nguyễn Thị Bắc, người hay đi cùng bà.

Thông qua các mật vụ của mình, mật thám Pháp, giữa năm 1929 và 1930, biết rõ hoạt động của Nguyễn Thị Giang trong VNQDĐ. Khi họ tìm thấy một kíp nổ trong một ngôi làng ở tỉnh Bắc Ninh, các nhân viên mật thám nhanh chóng tìm ra mối liên hệ của sự kiện này với Nguyễn Thị Giang. Họ báo cáo cho Thống sứ Bắc Kỳ rằng hẳn không phải là tình cờ khi những kíp nổ được tìm thấy trong một ngôi làng mà bà thường xuyên ghé thăm, tham gia và tổ chức những “hội nghị cách mạng” ở đó [8]. Sở Mật thám cũng nhận ra thành công trong chiến dịch tuyên truyền của VNQDĐ, họ viết một báo cáo nhận định rằng thông điệp của nó “được đón nhận nồng nhiệt bởi giới trí thức trẻ, đặc biệt là giáo chức và sinh viên” và cũng được “ủng hộ to lớn trong giới quân đội” và “rất nhiều những sĩ quan dự bị người dân tộc trong pháo binh, bộ binh, quản lý tài chính và không quân đều gia nhập Đảng” [9]. Học giả Oscar Chapuishas cũng lưu ý rằng Khởi nghĩa Yên Bái, đã có “một số lượng lớn những người lính Đông Dương đã tham gia VNQDĐ nhờ vào mạng lưới tuyên truyền được dẫn dắt bởi hai người phụ nữ, Cô Giang (Nguyễn Thị Giang) và Cô Bắc (Nguyễn Thị Bắc)” [10].

Ngay khi có được niềm tin của Nguyễn Thái Học với việc giao cho mình những thông tin mật của Đảng, Nguyễn Thị Giang chuyển sang làm nhiệm vụ của một cán bộ liên lạc. Vai trò của bà là đảm bảo thông tin liên lạc trong mạng lưới giữa các thành viên và các đơn vị của đảng được an toàn. Công việc của bà với cương vị là một liên lạc viên giúp cho Đảng có thể truyền đi những thông tin quan trọng liên quan đến việc hành động của các căn cứ, và cảnh giác với các gián điệp trong hàng ngũ VNQDĐ. Để tránh bị lộ, các liên lạc viên không thể sử dụng những cách thức giao tiếp thông thường và chính thống như gửi thư qua đường bưu điện hoặc điện tín, bởi vậy các liên lạc viên luôn mang bên mình các chỉ thị viết tay cũng như các giấy ghi chú, thư trao đổi giữa các đảng viên. Khi yêu cầu về an toàn buộc những đảng viên VNQDĐ không được rời nơi ẩn nấp vì họ đang bị truy lùng bởi mật thám, liên lạc viên là những người đến tận nơi trốn của các đảng viên để cung cấp cho họ những thông tin nhạy cảm. Trong sách viết về VNQDĐ, Hoàng Văn Đào viết về công việc liên lạc của Nguyễn Thị Giang: “Khi Nguyễn Thái Học cải trang và giấu mình ở các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Phú Thọ, rừng núi hiểm trở càng khiến cho việc lên đó thêm khó khăn và hiểm nguy, bà vẫn luôn mang đến cho ông những tin tức, thông tin và truyền đi những chỉ thị của ông cho các cơ sở đảng địa phương” [11].

Báo cáo của Louis Marty về các hoạt động dự kiến của VNQDĐ vào năm 1934 và sau đó là về Khởi nghĩa Yên Bái tiết lộ rằng khi Nguyễn Thái Học bị bắt và giam ở nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội vào tháng 2 năm 1930, Nguyễn Thị Giang vẫn đóng vai trò là liên lạc viên giữa ông và Lê Hữu Cảnh, người thay Nguyễn Thái Học lãnh đạo Đảng [12]. Hoàng Văn Đào cho rằng lúc đó, Nguyễn Thị Giang là cố vấn chính của VNQDĐ [13]. Sự cống hiến và tầm quan trọng của Nguyễn Thị Giang với đảng được Louis Marty khẳng định khi ông nhận xét bà là một liên lạc viên “kiên gan” [14]. Bằng chứng rõ ràng cho công việc liên lạc của Nguyễn Thị Giang là khẳng định đóng góp to lớn cho đảng bởi vì nó giúp cho tổ chức này tiếp tục hoạt động mặc dù bị đàn áp dữ dội bởi chính quyền thuộc địa và mặc dù những thủ lĩnh chủ chốt của VNQDĐ bị bắt giam.

