Nhiếp ảnh 3D

Những bức ảnh nổi là sự kết hợp của vật lý quang học chính xác với công nghệ số hóa do nhóm nghiên cứu của phòng thí nghiệm CoopLab3D (Viện Khoa học Vật liệu) phát triển. Việc nghiên cứu bắt đầu từ 1996, sau hơn 10 năm "mày mò", đến đầu năm 2006, nhóm nghiên cứu đã có thể triển khai công nghệ và bắt đầu thương mại hóa sản phẩm.

TS Phạm Hồng Dương, người đứng đầu nhóm nhiên cứu cho biết, một bức ảnh nổi tích hợp 3D phải tích hợp từ 20-30 bức ảnh chụp đồng thời ở các góc chụp liên tiếp nhau để có được thông tin 3 chiều không gian của sự vật. Các bức ảnh được xử lý trên máy tính cấu hình cao thông qua một phần mềm chuyên dụng để cuối cùng cho ra một bức ảnh tích hợp đầu ra. Bức ảnh tích hợp này, sau đó, được dán lên một lớp mạng vi thấu kính mỏng dày 1-3mm. Lớp vi thấu kính có tác dụng gửi đến người quan sát những hình ảnh của sự vật ứng với những góc nhìn khác nhau. Ở bất cứ góc nhìn nào, mắt phải và mắt trái đều nhận được hai hình ảnh độc lập trong số 20 -30 bức ảnh. Nhờ hiệu ứng chập ảnh của mắt nên chúng ta quan sát được hình ảnh lập thể.
Kích thước bức ảnh 3D do nhóm nghiên cứu thực hiện có thể đạt 60x90cm, trong trường hợp đặc biệt, có thể lên tới khổ A0 (80x120cm). Nếu như sản phẩm ảnh 3D thương mại của Trung Quốc mới chỉ dừng ở ảnh cắt lớp với chiều sâu rời rạc, thì ảnh 3D do nhóm nghiên cứu phát triển đã có độ nét tương đương với sản phẩm của Nhật.
 

Một Studio chụp ảnh 3D được mở tại 523 Kim Mã, Hà Nội. Sản phẩm của studio dành cho quảng cáo; đồ họa cho kiến trúc sư thể hiện mô hình kiến trúc trong không gian nổi; bưu thiếp 3D. Tuy nhiên giá thành của một bức ảnh nổi tích hợp 3D tương đối cao so với mức thu nhập của người Việt Nam. Chẳng hạn, một bức ảnh nổi tích hợp khổ A1 (60x90cm) có giá khoảng 3.000.000 đồng, khổ A5 (12x13cm) khoảng 200.000đồng. Công nghệ Studio chụp 3D cũng có thể chuyển giao cho các họa sĩ, kiến trúc sư có công việc cần tới công nghệ này. “Các họa sỹ có thể phát triển một trường phái tranh 3D để diễn tả một cách sống động với hàm lượng nội dung truyền tải cao và tăng cường tính sáng tạo. Đó cũng là một hướng mới đầy thú vị cho giới hội họa và nhiếp ảnh” – TS Dương cho biết.
Không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu ảnh nổi tích hợp 3D, nhóm nghiên cứu của CoopLab3D bắt đầu đi vào nghiên cứu và triển khai phim nổi 3D và mô phỏng 3D Stereo. Một hướng khác mà nhóm đang tập trung thực hiện là xây dựng cabin 3D thực tại ảo phục vụ cho việc học lái xe ô tô, tàu thuỷ… Viện phim Việt Nam và công ty CadPro đã mời phòng thí nghiệm CoopLab3D hợp tác chính trong lĩnh vực hình ảnh động 3D. Ngoài ra, nhóm đã triển khai nghiên cứu chế tạo máy tính 3D bao gồm phần mềm 3D, phần cứng 3D và màn hiển thị 3D. Nhưng điều khác biệt ở đây là các nhà khoa học đã sử dụng hai màn hình tinh thể lỏng LCD để tạo ra một màn hình 3D cho phép hiển thị những hình ảnh và phim nổi 3D đối với người xem. Những nguyên vật liệu này đều có sẵn ở Việt Nam với giá cả hợp lý.

Không giống với điện ảnh 3D dùng kính phân cực để quan sát, ảnh nổi tích hợp 3D không phải dùng kính. Một bức ảnh 3D chứa lượng thông tin nhiều gấp 10-20 lần một bức ảnh thông thường. Vì chụp đồng thời ở nhiều góc độ khác nhau và được mã hoá nên ảnh nổi 3D có khả năng biểu cảm tốt, thể hiện được chiều sâu, độ chìm nổi của sự vật và có thể quan sát được cả những hình ảnh ở góc khuất trong bức tranh. Một điều đặc biệt nữa, ngoài thể hiện không gian 3D, ảnh tích hợp 3D còn thể hiện được cả chiều thời gian của sự vật. Hơn nữa, độ nét, độ mịn, bố cục tương đương với ảnh kỹ thuật số thông thường và sự nhoè hình được triệt tiêu.

Đức Phường

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)