Nhật xây thành phố dưới đáy biển

Trong khi các nhà khoa học châu Âu cho tàu vũ trụ đổ bộ lên sao chổi ở cách Trái đất hàng triệu km thì một công ty kiến trúc Nhật lại tuyên bố họ tiến theo một hướng khác.

Báo Washington Post ngày 21/11 cho biết, Tập đoàn Shimizu vừa công bố một bản thiết kế làm mọi người sửng sốt: họ chuẩn bị xây dựng một đô thị đi từ mặt biển xuống đáy biển, gồm các cơ sở nghiên cứu, khu mua sắm và nhà ở. Dự án có tên “Ocean Spiral”, cần vốn 26 tỷ USD, thời gian thi công là 5 năm, đã nhận được sự ủng hộ của nhiều đơn vị nghiên cứu và cơ quan chính quyền Nhật. Một cấu trúc hình xoắn ốc dài 15 km sẽ đi từ đáy lên mặt biển, thông tới một hình cầu khổng lồ có đường kính 460 m, bên trong hình cầu này bố trí khách sạn, chung cư và khu thương mại, có thể chứa 5.000 người. Còn trạm nghiên cứu nằm ở đáy kiến trúc này sẽ nghiên cứu cách khai quật năng lượng ở đáy biển.

Người phát ngôn của Tập đoàn Shimizu nói với phóng viên tờ Wall Street Journal: “Đây chỉ là bản thiết kế của công ty chúng tôi, hiện giờ chúng tôi đang nghiên cứu triển khai các công nghệ cho phép xây dựng không gian sống dưới nước.” Chênh lệch nhiệt độ giữa các tầng của tòa kiến trúc này có thể được dùng để phát điện.

Các công ty kiến trúc Nhật nổi tiếng thế giới về những ý tưởng kiến trúc kỳ dị. Tập đoàn Obayashi, đối thủ cạnh tranh của Tập đoàn Shimizu, đã tuyên bố kế hoạch xây dựng chiếc “Thang điện” dài 97.000 km lên vũ trụ, dự định hoàn thành vào năm 2050. Shimizu cũng công bố dự án xây dựng đô thị nổi (floating metropolis) và vành đai năng lượng mặt trời vòng quanh Mặt trăng.

Bản thiết kế Ocean Spiral của Tập đoàn Shimizu đưa ra đúng vào lúc ngày càng có nhiều chính phủ, công ty xuyên quốc gia và tổ chức quốc tế đau đầu vì vấn đề làm thế nào đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng nước biển dâng cao và khí hậu biến đổi.

Christian Dimmer, Phó giáo sư nghiên cứu đô thị ở Đại học Tokyo, cho rằng những dự án loại này không nên để các tập đoàn tư nhân một mình thực thi. Ông nói với báo The Guardian: Vào thập niên 1980, nước Nhật đã có những dự án như vậy, khi một số tập đoàn từng đề nghị xây dựng thành phố ngầm dưới đất và tòa tháp cao 1.000 m.

Nhiều cái đầu giàu sức sáng tạo vắt óc suy nghĩ cách đối phó tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao và xây dựng các khu nhà ở có tính thích ứng mạnh hơn, đây là điều tốt. Nhưng tôi mong rằng chúng ta chớ nên quên xét tới việc trong tương lai, các đô thị càng cần cởi mở và dân chủ; trong các đô thị đó, người dân không chỉ là vị khách trong đầu óc không tưởng của một tập đoàn mà họ cần phát huy tác dụng tích cực trong quá trình xây dựng đô thị.”

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)