Công việc liên lạc vô cùng khó khăn và nguy hiểm đối với Nguyễn Thị Giang. Bà di chuyển liên lục, thường hóa trang để cảnh sát không thể nhận ra. Sở mật thám ý thức được công việc của bà và thậm chí còn phổ biến về mô tả bề ngoài của bà cho tất cả các mật vụ của họ [15]. Một nguồn tin giấu tên cho biết có lần, khi bà đang ở nhà một đảng viên khác thì cảnh sát xông vào và bắt giữ người đồng đội của bà. Nhưng Nguyễn Thị Giang thì đã kịp trốn thoát [16]. Khả năng qua mặt chính quyền của bà thực sự xuất sắc, nếu kể đến việc bà có một đặc điểm nhận dạng rất đặc trưng và dễ lộ: mắt bà bị lác. Khả năng này của bà còn giúp cho cả những đảng viên khác nữa, khi cảnh sát đàn áp và săn tìm những người theo Khởi nghĩa Yên Bái, bà đã giúp những người đồng đội của mình trốn thoát và ẩn nấp ở nơi an toàn. Chẳng hạn như, bà đã đưa người đồng đội Nguyễn Văn Viên (người chỉ huy vụ ám sát cai mộ phu Alfred François Bazin năm 1929 – ND) tới nơi an toàn ở Hải Phòng và từ đó ông có thể vượt biên sang Trung Quốc [17].

Một thành tựu khác, ít được biết đến hơn của bà Nguyễn Thị Giang đó là lên kế hoạch và tổ chức khởi nghĩa vũ trang chống lại chế độ thuộc địa và những kẻ phản bội VNQDĐ. Theo những tài liệu tìm được trong kho lưu trữ, vào năm 1929, Sở Mật thám phát hiện ra ít nhất 150 quả bom ở tỉnh Bắc Ninh. Một trong số sáu người bị bắt và bị buộc tội đặt bom khai với cảnh sát rằng chính Nguyễn Thị Giang là người hướng dẫn chế tạo và đặt những quả bom này [18]. Có bằng chứng cho thấy rằng VNQDĐ cũng bày kế hoạch để ám sát người sau đó là Toàn Quyền Đông Dương Pierre Pasquier cũng như rất nhiều quan chức Pháp cao cấp khác. Khi bị thẩm vấn, Lê Văn Cảnh, một thành viên VNQDĐ bị bắt, tiết lộ rằng ông đã viết một chỉ thị bằng mực vô hình thừa lệnh Nguyễn Thị Giang, tuyên bố rằng đã đến lúc chấm dứt thời kì thuộc địa của Việt Nam và việc ám sát Pasquier sẽ đóng vai trò như một sự khởi đầu và là lời cảnh báo nghiêm khắc [19]. Chỉ thị của bà Giang cũng kêu gọi nỗ lực tiếp tục chiêu mộ thêm thành viên và ám sát càng nhiều “kẻ thù của đảng càng tốt” [20]. Lời kêu gọi cho những cuộc ám sát cụ thể được đưa ra bởi Nguyễn Thị Giang đều nhất quán với chiến lược chung của VNQDĐ.

Tượng đài Nguyễn Thái Học và các nhân vật chủ chốt trong VNQDĐ trong Khu tưởng niệm VNQDĐ tại thành phố Yên Bái, gồm bốn nhân vật: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính và Nguyễn Thị Giang.

Sử dụng những vụ ám sát như một phương thức để loại bỏ những nguy cơ xảy đến với VNQDĐ không chỉ giới hạn trong những đối tượng người Pháp. Báo cáo của Sở Mật thám chỉ ra rằng Nguyễn Thị Giang còn chịu trách nhiệm trong việc ra lệnh ám sát một người đàn ông tên là Nguyễn Văn Ngọc, kẻ bị tình nghi là mật vụ của Sở Mật thám. Mặc dù kẻ này về sau bị bắt và tống giam, Ngọc bị siết cổ trong tù, khả năng là do lệnh của bà Giang [21]. Một đảng viên khác, Phạm Thành Dương, người đã tiết lộ thông tin khiến Sở Mật thám dò ra được vị trí đặt kíp nổ, cũng bị giết bởi chỉ thị của bà Giang [22]. Báo cáo của cảnh sát Pháp cũng chỉ ra Nguyễn Thị Giang có liên đới tới vụ ám sát của một người đàn ông tên là Nguyễn Bình. Khi đưa ra tấm ảnh của Nguyễn Thị Giang, một trong những kẻ đồng phạm thực hiện vụ ám sát xác nhận bà có mặt trong cuộc họp bàn kế hoạch giết Bình [23].

