Nhật Bản: Chờ Hayabusa 2 lấy mẫu từ Ryugu

Nhóm thực hiện nhiệm vụ Hayabusa 2 của Nhật Bản hiện đang chờ xem tàu thăm dò Hayabusa 2 có thu được mẫu từ thiên thạch hay không.

Tàu Hayabusa 2 hạ cánh trên bề mặt của tiểu hành tinh Ryugu lúc 7:49 sáng giờ Nhật Bản ngày 22/2. Lần hạ cánh này tuy ngắn nhưng mang tính lịch sử. Tàu thám hiểm đã chạm xuống tiểu hành tinh và sau đó quay trở lại quỹ đạo của nó, Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản thông báo trên trang tweet của mình. Nhóm thực hiện nhiệm vụ hiện vẫn đang chờ xem Hayabusa 2 có thu được mẫu từ thiên thạch Ryugu hay không.

Nếu thành công, đây sẽ là lần thứ hai trong lịch sử một tàu thăm dò đã thu thập được mẫu từ một tiểu hành tinh, sau nhiệm vụ Hayabusa thực hiện năm 2005. Việc vận hành tàu được coi là một trong những điểm có nguy cơ rủi ro cao đặc biệt của nhiệm vụ này – bề mặt của thiên thạch Ryugu có đầy những tảng đá có thể làm hỏng tàu. Nhật Bản thực hiện nhiệm vụ Hayabusa 2 để nhằm mục đích đưa các mẫu vật liệu thiên thạch trở về Trái đất vào cuối năm 2020 để nghiên cứu.

“Việc hạ cánh này của tàu đã diễn ra rất suôn sẻ”, Satoshi Hosoda, từ cơ quan vũ trụ Nhật Bản JAXA, nói. “Những người tham gia nhiệm vụ đều rất căng thẳng nhưng sau đó thì ai cũng cười và tất cả mọi người ôm chầm lấy nhau vì vui sướng,” ông Hosoda nói.

Theo dự kiến, khi tàu thám hiểm hạ cánh sẽ bắn vào bề mặt thiên thạch một viên đạn. Viên đạn này sẽ làm bắn cát, đá cuội và các mảnh đá vào buồng thu gom. Nếu kế hoạch sử dụng đạn thất bại, tàu cũng có các răng xúc có thể nâng vật liệu trên bề mặt thiên thạch lên tàu thám hiểm.

Nhóm nghiên cứu cho biết lệnh cho đạn bắn đã được thực hiện theo kế hoạch.

Hayabusa2 bắt đầu rơi chậm về phía Ryugu khoảng 26 giờ trước giờ hạ cánh, bắt đầu từ độ cao 20 km, nơi nó đã lượn vòng quanh. (Lực hấp dẫn yếu của Ryugu khiến các vật thể rất khó giữ được quỹ đạo bay quanh nó.)

Tàu Hayabusa 2 tự điều khiển trong hành trình hạ cánh xuống Ryugu. Tàu cũng được cài đặt để sẵn sàng hủy lệnh hạ cánh bằng cách tự đẩy mình lên trở lại, nếu có sự cố bất thường xảy ra. Trong khi bề mặt của tiểu hành tinh quay chậm bên dưới nó, Hayabusa2 khóa mục tiêu điểm hạ cánh vào một “thiết bị đánh dấu”- về cơ bản là một dạng túi nệm nhỏ phản quang mà nó đã phóng lên trên bề mặt từ trước.

Các nhà khoa học của nhiệm vụ đã đặt tên cho vị trí mục tiêu là L08-E1. Điểm này là một trong những lựa chọn tốt nhất có thể trên tiểu hành tinh Ryugu, với bề mặt gần như được bao phủ hoàn toàn bằng những tảng đá có kích cỡ khác nhau. Va phải một tảng đá trong quá trình điều khiển hạ cánh có thể gây ra hậu quả tai hại cho nhiệm vụ.

Hayabusa 2 ra mắt vào cuối năm 2014 và đến được Ryugu – một vật thể chỉ rộng 1 km trên một quỹ đạo cách Trái đất không xa – vào tháng 6/2018. JAXA sau đó đã lập bản đồ bề mặt chi tiết của Ryugu và chọn các địa điểm cho một cuộc đô bộ đa hướng lên thiên thạch này. Tàu mẹ đã gửi đi ba tàu thăm dò nhỏ lên bề mặt Ryugu, các tàu này đã gửi ảnh về vào tháng Chín và tháng Mười.

Giai đoạn tiếp theo, thậm chí táo bạo hơn của nhiệm vụ sẽ liên quan đến Hayabusa2 là bắn một chất nổ vào bề mặt để tạo ra một miệng hố nhỏ. Sau đó, tàu sẽ cố gắng hạ cánh một lần nữa để thu thập một số vật liệu dưới bề mặt được xới lên từ tác động.

Tàu thăm dò sẽ quay trở lại Trái đất vào cuối năm 2019 và viên nang mang mẫu của nó dự kiến sẽ trở về bầu khí quyển trái đất vào cuối năm 2020.

Hoàng Nam dịch

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-019-00671-3

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)