Nhật Bản tái khởi động nhà máy điện hạt nhân

Ngày 11/8 vừa qua, Nhật Bản đã khởi động trở lại lò phản ứng hạt nhân đầu tiên tại nhà máy ĐHN Sendai ở TP Satsumasendai, tỉnh Kagoshima, sau thảm họa Fukushima năm 2011. Lò phản ứng này đã vượt qua vòng kiểm tra hồi tháng 9/2014 và trở thành lò đầu tiên được Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Nhật Bản công nhận đạt chuẩn an toàn, đồng thời cũng là lò phản ứng đầu tiên được kích hoạt kể từ khi các tiêu chuẩn an toàn mới được đưa ra vào năm 2013.

Việc tái khởi động lò phản ứng hạt nhân 30 tuổi đời này là một chiến thắng cho Thủ tướng Shinzo Abe trước sự phản đối của phần đông cử tri, những người vẫn mang tâm lý phản đối hạt nhân mạnh mẽ, dù rằng giá điện không ngừng tăng cao. Theo ông, nếu không có năng lượng hạt nhân, nền kinh tế Nhật Bản sẽ sụp đổ dưới sức nặng của áp lực nhập khẩu nguồn dầu và khí gas đắt đỏ.

Những người phản đối cho rằng đơn vị điều hành nhà máy hạt nhân Sendai, Công ty Kyushu Electric, và chính quyền địa phương vẫn chưa đưa ra được cách thức di tản hàng chục nghìn cư dân ở đây nếu lại xảy ra sự cố giống như Fukushima. Một đại diện của nhóm phản đối nói: “Ở gần nhà máy có nhiều trường học và bệnh viện, nhưng không ai nói cho chúng tôi biết làm thế nào để di tản người già và trẻ em cả. Mà khi sự cố xảy ra thì dĩ nhiên các ngả đường giao thông sẽ tắc nghẽn vì xe cộ, vì lở đất, vì đường xá và cầu cống bị hư hại.” Ngoài ra cũng còn nhiều ý kiến nghi ngại về độ tin cậy của một lò phản ứng hạt nhân già cỗi, đã phải ngưng hoạt động để kiểm tra độ an toàn từ năm 2011. Vị đại diện trên nói: “Tại sao chúng tôi phải đặt lòng tin của mình vào cái lò phản ứng đã hoạt động ròng rã hơn 30 năm?”

Do các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy phần lớn người dân Nhật Bản đều phản đối việc tái khởi động nhà máy ĐHN, nên chính quyền TP Satsumasendai quyết định không tổ chức thăm dò ý kiến người dân. Một người phản đối cho biết: “Họ không chịu tổ chức trưng cầu dân ý vì họ sợ kết quả thu về sẽ ra sao. Họ biết thừa rằng nước Nhật vẫn sống tốt mà không cần đến ĐHN trong gần hai năm qua.”

Tuy nhiên, với những người ủng hộ, việc đóng cửa nhà máy trong thời gian dài như vậy đã gây ra những thiệt hại cho người dân TP Satsumasendai. Khi còn hoạt động, nhà máy này đã đóng góp ba tỉ yên (khoảng 25 triệu USD) vào nền kinh tế thành phố, chủ yếu thông qua hoạt động của ba nghìn lượt nhân viên thường lui tới thành phố hai lần mỗi năm để kiểm tra độ an toàn của nhà máy. Satsumasendai còn được nhận được khoản trợ cấp hằng năm trị giá hơn một tỉ yên vì là nơi đặt các lò phản ứng hạt nhân.

Một số cư dân ở đây cho rằng việc đóng cửa nhà máy quá lâu đã làm hoạt động thương mại ở thành phố bị tê liệt; doanh thu của các khách sạn, nhà hàng, và các ngành dịch vụ khác đều giảm đi đáng kể. Một người làm nghề xây dựng nói: “Đây là thành phố quê hương tôi, và tôi không muốn thấy kinh tế của nó bị đình đốn. Nhà máy ĐHN đã tạo ra nhiều công ăn việc làm, nhất là trong ngành xây dựng. Tôi tin chắc rằng người làm xây dựng nào ở đây cũng mong nhà máy sớm mở cửa trở lại.”

Trang Bùi tổng hợp

Tác giả