Trong quá trình diễn ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái vào đầu những năm 1930, bà cùng với người chị của mình, Nguyễn Thị Bắc và một người phụ nữ khác gọi là Đỗ Thị Tâm, cùng nằm trong một tiểu đội [24]. Vào ngày khởi nghĩa, Nguyễn Thị Giang đã có mặt ở Yên Bái để tiến hành nhiệm vụ của mình, mang theo toán quân đến một nơi an toàn trong núi. Trong khi đó, Nguyễn Thị Bắc, cùng những người khác, cải trang và hành động như những tiểu thương, thực ra là vận chuyển vũ khí từ Phú Thọ đến Yên Bái [25]. Mặc dù cuộc nổi dậy của Yên Bái bị đánh bại bởi quân đội Pháp, nhưng nó vẫn giáng một đòn mạnh mẽ vào danh dự và an ninh của chính quyền thuộc địa. Tuy nhiên, sự đáp trả của chính quyền thuộc địa Pháp rất tàn nhẫn. Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của ông bị bắt, tống giam và tử hình vì đứng sau điều phối cuộc nổi dậy. Nguyễn Thị Giang xoay sở và trốn thoát nhưng bà hiểu rằng bà có thể sẽ phải đối mặt với số phận tương tự khi Sở Mật thám tìm ra bà. Chị của bà, Nguyễn Thị Bắc, cũng đã bị bắt và dẫn đến nhà tù Hỏa Lò. Bà Bắc bị buộc tội hành động phá hoại an ninh của Đông Dương. Bà bị tuyên án tù 20 năm trong phiên tòa và sau đó bị đem đến nhà tù Côn Đảo [26]. Dẫu vậy, mặc dù nguy hiểm, vào 17/6/1930, Nguyễn Thị Giang vẫn tìm đường đến được Yên Bái, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa và nơi sẽ diễn ra cuộc hành quyết của Nguyễn Thái Học. Trong trang phục của người tiểu thương, bà trà trộn vào đám đông ở pháp trường, chờ để chứng kiến cuộc hành hình. Nguyễn Thị Giang không gây ra bất kì sự chú ý nào khi bà quan sát lưỡi dao của chiếc máy chém tiến dần đến người đàn ông mà bà gọi là chồng. Mô tả lại cuộc hành quyết, Sở Mật thám báo cáo rằng có khoảng 60 người đến xem “hầu hết là phụ nữ và thanh niên” [27]. Một lần nữa, Nguyễn Thị Giang vẫn không hề bị phát hiện trước sự hiện diện của rất nhiều nhân viên cảnh sát.

Hai ngày sau khi Nguyễn Thái Học bị hành hình, tại quê hương của ông, những người tiểu thương bắt gặp thi thể của một người phụ nữ trẻ trong trang phục tang, nằm trên đồng ruộng, chết vì vết thương do súng bắn. Họ biết được đó là Nguyễn Thị Giang bởi họ tìm thấy hai lá thư được ký tên gài trong quần áo của bà. Cuối cùng, người em gái bà Giang, Nguyễn Thị Tỉnh, nhận ra đấy là chị của mình. Trong những bức thư của mình, bà Giang giải thích lý do bà quyên sinh. Một lá thư nói về nỗi đau của bà sau cuộc hành quyết Nguyễn Thái Học, diễn tả mong muốn của bà “được theo chồng lên thiên đàng”.  Để theo chồng, bà dùng khẩu súng lục của Nguyễn Thái Học. Bà đã từng yêu cầu ông đưa cho bà để khi ông bị giết, bà có thể dùng nó để kết liễu đời mình [28]. Bức thư thứ hai được gửi đến cha mẹ của Nguyễn Thái Học:

“Thưa Thầy, Mẹ,

Con chết là vì hoàn cảnh bó buộc con; không báo được thù nhà, rửa được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở Đền Hùng. Giờ con tìm về chỗ quê cha, đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con!

Đứa con dâu bất hiếu kính lạy.

Nguyễn Thị Giang” [29],

Có quá ít các tài liệu lưu trữ liên quan đến việc bà Giang tự vẫn, chúng ta chỉ còn lại hai bức thư, được giữ trong hồ sơ của Trung tâm lưu trữ của Bộ Ngoại giao Pháp tại tỉnh Aix-en-Provence, Pháp. Từ những ghi chú viết tay này, chúng ta chỉ biết được rằng cuộc sống nằm ngoài sức chịu đựng của bà vì cái chết của Nguyễn Thái Học và bởi hoạt động chính trị của họ làm tổn hại tới gia đình. Bà Giang cũng lo lắng cho những hiểm nguy mà các đồng đội làm cách mạng của mình sẽ phải đối mặt.

Điều chúng ta cần nhớ về Nguyễn Thị Giang, tuy nhiên, không chỉ nằm ở sự cống hiến cho Nguyễn Thái Học hay sự quyên sinh của bà. Nguyễn Thị Giang nên được ghi nhận như một người yêu nước, một người làm cách mạng với một ý chí độc lập, người tham gia, thậm chí là còn tích cực hơn những đảng viên khác trong cuộc vật lộn giành độc lập cho Việt Nam từ tay chính quyền thực dân Pháp. Những hoạt động của bà đã kêu gọi vô kể thành viên tham gia vào đảng. Nguyễn Thị Giang đã dành gần ba năm di chuyển khắp miền Bắc Việt Nam, đánh cược mạng sống của mình, để truyền tải những thông tin quan trọng và đảm bảo rằng VNQDĐ hoạt động được thông suốt và an toàn. Hơn nữa, bà tổ chức, lên kế hoạch và tham gia cuộc khởi nghĩa vũ trang chống lại quân đội và sĩ quan Pháp. Đóng góp của bà vào VNQDĐ và để đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam từ năm 1927 đến 1930 đầy xuất sắc. Bản thân chính quyền thực dân và cảnh sát Pháp đều biết và ghi nhận điều đó. 

Hảo Linh dịch

Chú thích:

 

1 Phuong Bui Tranh, “Femmes vietnamiennes pendant et après la colonisation française et la guerre américaine : réflexion sur les orientations bibliographiques,” in Histoire des femmes en situation coloniale, edited by Anne Hugon, paris : Karthala, 2004, p. 78

2 Cô Giang : Follow him to Heaven, Virtual Vietnam Archive, Douglas Pike Collection: Unit 08 Biography, Item #48929, p. 33.

3 Phut Tan Nguyen, A Modern History of Vietnam, 1802-1954, Hanoi: Nha San Khai Tri, 1964, p. 380.

4 Lang Nhan, Nhung Tran Danh Phap. Tu Ham Nghi Den Nguyen Thai Hoc, 1885-1931, Houston, TX: Zieleks, 1987, p. 205.

5 Louis Marty, Contribution à l’histoire des mouvements politiques de l’indochine française, Hanoi :1933.

6 Ibid.

7 Archives nationales d’Outre-mer (ANOM), Gouvernement général de l’indochine (GGI), Dossier 65517, Rapport du président de la commission criminelle, p. 32.

8 ANOM, Service de liaison avec les originaires des territoires français d’Outre-mer (SLOTFOM), Série 3, Carton 131.

9 Louis Marty, Contribution à l’histoire des mouvements politiques de l’indochine française, Hanoi :1933.

10 Oscar Chapuis, The Last Emperors of Vietnam. From Tu Duc to Bao Dai, Westport CT: Greenwood Press, 2000, p. 109.

11 Hoang Van Dao, Viet Nam Quoc Dan Dang. A Contemporary History of a National Struggle, 1927-1954, translated by Huynh Khue, Pittsburgh: Rose Dog Books, 2009, p. 488.

12 Louis Marty, Contribution à l’histoire des mouvements politiques de l’indochine française, Hanoi :1933.

13 Hoang Van Dao, Viet Nam Quoc Dan Dang. A Contemporary History of a National Struggle, 1927-1954, translated by Huynh Khue, Pittsburgh: Rose Dog Books, 2009, p. 127.

14 Louis Marty, Contribution à l’histoire des mouvements politiques de l’indochine française, Hanoi :1933.

15 Cô Giang : Follow him to Heaven, Virtual Vietnam Archive, Douglas Pike Collection: Unit 08 Biography, Item #48929, p. 34.

16 Ibid.

17 Ibid.

18 ANOM, SLOTFOM, Série 3, carton 131.

19 ANOM, Résidence supérieure du Tonkin (RST) Police de Sûreté, Commissaire spécial, Procès verbal, 1930

20 Ibid.

21 Louis Marty, Contribution à l’histoire des mouvements politiques de l’indochine française, Hanoi :1933.

22 Ibid.

23 ANOM, RST, Commisariat special de la Sûreté, 21 Août 1930.

24 ANOM, SLOTFOM, Série 3, carton 131.

25 Ibid.

26 She was released six years later, in 1936, when the French metropolitan Front Populaire government ordered the release of a number of political prisoners ANOM, RST, Dossier 2244.

27 ANOM, Fonds ministériels (FM), Nouveaux Fonds (FM), Dossier 2626 Service de la Sûreté du Tonkin, Note confidentielle 7880.

28 Hoang Van Dao, Viet Nam Quoc Dan Dang. A Contemporary History of a National Struggle, 1927-1954, translated by Huynh Khue, Pittsburgh: Rose Dog Books, 2009, p. 490.

29 Ibid.

30 ANOM, GGI, Dossier 65537, Police de l’Indochine, Service de la Sûreté du Tonkin, Suicide de Nguyen Thi Giang.

 

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)